Giữ lửa từ những thói quen tốt

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Sau những tất bật lo toan để chuẩn bị cho cả gia đình một cái Tết đủ đầy, người phụ nữ thông minh không nên dừng lại.

Mà hơn thế, chị em hãy biết tận dụng "thời cơ" để tiếp tục tạo cho gia đình những thói quen mới - những thói quen rất có ích trong việc giữ lửa cho đời sống gia đình, nhưng chúng lại thường chỉ xuất hiện trong không khí lâng lâng của ngày Tết.

Nối dài những yêu thương

Buổi sáng ngày thường, các gia đình thường bận rộn với những bữa điểm tâm, rồi người lo đưa con đến trường, người chuẩn bị đến cơ quan, hay rẽ qua chợ buổi sớm. Ít ai nghĩ đến việc dành cho người thân những nụ cười trìu mến, những lời chúc tụng ngọt ngào giống như chúng ta vẫn dành cho nhau trong dịp Tết. Vậy tại sao ta không "giả vờ" quên đi rằng Tết chỉ diễn ra trong dăm ngày, và tiếp tục chủ động chào hỏi, chúc tụng nhau vào mỗi buổi sáng.



Không ai ngoài người vợ, người mẹ trong gia đình - tức là chính bạn đấy - thích hợp hơn với vai trò "nối dài thói quen" này. Đàn ông ngoại quốc thường chào tạm biệt vợ trước khi đi làm bằng nụ hôn nồng thắm. Nếu bạn cũng được chồng cư xử như thế, chắc chắn bạn không phản đối đúng không? Vậy thì, tại sao không chủ động "phớt" lên má chồng yêu một nụ hôn? Tôi tin chắc bạn sẽ lập tức nhận được ít nhất là một nụ hôn lên trán. Như vậy kể ra cũng là đủ để khởi đầu một ngày mới tốt đẹp, đúng không bạn?

Ngày Tết, nhà nào đi đâu cũng thường có nhau. Sự vắng mặt của bất cứ thành viên nào cũng sẽ khiến những người còn lại cảm thấy thiêu thiếu. Và đương nhiên, chúng ta sẽ sẵn sàng rút điện thoại ra, không nhắn tin thì cũng bấm máy hỏi han xem người không có mặt hiện ở đâu? Thói quen này nếu tiếp tục được duy trì trong ngày thường thì nhất định sẽ trở thành sợi dây kết nối bền chặt, khiến mọi thành viên luôn cảm thấy có nhu cầu được hỏi han, chia sẻ thông tin. Thế nên, dù là hết Tết rồi thì bạn hãy tiếp tục "giả vờ" quên mất điều đó, hãy chịu khó hỏi thăm nhau, dù đã nắm chắc câu trả lời trong tay. Đó tiếp tục là một thói quen tốt!

Chia sẻ cũng phải trở thành thói quen

Hơn bao giờ hết, Tết là thời điểm vợ chồng cần thống nhất quan điểm nhất, và vì thế hay bàn bạc với nhau nhất, sáng nay đến nhà ai chúc Tết đầu tiên, trưa ăn ở nhà hay tiện đâu ăn đó, mùng 3 bà ngoại mời ăn cỗ hoá vàng rồi, vậy nhà mình làm từ mùng 2 hay để sang mùng 4? Những chuyện tưởng chừng rất nhỏ ấy lại diễn ra rất thường xuyên trong dịp Tết.

Hãy cùng bàn bạc với người bạn đời để đi đến quyết định thống nhất. Bạn cũng chớ nên xem thường các thành viên nhỏ, để chúng được quen dần với nếp nhà tốt đẹp - điều đó có ý nghĩa giáo dục lớn.

Công việc và nhịp sống gấp gáp cuốn hút bạn đến chóng mặt, dịp Tết là thời gian lý tưởng để các đôi lứa "chiêu đãi" bản thân. Lại một lần nữa, bạn hãy tạm quên đi rằng Tết đã hết, để tiếp tục "chiêu đãi" nhau sự thư gãn. Hãy biết kéo dài thêm những giây phút ngồi bên nhau cùng xem tivi, cùng uống trà, nghe nhạc. Dù vướng bận con cái, bạn cũng nên biết thỉnh thoảng gửi chúng về "chơi Tết" với ông bà nội ngoại ở xa, và dành cho nhau toàn bộ mối quan tâm.

Đó là những giây phút dành cho hai người như những ngày đầu mới cưới như đi ăn tối, uống cà phê bên nhau. Nhất định bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự thắm thiết của hai người.

Tết cũng là thời điểm các gia đình phải chấp nhận thực tế không có người giúp việc gánh đỡ việc nhà. Chẳng ai khác ngoài chính bố mẹ và con cái trong nhà phải "chung lưng đấu cật". Đó là một cách để con cái biết chia sẻ sự vất vả đối với bố mẹ, giáo dục chúng biết quan tâm đến người khác, cũng như ý thức được nhiệm vụ của mỗi người trong mối quan hệ gia đình.

Và ngược lại, nếu chia sẻ được trách nhiệm với con cái, cha mẹ cũng thấy mình được cuộc sống nâng niu hơn. Và đừng quên kể những mặt tốt của các thành viên với khách khứa. Một đứa trẻ sẽ cảm thấy công việc dọn bàn nước, lau sofa là niềm vui nếu trước mặt khách, bố mẹ "khoe" một cách tế nhị: "Mai rửa sạch thế này mẹ e chén nó đau phải biết!".

Ai cũng có những mặt tốt đẹp. Những lúc sum họp vào buổi tối, chúng ta có thể nhắc nhau những gì tốt đẹp, những sai lầm, vướng mắc đã được uống nắn, sửa chữa. Sự vui vẻ và lòng độ lượng bao giờ cũng là cách cư xử tế nhị nhất. Sau này, những đứa con của bạn trưởng thành bước vào đời, những dấu ấn tốt đẹp đó sẽ là phương châm sống tốt cho chúng trong phép xử thế cũng như xây đắp hạnh phúc cho chính bản thân chúng.

Vai trò "bạn của chúng ta"

Bạn bè là sợi dây nối tình bằng hữu. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta có câu: "Giàu vì bạn, sang vì vợ". cuộc sống không chỉ có mình ta mà còn có mọi người. Sự giao tiếp bạn bè làm cuộc sống gia đình bạn sẽ sinh động, phong phú hơn, giúp con bạn tiếp cận với xã hội một cách tự nhiên và bình đẳng. Một bữa cơm đãi bạn, một buổi tiệc trà thân mật ngày Tết - đương nhiên rồi, nhưng nếu chúng được tiếp tục duy trì hàng tháng thì nhất định, những đứa trẻ nhà bạn sau này sẽ trở thành những người lớn bặt thiệp, hiếu khách vô cùng


Theo TTT​
 
Top