Hình ảnh Hà Nội 40 năm trước và sau 'Điện Biên Phủ trên không'

10,153
29
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Hình ảnh Hà Nội 40 năm trước và sau 'Điện Biên Phủ trên không'[/h] Thứ tư 19/12/2012 16:06

Tiếng bom rơi chấm dứt đã bốn thập niên, Hà Nội của hôm nay đã trở thành thành phố Vì hòa bình trong lòng cộng đồng quốc tế.


Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (18-29/12/1972) đã trở thành truyền thống vẻ vang và niềm tin vững chắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội phòng không - không quân nói riêng và Quân đội Việt Nam nói chung.​
Ngày 21/12, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội hiện nay) bị đánh bom. Những quả bom điều khiển bằng laser đã trút xuống nhà ga và các phố lân cận như Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến. Các khu lao động cũng phải hứng những trận mưa bom. Ngay đêm 18/12, đêm đầu của chiến dịch Linebacker II, hơn 300 người đã thiệt mạng.
Ga Hà Nội hiện đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày với con đường Lê Duẩn hiện đại chạy qua.
Đêm 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân Hà Nội bắn hạ, phần thân của nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội).
Nay một phần xác máy bay đã chuyển vào Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Một phần xác chiếc máy bay trở thành biểu tượng niềm tự hào của quân dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trước bom đạn bạo tàn của đế quốc Mỹ.
Trận ném bom ngày 22/12/1972 đã cướp đi sinh mạng của 28 người gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý và cả bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 40 năm, bệnh viện đã được xây dựng hiện đại hơn, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất của cả nước.
Phố Khâm Thiên: Trận ném bom B52 đêm 26/12/1972 phá hủy hoàn toàn 17 tổ dân phố khiến 287 người dân, trong đó 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em thiệt mạng.
Ngày nay phố Khâm Thiên trở thành một khu buôn bán sầm uất với nhiều cửa hàng phong phú.
Hồ Trúc Bạch nơi đây năm xưa là một trong những trận địa pháo cao xạ của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Nay trở thành một khu vực lãng mạn và thơ mộng.
Ngõ Lý Thường Kiệt sau trận bom ngày 21/12.
Ngõ Lý Thường Kiệt bị tàn phá trong trận bom, sau chiến tranh đã được xây dựng khang trang bên cạnh những ngôi biệt thự mới.


Lê Hiếu

http://infonet.vn/Quan-su/Viet-Nam/...oc-va-sau-Dien-Bien-Phu-tren-khong/45313.info
 
10,153
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hình ảnh Hà Nội 40 năm trước và sau 'Điện Biên Phủ trên không'

[h=1]Cố vấn Lê Đức Thọ: Chúng tôi không khiếp sợ trước B-52 ném bom ồ ạt[/h] Thứ tư 19/12/2012 10:12
Trước khi Mỹ mở chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II (Linebacker II) tấn công ra miền Bắc năm 1972, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ta lúc đó đã sớm dự đoán được âm mưu này của địch nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp cả trên chiến trường và “mặt trận” ngoại giao đang diễn ra ở Pa-ri. Một trong những lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ta lúc đó là theo đuổi chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”, lấy thắng lợi trên chiến trường để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán ở Pa-ri.






Máy bay B-52 ném bom rải thảm Hà Nội và miền Bắc Việt Nam

“Lời tiên đoán” kẻ địch sẽ thua
Vào buổi chiều 18-12 cách đây 40 năm, khi máy bay chở đoàn đồng chí Lê Đức Thọ từ Pa-ri qua Mát-xcơ-va và Bắc Kinh về gần tới không phận Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã bước tới buồng lái, thoáng lặng nhìn rồi thân mật hỏi: “Gia đình các cháu sơ tán ở đâu? Nếu sơ tán thì sơ tán càng xa càng tốt. Chưa yên đâu, còn căng thẳng đấy các cháu ạ”. Khi về tới nhà số 6 Nguyễn Cảnh Chân, chúng tôi đang chuyển hồ sơ, tài liệu vào tủ bảo mật và chuẩn bị về thăm gia đình như mọi khi, thì đồng chí Lê Đức Thọ tới dặn chúng tôi: “Tình hình như các cậu đã biết, nên bây giờ phải ở lại đây đã”. Khoảng 2 tiếng sau, B-52 Mỹ đã rải bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.
Lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân đã giăng kín trời Hà Nội và các nơi khác. Quân và dân ta đã sẵn sàng đối mặt với B-52 Mỹ. Một kế hoạch khả thi với những phương án độc đáo và sáng tạo đánh trả máy bay B-52 ném bom Hà Nội đã được Đảng và Bác Hồ chỉ đạo chuẩn bị chu đáo từ trước. Năm 1947, trong lời giới thiệu 13 chương Binh pháp Tôn Tử, Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”. Cuối năm 1967, Bác Hồ đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng, lời dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chớp thời cơ có một không hai
Chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Bác Hồ và Đảng tính tới từ cuối năm 1965. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của BCH TW khóa III, tháng 1-1967 khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh… Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động…”.
Ngày 28-12-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định kế hoạch Tổng tấn công mùa Xuân 1968. Lời chúc Tết của Bác đêm Giao thừa mùa Xuân 1968: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” - vừa là hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công này, vừa là tư tưởng chiến lược chỉ đạo kết hợp giữa đánh với đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố trên truyền hình ngày 31-3-1968 về việc Mỹ sẵn sàng đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13-5-1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở Thủ đô Pa-ri của Cộng hòa Pháp, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Mục tiêu trước mắt của ta là, tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 13-10-1968, Đoàn ta ở Pa-ri nhận được chỉ thị của Bộ Chính trị mà nếu thực hiện theo thì có thể bỏ lỡ thời cơ buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và họp 4 bên. Thấy tình thế rất phức tạp, có thể không kịp thời gian nếu trao đổi qua mật điện, nên sáng hôm sau, sau khi trao đổi kỹ trong Đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ đã quyết định về ngay Hà Nội. Ngày 16-10-1968, đồng chí về tới Hà Nội. Bộ Chính trị đã họp liên tục trong 3 ngày từ 17 đến 19-10 để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình đàm phán ở Pa-ri, cuối cùng đã thống nhất với nhận định của Đoàn ta ở Pa-ri trước đó. Kết quả là Mỹ đã chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện vào ngày 31-10-1968 và sau đó tiến hành họp 4 bên. Đây là một thắng lợi bước đầu quan trọng của sự kết hợp đánh với đàm, có tác động hỗ trợ lớn cho chiến trường miền Nam.
Tấn công trên ba mặt trận
Từ tháng 3-1970, Bộ Chính trị đã quyết định đẩy mạnh tấn công trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao theo chỉ đạo của Bác Hồ: “Thực lực là cái chiêng - ngoại giao là cái tiếng. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”. Thất bại trong cuộc tấn công của địch sang vùng Mỏ Vẹt ở Cam-pu-chia hòng “cất vó” Trung ương Cục miền Nam và phá hủy hậu cứ của ta (tháng 4-1970) và sự phá sản của cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang đường 9 Nam Lào (tháng 2-1971) nhằm triệt phá đường chi viện huyết mạch của ta, đã làm tan vỡ một mảng lớn kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, buộc Mỹ phải xuống thang, không đòi cả hai bên cùng rút quân nữa.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn vào tháng 2-1972, ngày 22-3-1972, Mỹ tuyên bố ngừng họp Hội nghị Pa-ri vô điều kiện. Ngày 30-3-1972, quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn ra lệnh ném bom lại miền Bắc Việt Nam. Sau chuyến thăm Mát-xcơ-va vào tháng 5-1972 của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, ngày 11-6-1972, đoàn Mỹ gửi công hàm cho đoàn ta ở Pa-ri đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào ngày 28-6-1972. Ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh. Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng, so sánh thế và lực giữa ta với địch trên chiến trường, quan hệ Mỹ - Xô - Trung và tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ, Bộ Chính trị quyết định đã tới lúc có thể đi vào giải pháp ở đàm phán Pa-ri. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sẵn sàng gặp riêng tiến sĩ Kít-xinh-giơ chậm nhất là ngày 15-7-1972.
Những cuộc gặp riêng căng thẳng
Từ ngày 19-7 tới đầu tháng 10-1972, các cuộc gặp riêng đã có những tiến triển khả quan. Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9 giờ 30 phút sáng 11-10-1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20-10-1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31-10-1972 tại Pa-ri. Kít-xinh-giơ thông báo với báo giới: “Hòa bình trong tầm tay”!
Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ-ngụy. Đúng là phía Mỹ đã lật lọng, không thực hiện điều đã cam kết. Ngày 22-10, Tổng thống R.Ních-xơn lại gửi công hàm cho ta, nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu nên chưa có thể ký Hiệp định như đã thỏa thuận. Sau khi Tổng thống R.Ních-xơn được tái cử ngày 7-11, trong cuộc họp ngày 23-10-1972, Kít-xinh-giơ đòi sửa lại 69 điều trong văn bản đã thỏa thuận.
Trong cuộc họp hẹp với Kít-xinh-giơ sáng 4-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nói: “Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B-52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông “không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh””.
Tới cuộc gặp riêng ngày 6-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đề nghị: “Nếu sửa thì chỉ sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc; hai là hai bên đều sửa đổi. Đã sửa đổi thì bên này sửa lớn, bên kia cũng sửa lớn; bên này sửa nhỏ, bên kia cũng sửa nhỏ; không thể chỉ một bên sửa, một bên không sửa. Cứ như thế sửa đi, sửa lại mãi không thể hoàn thành được. Trong hai cách đó, phía Mỹ chọn cách nào tôi cũng sẵn sàng, nhưng chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cơ bản giữ hiệp định”. Đến phiên gặp riêng ngày 12-12-1972, chỉ còn hai vấn đề sẽ giải quyết bằng trao đổi công hàm: Cách ký văn kiện và vấn đề khu phi quân sự. Nhưng tới cuộc gặp riêng sáng hôm sau, ngoài hai vấn đề trong văn bản, quan điểm của hai bên trong các nghị định thư cũng xa nhau. Ngày 14-12-1972, Kít-xinh-giơ về Mỹ. Ngày hôm sau, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rời Pa-ri về Hà Nội.











Hà Nội bình tĩnh chấp nhận mất mát, hy sinh để đương đầu trong trận quyết đánh B-52 ném bom đánh phá. Ảnh tư liệu

Từ chiến thắng trên bầu trời Hà Nội đến thắng lợi ở Pa-ri
Đúng như dự báo của Bác Hồ, tối 18-12-1972, Mỹ đã dùng B-52 không kích Hà Nội. Đồng thời cũng trong ngày hôm đó, Mỹ lại gửi công hàm tới Đoàn ta ở Pa-ri đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26-12-1972. Dùng B-52 tấn công là “canh bạc” cuối cùng của R.Ních-xơn. Hình ảnh “con bồ câu” của R.Ních-xơn trong khi vận động tái tranh cử đã lộ nguyên hình “con diều hâu” hiếu chiến điên rồ sau khi vừa tái cử. R.Ních-xơn và giới quân sự chóp bu Lầu Năm góc đã quá ảo tưởng về sức mạnh của pháo đài bay B-52 “bất khả chiến bại”. Đây là một chiến dịch đã được chuẩn bị sẵn từ trước với cái tên “Linebacker II”. Nhưng có một điều mà ông ta và các chiến lược gia Hoa Kỳ chưa biết rõ. Đó là Thăng Long địa linh, Thăng Long bất khuất và kiên cường đã chôn vùi nhiều mộng tưởng ngoại xâm. Trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” ấy, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111, hàng chục giặc lái đã bị bắt. Mưu đồ của R.Ních-xơn nhằm khuất phục ý chí sắt đá của Hà Nội bằng tham vọng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” đã thất bại hoàn toàn. Mơ mộng của Kít-xinh-giơ về “Không lực của nước Mỹ… mạnh tới mức trong vấn đề Việt Nam từ "thất bại" không bao giờ thuộc về chúng ta” đã tan thành mây khói. R.Ních-xơn cũng không còn gì để trấn an chính quyền Thiệu được nữa và nội bộ càng mâu thuẫn, rối ren. Dư luận thế giới phê phán và phản đối kịch liệt. Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng ném bom để quay lại bàn đàm phán.
Bộ Chính trị đã thảo luận suốt 3 ngày trong hầm nhà Rồng ở trong thành, nhiều ý kiến lật đi, lật lại, nhưng cuối cùng đã nhất trí cao với ý kiến do các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đề xuất là phía ta nên gặp lại phía Mỹ để giải quyết vấn đề. Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt ngày 23-1-1973 và được ký chính thức ngày 27-1-1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta chủ động đưa ra hồi tháng 10-1972.
Trong cuộc gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 77 Sư đoàn phòng không Hà Nội, Đại tá Trần Văn Giang, Chính ủy sư đoàn, thay mặt đơn vị chào mừng “lão tướng chiến thắng từ mặt trận ngoại giao trở về”. Đồng chí Lê Đức Thọ xua tay nói: “Không dám, không dám! Cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân anh hùng mới chính là người chiến thắng. Không có chiến thắng B-52 của các đồng chí trên bầu trời Hà Nội, làm gì có thắng lợi ở Hội nghị Pa-ri. Chính chiến thắng đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973”...
LƯU VĂN LỢI (*)
(*) Nguyên thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri.

Theo QĐND
 
10,153
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hình ảnh Hà Nội 40 năm trước và sau 'Điện Biên Phủ trên không'

[h=1]NS. Phú Quang tiết lộ về khúc tráng ca nổi tiếng dưới mưa bom B-52[/h] Thứ năm 20/12/2012 15:48
“Mỗi khi hát bài 'Em ơi Hà Nội phố' thì hình ảnh tang tóc, đau thương, đổ nát của con phố Khâm Thiên, Hà Nội trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom năm nào lại ùa về, trào dâng, bỏng rát trong tôi”. Nhạc sĩ Phú Quang hồi tưởng lại ký ức những ngày tháng đau thương nhưng kiên cường bất khuất của người Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972.

  • 12 ngày đêm tang tóc, đau thương

Khuôn mặt trầm tư, ánh mắt đượm buồn, ngồi lặng im, suy tư bên ly cà phê trên góc phố Triệu Việt Vương - Nguyễn Du, trong buổi chiều Đông, Hà Nội dường như hình ảnh khốc liệt, đầy tang tóc đau thương của con phố Khâm Thiên trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội 40 năm trước lại ùa về, trào dâng trong anh – nhạc sỹ Phú Quang.
Nụ cười hiếm hoi của nhạc sỹ Phú Quang. Ảnh. Xuân Hải.
Khi kể cho tôi về hình ảnh hoang tàn trên phố Khâm Thiên cách đây tròn 40 năm, giọng nhạc sỹ Phú Quang nghẹn lại, những nếp nhăn trên khóe mắt như hằn sâu kỷ niệm bi ai, đẫm lệ ngày nào.
Sinh năm 1949, là người gốc Hà Nội, năm 1946 bố mẹ Phú Quang phải sơ tán lên Cẩm Khê, Phú Thọ và anh được sinh ra tại đây, đến năm 1954 cùng gia đình trở về Hà Nội và ở tại số nhà 49, phố Khâm Thiên. Năm 1972 khi Mỹ chuẩn bị ném bom Hà Nội gia đình anh tiếp tục phải sơ tán lên Phú Thọ, chỉ còn lại anh và vợ chồng người chị gái ở lại Hà Nội.
"Từ đêm ngày 18/12/1972 Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá Hà Nội, xé toạc sự yên bình, cả thành phố rung chuyển trong tiếng gầm rú của máy bay, bom đạn, tiếng đạn pháo xen lẫn tiếng khóc gào tìm người thân của người dân trong các khu dân cư bị bom Mỹ oanh tạc tan hoang...." Kể đến đây, giọng nhạc sỹ Phú Quang trùng xuống, tang tóc tột độ là đêm 25/12 bom Mỹ trút xuống Khâm Thiên như trải thảm. Sáng 26, khi trở lại Khâm Thiên, anh không thể nhận ra con phố thân quen ngày nào, trước mắt anh chỉ còn lại những bức tường đổ, gạch, ngói vỡ nát, những ngọn cây bị bom Mỹ cắt ngang, cháy đen sạm, tiếng khóc gào tìm người thân cùng những tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người dân dưới bức tường, mái nhà đổ nát.
Nhạc sỹ Phú Quang nghẹn ngào kể lại, “Tôi nhớ mãi hình ảnh, bà cụ ở số nhà 47 phố Khâm Thiên, ngay sát nhà tôi sáng 26/12, bà đứng chết lặng trước ngôi nhà của mình, trên tay vẫn cầm nửa viên gạch vỡ, dưới đống gạch nát vụn là 26 người thân của gia đình bà, cả gia đình 27 người chỉ còn duy nhất bà sống sót. Cạnh đó loang lổ những vết thâm đen của máu cùng những mảnh xác người thân bà tìm kiếm được, chứng kiến cảnh tượng đó tôi chỉ biết đứng thất thần rồi vội vã chạy đi tìm kiếm người thân. Rất may, chị gái tôi chỉ bị thương nhẹ do một mảnh bom bay sạt qua đầu”.
Trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, cứ ngớt tiếng bom là người dân lại nháo nhác đi tìm gọi người thân, tiếng í ới gọi nhau xen lẫn tiếng khóc nghẹn xót thương đến xé lòng. Cũng trong suốt 12 ngày đêm đó, nhạc sỹ Phú Quang cũng phải khóc gào khi phải đào bới, gọi tìm người bạn thân nhất của anh bị bom Mỹ vùi lấp dưới đống đổ nát.
“Để cứu người dân ra khỏi những đống đổ nát lúc ấy rất khó khăn do thiếu máy móc. Nngười dân cũng như dân quân tự vệ, quân đội, chính quyền phải làm việc suốt ngày đêm để phá dỡ từng viên gạch, bê vác cẩn thận từng miếng bê tông để cứu người, nhưng cũng không xuể”, nhạc sỹ Phú Quang cho hay.
Sau này để tưởng nhớ những người dân đã bị bom đạn Mỹ lấp vùi trong suốt 12 ngày đêm khỏi lửa từ 18 – 29/12/1972, Hà Nội đã cho xây dựng bia căm thù ngay tại mảnh đất của 3 nhà, số nhà 47, 49 và 51.
Sự quật cường của quân và dân Việt Nam trong suốt 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội được hiện diện rõ với chứng tích bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52 – siêu pháo đài bay của Mỹ, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta được thế giới gọi là "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không".
"Em ơi Hà Nội phố" - Khúc tráng ca hồi tưởng

Năm 1985, thật tình cờ khi nhạc sỹ Phú Quang gặp nhà thơ Phan Vũ tại thành phố Hồ Chí Minh và được nghe nhà thơ Phan Vũ đọc bài thơ “Hà Nội phố” sáng tác cuối năm 1972, bài thơ viết về quá khứ tang tóc, đổ nát của con phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội. Khi nghe xong bài thơ, cảm xúc nghẹn ngào của người nhạc sĩ dâng tràng, ngay trong đêm Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Sau đó, Phú Quang đã hát cho nhà thơ Phan Vũ nghe, chính Phan Vũ đã phải thốt lên “Phú Quang đã làm cho thơ của tôi sáng lấp lánh như viên kim cương vậy”.
Nhấp ngụm cà phê, nhạc sỹ Phú Quang kể, khi đọc những câu thơ “Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông/ Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…" của nhà thơ Phan Vũ, quá khứ ngày nào lại trở về, hiện nguyên trong anh. Chính điều đó đã thôi thúc anh có cảm xúc từ đáy lòng để phổ nhạc cho ra đời ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”.
Sự đồng cảm giữa Phú Quang và nhà thơ Phan Vũ còn thể hiện ở nỗi niềm day dứt khôn nguôi qua câu hát “Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Đó là con đường, phố thân quen mà nhạc sỹ đã gắn bó tuổi thơ của mình, hình ảnh những nóc nhà trên phố, rồi cây bàng, đến ánh trăng sau 12 ngày đêm của bom đạn Mỹ đã hóa thành “mồ côi” khi bị san phẳng, vùi dập điêu tàn đến nỗi không còn có thể nhận ra.
Sau khi ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” ra đời được 2 năm, đến năm 1988 ca khúc do anh phổ nhạc đã được nhận giải Bài hát hay về Hà Nội.
“Mỗi khi hát bài này, hình ảnh tang tóc của Khâm Thiên ngày nào lại ùa về, ngập tràn trong tôi khiến lòng tôi nghẹn lại. Tối ngày 17/12/2012 khi được đài truyền hình Hà Nội mời tham dự chương trình kỷ niệm 40 năm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không ngay tại đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên và cũng chính trên mảnh đất của ngôi nhà tôi ở năm xưa - số nhà 49 thì hình ảnh “mồ côi” 12 ngày đêm đó lại hiện về khiến tôi không cầm được nước mắt và bằng nỗi niềm xúc cảm của mình tôi đã hát hết được bài hát đó bằng chính trái tim của người còn sống đối với những người đã khuất”, nhạc sỹ Phú Quang nói.
Tạm biệt nhạc sỹ Phú Quang trong buổi chiều mùa đông Hà Nội, hòa trong dòng người đi lại tấp nập, qua những ngôi nhà sáng ánh đèn biển hiệu trên phố Khâm Thiên, trong những tháng ngày kỷ niệm chiến thắng vang dội của quân dân Hà Nội trong trận chiến "Điện Biên Phủ trên không", đâu đó vẫn vang lên câu hát “Người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…” mà anh đã hát cho tôi nghe bên ly cà phê đắng.

Xuân Hải
http://infonet.vn/Thoi-su/NS-Phu-Qu...rang-ca-noi-tieng-duoi-mua-bom-B52/45537.info
 
Top