metyruoi
Active Member
(SGTT) - Hai không phải là Hi! [chào] mà Hai là tên tắt gọi “cô Hai!” vợ tôi của những cô, chị, bà ngoài chợ. Cái chợ nhỏ hơn chục năm vợ tôi vẫn đi, cách không xa nhà lắm.
Hàng rong ở Nam Kỳ năm 1890. Ảnh: Cedrasemi
Tôi tất nhiên quanh năm không đi chợ trừ những ngày giáp tết. Những ngày ấy nhất định phải “đi chợ không, tui chở đi nghen!” Chợ gần tết năm nào cũng chừng ấy thứ phải mua, cũng chừng ấy cảnh để nhìn nhưng cái không khí, cái mùi chợ tết thì không đi không chịu nổi. Thế còn siêu thị? Chẳng lẽ siêu thị không có mùi hay màu chợ tết? Làm sao có được dù siêu thị bây giờ tràn ngập hàng tết gói ghém đẹp đẽ, bao bì sạch sẽ, máy lạnh rì rào cho dù xếp hàng đông nghịt cũng chả đổ mồ hôi. Cái gì cũng ngăn nắp, sạch sẽ, văn minh vậy còn muốn gì nào? Muốn cái gì à? Muốn mùi chợ tết mà mùi ấy phải ra chợ mới chạm mũi vào được. Mùi lá dong lá chuối, mùi rơm rạ ẩm ướt, mùi hoa, mùi quả thơm lẫn ủng. Mùi bùn nhếch nhác nồng nồng dưới chân. Và tiếng người trả giá, vẫy gọi.
Nhưng hãy trở lại với “Hai”
Vợ tôi đi chợ này đã lâu năm nhưng không phải ai cũng biết tên thật, mà cũng chả cần, tên thật đã được thay thế bằng đại từ nhân xưng cứ đoán chừng theo thứ tự trong nhà kiểu miền Nam. Bà bán thịt áng chừng nhiều tuổi hơn vợ tôi thì kêu “Hai! Có thịt ngon nè con!” Chị bán gạo áng chừng thua tuổi vợ tôi thì kêu “Hai! lấy giùm em mấy ký gạo ngon bữa nay dưới quê về nè!” Cô hàng bông thì ít tuổi hơn nhiều kêu “Cô Hai lấy bó laydơn giùm con đi” Chị hàng trái cây có vẻ ngang tuổi thì gọi “Hai! Có bưởi ngon nè Hai?” Tóm lại, tên ở nhà vợ tôi là Mai. Tên ngoài chợ là Hai. Số hai trước thứ tự tuổi tác để thêm vào là cô, em, chị hay chỉ trống không thôi cũng ổn cả. Lúc rảnh chuyện, vợ chồng “tám” với nhau tôi thử tìm hiểu vì sao nàng thích đi chợ hơn đi siêu thị. Hai nhà tôi kể rằng, siêu thị chỉ đến để mua thứ mình cần. Mua xong đẩy xe, trả tiền ngoài quầy điện tử rồi về. Cô ngồi quầy bữa nay cô này, mai có khi cô khác vì thay ca kíp. Chọn hàng trên những giá, tủ ngăn nắp cũng hầu như im lặng, có người bên cạnh cũng chả ai “tám” chuyện với ai mấy, thỉnh thoảng gặp người quen chào hỏi dăm ba câu. Cái văn minh, tiện ích cũng có những trật tự riêng của nó, nó không ồn, không náo động âm thanh như kiểu ngoài chợ. Đi siêu thị có khi được nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng, Ưng Hoàng Phúc. Cái ồn ào từ những chỗ quảng cáo tiếp thị, rút thăm trúng thưởng, lãnh thưởng chứ chẳng phải để giao tiếp với ai khác. Mua xong thì về. Chợ thì khác, cái không gian càng hẹp càng nhộn nhịp, rộn ràng, đã bao nhiêu mùa tôi gác chân trên xe máy chờ vợ trước cổng chợ, hẹn chỗ đón cũng khó thể là chỗ cũ. Đám đông chen chúc cứ đẩy dần mình đi “cho qua cái chú!” Hết ông ba gác chở dưa tới chị bán gà vịt chở cần xé chen qua. Người xô đẩy, chen lấn mà ngày thường mình sợ đến thế nhưng những ngày cuối năm bên cổng chợ thì lại thích mới kỳ. Nhưng lại trở về chuyện của Hai. Đâu phải ngày nào Hai cũng ra chợ, thì bà chị của Hai đi chợ về đưa bó hoa cúc vàng tươi “Nhỏ bán bông hỏi sao mấy bữa nay không thấy Hai ra chợ. Hai có bịnh không? cho em gửi Hai bó bông”. “Gửi bó bông…” là cách nói ngầm rằng “Hai cứ chưng bông đi, chừng nào ra chợ thì trả, có nhiêu đâu mà!” Bà bán thịt thì biết rõ khẩu vị của gia đình, hễ thấy Hai thì biết mua sườn non, chị bán cá thì vừa gói vừa nói “chú Hai chỉ toàn ăn cá thu, hổng thấy cô mua cá khác phải hôn Hai?” Cô bán đồ Hà Nội thì ơi ới “bữa nay có sấu xanh nè Hai!” Có hôm Hai cũng đùa lại “Sấu hả? có mua hông tui bán lại cho, bạn ổng vừa gửi từ Hà Nội vào cho quá trời nè!” “Trời! dzậy là họ làm em mất mối của Hai rồi!”… Trong cái chợ nhỏ ấy, thì ra chuyện ẩm thực của nhà tôi họ cũng rành, chuyện công việc của tôi – chồng Hai, họ cũng biết “Hai nè! Bữa hổm ở nhà thấy chú trên tivi ngồi cạnh một cô đẹp lắm. Hai có chồng nổi tiếng dữ nha!” hay “Hai nói chú đừng có đóng những vai không có tử tế như cái ông thầy giáo gì gì đó. Em biết chú hổng phải người như dzậy!” Thôi thì đủ thứ chuyện từ nhà lên tới truyền hình họ đều thăm hỏi, tám chuyện được với Hai.
Siêu thị không có sự giao tiếp ấy.
Vì thế Hai vẫn đôi ngày dăm bữa đi chợ nhỏ. Tôi vẫn mỗi cuối năm thấy mình chăm chỉ chở vợ đi chợ tết để đứng ngoài mép chợ, bên hông chợ, trước cổng chợ để chờ, để nghe tiếng người náo nhiệt, để bị chen lấn và để ngửi cái mùi chợ nào phải nước hoa gì cho cam, hỏi có kỳ không chứ?
Lại nhớ chuyện “trí tuệ” hơn nhiều chuyện “bình dân” của cái chợ. Kiến trúc sư danh tiếng người Mỹ có cái tên dễ nhớ vì nó trùng với tên của một diễn viên điện ảnh trứ danh: Michael Douglas. Một bài viết tham luận của ông về quy hoạch đô thị ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng (tháng 9.2010). Ông đưa ra những nhận định xác đáng cứ như ông thường ra chợ như bà vợ của tôi vậy. “Những nhà quản lý, quy hoạch đô thị của các bạn dường như đang thu hẹp dần cái không gian vô cùng cần thiết của một đô thị sống động, đấy là công viên và chợ. Cái môi trường giao tiếp của con người với con người, cá nhân với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng…” Lại nhớ trong câu chuyện với đạo diễn điện ảnh Tường Phương, anh nhắc về quái kiệt Ba Vân một thời của làng cải lương Nam bộ. Ba Vân nói rằng “Tôi diễn bằng vốn chợ”– cái vốn chợ là cách nói chỉ ra rằng cả cuộc đời ông đi qua những bến sông, sạp chợ. Thế thái nhân tình đều có đủ ở chợ, người nghệ sĩ sống, nhìn ngắm, quan sát, đắm mình vào những chợ đời ấy mới có thể diễn đủ vai của cuộc đời. Chợ là đời mà đời cũng đôi khi là chợ. Cái “vốn” của một tài danh xem chừng không có gì khó hiểu. Nhưng cũng vô số kẻ chợ mãi chẳng trở thành tài danh. Thâm sâu là lẽ ấy.
Trở lại với Hai lần nữa…
Hai nhà tôi chắc chắn chỉ là một phụ nữ nội trợ bình thường. Hai chỉ tự nhiên chọn lựa cái không gian tiêu dùng của mình theo công thức hợp lẽ tự nhiên mà chả cần lý luận, nghiên cứu làm gì. Cần mua nhanh thì ra siêu thị. Cần mua chậm, cần đi bộ, cần chọn lựa, cần ngã giá, cần giao tiếp với những người lạ mà đã thành quen thì Hai đi chợ. Cái chợ ngày thường đã ồn ã, ngày tết còn ồn ã gấp mười…
“…Thầy Ba, xích chỗ cho tui qua chút…” Giọng ai đó đang len lỏi trong đám đông đẩy chiếc xe rơm rạ chất dưa hấu xin đường vào chợ. Mà lạ thay, rủi cái ống quần có rách chút vì va quẹt cũng thấy mình bỗng khác ngày thường, vẫn nở một nụ cười vui vẻ, xua tay “không sao!”
Thêm lần nữa tôi thấy mình đứng trước cổng chợ trong cái nắng vàng hoe lạ lùng se se gió cuối năm.
Đỗ Trung Quân
Hàng rong ở Nam Kỳ năm 1890. Ảnh: Cedrasemi
Tôi tất nhiên quanh năm không đi chợ trừ những ngày giáp tết. Những ngày ấy nhất định phải “đi chợ không, tui chở đi nghen!” Chợ gần tết năm nào cũng chừng ấy thứ phải mua, cũng chừng ấy cảnh để nhìn nhưng cái không khí, cái mùi chợ tết thì không đi không chịu nổi. Thế còn siêu thị? Chẳng lẽ siêu thị không có mùi hay màu chợ tết? Làm sao có được dù siêu thị bây giờ tràn ngập hàng tết gói ghém đẹp đẽ, bao bì sạch sẽ, máy lạnh rì rào cho dù xếp hàng đông nghịt cũng chả đổ mồ hôi. Cái gì cũng ngăn nắp, sạch sẽ, văn minh vậy còn muốn gì nào? Muốn cái gì à? Muốn mùi chợ tết mà mùi ấy phải ra chợ mới chạm mũi vào được. Mùi lá dong lá chuối, mùi rơm rạ ẩm ướt, mùi hoa, mùi quả thơm lẫn ủng. Mùi bùn nhếch nhác nồng nồng dưới chân. Và tiếng người trả giá, vẫy gọi.
Nhưng hãy trở lại với “Hai”
Vợ tôi đi chợ này đã lâu năm nhưng không phải ai cũng biết tên thật, mà cũng chả cần, tên thật đã được thay thế bằng đại từ nhân xưng cứ đoán chừng theo thứ tự trong nhà kiểu miền Nam. Bà bán thịt áng chừng nhiều tuổi hơn vợ tôi thì kêu “Hai! Có thịt ngon nè con!” Chị bán gạo áng chừng thua tuổi vợ tôi thì kêu “Hai! lấy giùm em mấy ký gạo ngon bữa nay dưới quê về nè!” Cô hàng bông thì ít tuổi hơn nhiều kêu “Cô Hai lấy bó laydơn giùm con đi” Chị hàng trái cây có vẻ ngang tuổi thì gọi “Hai! Có bưởi ngon nè Hai?” Tóm lại, tên ở nhà vợ tôi là Mai. Tên ngoài chợ là Hai. Số hai trước thứ tự tuổi tác để thêm vào là cô, em, chị hay chỉ trống không thôi cũng ổn cả. Lúc rảnh chuyện, vợ chồng “tám” với nhau tôi thử tìm hiểu vì sao nàng thích đi chợ hơn đi siêu thị. Hai nhà tôi kể rằng, siêu thị chỉ đến để mua thứ mình cần. Mua xong đẩy xe, trả tiền ngoài quầy điện tử rồi về. Cô ngồi quầy bữa nay cô này, mai có khi cô khác vì thay ca kíp. Chọn hàng trên những giá, tủ ngăn nắp cũng hầu như im lặng, có người bên cạnh cũng chả ai “tám” chuyện với ai mấy, thỉnh thoảng gặp người quen chào hỏi dăm ba câu. Cái văn minh, tiện ích cũng có những trật tự riêng của nó, nó không ồn, không náo động âm thanh như kiểu ngoài chợ. Đi siêu thị có khi được nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng, Ưng Hoàng Phúc. Cái ồn ào từ những chỗ quảng cáo tiếp thị, rút thăm trúng thưởng, lãnh thưởng chứ chẳng phải để giao tiếp với ai khác. Mua xong thì về. Chợ thì khác, cái không gian càng hẹp càng nhộn nhịp, rộn ràng, đã bao nhiêu mùa tôi gác chân trên xe máy chờ vợ trước cổng chợ, hẹn chỗ đón cũng khó thể là chỗ cũ. Đám đông chen chúc cứ đẩy dần mình đi “cho qua cái chú!” Hết ông ba gác chở dưa tới chị bán gà vịt chở cần xé chen qua. Người xô đẩy, chen lấn mà ngày thường mình sợ đến thế nhưng những ngày cuối năm bên cổng chợ thì lại thích mới kỳ. Nhưng lại trở về chuyện của Hai. Đâu phải ngày nào Hai cũng ra chợ, thì bà chị của Hai đi chợ về đưa bó hoa cúc vàng tươi “Nhỏ bán bông hỏi sao mấy bữa nay không thấy Hai ra chợ. Hai có bịnh không? cho em gửi Hai bó bông”. “Gửi bó bông…” là cách nói ngầm rằng “Hai cứ chưng bông đi, chừng nào ra chợ thì trả, có nhiêu đâu mà!” Bà bán thịt thì biết rõ khẩu vị của gia đình, hễ thấy Hai thì biết mua sườn non, chị bán cá thì vừa gói vừa nói “chú Hai chỉ toàn ăn cá thu, hổng thấy cô mua cá khác phải hôn Hai?” Cô bán đồ Hà Nội thì ơi ới “bữa nay có sấu xanh nè Hai!” Có hôm Hai cũng đùa lại “Sấu hả? có mua hông tui bán lại cho, bạn ổng vừa gửi từ Hà Nội vào cho quá trời nè!” “Trời! dzậy là họ làm em mất mối của Hai rồi!”… Trong cái chợ nhỏ ấy, thì ra chuyện ẩm thực của nhà tôi họ cũng rành, chuyện công việc của tôi – chồng Hai, họ cũng biết “Hai nè! Bữa hổm ở nhà thấy chú trên tivi ngồi cạnh một cô đẹp lắm. Hai có chồng nổi tiếng dữ nha!” hay “Hai nói chú đừng có đóng những vai không có tử tế như cái ông thầy giáo gì gì đó. Em biết chú hổng phải người như dzậy!” Thôi thì đủ thứ chuyện từ nhà lên tới truyền hình họ đều thăm hỏi, tám chuyện được với Hai.
Siêu thị không có sự giao tiếp ấy.
Vì thế Hai vẫn đôi ngày dăm bữa đi chợ nhỏ. Tôi vẫn mỗi cuối năm thấy mình chăm chỉ chở vợ đi chợ tết để đứng ngoài mép chợ, bên hông chợ, trước cổng chợ để chờ, để nghe tiếng người náo nhiệt, để bị chen lấn và để ngửi cái mùi chợ nào phải nước hoa gì cho cam, hỏi có kỳ không chứ?
Lại nhớ chuyện “trí tuệ” hơn nhiều chuyện “bình dân” của cái chợ. Kiến trúc sư danh tiếng người Mỹ có cái tên dễ nhớ vì nó trùng với tên của một diễn viên điện ảnh trứ danh: Michael Douglas. Một bài viết tham luận của ông về quy hoạch đô thị ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng (tháng 9.2010). Ông đưa ra những nhận định xác đáng cứ như ông thường ra chợ như bà vợ của tôi vậy. “Những nhà quản lý, quy hoạch đô thị của các bạn dường như đang thu hẹp dần cái không gian vô cùng cần thiết của một đô thị sống động, đấy là công viên và chợ. Cái môi trường giao tiếp của con người với con người, cá nhân với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng…” Lại nhớ trong câu chuyện với đạo diễn điện ảnh Tường Phương, anh nhắc về quái kiệt Ba Vân một thời của làng cải lương Nam bộ. Ba Vân nói rằng “Tôi diễn bằng vốn chợ”– cái vốn chợ là cách nói chỉ ra rằng cả cuộc đời ông đi qua những bến sông, sạp chợ. Thế thái nhân tình đều có đủ ở chợ, người nghệ sĩ sống, nhìn ngắm, quan sát, đắm mình vào những chợ đời ấy mới có thể diễn đủ vai của cuộc đời. Chợ là đời mà đời cũng đôi khi là chợ. Cái “vốn” của một tài danh xem chừng không có gì khó hiểu. Nhưng cũng vô số kẻ chợ mãi chẳng trở thành tài danh. Thâm sâu là lẽ ấy.
Trở lại với Hai lần nữa…
Hai nhà tôi chắc chắn chỉ là một phụ nữ nội trợ bình thường. Hai chỉ tự nhiên chọn lựa cái không gian tiêu dùng của mình theo công thức hợp lẽ tự nhiên mà chả cần lý luận, nghiên cứu làm gì. Cần mua nhanh thì ra siêu thị. Cần mua chậm, cần đi bộ, cần chọn lựa, cần ngã giá, cần giao tiếp với những người lạ mà đã thành quen thì Hai đi chợ. Cái chợ ngày thường đã ồn ã, ngày tết còn ồn ã gấp mười…
“…Thầy Ba, xích chỗ cho tui qua chút…” Giọng ai đó đang len lỏi trong đám đông đẩy chiếc xe rơm rạ chất dưa hấu xin đường vào chợ. Mà lạ thay, rủi cái ống quần có rách chút vì va quẹt cũng thấy mình bỗng khác ngày thường, vẫn nở một nụ cười vui vẻ, xua tay “không sao!”
Thêm lần nữa tôi thấy mình đứng trước cổng chợ trong cái nắng vàng hoe lạ lùng se se gió cuối năm.
Đỗ Trung Quân