Giúp trẻ tự tin

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Sự tự tin là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong cuộc sống. Giúp trẻ phát triển sự tự tin là cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc cũng như sự thành công của trẻ nhỏ và thiếu niên. Bài viết này chia sẻ những phương pháp cơ bản để giáo dục trẻ sự tự tin.

Sự tự tin chính là cảm giác của chúng ta về bản thân như thế nào và thái độ của chúng ta sẽ phản ánh rõ ràng những cảm giác này. Ví dụ, một đứa trẻ hay một thiếu niên có tự tin sẽ:

• Hoạt động một cách độc lập

• Dám nhận lãnh trách nhiệm

• Thấy tự hào về những việc mà mình hoàn thành

• Có khả năng chịu đựng sự thất bại

• Cố gắng thực hiện những nhiệm vụ mới, những thử thách mới

• Kiểm soát được những cảm xúc tích cực và tiêu cực

• Sẵn sàng trợ giúp người khác

Mặt khác, một đứa trẻ kém tự tin sẽ:

• Không muốn thử làm điều gì mới

• Cảm thấy không có tình yêu thương và không có mong muốn gì

• Phàn nàn về người khác khi bản thân gặp khó khăn

• Có cảm giác hờ hững, bàng quan

• Không có khả năng chịu đựng sự thất bại dù thất bại chỉ ở mức bình thường

• Hạ thấp khả năng của bản thân

• Rất dễ bị ảnh hưởng

Trên hết, phụ huynh chính là những người có khả năng giúp trẻ phát triển sự tự tin nhất. Việc này không phải là việc quá khó. Thật vậy, nhiều bậc cha mẹ đã giúp trẻ tự tin hơn mà không hề nhận ra rằng những lời nói và hành động của mình đã có ảnh hưởng lớn đến cảm giác của trẻ. Dưới đây là một số đề nghị mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ.

Khi bạn cảm thấy hài lòng về trẻ hãy nói cho trẻ biết điều đó.

Cha mẹ thường rất nhanh chóng biểu hiện thái độ tiêu cực với trẻ khi trẻ hư nhưng không biết làm cách nào để thể hiện thái độ tích cực với trẻ khi trẻ làm điều gì đó đáng khen.

Thông thường, trẻ không biết khi nào bạn cảm thấy hài lòng về chúng. Chúng cũng cần được nghe bạn nói rằng bạn rất hạnh phúc khi có chúng trong gia đình.

Trẻ sẽ nhớ đến những lời nói yêu thương mà bạn nói với chúng. Những lời nói ấy có tác dụng làm trẻ tự tin hơn và luôn được chúng nhớ tới.

Hãy bắt đầu nói với trẻ những lời nói khích lệ mỗi ngày.

Đừng tiết kiệm những lời nói tán dương.

Hãy dùng những lời lẽ tán dương trẻ khi trẻ làm việc tốt. Đương nhiên, bạn phải rèn luyện cho mình thói quen quan sát và nhận ra những việc trẻ đang làm là việc tốt hoặc tài tình. Khi trẻ làm xong một công việc nhà, bạn có thể nói: “Ba/ mẹ thực sự rất thích cách dọn dẹp và sắp xếp phòng ngủ của con, cách con chọn những vị trí để sắp xếp đồ vật”. Khi bạn thấy trẻ đang thể hiện tài năng, bạn phải nói “Con chơi đoạn nhạc cuối thật tuyệt. Con thật sự là đứa trẻ có năng khiếu về âm nhạc”.

Đừng ngần ngại nói với trẻ một cách thường xuyên những lời khen ngợi dù trước mọi thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.

Tương tự như thế, hãy chỉ cho trẻ thấy những đức tính tốt hoặc khả năng của trẻ. Ví dụ, “Con là một đứa trẻ tốt bụng”. Hoặc “Ba/mẹ thích cái cách con dán các thứ lại với nhau mặc dù nó có vẻ khó đối với con”.

Thậm chí bạn cũng có thể tán dương trẻ về một việc mà trẻ không được làm như là “Ba/mẹ thấy hài lòng với việc con chấp nhận việc ba/mẹ nói KHÔNG và con không khó chịu vì việc đó”.

Dạy trẻ nói những lời nói tích cực với bản thân.

Tự nói với bản thân là một phần rất quan trọng trong những việc mà chúng ta làm. Các nhà tâm lý đã chứng minh những lời nói tiêu cực sẽ đi kèm với những biểu hiện lo lắng, suy nhược. Những gì chúng ta nghĩ sẽ phản ánh những gì chúng ta đang cảm thấy và chúng ta biểu hiện thái độ như thế nào. Do đó, một việc rất quan trọng là dạy cho trẻ có thái độ tích cực với bản thân mình bằng cách nói những lời nói tích cực với chính mình.

Một số ví dụ về những lời nói hữu ích với bản thân: “Tôi có thể giải quyết được việc này chỉ cần tôi tiếp tục cố gắng”. “Nếu chúng ta thất bại lần này cũng không sao. Chúng ta đã cố gắng hết sức mình”. “Tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi giúp đỡ người khác dù họ không ghi nhớ điều đó”.

Tránh phê bình theo kiểu nhạo báng hoặc hạ thấp trẻ.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng cần phê bình một hành động của trẻ, và cha mẹ là những người thích hợp nhất để làm việc này. Tuy nhiên khi cha mẹ phê bình trẻ ngay lúc đang tức giận sẽ dễ dàng nói những lời làm trẻ thấy mình bị nhạo báng hoặc bị hạ thấp. Điều quan trọng là bạn phải học cách nói “Ba/mẹ thấy rằng” thay vì nói “Con có thấy” khi phê bình trẻ. Ví dụ, “Ba/mẹ muốn con xếp quần áo và cất trong tủ (hoặc ngăn kéo) của con gọn gàng chứ không vứt bừa bãi khắp phòng” hơn là nói rằng “Tại sao con lại lười biếng và nhếch nhác quá vậy? Con có thể tự lo cho bản thân mình được không?”. Các bậc cha mẹ nên học cách Giao tiếp tốt với trẻ trên nguyên tắc tôn trọng trẻ.

Dạy cho trẻ biết tự đưa ra quyết định và biết nhận ra những quyết định đúng.

Trẻ em thường xuyên phải tự quyết định hành động của mình nhưng lại không biết là mình đã tự đưa ra quyết định đó. Sau đây là các cách thức mà các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ phát triển khả năng tự đưa ra những quyết định chính xác.

1. Giúp trẻ làm rõ vấn đề vì nó cần thiết để đưa ra quyết định. Hỏi trẻ những câu hỏi nhằm xác định trẻ nhìn thấy, nghe và cảm thấy như thế nào về trường hợp đó và cần phải làm gì để thay đổi nó.

2. Động não suy nghĩ để tìm ra các giải pháp. Thông thường sẽ có nhiều hơn một giải pháp hay nhiều hơn một lựa chọn cho một tình huống xảy ra. Khi đó cha mẹ sẽ có những đóng góp quan trọng nhằm giúp trẻ nhận biết các sự kiện và có thể đưa ra đề nghị kế tiếp nếu trẻ không tìm ra được giải pháp.

3. Cho phép trẻ chỉ được phép chọn một giải pháp sau khi xem xét thật kỹ kết quả của nó. Giáp pháp tốt nhất sẽ là giải pháp giải quyết được vấn đề và đồng thời làm trẻ cảm thấy tốt về bản thân mình.

4. Sau đó giúp trẻ đánh giá lại kết quả của giải pháp đã thực hiện. Có phải cách làm đó đã thành công? Hay là đã thất bại? Tại sao lại thất bại? Đánh giá lại các phương pháp cần trang bị thêm cho trẻ để trẻ tự đưa ra những quyết định tốt hơn trong lần tới.

Giúp trẻ hình thành tính kỷ luật

Tất cả trẻ và thiếu niên cần biết chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Chúng cần được học tính tự kỷ luật. Để giúp trẻ và thiếu niên tính tự kỷ luật, các bậc cha mẹ cần thực hiện vai trò hướng dẫn hơn là người chấp hành kỷ luật và trừng phạt. Hãy học nguyên tắc “3F” dành cho các bậc phụ huynh: - Kỷ luật nên công bằng (fair) - Kiên quyết (firm) - Thân thiện (friendly)

Mười bước để các bậc phụ huynh giúp trẻ phát triển sự tự tin

1. Dạy trẻ biết thay đổi những yêu cầu ưa thích của bản thân. Hãy chỉ cho trẻ biết rằng không có lý do gì mà chúng phải có được tất cả những điều chúng muốn và chúng cũng không cần phải giận dữ vì không được điều đó. Khuyến khích trẻ kiềm chế sự giận dữ bằng cách cho trẻ biết những tấm gương tốt và thúc đẩy chúng chọn những thái độ tích cực phù hợp hơn là giận dữ.

2. Khuyến khích trẻ đặt yêu cầu về những gì mà chúng muốn xác định và chỉ cho chúng biết rằng không có gì đảm bảo chúng sẽ đạt được điều đó. Thúc đẩy trẻ mong muốn và lường trước sự việc.

3. Hãy để trẻ biết rằng chúng tạo ra và chịu trách nhiệm về bất kỳ cảm giác nào mà chúng trải qua. Do đó, chúng không có trách nhiệm về những cảm giác của người khác. Hãy tránh phàn nàn trẻ về những cảm giác của chúng.

4. Khuyến khích trẻ phát triển sở thích và những mối quan tâm làm cho chúng thấy thích thú theo đuổi một cách độc lập.

5. Hãy để trẻ tự giải quyết những cuộc tranh luận giữa các anh em với nhau hoặc giữa bạn bè của chúng.

6. Hãy giúp trẻ phát triển “khả năng chịu đựng những lời trêu chọc” bằng cách cho chúng biết rằng một số lời trêu chọc không gây tổn thương. Giúp trẻ đối phó với những lời trêu chọc bằng cách bỏ qua chúng đồng thời tự nói với bản thân mình những điều tích cực như là “những cái tên đó sẽ chẳng bao giờ làm tổn thương tôi”, “những lời trêu chọc chẳng có giá trị gì với tôi”.

7. Giúp trẻ học cách tập trung vào khả năng chỉ ra tất cả những thứ chúng cần làm.

8. Khuyến khích trẻ đối xử với người khác giống như những gì mà chúng muốn người khác đối xử lại.

9. Giúp trẻ suy nghĩ về những lựa chọn và những khả năng kế tiếp hơn là phụ thuộc vào một lựa chọn và đã hài lòng. Một đứa trẻ chỉ có duy nhất một người bạn và đánh mất người bạn đó là trẻ không có bạn. Tuy nhiên, một đứa trẻ có rất nhiều bạn và đánh mất đi một người bạn thì vẫn còn nhiều bạn. Khi nào bạn nghĩ rằng chỉ cần một là đủ để hài lòng thì có nghĩa rằng bạn đang giới hạn khả năng của chính mình. Nếu bạn càng giúp cho trẻ hiểu rằng có nhiều lựa chọn trong mỗi tình huống thì bạn càng giúp trẻ có nhiều khả năng hài lòng hơn.

10. Hãy tươi cười với trẻ và khuyến khích chúng tươi cười với chính mình. Người nào quá khó khăn với bản thân thì chắc chắn ít biết hưởng thụ cuộc sống. Một cảm giác vui vẻ và biết tự tạo ra ánh sáng cho cuộc đời là những yếu tố quan trọng để giúp bản thân thấy yêu đời hơn.


Theo Child Development Institute, LLC - Biên dịch: ThS. Lê Nguyễn Trung Nguyên
 
Top