Giúp đỡ người mẹ bán vé số nuôi con mắc bệnh máu

78
0
0

XiaoSinAFC

New Member
“Ngắt” của đứa con tội nghiệp mấy cử sữa quý giá, chị Hương dành 100.000 đồng để giúp bé Nguyễn Thị Hiên - cháu bé trong bài viết “Xin bác sĩ cho tôi mang cháu về…” Nào ai biết, mẹ con chị đang nằm trong danh sách những hoàn cảnh khốn khổ cần giúp đỡ!


Khi được hỏi vì sao tiền ăn chưa có, tiền thuốc nặng lo, tiền nhà chưa gom đủ mà chị dám góp những 100 ngàn đồng, nhờ người đem đến hỗ trợ cho bé Hiên, chị chân thành chia sẻ: “Nghe cháu bé trong cơn nguy kịch, phải đấu tranh từng ngày, từng giờ để giành lại sự sống, em thương quá. Con mình có thể nhịn vài cử sữa nhưng cháu bé không thể 1 phút ngưng thở. Nếu số tiền này góp phần cứu được cháu bé ấy thì em cũng chấp nhận để con em nhịn thêm mấy cữ nữa”.


Tiếc là bé Hiên đã không qua khỏi nhưng chắc bé cũng ấm lòng trước tấm tình của chị.


“Phận bạc” của người phụ nữ trẻ


Ký ức của chị Nguyễn Thị Hương (23 tuổi) về tuổi thơ của mình là những cánh rừng bạt ngàn nơi thâm sơn cùng cốc. Những ngày mà gia đình còn sống kiểu “du canh, du cư”, bản thân chị mãi đến 9 tuổi mới vào học lớp 1.


Niềm vui biết chữ chưa được bao lâu, Hương đành phải nghỉ học giữa chừng, ở nhà giữ 3 em nhỏ. Sau đó, cả gia đình chị chuyển về miền xuôi sống tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.


Năm 12 tuổi, chị Hương theo người quen vào Sài Gòn, đi giúp việc kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi các em ăn học. 6 năm, khoảng thời gian không dài với một đời người nhưng rất dài khi thân gái phiêu bạt nơi xứ lạ. Thấm thía cảnh “kẻ ăn, người ở”, đến năm tròn 18 tuổi, chị xin ra riêng và bắt đầu cuộc sống công nhân.


20 tuổi, chị xây dựng gia đình với anh Lý Sinh Tr. (23 tuổi, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Tuy đã “vợ chồng” nhưng họ không đăng ký kết hôn vì lý do người Nam kẻ Bắc, nhùng nhằng giấy tờ pháp lý.


Cuộc đời tưởng đã mỉm cười với chị khi ban tặng người chồng hiền lành, khỏe mạnh. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, lúc sinh đứa con gái đầu lòng thì tai họa ập đến. Vừa lọt lòng mẹ, cháu Nguyễn Ngọc Ánh được bác sĩ chẩn đoán mắc phải bệnh thiếu máu vùng biển (Thalassemia).


“Tưởng rằng vợ chồng lúc hoạn nạn có nhau, ai ngờ biết con bé bị bệnh hiểm nghèo, người chồng đầu ấp tay gối dứt tình ra đi. Em choáng váng, đành cầu cứu nhà chồng nhưng họ cũng chối bỏ không thương xót. Bên ngoại thì nghèo quá, cả 6 người mà chỉ trông vào vài sào ruộng, bố mẹ không có nghề nghiệp gì, nhà lại đông con nên cũng bất lực.Sau 6 tháng nghỉ sinh ở quê ngoại, em lại lặn lội vào Nam vừa kiếm sống vừa chữa bệnh cho con”, chị Hương cay đắng kể lại.


Con là niềm an ủi, là sức mạnh để mẹ tiếp tục sống


Thời gian điều trị tại BV Truyền máu Huyết học TPHCM, hai mẹ con sống lay lắt nhờ những tờ vé số bán “chui” (vì hễ bị bảo vệ bắt gặp bán vé số trong khuôn viên của bệnh viện là họ tịch thu toàn bộ). Kiếm được chục nào chị chắt bóp để đóng viện phí cho con. Nhưng 50 ngàn đồng ít ỏi chẳng thấm vào đâu (trường hợp bé Ánh phải chi trả 70% viện phí vì trái tuyến)



Không được chữa trị đầy đủ, bụng cháu Ánh đã phình to


Thương con nhưng chẳng biết làm sao, chị đành đưa bé về nương tựa nhà những người quen hồi còn đi làm công nhân, hằng tháng chỉ dám quay lại viện 2 lần để truyền máu. Do ăn uống thiếu thốn lại không được tiếp máu đầy đủ nên sức khỏe cháu Ánh suy yếu hẳn: da xanh, gan, lách phình to, chân không đứng vững…


Dù vậy, ngày 2 buổi, cháu vẫn theo mẹ bán vé số dạo mưu sinh. Hai mẹ con dắt díu nhau đi khắp các ngả đường từ sáng tinh mơ đến khi tối mịt. Chẳng may gặp ngày mưa gió thì hôm sau hai mẹ con phải chịu đói.


Cứ thế, cuộc sống bấp bênh của hai mảnh đời cơ cực gắn chặt với những tấm vé may rủi. “Hết xin ở nhờ nhà người này vài tháng lại chuyển qua chỗ khác. Có lúc bế tắc, chị cắn răng đem con vào chùa, mong con có cuộc sống ổn định. Nhưng nhà chùa nói bé Ánh phải thay tên đổi họ và mẹ con phải xa nhau. “Con mình đứt ruột đẻ ra, sao có thể chia lìa. Nó là niềm an ủi, là sức mạnh để em sống tiếp mà...”, người mẹ trẻ rưng rưng tâm sự.



Hai mẹ con dắt díu nhau đi khắp các ngả đường từ sáng tinh mơ đến khi tối mịt


Hiện chị Hương trọ tại 33/2B tổ 18, khu phố 7, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Ngày mới chuyến đến, cám cảnh khốn khổ của hai mẹ con, bà con lối xóm người cho cái nồi, người giúp chiếc quạt máy cũ. Nhà nào có con nhỏ thì chia sẻ quần áo.


Số tiền kiếm được chẳng đủ để trang trải thuốc men nên sắp hết tháng mà chị vẫn chưa có 800.000 đồng để đóng tiền nhà. Chắc lại phải đi thôi. Những ngày tới, mẹ con chị chưa biết phải sống nhờ ở đâu?


Anh N.V. Minh, người cùng quê, cho biết: “Nhớ lúc Hương bồng con ra viện không có một đồng dính túi, không biết ở đâu, tôi và bà xã bàn với nhau cho ở chung. Nhưng được một thời gian thì cô ấy xin dọn ra ngoài, chắc là ngại đấy. Thương tình cảnh mẹ con côi cút, thỉnh thoảng mình chia sẻ tấm bánh, tô cháo; giữa cơn hoạn nạn ai nỡ lòng nào đứng nhìn”.


Thế nhưng, những người tốt bụng ấy đâu thể giúp mãi được, bởi ai cũng khó khăn. Nghĩ đến tương lai, chị Hương nghẹn ngào: “Giá như ông trời ban tặng một phép màu để con em được chạy nhảy, nô đùa như bao đứa trẻ khác. Bây giờ em chỉ mong mỏi làm sao có đủ tiền để chữa trị cho cháu vì bệnh cháu chưa đến giai đoạn cuối, còn hy vọng. Nhiều nhà có điều kiện, khi người thân mắc phải bệnh này cũng trở nên kiệt quệ, huống hồ hai mẹ con tứ cố vô thân như tình cảnh của em”.


http://dantri.com.vn/c167/s167-530319/tam-long-nguoi-me-ban-ve-so-dao-co-con-mac-benh-thieu-mau.htm
 
Top