Hành trình tìm cha của nữ ca sĩ "Xe đạp ơi"

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
(VNN) Gặp lại cha mình là một điều kỳ diệu và hạnh phúc với Phương Thảo, hạnh phúc không chỉ bởi vì từ nay cô biết mình thực sự có một người cha ruột, mà còn hạnh phúc bởi nhờ đó, con gái cô đã có một người mà chúng thực sự có thể gọi là ông ngoại theo ý nghĩa đầy đủ của từ này.

Giờ thì vợ chồng Phương Thảo - Ngọc Lễ đã sang Mỹ định cư, để Phương Thảo đoàn tụ với cha mình, để những đứa con của Thảo được ở gần với ông ngoại của chúng, đúng như những điều chị từng mơ ước. Đó là lý do vì sao lâu lắm rồi người ta không còn thấy Phương Thảo - Ngọc Lễ xuất hiện trên sân khấu ca nhạc trong nước.

Sinh ra đã không biết mặt cha và từ nhỏ phải mang nỗi ám ảnh của thân phận con lai, đến gần 30 tuổi, ca sĩ Phương Thảo mới tìm được cha của mình – một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, qua sự giúp đỡ nhiệt tình của một nhà báo Mỹ. Tìm được cha và được mang họ cha, được hưởng tình yêu thương của cha, đó là thời điểm cô ca sĩ người Sa Đéc này hoàn toàn hài lòng về cuộc đời mình, về những hạnh phúc mình đang có.

Con lai hai dòng máu Việt – Mỹ

Đã rất lâu rồi cặp vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ không xuất hiện trên sân khấu ca nhạc trong nước sau thời gian dài định cư ở nước ngoài. Nhưng đôi khi đâu đó trong thành phố, công chúng vẫn được nghe những giai điệu quen thuộc của bài hát Ba ngọn nến lung linh – bài hát đã làm nên thương hiệu của Phương Thảo và Ngọc Lễ, giúp họ sống rất lâu trong lòng khán giả yêu nhạc bởi hình ảnh một gia đình hạnh phúc, đầm ấm, với “nến bố” Ngọc Lễ, “nến mẹ” Phương Thảo và 2 “nến con” xinh xắn. Dường như, không phải hào quang của sự nghiệp, không phải sự nổi tiếng của một ca sĩ, mà chính ước mơ về một gia đình hạnh phúc, êm ấm và trọn vẹn mới là điều mà Phương Thảo hướng tới sau những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình.



Phương Thảo sinh năm 1968 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Tên khai sinh của Phương Thảo là Văn Thị Kim Lang, lấy theo họ của người cha dượng. Thế nhưng khi còn nhỏ, cái tên họ đầy đủ ấy chưa bao giờ giúp Phương Thảo quên đi được thân phận của mình – thân phận của một đứa trẻ “con lai” – kết quả mối tình giữa người phụ nữ Việt và một người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Khi Phương Thảo còn bé, mẹ cô không bao giờ kể cho cô nghe về cha đẻ của mình. Cô có một cái tên Việt Nam và trên danh nghĩa là con của một người đàn ông Việt. Thế nhưng vẻ bề ngoài của Phương Thảo, từ dáng vẻ, đến gương mặt, ánh mắt,… tất cả đều không thể che giấu sự thật: cô là đứa con chung của hai dòng máu. Trước năm 1975, việc có những đứa trẻ con lai được chào đời ở Việt Nam đã không còn là chuyện lạ, khi thời điểm đó ở miền Nam xuất hiện rất nhiều lính Mỹ. Phương Thảo chính là một trong những đứa trẻ như thế, được sinh ra trong một chuyện tình ngắn ngủi giữa mẹ cô và một người lính Mỹ.

Ngày nhỏ, điều Phương Thảo ao ước nhất là được hỏi mẹ về cha mình, nhưng cô chưa từng dám thực hiện. Bởi cô hiểu đó là nỗi đau lớn của bà, là một bí mật lớn mà bà suốt đời muốn chôn sâu giấu kín. Thời đó việc một người phụ nữ không chồng mà chửa là điều vô cùng ghê gớm, nặng nề. Để sinh ra Phương Thảo, mẹ cô phải trải qua những khó khăn, dị nghị và chấp nhận nó trong suốt nhiều năm trời. Cuộc sống của hai mẹ con Phương Thảo rất vất vả. Từ bé, Phương Thảo phải đi bán hàng rong ở Sa Đéc để kiếm tiền đỡ đần gia đình. Hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ, đã có những thời điểm Phương Thảo nghĩ mình không bao giờ tìm hiểu về người cha ruột, như một cách để xoa dịu những nỗi đau của mẹ và đền đáp sự hy sinh của bà dành cho cô. Mãi sau này, nhờ sự tình cờ mà số phận đem lại, Phương Thảo mới biết cha cô là ai và mới có cơ hội tìm lại cha.

Cha ruột của Phương Thảo là cựu binh Mỹ James Mavin Yoder, từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam. Thời gian làm cố vấn ở Sa Đéc, trong những lần đi học tiếng Việt, James Mavin Yoder có cơ hội làm quen với một cô gái Việt Nam – mẹ của ca sĩ Phương Thảo. Tình yêu của họ nảy nở trong lớp học song ngữ, diễn ra trong một quãng thời gian ngắn ngủi, vội vàng. Cuối năm 1967, đầu năm 1968, sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Việt Nam, James Mavin Yoder về nước mà không hay biết rằng người con gái Việt Nam mà ông đã yêu đã mang trong mình giọt máu của ông. Phương Thảo chính là giọt máu đó.

Năm 1968, Phương Thảo ra đời không có sự mặt người cha ruột. Cha cô ở phía bên kia đại dương cũng không hề biết mình đã để lại một đứa con gái ở Việt Nam. Sau này, trong một lần sang Việt Nam, James Mavin Yoder từng đi tìm lại người phụ nữ Sa Đéc mà ông đã yêu nhưng không thấy. Ông trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ Mỹ đã có 4 người con riêng. Ông không sinh thêm một người con nào khác, vì thế suốt nhiều năm trời, ông hạnh phúc với việc trở thành cha của 4 đứa con riêng của vợ mình mà không biết rằng, chính bản thân ông cũng có một cô con gái ruột.

Những nẻo đường khúc khuỷu của số phận đã khiến cho rất nhiều năm sau này, khi Phương Thảo đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng, có một gia đình êm ấm, hạnh phúc với 2 đứa con gái nhỏ, hai cha con cô mới biết đến sự tồn tại của nhau và có cơ hội gặp nhau.




Gia đình Phương Thảo - Ngọc Lễ

Khi còn bé, Phương Thảo luôn bị ám ảnh với hai từ “Mỹ lai”. Cô vẫn nhớ cô từng cô đơn, lạc lõng đến mức nào khi nhận thức được sự khác biệt của mình với những đứa trẻ khác. Vì thế ngày nhỏ, Phương Thảo rất rụt rè, khép kín và luôn sợ hãi chỗ đông người. Cô luôn sợ ở đó họ sẽ nhìn cô với con mắt soi mói và chỉ trỏ cô đầy tò mò.

Tiếng gọi bố đầu tiên sau 28 năm


Phương Thảo cứ lớn lên như thế như một cây dại, trở thành một ca sĩ, một người vợ và mẹ của hai đứa con. Cho đến lúc đang an hưởng hạnh phúc bên gia đình nhỏ, cũng là lúc cô tìm được cha, với sự giúp đỡ của nhà báo Mỹ Thomas Bass.

Đầu những năm 1990, Thomas Bass đến Việt Nam để thực hiện những nghiên cứu của mình về số phận những đứa con lai mang hai dòng máu Việt – Mỹ ở Việt Nam sau chiến tranh. Khi đó Phương Thảo đã là một ca sĩ nổi tiếng. Chính nhờ đó Thomas biết Phương Thảo là một cô gái mang hai dòng máu Việt – Mỹ. Trong buổi nói chuyện giữa Thomas và Phương Thảo, khi Thomas hỏi cô: “Cô có phải là một đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Mỹ?”, Phương Thảo gật đầu. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm trời, khao khát tìm cha trong cô trỗi dậy.

Cô muốn biết thêm về cha mình, để có thể trả lời câu hỏi cha cô là người đàn ông như thế nào, tốt hay xấu, cao hay thấp, béo hay gầy… và hàng trăm những câu hỏi khác vẫn đeo bám cô suốt từ khi cô còn là một đứa trẻ. Sau này Thomas Bass vẫn nhớ hình ảnh của Phương Thảo ngày hôm đó, khi cô nhìn thẳng vào mắt ông và đề nghị: “Ông có thể giúp tôi tìm cha tôi? Trong tim mẹ tôi có một vết thương suốt nhiều năm trời mà tôi thực sự muốn bà chữa lành”. Khi nhìn vào ánh mắt cô ca sĩ nổi tiếng, Thomas Bass hiểu rằng ông phải cố gắng hết sức mình để giúp cô tìm lại người cha mà cô đã thất lạc gần 30 năm trời. Đó là vào năm 1995 – 27 năm sau khi Phương Thảo ra đời.

Để có thể tìm những thông tin về người cha Mỹ của Phương Thảo, Thomas Bass đã phải đến gặp mẹ của Phương Thảo để xin bà cung cấp cho những thông tin mà bà biết về ông. Nhưng điều đó không phải dễ với một người đàn bà từng thề nguyện chốn giấu bí mật đó suốt nhiều năm trời. Bà đã là một người mẹ đơn thân, đã khiến gia đình phải chịu nhiều tai tiếng. Bà đã vượt qua điều đó, và việc khởi dậy những nỗi đau đó là điều không hề dễ dàng với bà. Nhưng cuối cùng sau nhiều ngày suy nghĩ, trong một bức thư gửi cho Thomas Bass, bà đã tiết lộ cho ông biết những thông tin mà bà có được từ người đàn ông Mỹ của mình, một người mà bà đã yêu bởi sự hào phóng, lãng mạn và những tính cách khác khiến bà quý trọng – người đàn ông đó có tên là James Mavin Yoder.

Trở lại Mỹ sau chuyến đi Việt Nam, Thomas Bass cất công tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu, nhiều nguồn thông tin để cuối cùng tìm ra James Mavin Yoder – người từng làm cố vấn ở Sa Đéc những năm thập niên 60. Và cuối cùng sự nhiệt tình của Thomas đã giúp cho cha con Phương Thảo có cơ hội gặp nhau lần đầu tiên sau gần 30 năm.

Một ngày đẹp trời năm 1996, James Mavin Yoder bất ngờ nhận được một cú điện thoại của một người lạ mà ông chưa từng gặp, tự xưng là Thomas Bass. Qua điện thoại, James đã hoàn toàn bị sốc khi Thomas nói: "Có thể ông sẽ bất ngờ khi nghe điều này, nhưng tôi nghĩ rằng ông có một người con gái ở Việt Nam mà có thể vì lý do nào đó ông chưa từng hay biết. Tôi xin gửi cho ông bức ảnh của cô gái đó và những thông tin mà tôi có được, để ông tự quyết định xem phải nghĩ gì và làm gì”.

Khi nhận được cú điện thoại của Thomas Bass, cha của Phương Thảo – James Mavin Yoder đang sống yên bình bên người vợ tên Ilene của mình ở một vùng nông thôn thuộc bang Virginia. Ông đã không hề hay biết rằng mình có một cô con gái trên đời – một cô con gái sống ở đất nước Việt Nam xa xôi, nay đã lớn và chưa từng được gặp ông. Những bối rối của James Yoder tăng lên khi ông được tận mắt ngắm nhìn bức chân dung của Phương Thảo, cô gái như một bản sao của ông từ ánh mắt đến nụ cười. Chính vợ ông, bà Ilene cũng nói như thế. Đó là lúc ông thực sự nhận ra rằng mình đã để thất lạc một cô con gái suốt nhiều năm trời.

Tình phụ tử luôn là một thứ tình cảm thiêng liêng, nhưng với một người cha và một người con đã không gặp nhau một lần nào suốt gần 30 năm trời thì việc tìm lại sự thiêng liêng ấy không bao giờ đơn giản. Trong lá thư đầu tiên mà ông viết cho cô con gái Việt Nam của mình, ông đã hỏi cô những câu vu vơ như con làm nghề gì? Màu sắc con yêu thích là gì? Và ông kể về mái tóc đang dần ngả sang màu xám của mình.

Giống như James, khi nhận được lá thư đầu tiên và bức ảnh đầu tiên từ cha mình, Phương Thảo đã không kìm được sự xúc động. Trong thâm tâm, cô không thể tin được lại có một người đàn ông giống cô đến thế. Đó là một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hạnh phúc, vừa thiêng liêng. Giống như cha mình, trong lá thư đầu tiên gửi cho ông, cô không biết phải nói với ông điều gì, phải viết cho ông những gì. Nên tất cả những dòng chữ đầu tiên cô gửi cho cha mình ở nước Mỹ xa xôi, dù ngượng ngập, nhưng đó là những lời nói từ trái tim của cô. Trong lá thư đó, Phương Thảo đã viết: “Cha! Đây là lần đầu tiên con gọi từ này trong đời mình, điều con nghĩ mình sẽ mãi mãi không bao giờ có cơ hội thực hiện. Từ giờ con hiểu con đã thực sự có một người cha. Đó là một bất ngờ lớn, một cú sốc lớn của con, nhưng dĩ nhiên nó là một cú sốc hạnh phúc. Ở Việt Nam, con là một ca sĩ. Con từng sống những năm tháng rất nghèo khổ, khó khăn, nhưng bây giờ mọi thứ đều ổn…”.

Một ngày cuối tháng 11 năm 1996, sau 28 năm xa cách, cuối cùng cha con Phương Thảo cũng đã có cuộc gặp đầu tiên ở sân bay Tân Sơn Nhất. Phương Thảo vẫn nhớ ngày hôm đó, khi cô đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón cha mình, đã có hàng trăm khán giả hâm mộ, những người đọc được câu chuyện của cô cũng có mặt để chia vui với hạnh phúc mà cô đang có. Ngày hôm đó để kỷ niệm cho lần gặp đầu tiên của mình, Phương Thảo đã mang tặng cha 28 bông hoa hồng, tượng trưng cho 28 năm mà cha con cô sống trong xa cách và hoàn toàn bặt tin nhau.

Không hề có cha trong suốt 28 năm sống trên đời, nên khoảnh khắc chờ đợi cha mình ở sân bay Tân Sơn Nhất, chờ đợi máy bay hạ cánh và chờ đợi được nhìn thấy cha mình lần đầu tiên bằng xương bằng thịt, mãi mãi là một cảm giác kỳ lạ đối với Phương Thảo. Là một cô gái mạnh mẽ, cá tính, nhưng lúc đó cô thấy mình bối rối, vụng về như một đứa trẻ. Cô núp sau một chiếc cột như một cô bé con nhút nhát và chờ đợi người cha mà cô chưa từng gặp xuất hiện, tự hỏi không biết mình sẽ làm gì khi thời khắc thiêng liêng đó đến. Nhưng bản năng của tình phụ tử luôn luôn kỳ diệu đã soi đường chỉ lối cho cô.

Khi cha cô xuất hiện trước mắt cô, cô đã nhìn ông, rơi nước mắt và cất tiếng gọi bố thực sự đầu tiên trong đời. Và James Mavin Yoder cũng lần đầu tiên trong đời được nghe đứa con ruột thịt thực sự và duy nhất của mình gọi một tiếng cha đầy cảm động.

Gặp lại cha mình là một điều kỳ diệu và hạnh phúc với Phương Thảo. Hạnh phúc không chỉ bởi vì từ nay cô biết mình thực sự có một người cha ruột, mà còn hạnh phúc bởi nhờ đó, con gái cô đã có một người mà chúng thực sự có thể gọi là ông ngoại theo ý nghĩa đầy đủ của từ này. Trong những ngày về Việt Nam gặp con gái, James Mavin Yoder đã cùng Phương Thảo thăm lại Sa Đéc, những nơi lưu giữ đầy kỷ niệm định mệnh của ông. Ông sống trong nhà cô con gái của mình, cùng với con rể mình và những đứa cháu ngoại và hoàn toàn hạnh phúc với cảm giác ấm áp đó.

Con đường riêng của những giai điệu lung linh về gia đình


Trước khi vợ chồng Phương Thảo – Ngọc Lễ sang định cư ở Mỹ cách đây 6 năm, họ là một cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng: nổi tiếng bởi họ chỉ hát những bài hát của riêng họ, những bài hát có ca từ giản dị, mộc mạc nhưng ấm áp mà họ sáng tác với đề tài về gia đình, con cái. Phương Thảo và Ngọc Lễ đã khiến rất nhiều khán giả ngưỡng mộ và yêu mến, không chỉ bởi những nhạc phẩm mà họ đã hát, mà còn bởi hình ảnh gia đình hạnh phúc của họ, khi cả gia đình với bố mẹ, con cái cùng nắm chặt tay nhau đầy hạnh phúc và cất lên tiếng hát ngọt ngào: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình…”.


Để có được hình ảnh đáng ngưỡng mộ như thế, Phương Thảo và Ngọc Lễ đã trải qua cả một giai đoạn dài khó khăn và sóng gió của riêng mình, trước khi tìm được sự đồng cảm và hạnh phúc bên ngoài bạn đời. Phương Thảo và Ngọc Lễ gặp nhau lần đầu tiên năm 1989, khi Ngọc Lễ đang làm trưởng ban nhạc ở một phòng trà Cửu Long. Chính Ngọc Lễ là người đã sáng tác bài Ai cho em tình yêu để Phương Thảo dự thi Tiếng hát hay thành phố và đoạt giải 3. Tuy nhiên thời điểm đó, cả Phương Thảo và Ngọc Lễ đều “có nơi có chốn”. Nhưng cuối cùng cả hai cuộc hôn nhân của họ đều không trọn vẹn. Khi gặp lại nhau sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, họ nhanh chóng nhận ra đâu là một nửa thực sự mà họ đang đi tìm.

Yêu nhau rồi nên vợ nên chồng, Phương Thảo và Ngọc Lễ đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm ngộ nghĩnh. Lần đầu tiên Ngọc Lễ phát hiện một cô gái tóc xù đang ngủ trong phòng tập nên đến đánh thức dậy. Vừa mở mắt ra, vẫn còn đang ngái ngủ, cô gái đó đã xin: “Cho em tập hát với”. Cô gái tóc xù đó chính là Phương Thảo. Nếu như Ngọc Lễ có ấn tượng rất ngộ nghĩnh về cô gái tóc xù mà mình gặp trong phòng tập, thì anh cũng từng đỏ mặt ngượng ngùng với một kỷ niệm “nhớ đời” với Phương Thảo.

Khi mới quen nhau, có một lần chuẩn bị biểu diễn do quá đãng trí, Ngọc Lễ đã quên kéo khóa quần. Khi ấy dù rất ngượng, Phương Thảo vẫn phải nói: “Anh ơi, quên kéo…”. Ngọc Lễ yêu Phương Thảo nhất chính là sự khờ khạo, dại dột đến ngốc nghếch của Phương Thảo – một người không bao giờ biết giành với ai bất cứ cái gì. Có rất nhiều lần Ngọc Lễ chứng kiến Phương Thảo bị người khác giành lượt lên hát trên sân khấu mà không hề phản kháng, chỉ vô tư ngồi ngoẹo đầu vào một góc ngủ ngon lành. Đó là bản năng của một người đàn ông khiến Ngọc Lễ thực sự muốn được bao bọc, che chở cho cô gái này.

Chính nhờ những điều nhỏ nhặt đó mà tình yêu dần đến giữa Phương Thảo và Ngọc Lễ. Dù ngày sinh không gần nhau, nhưng cả hai vẫn giữ thói quen tổ chức chung một bữa tiệc. Thuở hàn vi, bữa tiệc của họ chỉ có 2 người, trong một quán nhỏ với hai ly cà phê. Từ khi gặp nhau, Phương Thảo và Ngọc Lễ đã cùng nhau tạo ra một con đường chung không chỉ trong đời riêng mà còn trong âm nhạc.

Nếu trước đó, Ngọc Lễ chơi rock và viết nhạc rock thì sau khi gặp Phương Thảo, Ngọc Lễ bắt đầu viết những bài hát sâu lắng, tình cảm hơn vì mong muốn Phương Thảo sẽ là người thể hiện các ca khúc của mình. Không phụ tình yêu của Ngọc Lễ, Phương Thảo cũng đã hát rất hay những bài hát mà Ngọc Lễ viết cho cô, trong đó không thể không nói đến bài Cà phê một mình, Xe đạp ơi. Sau này Ngọc Lễ - Phương Thảo trở thành một đôi nổi tiếng khi họ chỉ cùng hát với nhau và hát những sáng tác của Ngọc Lễ. Trong thời buổi “nhà nhà” chạy theo những bản nhạc yêu đương, ủy mị, Phương Thảo – Ngọc Lễ lại chọn cho mình những sáng tác đầy nhân văn về hạnh phúc gia đình, về con cái.

Nhiều người trong giới vẫn nói rằng Phương Thảo và Ngọc Lễ thực sự là một sự lựa chọn hoàn hảo cho nhau, bù trừ cho nhau những khiếm khuyết, những được mất trong tính cách. Nếu Phương Thảo nóng tính, mạnh mẽ, thì Ngọc Lễ lại rất nhũn nhặn, điềm đạm. Ở bên Ngọc Lễ, Phương Thảo dần trở thành một người phụ nữ nữ tính, luôn đặt gia đình lên trên hết. Khác với một nghệ sĩ khác luôn tìm mọi cách để khẳng định tên tuổi của mình, vợ chồng Phương Thảo – Ngọc Lễ hạnh phúc với những điều nho nhỏ mà mình có.

Từ khi hai cô con gái lần lượt ra đời, vợ chồng Phương Thảo nhận show ít hơn, không đi hát tỉnh xa, vì muốn có thời gian nhiều hơn cho hai con. Trong gia đình Phương Thảo – Ngọc Lễ, luôn luôn tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười và sự yêu thương. Đó là những bí quyết để giúp họ giữ gìn hạnh phúc.
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Hành trình tìm cha của nữ ca sĩ "Xe đạp ơi"

Ba ngọn nến lung linh - Phương Thảo - Ngọc Lễ

 
Top