ALnML
Super Moderator
Học sinh phương Tây "tụt hậu" 3 năm so với học sinh châu Á
PNO - Học sinh phương Tây "tụt hậu" đến 3 năm so với học sinh Thượng Hải, Trung Quốc, và thành tích giáo dục của châu Á không phải là sản phẩm tưởng tượng của các bà mẹ chăm con, một báo cáo của Australia cho biết hôm 17/2.
Học sinh châu Á ngày càng bộc lộ ưu thế trong học tập so với các đồng học phương Tây - Ảnh minh họa: AFP
Khảo sát của viện nghiên cứu độc lập mang tên Grattan cho biết Đông Á là trung tâm thành tích cao trong nhà trường với bốn hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực - Hồng Kông, Hàn Quốc, Thượng Hải và Singapore.
"Ở Thượng Hải, về môn toán thì một học sinh 15 tuổi có trình độ “cao hơn” hai năm rưỡi so với bạn đồng trang lứa ở Australia, Hoa Kỳ và châu Âu”, Giám đốc chương trình giáo dục của trường Grattan, ông Ben Jensen nói. “Tình hình trên có ý nghĩa thật sâu sắc. Khi mà sức mạnh kinh tế đang chuyển từ Tây sang Đông, thành tích học tập trong nhà trường cũng như vậy”, ông nói thêm.
Học sinh Hàn Quốc “vượt” trước một năm so với học sinh ở Mỹ và Liên minh châu Âu trong môn “đọc hiểu” và bỏ xa học sinh Australia đến bảy tháng, báo cáo cho biết, trên cơ sở phân tích các dữ liệu của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) gọi tắt là PISA – một chương trình được coi là công cụ chuẩn cho các tiêu chuẩn quốc tế trong giáo dục.
Nghiên cứu cho biết, trong khi nhiều nước OECD những năm gần đây đã tăng đáng kể kinh phí cho các trường học, nhưng kết quả thu được lại đáng thất vọng và thành công không phải lúc nào cũng là kết quả của việc chi tiêu nhiều tiền hơn.
Các trường học ở Australia đã được tăng nhiều mức chi tiêu trong những năm vừa qua, nhưng thành tích học tập của học sinh lại giảm, trong khi Hàn Quốc, một nước chi cho một học sinh ít hơn mức bình quân ở các nước OECD, học sinh lại có kết quả học tập tốt hơn, báo cáo cho biết.
"Đây cũng không đơn thuần chỉ là sản phẩm của Nho giáo, một khía cạnh văn hóa ở các nước phương Đông, thói quen học vẹt hay sự chăm chút o bế của các “hổ mẹ” – các phụ huynh áp đặt nặng việc học tập để thành công của con cái", báo cáo nhận xét.
Báo cáo cho biết, Hồng Kông và Singapore đã có những cải tiến lớn trong kỹ năng đọc hiểu của học sinh trong thập kỷ qua, khi các bài kiểm tra không định hướng để học thuộc lòng, mà nhắm vào giải quyết vấn đề. Báo cáo cũng cho biết các hệ thống giáo dục tốt nhất không ngừng tập trung một cách thực tiễn vào việc học tập và đào tạo giáo viên, phát triển tư vấn và chuyên nghiệp, hơn là chi tiêu lớn hơn.
Nền giáo dục các nước Đông Á cũng không ngại tiến hành những thỏa hiệp khó khăn để đạt mục tiêu của mình, chẳng hạn như Thượng Hải, nâng quy mô lớp học lên đến 40 học sinh, nhưng vẫn dành cho giáo viên nhiều thời gian để lập giáo án và nghiên cứu.
Thủ tướng Australia Julia Gillard từng nhấn mạnh người dân nước này cần phải có thành tích học tập tốt, nếu muốn có vị trí trong khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới. "Bốn trong năm hệ thống nhà trường có kết quả học tập cao nhất thế giới là ở các nước trong khu vực của chúng ta, vì vậy chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta không chỉ theo kịp, mà còn giành chiến thắng cuộc đua giáo dục này", bà Gillard nói.
Chuyên gia giáo dục Kevin Donnelly, giám đốc Viện tiêu chuẩn giáo dục có trụ sở tại Melbourne, đồng ý rằng bản thân việc chi tiêu tiền thì không đủ để nâng thành tích học tập. "Mỹ là một ví dụ, nước này chi cho giáo dục nhiều nhất trong số các nước OECD, nhưng chỉ nhận được kết quả rất khiêm tốn", ông Donnelly nói với AFP. "Hàn Quốc chi ít hơn rất nhiều, nhưng nước này nằm ở top trên cùng”.
Tuy nhiên, ông Donnelly cũng lưu ý rằng các yếu tố văn hóa, như đạo đức Nho giáo, cũng đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành tính chuyên cần ở học sinh các nước Đông Á.
HỒNG KỲ (Theo AFP)
http://www.phunuonline.com.vn/2012/P...nh-chau-a.aspx