Giữ cho con trẻ thói quen đọc sách

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
Giữa thời đại mà trẻ con vài ba tuổi đã hí hoáy chơi game bằng Ipad, rành rẽ smartphone hơn cả phụ huynh và thích nhìn chăm chăm vào tivi hơn chơi trốn tìm, trèo cây - tập cho con thói quen đọc sách là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng cần thiết.

Xin chia sẻ với các bạn bài viết của môt bà mẹ trẻ, có hai nhóc sinh đôi 4 tuổi và một em bé mới hơn một tuổi về kinh nghiệm giúp con mê sách. Tôi luôn nung nấu quyết tâm: Sẽ tắt các thiết bị điện tử để mở cửa tâm hồn các con bằng các hoạt động bổ ích hơn như vận động ngoài trời hay đọc sách.




Bọn trẻ nhà tôi đang trong thời điểm vàng để tăng trí thông minh, có thể tiếp thu và ghi nhớ bằng mọi giác quan. Vì thế, tôi đã hướng cho con ham mê đọc sách, đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, muốn để một đứa trẻ trở nên thông minh hơn, hãy để cho trẻ đọc nhiều sách.

Đọc sách khiến cho hệ thống ngôn ngữ của trẻ con phát triển tốt hơn, đồng thời có thể khiến cho nền tảng trí tuệ của trẻ trở nên phong phú hơn, từ đó khiến cho khả năng tư duy và khả năng học kiến thức mới của tốt hơn.


Đọc sách giúp những trẻ sống nội tâm phát huy sức mạnh và tự tin hơn vào bản thân, giúp những trẻ quá năng động biết lắng nghe, chia sẻ cảm xúc với người khác hơn. Sách giúp cân bằng giữa hướng ngoại và hướng nội - yếu tố tạo nên sự thành công của một con người. Nhưng rất khó để con lựa chọn sách khi bên cạnh luôn có các sở thích hấp dẫn khác mà cuộc sống hiện đại mang đến.



Tôi đã phải tìm mọi cách đặt sách vào thế giới của bé, trộn lẫn chúng vào với nhau. Khi con còn rất nhỏ, tôi đã để những quyển sách nhiều màu sắc hình ảnh khơi gợi trí tưởng tượng cũng như sự tò mò trong tầm mắt tiếp xúc của con (trên giường, trên bàn, trên xe tập đi...). Tôi biến sách thành những đồ chơi, ban đầu hấp dẫn bé vì hình dáng màu sắc...

Khi con lớn hơn, tôi kể chuyện cho con hay đọc cho con nghe những truyện tranh lịch sử, văn hoá, cổ tích. Nhưng công việc này cũng không phải đơn giản và đòi hỏi sự kiên nhẫn và chịu khó của bố mẹ - những người bị áp lực về thời gian và sức lực.

Ở nhà tôi, mẹ bận em nhỏ nên bố được giao trách nhiệm đọc sách cho con. Với người không ham mê sách thì đây là một công việc rất nặng nề. Quả nhiên mới đọc được hai cuốn sách mỏng tang, bố bắt đầu ngáp: Hôm nay đọc đủ rồi, mình đi ngủ thôi!. Trong khi con vẫn còn rất háo hức nài nỉ: Bố đọc nốt truyện này, rồi nốt truyện này, nốt truyện nữa...

Nhiều lúc, có những cảnh hài hước thế này - bố ngáp sái quai hàm than: "Bố mỏi mồm lắm rồi!". Con nhìn bố thương cảm: "Vâng, mình đi ngủ thôi, con cũng mỏi tai rồi!".

Khi con có thêm những sở thích khác như xem ti vi, bố mẹ lại phải mất công duy trì thói quen đọc sách cho con, biến việc đọc sách thành một hoạt động vui vẻ hơn. Ví dụ như đọc truyện thật to, lên trầm xuống bổng, giả giọng các nhân vật trong truyện để bé tập trung cao, dễ ghi nhớ tạo bước đệm để con học đọc sớm. Đọc và dừng lại một số đoạn rồi bảo bé kể lại, tạo điều kiện cho bé chia sẻ ngôn ngữ, chia sẻ cảm xúc. Đôi lúc cả nhà sẽ dựng một vở kịch nhỏ, mỗi người vào một vai diễn, làm cho truyện kể thêm hấp dẫn.



Những câu chuyện đầu đời từ giọng kể của mẹ hay những cuốn sách đầu tiên luôn có một vị trí rất quan trọng trong ký ức của con người.
Tôi vẫn nhớ cái hiệu sách bé xíu nằm ngay ngã sáu gần nơi mẹ làm việc. Vẫn nhớ rõ mồn một cô bé tóc cắt ngắn bé xíu đứng trước hiệu sách cũ bên đường đầy bụi, cái dãy sập ngăn giữa người bán và người mua cao hơn chiều cao của tôi lúc đó. Hồi đó không có giá sách, tôi chỉ có một cái hòm sắt cũ rích. Nhà không có điều kiện nhưng bố mẹ vẫn hàng tuần cho con ít tiền lẻ để đi mua sách nên cái hòm sách ấy vẫn đầy những cuốn sách gối đầu của những cô cậu học trò thuở ấy: "Truyện cổ Grim, "Truyện cổ Andecxen, "Nghìn lẻ một đêm", "Kính vạn hoa"...​

Tôi muốn các con giống như tôi, có những ký ức ngọt ngào xung quanh trang sách.

Và tôi tin khi bản thân người mẹ luôn để những trang sách trong trái tim, thì con cái sẽ khó từ chối sự quyến rũ của các con chữ.​

Bài: Thu HuyềnTheo Đẹp
 
Top