ALnML
Super Moderator
Những phận đời trong bóng đêm giữa Sài Gòn
Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, đêm đêm họ gặp nhau ở chợ Bến Thành. Phía sau cái hào nhoáng, tấp nập của thành phố là những mảnh đời vận mình vào đêm tối vì miếng cơm manh áo.
Hơn 300 năm qua, kể từ khi hình thành đất Sài Gòn - Gia Định, chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của TP HCM, nằm ở trung tâm, là cái rốn của thành phố. Vài năm nay, các con đường nhỏ quanh chợ Bến Thành được phát triển thành khu chợ đêm phục vụ khách du lịch. Ước tính mỗi tối có đến hàng nghìn du khách đến đây ăn uống, mua sắm. Sự nhộn nhịp, sầm uất phố chợ cũng đã trở thành chốn mưu sinh của không ít lao động nghèo buôn gánh bán bưng.
Đêm 8/7, dưới mái hiên chợ Bến Thành, tại một góc nhỏ bên đường Phan Châu Trinh - Lê Lợi, chị Minh đang bôi thuốc chống muỗi cho đứa con gái của mình. “Giường” của bé là một tấm bao lát nhỏ, trải trên vỉa hè sát bờ tường chợ.
Người phụ nữ tuổi Canh Tý (1959), cái tuổi vốn được xem là lắm long đong, lận đận đã gắn với lề chợ Bến Thành 25 năm nay. Người qua đường dễ dàng nhận ra và nhớ đến chị bởi những mụn thịt mọc to nhỏ khắp người.
Cô gái đêm đêm chăm chỉ bán nón ở chợ Bến Thành ngày ấy đã nhận được sự cảm mến của anh Tuấn chạy xe ôm gần đó. Họ nên vợ nên chồng sau mấy năm quen biết. Hạnh phúc ngỡ bắt đầu mỉm cười với người đàn bà vốn phải chịu những thiệt thòi từ lúc mới sinh ra. Nhưng bất hạnh dồn dập tới, khi đứa con gái xinh xắn ra đời vừa tròn một tuổi thì anh Tuấn bị tai nạn, phải nằm liệt một chỗ đến bây giờ.
Minh Thư, cái tên được chị Minh chọn đặt cho cô con gái để gửi gắm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Chưa vào lớp 1 nhưng cô bé này cũng đã giúp mẹ kiếm thêm tiền nhờ vào việc đi bán khăn giấy và kẹo cao su xung quanh chợ. Ảnh: Mai Nhật
Ngày mưa cũng như ngày nắng, khoảng 4h chiều là chị bắt đầu lạch cạch đạp xe mấy chục cây số từ Bình Chánh đến chợ Bến Thành, chở thêm cô con gái gầy gò nhưng rất dễ thương, lanh lẹ. Cứ tầm 11h đêm, chợ vãn, hai mẹ con mới dọn dẹp, đạp xe về nhà lúc đã 1, 2h sáng, lục đục cũng đến 3h mới có thể bắt đầu dỗ vội giấc ngủ.
Thương cho hoàn cảnh của chị, những người trong chợ cũng rất hay giúp đỡ, khi thì đôi dép, bộ quần áo cho hai mẹ con, khi cái bánh, mấy trái chuối. Chị chủ sạp hàng mỹ nghệ chia sẻ: “Nhiều lúc thấy chị ấy bán cả đêm mà không được gì cả, đạp xe đi đạp xe về hoài vậy khổ thật”.
Người ta bảo Sài Gòn đêm là Sài Gòn của nhiều phận đời. Trời vẫn lác đác mưa. Phố co mình trong những khoảng riêng. Câu chuyện của những phận đời gian truân cứ thế được bộc bạch, tâm tình như những tiếng thở dài.
Cách nơi bán của chị Minh một đoạn là một cụ bà 87 tuổi đang ngồi cạnh chiếc cân nhỏ chờ khách. Câu chào mời khách đến cân của bà Ba như lọt thỏm giữa tiếng ồn ào trong chợ, tiếng còi xe inh ỏi của phố đêm.
19 tuổi, bà Ba theo chồng lặn lội từ Bắc vô Nam kiếm kế sinh nhai. Cụ ông mất sớm, hai đứa con gái lấy chồng giờ đã về lại ngoài Bắc, làm ăn cũng chẳng khá giả gì, bà một thân một mình bám víu lại Sài Gòn làm đủ thứ việc sinh sống qua ngày.
Trước kia bà bán vé số, rong ruổi khắp mọi nẻo đường, giờ tuổi cao sức yếu, chuyển qua nghề cân, đỡ một cái là ít đi nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh, một ngày tầm khoảng vài chục nghìn đồng. Ngày ngày bà mướn xe ôm chở từ phòng trọ bên quận 4 qua trung tâm thành phố, đến khuya thì nhờ xe ôm chở về lại, ít nhất cũng tốn hết 20.000-30.000 do062ng. May mắn là những hôm mệt mỏi hay đau ốm gì, còn có những phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở các chùa để bà đến xin thuốc.
Ngồi ngóng khách hàng giờ, chiếc cân của bà Ba thường ế ẩm. Ảnh: Mai Nhật
Khách đa số là những người xót xa cho cái bóng dáng nhỏ thó, hiền từ của bà mà cân chứ không hẳn vì nhu cầu. Bởi những chiếc xe đẩy đo cân nặng chiều cao một cách chính xác, có máy rao đã có mặt tận các ngóc ngách Sài Gòn, còn chiếc cân nhỏ rất khó nhìn thấy các con số, cạnh một bà lão mắt kém do tuổi già thì mấy ai quan tâm. Chợ hôm nay ế khách hơn thường ngày, một lát lâu, mới có một người đàn ông chạy thể dục ngang qua chỗ bà, ghé lại biếu mấy đồng tiền lẻ, bà vội líu ríu cảm ơn.
Còn vô số những “bóng đêm”của chợ Bến Thành mà câu chuyện cuộc đời họ là những chuỗi dài truân chuyên, nhọc nhằn. Họ thu mình trong bóng tối, trong những vòng quay của số phận, sống nhờ vào tình thương của cuộc đời. Một cụ bà ăn xin. Một anh bán vé số dù tật nguyền vẫn miệt mài trên chiếc xe lăn mưu sinh. Bác xích lô có dáng người còm cõi với vốn tiếng Tây tiếng Tàu ít ỏi, lăng xăng mời chào khách. Hay chị đạp xe đạp bán trái cây dạo người Quảng Nam tranh thủ lúc nông nhàn thu xếp việc nhà vào Sài Gòn rong ruổi kiếm thêm đồng tiền trang trải cho bầy con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, rồi đến vụ mùa lại tất tả về quê lo chuyện gặt hái, cày bừa. Họ vẫn không ngừng hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Cụ bà ăn xin đã lẩn thẩn, bị bệnh tê yếu chân tay, cử động rất khó khăn, nằm ngủ mê mệt trong góc vỉa hè đường Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu. Ảnh: Mai Nhật
Mới đây, UBND TP HCM đã lên phương án chấm dứt hoạt động của chợ đêm Bến Thành. Nhiều người sống nhờ vào chợ trở nên thắc thỏm lo âu.
Một mai khi chợ đêm Bến Thành giải tỏa, thành phố chỉ mất đi một hình ảnh độc đáo vốn là điểm nhấn cho du lịch đêm Sài Gòn, du khách chỉ mất đi một điểm hẹn mua sắm lý tưởng, người dân Sài Gòn chỉ mất đi nơi mà họ tìm được một nét gì đó rất riêng. Còn đối với những người bám vỉa hè Bến Thành để mưu sinh mấy chục năm nay, thì cái họ mất đi là có thể là nơi họ đang tần tảo vì miếng cơm manh áo.
Lê Phương
http://vnexpress.net/gl/doi-song/201...-giua-sai-gon/