Học phí và công bằng xã hội

354
0
16

Mr_Ech

Member
Đề án “Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 - 2014” của Bộ GD-ĐT đã làm được nhiều việc lớn. Có 8 vấn đề lớn được đưa ra và hầu hết đều rất quan trọng, cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Hơn 10 năm trôi qua, nghịch lý, bất cập về cơ chế, quản lý và các con số, định mức... thì ai cũng thấy, tuy nhiên, vì là vấn đề nhạy cảm, do đó, sự phản biện xã hội, của Quốc hội là hết sức cần thiết. Đổi mới cơ chế tài chính không chỉ đơn thuần là việc tăng học phí, mà quan trọng là cách huy động các nguồn lực của xã hội, cách phân chia cái “bánh” ngân sách nhà nước (NSNN), cách quản lý tài chính ở các cơ sở giáo dục… sao cho công khai, minh bạch và có hiệu quả để đảm bảo chất lượng, và đặc biệt để đảm bảo công bằng xã hội (CBXH).
Việc tăng học phí phải đảm bảo công bằng xã hội và giúp mọi học sinh có cơ hội đến trường. Ảnh: M.HẢI
Chúng ta thấy rất rõ rằng: giáo dục là cho số đông và rất dễ xảy ra tình trạng NSNN không gánh chịu nổi. Do đó, để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa thì chi phí (chứ không phải học phí) cho một người học trong một năm sẽ phải nằm trong xu thế phải tăng, thậm chí tăng nhanh, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế. Do vậy phải tăng tỷ lệ hỗ trợ từ các nguồn lực khác, trong đó có người học. Và khi tăng thêm được nguồn lực tài chính, sẽ có thêm nguồn để tăng cường chính sách xã hội, hỗ trợ sinh viên học sinh nghèo hiếu học. Đó chính là ý nghĩa đích thực hướng đến sự công bằng xã hội.
Có phải học phí đào tạo thấp, CBXH sẽ tốt hơn? Học phí thấp, NSNN phải gánh chịu phần lớn (vì chi phí đào tạo không thể thấp hơn mức tối thiểu được). Khi đó, phần lớn chi phí sẽ chảy vào lớp người giàu nhiều hơn vì trong giáo dục (đặc biệt là giáo dục đại học) phần lớn vẫn là con em của tầng lớp giàu có và trung lưu.
UNDP ở Việt Nam đã từng có một nghiên cứu và cho kết quả: Có đến 35% NSNN trợ cấp cho GD đã chảy vào con em của 20% dân cư giàu nhất, trong khi đó chỉ có 15% chảy vào con em của 20% dân cư nghèo nhất (!?). Đó phải chăng có một phần là do kết quả của chính sách học phí thấp, một chính sách đã làm mất thêm CBXH?
Chính sách “học phí cao – tài trợ nhiều” có vẻ thấy lạ nhưng rất có ý nghĩa cho sự phát triển bền vững. Chúng ta đã làm và hy vọng sẽ làm tốt hơn nữa, đó là chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí, tài trợ học bổng (ngân sách và ngoài ngân sách), cho SV nghèo vay vốn, kết quả CBXH sẽ tốt hơn. Và đó cũng chính là CBXH.
Mức học phí tăng lên theo đề án thực ra không phải là tăng mà chỉ hỗ trợ một phần sự mất giá theo thời gian, chưa nói đến theo sự khủng hoảng.
Vấn đề đặt ra là học phí sử dụng thế nào là hết sức cần thiết. Những người trong cuộc chắc chắn thấy rõ một thực tế hiện nay là: chưa bao giờ mà nhà trường lại cắt giảm chi tiêu nhiều kinh khủng như lúc này! Cắt giảm điều kiện làm việc tối thiểu, thiếu đủ thứ. Cắt giảm cả đời sống tinh thần và vật chất tối thiểu. Cắt giảm luôn cả báo chí. Trời nóng. Không máy lạnh, nóng nực…ảnh hưởng từ giáo viên đến sinh viên, rồi bệnh tật tới, ai sẽ chịu hậu quả này đây? Sự gồng mình cùng chịu trận của thầy trò trong cơn bão giá này liệu hỏi làm sao để người thầy tồn tại, vâng tồn tại thôi, chưa nói đến phát triển…
Rồi bao nhiêu sinh viên thủ khoa được giữ lại? Thủ khoa, giỏi toàn diện, giữ lại làm giảng viên trẻ để rồi sống cuộc sống tạm bợ, chạy tiền lo cuộc sống, lương chỉ bằng một phần nhỏ của đồng nghiệp ra trường liên tục được các doanh nghiệp rao mời? Liệu có đủ động lực giữ chân người tài cống hiến cho ngành giáo dục? Và hậu quả không phải của ngắn hạn này ai sẽ gánh chịu đây? Liệu như vậy có công bằng?
Chính người học cũng thiết tha đề nghị nên tăng mức học phí để bù đắp phần nào khoảng trống của thời gian chứ chưa nói đến sự thiếu hụt của điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại và phát triển. Với những sự cân nhắc có lý có tình của đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, chúng tôi và những ai yêu mến ngành giáo dục và đào tạo đề nghị QH nên sớm thông qua đề án mà lẽ ra phải được duyệt sớm hơn này.
Th.S Trần Đình Lý

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2009/6/193898/
 
Top