Giúp trẻ mau biết nói

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
1. Phát triển mối quan hệ với trẻ :

Dù trẻ nói rất ít và có những từ rất khó hiểu, nhưng bạn luôn khen ngợi và khuyến khích khi thấy trẻ có những nỗ lực để phát âm. Trước khi tiếp xúc hãy tạo sự chú ý bằng điệu bộ ( nghiêng đầu, mỉm cười, vẫy tay…) hay tiến đến gần trẻ, khi nói với trẻ hãy nói ngắn gọn, rõ ràng, phát âm chậm để trẻ có thể hiểu và bắt chước.

Thỉnh thoảng, bạn nên đưa con đến trước một tấm gương lớn ( ở tủ áo dài) để trẻ có thể nhìn vào mặt bạn, miệng và lưỡi bạn khi bạn nói.

Khi nói chuyện với trẻ, nên đưa vào những từ mới và những từ có ý nghĩa tương tự như những từ mà trẻ đã hiểu, đừng đưa nhiều quá nhưng cũng đừng ngại mà không đưa vào, vì trẻ có khả năng hiểu nhiều hơn những gì trẻ sẽ nói ra.

Khi trẻ nói, dù ngắn nhưng hãy tỏ ra chăm chú và biểu lộ những cử chỉ để chứng tỏ bạn quan tâm và hiểu được những gì bạn nói.

Hãy giúp trẻ nghe và làm theo các chỉ dẫn bằng cách chỉ cho trẻ thấy bạn muốn gì (chỉ tay vào cái ly, khi nói : Mẹ sẽ lấy cái ly cho con ) Nếu trẻ tỏ ra không hiểu, hãy nói cách khác ( con thấy cái ly kia không ? )

Buổi tối, hãy đọc hay kể truyện tranh cho con nghe và chỉ vào các bức hình, sau đó hỏi trẻ ( TD: quả bóng ở trong hình này ở trên hay ở dưới cái bàn ? )

Chơi các trò chơi đơn giản phù hợp với độ tuổi của trẻ, cùng trẻ làm một món đồ chơi như gấp giấy, dán một con rối … là một hoạt động tạo sự quan hệ tốt.

Hát những bài hát trẻ con, các bài đồng dao và khuyến khích trẻ nhắc lại ( bằng cách hát đi hát lại mỗi ngày )

2. Phát triển các hoạt động trong nhà:

Nói với con bạn những gì mà bạn muốn trẻ cùng làm với bạn hay có thể làm một mình:

- Chuẩn bị bữa ăn ( yêu cầu trẻ lấy chén, dĩa và giới thiệu các món ăn với trẻ )

- Khi tắm cho trẻ ( chỉ các bộ phận trong cơ thể cho trẻ biết và các dụng cụ tắm như khăn, xà bông…)

- Khi thay quần áo ( tập cho trẻ tự thay quần áo, chỉ cho trẻ các loại quần áo )

- Lau rửa và xếp gọn các đồ chơi

- Nếu nhà có sân, có thể cùng trẻ chơi 1 số trò chơi ngoài trời hoặc đưa trẻ ra công viên để cùng chơi

- Chỉ cho trẻ biết các công việc của bạn : nấu ăn, dọn dẹp, đi mua hàng…

- Xây dựng một thời khóa biểu cho trẻ mà trong đó, có các hoạt động trong nhà nằm trong khả năng của trẻ : Phụ quét nhà, dọn cơm ….

3. Phát triển giao tiếp ngôn ngữ :

Đề nghị mọi người trong gia đình cố gắng giao tiếp bằng ngôn ngữ một cách ngắn gọn, rõ ràng và thường xuyên với trẻ.

Mở rộng những gì con bạn nói bằng cách nói thêm vào những câu nói ngắn của trẻ ( TD: Nếu con bạn nói: “Thêm nữa” bạn sẽ nói: “ Cho con thêm nữa à?” hay “con muốn uống thêm nữa hả?” –

Con bạn nói: “Muốn bóng” bạn sẽ nói: “ Con muốn lấy quả bóng” và khuyến khích trẻ nhắc lại theo bạn ( không nên ép buộc, nếu trẻ chưa tỏ ra sẵn sàng nói thêm thì thôi, để khi khác nếu không trẻ sẽ chán và khó chịu không muốn giao tiếp nữa )

Hãy lặp lại những từ và âm mới, ví dụ khi đếm, sử dụng giới từ, gọi tên các đồ vật, màu sắc…

Cho trẻ cơ hội có được những trải nghiệm mới ( tham gia các trò chơi mới, nghe các câu chuyện mới, đi chơi các chỗ mới …) và giới thiệu với trẻ ( trước – trong và sau khi trẻ biết đến các trải nghiệm đó )

Chơi các trò chơi phát triển ngôn ngữ

Tạo các cơ hội cho trẻ có khả năng tự quyết định : ( Con muốn mặc cái áo xanh ngắn tay này hay cái áo vàng có sọc kia? )

GHI NHỚ:

Việc khuyến khích trẻ nói phải được tiến hàng trong bầu khí vui vẻ hay lồng ghép trong các hoạt động, trò chơi… đừng tạo ra sự nghiêm trọng ở đây.

Không nên đặt ra quá nhiều yêu cầu trong một lúc, đặt ra nhiều mục tiêu trong một tuần lễ.

Một môi trường kích thích ngôn ngữ rất quan trọng cho việc tập nói cho trẻ, nhưng nếu quá nhiều lời nói, âm thanh cũng là điều không nên, hãy thận trọng và kiên trì một cách nhẹ nhàng và bảo đảm cho trẻ có những giấy phút tự do trong ngày.

Hiểu những khó khăn và hạn chế của con bạn, nhiều trẻ cần được khích lệ nhưng việc luôn kích thích trẻ vượt quá khả năng hiện tại sẽ làm cho trẻ căng thẳng và bực bội hoặc bạn cũng sẽ mau mệt mỏi, chán nản khi thấy sự đáp ứng của trẻ quá chậm chạp.

CvTl Lê Khanh
 
Top