HN xuất hiện trò lừa 'bắt cóc' tống tiền

10,139
24
38

ALnML

Super Moderator
Một tháng qua, Hà Nội đã xảy ra ít nhất 6 vụ lừa bắt cóc tống tiền. Thủ đoạn của bọn tội phạm rất đơn giản.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội vừa ra văn bản yêu cầu lực lượng công an các phường, quận cũng như các phòng, đội về việc ứng phó với một thủ đoạn lừa đảo, tống tiền mới trên địa bàn.

Các đối tượng dùng chiêu bài gọi điện thoại đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại, nói rằng: chúng đã bắt cóc người thân (vợ, con) của bị hại. Để nạn nhân tin, chúng còn cho họ nghe tiếng kêu cứu giả giọng những người thân này. Các đối tượng yêu cầu bị hại ngay lập tức chuyển tiền cho chúng qua tài khoản ngân hàng hoặc hẹn đến một địa điểm nào đó thì mới thả con tin và không xâm hại tính mạng, sức khỏe.

Vì quá hoảng sợ, nhiều người tin ngay là người thân đã bị bắt cóc thật và vội vàng chuyển tiền cho bọn chúng. Chuyển tiền xong, nạn nhân mới biết là bị lừa, thực chất là không người thân nào trong gia đình bị bắt cóc cả.

Một trong những nạn nhân của trò lừa đảo này là chị Nguyễn Thị H. (SN 1960, ở quận Tây Hồ, Hà Nội).

Chiều 3/6, chị H. đang làm việc tại cơ quan thì có người gọi vào số máy bàn. Chúng nói rằng đã bắt giữ con trai chị vì cậu ta nợ chúng tiền và yêu cầu chị Hà nộp 500 triệu đồng thì mới trả con chị về. Bọn “bắt cóc” yêu cầu đưa trước 20 triệu, nộp qua tài khoản ngân hàng.

Quá hoảng sợ, chị H. đi nộp tiền ngay. Nộp xong, chị mới gọi điện thoại cho con trai, lúc này chị mới biết con mình không hề bị bắt cóc.


Để nạn nhân tin, các đối tượng lừa đảo còn cho họ nghe tiếng kêu cứu giả giọng người thân (Ảnh minh hoạ)
Tương tự, chị Kiều Thị S. (SN 1959, ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) bị bọn “bắt cóc” đòi 300 triệu đồng mới thả chồng chị ra. Chị vội chuyển cho chúng 38 triệu qua ngân hàng rồi mới giật mình biết bị lừa.

Một nạn nhân còn gặp trường hợp đáng sợ hơn là bà Vũ Thị S. (SN 1949, ở Ba Đình). Sở dĩ, con trai bà S. đang đi lao động tại nước ngoài. Ngày 26/6, nghe tin con bị bắt cóc, bà Sửu cuống cuồng mang tiền đưa cho một kẻ lạ mặt tại Bến xe Kim Mã.

Những nạn nhân còn lại cũng bị chúng lừa một cách đơn giản tương tự.

Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Nội cho biết, các đối tượng “lừa bắt cóc” thường chỉ liên lạc với nạn nhân vào máy điện thoại bàn chứ không gọi điện thoại di động. Chúng thường nhằm vào phụ nữ vì đây là những người nhẹ dạ, dễ mất bình tĩnh.

Tuy nhiên trong số nạn nhân vẫn có một người đàn ông là ông Trịnh Văn P. (57 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội). Bọn “bắt cóc” thường đòi số tiền 200 – 300 triệu hoặc 500 triệu đồng. Tuy nhiên chúng chỉ bắt gửi trước dăm ba chục triệu đồng.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, địa bàn tăng cường phổ biến đến từng người dân đề phòng tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo bắt cóc. Người đứng đầu lực lượng công an Thủ đô cũng khuyến cáo người dân về việc quản lý, giữ bí mật các thông tin cá nhân, số điện thoại. Đặc biệt người dân không nên đưa các thông tin đời tư của mình lên các trang mạng xã hội.

(Theo Khampha.vn)
 
Top