Hà Nam quê tôi !

354
0
16

Mr_Ech

Member
Chuối Ngự Đại Hoàng


Dọc bờ sông Châu quê mình, làng quê nào cũng đẹp, cũng gần gụi, đáng yêu... Nhưng nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất có lẽ vẫn là làng quê vùng chiêm trũng Ðại Hoàng bởi ở đó có nhiều đặc sản thật hiếm quý !

Làng Đại Hoàng thuộc xã Hoà Hậu, Huyện Lý Nhân - Trước năm 1945 thuộc Tổng Cao Đà, Phủ Nam Xang, Tỉnh Hà Nam. Làng nằm gần ngã 3 sông Hồng và sông Châu hay còn gọi là Ngã Ba Tuần Vương. Đại Hoàng ngoài đặc sản nổi tiếng là hồng không hạt, văn Nam Cao... còn có một đặc sản nổi tiếng từ lâu đời, đã từng được đưa tiến Vua nên được gọi tên là “Ngự”: đó là Chuối Ngự Đại Hoàng.

Chuyện xưa kể rằng: Đã từ lâu lắm, thời mà đất Nam Xang này còn ngập trong biển nước, về mùa tháng Tám, vua Trần ngự thuyền rồng cùng văn võ bá quan từ kinh thành Thăng Long về yết kiến Thái Thượng Hoàng ở cung Thiên Trường, cờ xí rợp trời đỏ cả sông Hồng xuôi về đất Tổ. Đến ngã ba Tuần Vương, thuyền của vua và các đại thần dừng lại, có đôi vợ chồng ở sát bến mang nặng ơn vua, nay được thấy mặt rồng muốn tạ ơn người. Giữa biển nước mênh mông, họ chẳng còn gì ngoài cây chuối còi cọc sót lại nơi đầu hồi đang có buồng, những nải chuối nhỏ bé với những quả xinh xinh như quả cau, chín vàng như nghệ toả hương thơm ngào ngạt. Hai vợ chồng người nông dân vội hạ xuống cung kính dâng lên vua. Vua rất ngạc nhiên trước loại chuối này của đôi vợ chồng trẻ. Trông buồng chuối thật đẹp, quả xinh xinh màu vàng rực với hương thơm đặc biệt! Quả nhỏ, tròn căng, vàng óng như múi mít; cuống chuối thì xanh, đầu ruồi nhỏ, có ba chiếc tua vươn dài như những râu Rồng. Ngắm đã thích mắt! Nhà vua nếm thử, rồi ngài cứ liên hồi tấm tắc khen ngon, khen ngọt, khen thơm và trọng thưởng cho đôi vợ chồng nông dân nọ. Người cũng truyền cho các quan khai khẩn thêm vùng đất này cho suốt bốn mùa hoa thơm quả ngọt. Đại Hoàng nổi tiếng một phần nhờ chuối ngự bắt đầu từ đó.

Câu chuyện trên chẳng biết có từ khi nào, cũng như chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi chuối ngự Đại Hoàng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, khi được hỏi thì các cụ cao niên ở làng đều kể cho chúng tôi nghe chuối ngự Đại Hoàng đã từng được đem vào tiến Vua Tự Đức trong cung đình Huế. Và một điều ai cũng thừa nhận là chỉ nơi đây mới có những buồng chuối ngự ngon thơm đặc biệt với vẻ ngoài rất đẹp.

Quả thực, chuối ngự có một nét riêng mà không một loại hoa quả nào sánh được. Quả chuối chỉ nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, vàng ươm và rất thích mắt. Vỏ chuối mỏng lắm. Nếu lớp vỏ ấy màu trắng thì tôi cam đoan không ít người nhầm đó là miếng giấy xinh xinh nào đó. Ruột chuối ngự ngọt đậm, thơm một mùi thơm quyến rũ của hương đồng gió nội. Cắn một miếng, vừa nhai vừa ngắm nghía miếng còn lại. Nó xinh xắn và vàng óng ả (chứ không ngà ngà như chuối tiêu, chuối tây...) như một miếng đường ép hay một thanh kẹo chanh. Vị ngọt, thơm cuả miếng trước chưa kịp tan trên đầu lưỡi, dây thần kinh "ăn uống" đã lại rung lên, bắt ta phải nhẹ nhàng nhưng tiếc nuối đưa miếng tiếp theo vào miệng.

Với chuối ngự, ăn cả nải một lúc thì bạn đừng xấu hổ. Điều đó chẳng là chuyện lạ. Phần vì cái lượng của nó khiêm tốn quá (nải đã nhỏ, trái lại bé), phần vì cái chất cuả nó ngon quá lại nhiều hơn. Ăn trái chuối xong, ai cũng ngỡ môi mình đang được ướp mật, một thứ mật đậm đà, thơm tho mà thiên nhiên đã giúp làng Đại Hoàng "cô" lại từ mảnh đất quê !

Cây chuối ngự vườn quê mình quanh năm xanh mát, bẹ cây bóng trong. Quả ngon thế, đẹp thế nên giai đoạn trồng chuối cũng kỳ công, từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới ra hoa kết trái. Qua mùa bão táp mưa sa, cây càng phải gìn giữ kỹ. Mỗi cây có một cột tre làm nơi nương tựa. Ngay đến chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kỳ, "ăn" sạch các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chớ không ưa các loại phân uế tạp.

Chuối ngự có hai loại. Chuối ngự trâu và chuối ngự mít (còn gọi là chuối ngự thóc). Chuối ngự mít ăn ngon hơn, ruột vàng như múi mít, vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng khi đã chín nên thường được gọi là chuối ngự tía. Quả chuối ngự tía chỉ to hơn ngón tay cái người lớn một chút, bé bằng một nửa quả chuối ngự trâu. Chuối ngự mít cuống nhỏ, núm nhỏ, vỏ mỏng như giấy, óng như lụa, bóc ra là tới ruột ngay, không có lớp màng như các loại chuối khác, và có hương thơm đặc biệt.

Chuối ngự đậu quả, không để chín cây mà phải giấm rất kỳ công. Lò giấm vách đất, chứa đựng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu. Mùa chuối ngự chín, hương thơm tỏa đầy ắp nhà. Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh. Các cụ ngày xưa ví quả chuối như "búp tay cô gái" kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm.

Mùa chuối ngự, ở chợ Rồng, chợ Viềng, mầu vàng sáng rực chợ. Cái mầu vàng làm say lòng Nguyễn Tuân khi thăm chợ Rồng: "Tơ chín vàng, chuối chín vàng. Mầu hoa hòe nở rộ vào mỗi mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối, vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái mầu vàng giãy nãy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh mầu".

Vậy đấy, sản vật quê hương, khiến trong tôi dâng mãi một niềm tự hào... bất tận. Và xin mượn câu nói của một người bạn làm câu kết cho bài giới thiệu về sản vật quê hương này:

- Văn chương Nam Cao, đọc một lần, không thể nào quên ! Chuối Ngự Đại Hoàng, ăn một lần, nhớ mãi!
 
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Hà Nam quê tôi !

Đêm trăng quê hương




Quê hương là gì hở mẹ
Mà sao cô dạy phải yêu?
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều ?
...​

Ừ nhỉ ? Quê hương là gì mà mỗi khi đi xa lại khiến ta nhớ làm vậy ?

Với riêng tôi, hình ảnh quê hương là những gì gần gũi, giản đơn nhưng thân thuộc ở xung quanh đã cùng tôi lớn lên và gắn bó với tuổi thơ tôi: cánh đồng quê trải rộng, dòng sông Châu nhỏ bé, con đường làng hai bên bờ cỏ mọc, hàng trúc lắt léo dẫn vào những ngõ sâu hun hút... Nhưng chẳng hiểu sao, dù đã từng sống ở phố xá, hưởng ánh đèn cao áp sáng trưng nhưng trong tôi vẫn luôn hướng về những đêm trăng quê hương !

Ôi ! Những đêm trăng quê hương ! Quên sao được hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh lơ lửng trên không trung như chiếc đĩa bạc rắc xuống trần gian muôn ngàn tia sáng lung linh, huyền ảo. Trăng in hình xuống mặt sông như đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình, trăng hòa mình vào dòng nước với lũ cá dễ thương. Mặt nước gợn sóng lăn tăn, mặt trăng cũng lăn tăn gợn sóng...

Thuở nhỏ, làm gì đã có điện... Mỗi đêm trăng lên, lại trải chiến ngồi giữa sân. Ngửa cổ nhìn trăng mà thương chú Cuội già ! Ngày xưa, do bám vào cây thuốc quý mà chú Cuội bay lên cung trăng và sống ở đó. Hồi ấy, bé tí, đã biết gì đâu, mà đã bảo bà ngoại rằng, "chú Cuội thế mà buồn, chả được ở cùng bố mẹ ông bà"... Ờ nhỉ, ngay từ hồi bé tí, như là mặc định, trong mỗi chúng ta đã ngập tràn tình yêu dành cho gia đình, ông bà, bố mẹ... Ở đâu cũng chả thích bằng được ở nhà, ở quê hương để được hưởng tình yêu thương sự chăm lo của ông bà bố mẹ dành cho, hưởng những êm đềm của đêm trăng... Có phải thế không, bạn nhỉ ?

Nhớ làm sao mỗi đêm trăng sáng, được cùng những đứa bạn trẻ thơ hàng xóm chạy ra đường chơi đùa reo hò inh ỏi. Ôi, những trò chơi thuở nhỏ với những người bạn nhỏ bé xinh xinh ! Ôi, những hàng cây cao vút thắm đượm ánh trăng với những hình thù kỳ dị in xuống mặt đất! Ôi, những tiếng rì rầm trò chuyện với những tiếng mời chào cốc nước chè trên chiếc chiếu rách trải giữa sân nhà... Thú vị làm sao khi cả những chú chó cũng chạy ra đường ngắm trăng thỉnh thoảng cất tiếng sủa vu vơ... Quên sao được.. Tất cả đã đi vào tiềm thức, trở thành niềm thương nỗi nhớ trong tôi !

Trăng dù mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị vậy thôi mà đã là biểu tượng của làng quê, đã ghi sâu vào tâm trí của mỗi hồn quê. Dù có đi xa, có khó khăn vất vả, ta vẫn yêu tha thiết đêm trăng quê mình bằng tình yêu muôn thuở: tình yêu quê hương.... Với riêng tôi, từ bao giờ, tôi chẳng hay, những đêm trăng quê hương đã in sâu vào tâm trí như một hình ảnh gần gũi và yêu thương nhất ! Mỗi khi ngắm ánh trăng tròn, dù ở đâu, tôi cũng cứ tưởng như mình đang đứng giữa quê hương vậy !

Và bất chợt đêm nay, dẫu mưa, tôi vẫn muốn vén cả màn đêm để thấy bầu trời xanh thẳm treo ánh trăng vàng và những vì sao sáng lung linh trong lời ca lộng gió…

 
Top