Khám phá Nam Định!!!!

29
0
0

bố giahưng

New Member
Di tích lịch sử văn hóa: Đền Cố Trạch - Nam Định

Đền Cố Trạch
"Mùa Xuân có lễ Khai ấn, mùa Thu có lễ hội Trần". Người quê Nam Định dù đi đâu về đâu vẫn nhớ về những lễ hội truyền thống trên vùng đất tổ của các vua nhà Trần với các di tích văn hóa lịch sử như chùa Phổ Minh, đền Trần và đền Cố Trạch.
Đền Cố Trạch nằm cách quốc lộ 10 khoảng 300 m, thuộc địa phận xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, thờ Đức thánh Trần: Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông cùng với vua Quang Trung, đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là danh tướng. Ngôi đền này nằm sát với đền Trần thờ các vua nhà Trần, cùng chung hàng cây lưu niên, hàng tường bao, cửa vào, sân gạch, hồ sen với 6 con rồng đá trườn xuống nước như sắp vẫy vùng. Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đến năm 1962, nó được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước.
Cố Trạch có nghĩa là "nhà cũ". Tục truyền vào giữa thế kỷ XIX, nhân dân đào được trên đất đền hiện nay một phần bia ghi rõ là đất ở nhà cũ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bước chân vào đền, du khách sẽ gặp ngay ở cung đệ nhất bức đại tự khắc gỗ năm Đinh Dậu (1897). Trên đó ghi "Hưng Đạo Thân Vương Cố Trạch", nghĩa là nhà cũ của Hưng Đạo Vương. Qua cung đệ nhất, đến cung đệ nhị, khách sẽ gặp "vật báu" có một không hai. Đó là bộ cánh cửa gỗ. Khi khép lại nó tạo thành những bức tranh lịch sử liên hoàn chạm khắc tỷ mỉ, công phu. Mỗi cánh cửa mở ra là một sự kiện, một nhân vật lịch sử của thời Trần hiện về. Từ hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt đến cảnh Trần Thái Tông lên ngôi hoàng đế. Rồi các Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than, trận Chương Dương-Hàm Tử, trận Bạch Đằng Giang nổi tiếng, cảnh Thoát Hoan chui ống đồng tháo chạy hiện lên sinh động qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân.
Sau hai cung là khu "Tại Thiên hương". Hưng Đạo Vương và các quan văn, võ được thiết kế thờ trong không gian không có mái che để trời đất hòa tụ. Tòa Tiền Đường có ban thờ, bài vị 3 vị danh tướng có công trong chống giặc Nguyên Mông là Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Phạm Ngộ.
Hè qua thu tới, về với mảnh đất Thiên Trường, dự lễ hội Trần, du khách sẽ có dịp bước vào thế giới lịch sử, được sống lại với hào khí Đông A trong 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông của dân tộc./.
(Nguồn namdinh.vn)
 
384
0
16

tho2006

Member
Mời các ông, các bà, các bác, các anh chị, các em cùng vào đây để khám phá Nam Định nhé. Bắt đầu từ:
1. Phở gia truyền Nam Định
Phải nói ngay rằng, từ trước cho đến nay thường truyền tụng và ca ngợi nhiều về phở “Hà Nội”. Nhưng có điều thú vị là trước và trong khi có “phở Hà Nội” đã và luôn có một trung tâm “phở Nam Định”.
Phở Quảng Nguyên – cửa hiệu của gia đình ông Vũ Hải ở 12 Hàng Thao tồn tại trước chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nhà hàng có nhiều loại phở: tái, chín, nạm, gầu, tái lăn, áp chảo, phở gà...Tên gọi của Quảng Nguyên là muốn chỉ nguồn gốc của phở từ Quảng Đông, Trung Quốc sang. Nhà hàng vẫn giữ nguyên công thức và hương vị của phở như người Hoa làm. Tuy nhiên hiện nay do thị hiếu của người thưởng thức mà nhà hàng đã chế biến thêm một số phụ gia khác.
Nhà hàng phở Đán: ở phố Hai Bà Trưng, thành phố Nam Định, là hiệu phở ngon nổi tiếng đã mấy chục năm nay. Bà Phạm Thị Huệ chủ nhà hàng cũng học nghề làm phở từ người Hoa. Phở Đán chỉ có hai loại phở chính: phở bò (tái, chín) và phở gà. Người thành Nam chuộng phở Đán bởi chất lượng của phở.
Như vậy phở gia truyền Nam Định ở Thành Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Hoa kiều và từ làng Giao Cù. Nhưng theo thời gian và sự biến thiên của nền kinh tế, phở gia truyền cũng có nhiều thay đổi, không còn nguyên vẹn hương vị như xưa.
Phở Nam Định không chỉ có mặt và nổi tiếng ở quê hương mình mà đã từ lâu, nhất là trong khoảng hơn chục năm trở lại đây theo chân người Nam Định có mặt trên nhiều tỉnh thành Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Phở Nam Định còn được đưa ra nước ngoài .
Vào những năm 1955-1956, đã có phở gánh hay phở xe (gọi theo các phương thức vận chuyển) Nam Định theo những cư dân Tây Lạc, Giao Cù, Vân Cù (huyện Nam Trực) tới những phố phường Hà Nội. Với lợi thế, di động nhanh, gọn vào mọi ngóc ngách xóm ngõ, sớm khuya, phở gánh, phở xe đẩy đã có chỗ đứng, chiếm được lòng tin của khách hàng Hà Nội.
Từ giữa những năm 60 đến trước những năm 90 của thế kỷ XX, vì nhiều lý do nhất là khâu quản lý hành chính bao cấp về lương thực, thực phẩm, phở Nam Định vắng bóng ở thủ đô Hà Nội cũng như ở các nơi khác. Cho đến năm 1990 trở đi, phở Nam Định phục hồi trở lại và ngày càng phát triển mạnh.
Trên địa bàn nội thành Hà Nội, trừ quận Hoàn Kiếm, còn các quận khác, trên các nẻo đường dẫn vào nội thành, các khu công nghiệp, trường học, tập trung đông người có đến con số hàng trăm quầy phở gia truyền Nam Định.
(Còn tiếp):smiling:
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

2. Về Nam Định thưởng thức “bánh cuốn làng Kênh”

Làng Kênh lắm ao, nhiều hồ, dân cư đông đúc có nghề làm bánh cuốn… Không phải ngẫu nhiên trong dân gian lại có câu: “Chổi Vĩnh Trường, bánh cuốn Kênh, tương Tức Mặc, rau muống Thượng Lỗi”.
Sản phẩm làm bằng gạo của làng Kênh nghe đâu còn là thứ quà quý để dâng vua và cụ tổ nghề còn được vua Trần sắc phong Thành hoàng làng. Chỉ có điều qua năm tháng chiến tranh, bây giờ tìm tại dấu tích xưa cũng không còn ai biết đã lưu lạc phương nào. Nhưng chắc chắn rằng bánh cuốn làng Kênh đã từng là món ăn nổi tiếng một thời và đến nay số người quay lại làm nghề cũng không phải là ít.
Một trong gần năm chục gia đình quay lại nghề bánh cuốn những năm gần đây là anh Trần Đăng Chiểu, con trai ông Trần Đăng Giảng, một trong hàng trăm gia đình làm bánh cuốn nổi tiếng ở làng Kênh trước đây. Anh Chiểu có quá nhiều kỷ niệm ấu thơ dính dấp tới bánh cuốn. Như người ta nói: "Buôn trầu ăn chũm cau", nhà làm bánh cuốn, nhưng anh chỉ được ăn bánh không lành lặn do sơ xuất khi tráng. Ngày xưa những gia đình ở hai bên phố Vải Màn (nay là phố Hai Bà Trưng) vẫn quen ăn bánh cuốn tháng của bà Trần Thị Chòe, mẹ anh Chiểu. Mỗi ngày bà Chòe chỉ làm sáu, bảy bơ gạo. Sáng sáng bà dậy sớm nổi lửa làm bánh và chính bà lại đội bánh đi đến từng nhà ở phố Vải Màn - cứ như đầu bếp chuyên lo món ăn sáng cho các gia đình - làm xong “nhiệm vụ” ở phố, bà chỉ xuống vài ba thuyền buôn là cắp thúng ra về.
Bánh cuốn làng Kênh có bí quyết riêng và chỉ truyền nghề cho con dâu trong gia đình. Ngày ấy khi ở trong quân đội, nghe tin mẹ bị bom Mỹ giết hại, anh Chiểu đã có ý định khôi phục lại nghề cũ của gia đình. Vậy là anh chưa xuất ngũ, nàng dâu Trần Thị Chè, vốn làm nghề tráng bánhphở, bánh cuốn ở phố Hàng Tiện đã được rước về làm bánh cuốn làng Kênh.
So với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn làng Kênh ăn đứt về độ mỏng, mịn và trắng của hình, độ thơm của bánh và độ đậm đà của nước chấm. Dụng cụ làm bánh cuốn nghe đơn giản nhưng rất cầu kỳ. Gáo múc bột phải bằng ống nứa tép, que cất và sểu nhân phải bằng tre, phía trong có lớp vải bảo ôn. Vung nồi, phải đạt được hai yêu cầu kỹ thuật là thấm nước và giữ nhiệt, bánh mới chín nhanh. Gạo làm bánh phải là gạo Mộc Tuyền loại ngon, gạo pha tạp bánh sẽ không trắng. Bột bánh phải được xay tay bằng cối đá - Nhiều nơi xay bột bằng máy, bánh không ngon vì bột đã dở chín, dở sống. Dầu tráng bánh ngày xưa là dầu lạc ép (tất nhiên phải là dầu ép đến đâu dùng đến đó). Bởi dùng mỡ bánh dễ bị khô và có mùi không ngon. Ngày nay dùng dầu ô liu phải cho bay hết hơi dầu, bánh mới thơm có độ bóng và mềm. Mộc nhĩ, hành sau khi phơi tái, phi thơm phải giữ sao cho khô, nếu không bánh sẽ hấp hơi. Người ta nói bánh cuốn là “cô nàng rất khó tính”, kể cũng không ngoa. Không cẩn thận một chút là mặc dầu tráng đúng kỹ thuật, bánh vẫn nhão và từ chuyên môn trong làng bánh nói là “bánh bị ma vầy”. Ngay lá chuối để xếp bánh cũng kén lá chuối tây (goòng), nếu dùng lá chuối tiêu bánh sẽ đắng. Tốt nhất là chọn được lá có độ mềm lại không mang tính chát như lá rong đao (rong diềng). Lau rửa lá, ủ bánh cũng không đơn giản. Vỉ cói sạch khô, đậy trên một lớp lá cũng phải khô, nếu không bánh cũng bị hỏng. Nước mắm chấm bánh cuốn ngày xưa phải là nước mắm Ô Long, vàng óng và thơm. Ngày nay có thể dùng nước mắm ngon loại mười bốn ngàn đồng một lít. Nguyên liệu pha nước chấm gồm có: nước mắm ngon, dấm thanh, đường trắng và gia vị cổ truyền. Nước chấm được pha theo tỷ lệ đặc biệt, khi ăn được vắt thêm một lát chanh. Mùa lúa còn có vài giọt cà cuống.
Từ cái thời cả làng mỗi sáng có hàng trăm đội bánh, có nhà tới hai, ba đội đi bán trong thành phố, đến nay mặc dầu đã bán nghề cho một số nơi, làng Kênh vẫn có trên năm mươi gia đình chuyên làm bánh. Những người làng Kênh không chở bánh đi rong để bán. Họ thường ngồi cố ăn bánh cuốn Kênh. Một số gia đình đã có mặt hàng ngay tại các phố, buổi sáng hoặc buổi tối vừa tráng vừa bán luôn nên bánh nóng và ngon. Gia đình anh Chiểu bán bánh ở chợ Văn Miếu. Chị Chè nói rằng khách hàng của chị chủ yếu là các cháu học sinh con cái công nhân nên mặc dù lãi ít chị vẫn rất vui.
Được những người cùng sản xuất ra một mặt hàng, lại được công nhận bánh cuốn gia truyền làng Kênh là món ăn ngon hơn hẳn phải đâu là chuyện dễ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

3. Bánh Gai Nam Định
Bánh gai thành Nam ăn ngon và dẻo. Vị ngon xuất phát từ bột nếp trộn bột lá gai thơm lừng, từ nhân đỗ xanh bùi lựng.
Bánh gai thành Nam ăn ngon và dẻo. Vị ngon xuất phát từ bột nếp trộn bột lá gai thơm lừng, từ nhân đỗ xanh bùi lựng.
Từ xưa, Nam Ðịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai, lá gai ngay Cầu Ốc cũng có nhiều nhà trồng. Cách ăn cũng nghệ thuật. Bánh bóc làm sao khỏi dính lá, khi ăn sao cho khỏi rơi nhân.
Người Thành Nam trước đây biết đến bánh gai Cầu Ốc, xã Lộc Hòa, thành phố Nam Định. Bánh gai Cầu Ốc đặc biệt hơn là nhân được làm bằng hột bàng và gói bằng lá chuối ngự khô. Bánh gai Cầu Ốc ngọt, bùi, thơm mùi lá gai, béo ngậy của hạt bàng.
Còn từ khoảng cuối năm 1978 trở lại đây, “Bánh gai Bà Thi” trở thành phổ biến, nổi tiếng. Bà thi là người Nam Định nhưng sống ở Sài Gòn, đến ngày đất nước giải phóng, bà trở lại thành Nam, mang theo công thức làm bánh gai từ Sài Gòn ra. Bà Thi không trực tiếp làm bánh gai mà truyền công thức cho anh Bình Xuăn (ở phố Hoàng Ngân) – người quen cũ – rồi bà nhận bánh ở đây đi bán trên đường Trần Hưng Đạo.
Lá gai phải đặt mua từ tháng 3 tháng 4. Chọn lá gai không sâu hỏng, rửa sạch phơi khô, tước gân đi, nghiền nhỏ thành bột, cho vào túi vải ninh ba, bốn giờ (càng lâu càng tốt) để làm mất chất chát của lá gai. Nếp phải chọn nếp hương hoặc nếp tháng 3, đãi sạch nghiền nhỏ mịn, sờ mát tay, không gợn. Trộng bột lá gai nguyên chất với bột nếp hương và đường vàng để làm vỏ bánh. Đỗ xanh phải chọn hạt đều, không sâu mọt đem ngâm vào nước ấm, đãi sách vỏ rồi đem đồ chín. Hạt sen cũng chọn hạt nguyên, không bị sâu, đem nấu chín hoặc có thể lấy mứt sem làm nhân bánh. Cùi dừa nạo nhỏ, đem xào với đường kính trắng. Vừng trắng đãi sạch vỏ, rang thơm. Các thứ đó trộn lẫn vào nhau cho thêm ít dầu ăn để làm nhân bánh. Đặc biệt lá chuối để gói bánh phải là lá chuối ngự khô, mua ở các xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Vĩnh Trụ của Lý Nhân – Hà Nam. Lá chuối ngự thường mềm, dai có chất lụa gói đẹp. Nếu dùng lá chuối goòng (chuối tây) gói bánh thường bị gãy và có chất chát ngấm vào bánh, làm giảm chất lượng bánh. Sau khi đã gói bánh, dùng sợi đay và cói (đã nhuộm đỏ) để buộc bánh. Cho bánh vào nồi hấp từ 2,5 đến 3 giờ, ủ bánh vào thùng giữ nhiệt để bánh đến với người ăn lúc ấm nóng, thơm ngon. Tuyệt đối không luộc bánh vì khi luộc bánh sẽ giảm chất dinh dưỡng có trong các tinh bột. Trọng lượng của bánh khi hấp chín thường từ 100g đến 200g. Bánh chín mở ra vuông vắn, màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và nếp hương nguyên chất./.
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

4. Kẹo lạc sìu châu
Nguyên liệu: lạc, nếp cái, đường, bột, mạch nha. Ngày xưa gia đình phải tìm mua loại “lạc bò” sáu tháng mới nhổ để làm kẹo Sìu Châu, nay dùng lạc chay vẫn bảo đảm được độ bùi, ngậy, lượng đạm cao.
Thao tác kỹ thuật nấu kẹo là do người làm có tay nghề thủ công tinh xảo, dẻo tay, giữ nhiệt ổn định của bếp khoảng 300 độ C. Đặc biệt phải biết ước lượng được lượng đường, lạc, mạch nha phù hợp cho mỗi mẻ kẹo. Nấu kẹo Sìu Châu yêu cầu phải trong thời gian ngắn, thao tác nhanh và phải là người có kinh nghiệm mới nắm được bí quyết hoán đường đến độ nào thì cho đường vào.
Dùng chảo đồng điếu để hoán đường là tốt nhất, làm cho kẹo không bị dính chảo. Cho một ít nước lã vào hòa tan đường, đun sôi, cho mạch nha vào sắc tới đặc (đường có sợi tơ). Khi đường đã đủ độ cho lạc rang vào, trong vòng 5 phút vừa đảo nhanh đã phải bắc ra ngay, đổ kẹo lên bàn. Trong vòng 10 phút phải cán kẹo và cắt kẹo xong, nếu không thao tác kịp kẹo sẽ bị cứng không cắt được. Chính do phải thao tác nhanh nên kẹo Sìu Châu thường không vuông ở các cạnh, hình thức không được đẹp nhưng chất lượng kẹo được bảo đảm giòn, thơm ngậy.
Kẹo Sìu Châu khi thành phẩm có màu nâu hồng và trong như hổ phách. Cho kẹo vào chum đựng bột nếp hương ủ vừa tạo nếp áo giữ cho kẹo giòn được lâu vừa làm cho kẹo được quyện với hương thơm của nếp.
Xưa kẹo Sìu Châu được gói trong giấy bồi màu hoàng yến, buộc bằng lạt đỏ hình tháp cụt. Nay kẹo đã có mẫu hộp đẹp, lịch sự được bao bọc bằng giấy chống ẩm giữ cho kẹo được giòn lâu, không mất mùi thơm.
Ăn kẹo Sìu Châu cắn từng miếng kẹo ngậm tơi bột, ăn chậm rãi mới thấy được vị ngon của kẹo. Kẹo ăn giòn tan không dính răng, thơm lừng, ngọt đậm đà. Ăn kẹo có sự hòa quyện giữa hương thơm của lạc rang, của bột nếp hương, vừa có vị bùi ngậy của lạc và độ giòn của mạch nha. Ăn kẹo Sìu Châu phải biết thưởng thức hương thơm, vị đậm đà của kẹo, ngắm nhìn thanh kẹo trong suốt tinh tế và ăn kẹo nghe được tiếng kẹo vỡ giòn tan trong lưỡi./.
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Di tích lịch sử văn hóa: Đền Cố Trạch - Nam Định

Cả địa chỉ này bogiahung ui
Khu di tích Phủ Giầy

Từ thành phố Nam Định đi theo đường lộ 10 tới núi Gôi, rẽ phải 3 km là tới khu di tích Phủ Giầy.
Phủ Giầy là tên gọi chung cho các di tích thờ bà Chúa Liễu Hạnh thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Đây là quần thể di tích được xây dựng trong một khu vực địa lý có nhiều dấu vết văn hoá của cư dân Việt xưa và nay. Cách đó không xa có núi Lê, núi Gôi, với các hang động nơi cư trú của Người tiền sử. Với những di vật văn hoá thời kỳ đồ đá: Rìu đá, cuốc đá... là những dấu vết văn hoá, chứng tỏ sự xuất hiện khá sớm của con người trên mảnh đất này! Điều này, dễ dàng giải thích cho việc bảo lưu những dấu vết văn hoá bản địa, những tín ngưỡng dân gian thuần Việt, Phủ Giầy là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian thuần Việt, tồn tại và có sức hấp dẫn khách hành hương hàng vài ba thế kỷ nay.
Khách hành hương đến với Phủ Giầy, trước hết, hãy vượt hàng trăm bậc đá, lên đỉnh núi Tiên Hương thăm đền Thượng (còn gọi là đền Mẫu Thượng Ngàn). Năm 1857, tiến sĩ Lê Hi Vĩnh đã viết đôi câu đối:
"Thái tông thiệu bình nguyên niên, Phạm Gia Khải thánh"
Thế tông Quang Hưng sơ thế Thái lĩnh lập từ
Tạm dịch:
Đời Thái Tông niên hiệu Thiệu Bình, năm đầu họ Phạm Sinh ra bậc thánh (1434)
Đời Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng năm đầu, dựng đền ở núi Thái (1578)
Như vậy, núi Tiên Hương còn có tên gọi là núi An Thái.
Phía Nam đền Thượng, trên một quả đồi nhỏ có ngôi chùa cổ, ở đó có cây hương đá (khắc bài kinh cúng phật) từ đầu thế kỷ XVIII và cây tháp 14 tầng, phong cách kiến trúc thời Nguyễn...
Gần núi Tiên Hương còn có đền thờ Thiền Sư Không Lộ, nhân dân thường gọi là đình ông Khổng, và một số khu di tích khác có liên quan đến khu di tích Phủ Giầy.
Khu di tích Phủ Giầy từ bao đời nay thu hút khách du lịch hành hương trên khắp mọi nẻo đường về đây, ngoài yếu tố tín ngưỡng, di tích này còn có giá trị rất cao về kiến trúc, nghệ thuật thực sự còn được coi là tài sản văn hoá của dân tộc nói chung và Nam Hà nói riêng.
Nguyên xưa kia, hai thôn Vân Cát và Tiên Hương là một. Ngôi phủ thờ "Tam toà thánh mẫu" ở An Thái, huyện Thiên Bản còn đơn sơ, được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 - 1671). Sang đầu thời Nguyễn (1806) mới tách thành hai thôn Vân Cát và Tiên Hương và cũng từ đó hai thôn đều xây phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh.
Trước hết là Phủ Tiên Hương!
Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 - 1671), nhưng qua nhiều lần tu tạo đến 1914, dưới thời Nguyễn Duy Tân, Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển về hưng công, nên công trình còn lại đến nay có quy mô bề thế hơn xưa rất nhiều.
Phủ Tiên Hương có 19 toà với 81 gian lớn nhỏ, mặt Phủ quay phía Tây Nam nhìn về dãy núi Tiên Hương. Trước phủ có hồ và một sân rộng, có ba toà nhà giàn hàng ngang hai tầng, tách mái. Đây là Phương Du nơi đón khách tới hành hương, Phương Du có cấu trúc cân đối, các mảng trạm khắc trên các cấu kiện rất hài hoà, thanh thoát thể hiện hình rồng, hình phượng (hai trong bốn con vật tứ linh). Liền đó là hồ bán nguyệt ghép bằng đá lục lăng, có đường kính dài 26m, hệ thống lan can bao quanh hồ được xây dựng rất mỹ thuật, hai cầu nước được trạm khắc hình con rồng, với móng vuốt sắc nhọn tinh sảo.
Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Cung đệ tứ được tập trung các nghệ thuật trạm khắc tinh vi, thể hiện các đề tài: hổ phù, lân hí cầu và rồng phượng, vân ám, các bức cốn, mê nách được trạm khắc theo các chủ đề "ngũ phúc", "tứ linh", "tứ quí".
Ngoài ra những bức cửa võng, những cuốn thư, câu đối, đại từ... của các tiến sĩ, đốc học bái tiến cũng có ít nhiều giá trị về sử học, văn học và mỹ thuật, như: "Thiên hạ mẫu nghi" hoặc "Thiên bản nhất kỳ".
Điều đáng chú ý là bài trâm trên cuốn thư của đốc học Ngô Giáp Đậu:
"... Nhà ở An Thái nơi đất thiêng liêng
Còn nhớ hiển thánh từ niên hiệu Dương Hoà (1642)
Kinh sách đã lặng lẽ thấu suốt những bí quyết tam muội
Ánh sáng của lòng từ rộng khắp vào nhang khói của vạn nhà.
Tiếng tăm nước cũ tôn sùng vị vương mẫu"
(Dương Văn Vượng dịch)
Cung đệ nhị cũng được trang hoàng lộng lẫy. Đây là nơi thờ "Khải sinh thánh phụ Trần Quý Công", "Khải sinh thánh mẫu Trần Môn Chính Thất" và Trần Đào Lang (là bố, mẹ và chồng của Bà Chúa Liễu Hạnh).
Cung đệ nhất (chính cung) có 1 khám thờ, khảm trai, bề thế và tinh sảo. Bên trong có 5 toà Long cung sơn son thiếp vàng rực rỡ. Đây là nơi đặt năm pho tượng có giá trị mỹ thuật của thế kỷ XIX. Đó là tượng "Thánh phụ thánh mẫu" và "Tam toà thánh mẫu".
Ngoài ra còn một số công trình phụ như nhà bia, nhà khách, nhà kho... tạo thành lối "nội trùng thiêm ngoại chữ quốc" bề thế và ngoạn mục.
Phủ Vân Cát một công trình kiến trúc qui mô, được xây dựng trên khu đất rộng ước chừng gần 1 ha, đứng biệt lập, nhưng cũng thuận lợi về giao thông, do vậy khách hành hương không thể không đến Phủ Vân.
Phủ Vân quay về hướng Tây Bắc, trước mặt là cánh đồng lúa bạt ngàn, cũng kiến trúc theo phong cách "Nội trùng thiêm, ngoại chữ quốc" (các toà nhà chính bên trong song song chung thềm, hai bên có hành lang nhà ngang, mặt trước có ngọ môn khép kín).
Tuy bị hư hỏng nhiều, nhưng Phủ Vân Cát vẫn còn 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Cung đệ tứ, mái cong, làm theo lối chồng diêm tám mái, các cấu kiện như bẩy, kẻ, được gia công trạm khắc long hoá, soi chỉ rất công phu, con rồng uyển chuyển nhẹ bay trên xà, trên bẩy, đan xen có những con phượng, vờn múa theo nhiều kiểu dáng, con "qui" ẩn hiện nơi ao sen, bầy "ly" vui đùa uốn lượn ở góc xà, đầu bẩy rất sinh động, đây là đề tài "tứ linh" được thể hiện "ẩn hiện" (hư thực) rất uyển chuyển.
Hệ thống cửa "Ngọ môn" xây dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, với hàng chục cột trụ, 5 gác lâu, tường hoa bao quanh nhiều văn bia đặt dưới cổng Ngọ môn ghi chép về việc Bà Chúa Liễu giáng sinh, và sự đóng góp tiền của xây dựng công trình đền, Phủ Vân qua năm, tháng của nhân dân.
Phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà Thuỷ lâu, ba gian, mái cong. Công trình này được gia công rất công phu, từ viên đá "Cẩn qui" ghép móng, hệ thống lan can với các hoạ tiết "tứ linh, tứ quí" đến hai cầu đá bắc qua hai đầu hồ vào thuỷ lâu cung thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Phủ Vân còn có hệ thống cánh võng chạm khắc, và sơn son thiếp vàng công phu thể hiện đề tài hoa lá cách điệu

Điều đáng quan tâm là bức đại tự ở gian giữa tiền đường đề rõ: "Tiên nhân cựu quán" (quê cũ của người tiên) (Bảo Đại mùa đông năm Đinh Sửu).
Hoặc đôi câu đối:
"Tự hữu quốc gia dĩ lai, gia phục mẫu nghi, quốc phong vương tước
Mạc vi thần tiên chi đảo, tiên cư thiên thượng, thần tại nhân gian"
(Hàn lâm viện thi đọc, lĩnh Vụ Bản tri huyện Phạm Quang Phúc bái tiến)
(Từ khi có quốc gia đến nay, nhà thì tôn là nghi thức người mẹ, mà nước thì phong tước Vương
Đừng bảo thần tiên là quái đản, tiên trên thượng giới, thần ở nhân gian)
(Dương Văn Vượng dịch)
Phủ Vân cũng có 4 lớp thờ tự (4 cung) như ở Phủ chính Tiên Hương. Cung đệ nhất nơi thờ tượng "Tam toà thánh mẫu" cũng uy nghi đường bệ, phong cách tượng bên Phủ Vân nền nã và dịu dàng hơn. Nhìn chung đó là những pho tượng đẹp, thể hiện người phụ nữ Việt Nam (đa thần linh hoá) nhưng vẫn giữ được những nét dịu hiền, đoan chính, nhưng cũng có cái gì đó oai nghiêm, sắc sảo...
Một công trình văn hoá trong quần thể di tích Phủ Giầy đáng kể nữa là lăng Bà Chúa Liễu, được xây dựng vào năm 1938, theo lời kể của người già, thì lăng Bà Chúa được xây dựng do Nam Phương Hoàng Hậu hưng công. Lăng được thiết kế xây dựng bằng đá xanh, trên bình diện 625 m2, gồm 5 vòng đường kính vuông, mỗi cạnh dài 24m. Mỗi vòng đường đều để 4 cửa vào lăng theo 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc. Các cửa đều có trụ cổng, trên đặt bông sen chúm chím nở. Năm vòng đường có 5 độ cao khác nhau, để tạo những mảng sân bậc thang bao quanh lấy phần mộ. các vòng tường bao được trạm khắc công phu theo từng chủ đề, từng vị trí thích hợp như: Chấn song con tiện, chữ thọ, cẩm qui, chữ Vạn nổi...
Lăng mộ ở vị trí trên cùng hình bát giác, có đường chỉ viền chạy xung quanh, lại tạo thành 88 núm "vú" như 88 bông hoa chạy viền quanh mộ, mà tương truyền đây là hình tượng "bầu sữa mẹ".
Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa dáng như một hồ sen cạn. Cũng trong khu lăng còn có hai toà phương đăng bằng đá xanh được xây dựng rất công phu. Đây là nơi đặt bàn thờ Công chúa và văn bia ca ngợi công đức của Bà.
"Tiên lương linh tích muôn đời
Trường xuân phúc quá thảnh thơi lâu dài"
Có thể nói toàn bộ khu di tích Phủ Giầy có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đến với Phủ Giầy là đến với một di tích hoàn chỉnh yếu tố tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Và, cũng là thăm một di sản văn hoá đã được nhà nước Việt Nam thừa nhận, theo quyết định số 09 VH - QĐ, năm 1975.
Năm tháng qua đi cùng với lớp bụi thời gian các công trình này đã bị thiên nhiên làm hư hại. Được sự hỗ trợ và lòng hảo tâm của các qúi khách trong ngoài nước, các di tích trong quần thể di sản Phủ Giầy đang được tu sửa lại như thuở ban đầu, đáp ứng lòng mến mộ của khách hành hương bốn phương đến với Bà Chúa Liễu./.
 
3,314
5
38

thuyvuong

Active Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Cảm ơn bạn tho2006, mình cũng quê Nam Định đấy. Thi thoảng co ai về cũng nhờ mang bánh cuốn lên, hic nhắc đến mà thèm quá. Nhớ hồi có bầu bé lớn thèm ăn bánh cuốn mà ông xã đi mua hàng nào cũng chỉ ăn được 1,2 gắp vì không thấy ngon bằng bánh cuốn quê mình. Nhà tớ ngày trước ở khu gia đình Quân Nhân, Làng Kênh là ngay cạnh... nhớ quá
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
42
0
0

ME KEANU

New Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Hi hi, em dâu Nam Định đây, mà toàn bị ăn bánh gai bà Thi thất truyền thì phải. Em cũng chưa được nếm kẹo Sìu Châu bao h. 1-5 này về, rảnh thì đi mò ăn phát, tâm hồn ăn uống mà
Chị biết chỗ nào, ăn j thì post lên cho cả nhà còn biết với, đỡ mất công mò mẫm mà ko trúng lắm....
 
594
0
0

meyeuTomTom

New Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Hi hi, em dâu Nam Định đây, mà toàn bị ăn bánh gai bà Thi thất truyền thì phải. Em cũng chưa được nếm kẹo Sìu Châu bao h. 1-5 này về, rảnh thì đi mò ăn phát, tâm hồn ăn uống mà
Chị biết chỗ nào, ăn j thì post lên cho cả nhà còn biết với, đỡ mất công mò mẫm mà ko trúng lắm....
Em cũng là dâu Nam Định đây
Mê nhất là món bún cá. Sao trên HN này không có bún như ở dưới đó nhỉ
Cá rán ròn, ngon, ăn được cả xương
Nước canh chua chua, thơm thơm
Còn có cả miếng chả (hình như là chả xương xông)
.......
Thích nhất đó
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Hôm nay mời các bạn thưởng thức một đặc sản nữa của đất thành nam: Kẹo dồi


Có lẽ nói đến món này chắc các bác nghĩ rằng bây giờ, đầy thứ kẹo, ối thứ bánh ngon thật là ngon.
Nhưng trở lại thủa xưa thì món kẹo Dồi chó là ngon tuyệt cú mèo. Vỏ kẹo được làm từ mía đường đun lên thành keo kẹo, ăn rất dòn , vỏ kẹo mỏng chỉ khoảng 1mm thôi. Nhân kẹo là những viên lạc rang thơm đượt đặt trong vỏ kẹo.
Hình dáng kẹo không khác gì khúc dồi chó mà các pác vẫn ăn thịt chó bây giờ, nên có tên gọi là Kẹo Dồi chó.
Bây giờ, nếu có dịp về Thành Nam, vào khách sạn Vị Hoàng, các bạn sẽ thấy trong thực đơn tráng miệng có món kẹo này, chỉ có điều kẹo bây giờ hình dạng, mẫu mã thay đổi cho bắt mắt hơn. Quà của tôi cho một số người bạn nước ngoài không thể thiếu món kẹo dồi này đâu đấy. Nào chúng ta cùng thưởng thức món kẹo này nha.
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Hi hi, em dâu Nam Định đây, mà toàn bị ăn bánh gai bà Thi thất truyền thì phải. Em cũng chưa được nếm kẹo Sìu Châu bao h. 1-5 này về, rảnh thì đi mò ăn phát, tâm hồn ăn uống mà
Chị biết chỗ nào, ăn j thì post lên cho cả nhà còn biết với, đỡ mất công mò mẫm mà ko trúng lắm....
Mẹ nó ơi, kẹo sìu châu Nam Định bạn có thể mua ở 122 Minh Khai - TP Nam Định, nó thực ra là kẹo lạc và kẹo vừng, nhưng được làm rất đặc biệt, ăn kẹo lạc, uống nước chè tàu thì ngon phải biết đấy. Mẹ nó thưởng thức qua ảnh đã nhé:

 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Cũng là một đặc sản nữa của Nam Định, nhưng chúng ta lại về với miền đất Hải Hậu:
Quê tôi bánh nhãn thơm giòn
Kém gì vật lạ của ngon quê người
Nõn nà chỉ nếp trắng thôi
Trứng gà đường kính tay người làm ra
Người quê chân chất thật thà
Bánh ngon đặc sản gần xa tiếng đồn
Ai qua mảnh đất chợ Cồn
Hẳn không quên vị thơm giòn hương quê

Nói tới chợ Cồn người Nam Định nào cũng biết địa danh thuộc thị trấn Văn Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định. Chợ Cồn còn được người ngoại tỉnh biết đến vì một loại đặc sản: bánh nhãn.

Người ta mua bánh nhãn vừa để nhớ địa danh mới lạ vừa được thưởng thức một loại bánh ngon, giòn bắt mắt của chính những chủ nhân đầu tiên đã làm ra nó.

Bánh có tên là bánh nhãn, không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ bởi những chiếc bánh này giống hệt như quả nhãn. Chất liệu làm bánh này chính là một trong những sản phẩm nông sản nổi tiếng của vùng đất nông nghiệp giàu có của tỉnh Nam Định. Đó là thứ bột làm từ loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và được xuất khẩu ra nước ngoài.

Làm được bánh nhãn cũng lắm công phu. Đó là khâu chuẩn bị nguyên liệu: Phải có đủ 4 thứ gạo nếp, trứng gà, đường kính và mỡ lợn. Gạo nếp được chọn lựa cẩn thận, đều hạt , được ngâm, xay tay bằng cối đá , làm khô bằng tấm vải lọc đặt trên thúng tro bếp. Bột phải xay thật nhuyễn bánh mới ngon, khi rán bánh không bị phồng rộp. Trước khi vo bột làm bánh, bột được nhào với trứng gà đánh nhuyễn. Một số công đoạn sau này cũng rất quan trọng.

Đó là rán bánh và thắng đường gần giống như làm bán rán thông thường. Làm như thế bánh được ngấm mỡ từ vỏ vào trong ruột. Khi chưa rán, viên bột bánh chỉ nhỏ gần bằng đầu ngón tay. Nổi lửa xong phải giữ ngọn lửa nhỏ để bánh chín thấu và phồng đều. Bánh đã chín và phồng đủ độ được vớt để ráo mỡ. Một chảo đường được đun lên chảy ra sánh vừa độ thì cho bánh đã được rán vào để "hoán" tức là đảo đều tay. Lớp nước đường sẽ thấm cả vào bên trong bánh và bọc lấy phía ngoài bánh làm thành lớp vỏ tạo độ bóng và thêm vị ngọt cho bánh. Chính nhờ thắng đường mà bánh nhãn giòn ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Những chiếc bánh nhãn đạt tiêu chuẩn phải đều nhau, nhìn bề ngoài bánh có độ bóng , màu giống hệt quả nhãn. Khi ăn có độ giòn và có vị mát. Thưởng thức bánh nhãn tốt nhất là sau khi chế biến ít ngày. Tuy nhiên với công nghệ bảo quản hiện nay có giấy bọc đẹp và giấy bóng kính bao ngoài, bánh có thể để được tới hai chục ngày sau vẫn đảm bảo chất lượng.

Bánh nhãn chợ Cồn, Hải Hậu còn được bán tại thành phố Nam Định, nên nhiều khi người ta quen gọi bánh nhãn Nam Định. Đặc sản này sánh như các đặc sản nổi tiếng của địa phương khác như bánh cáy Thái Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, cu đơ Hà Tĩnh hay mè xửng Huế…

Người Hải Hậu rất tự hào về đặc sản quê hương. Bánh nhãn Hải Hậu góp phần làm phong phú nghệ thuật ẩm thực vùng lúa nước, tôn vinh tài nghệ những người nông dân không chỉ biết ăn no, mặc ấm mà còn biết mặc đẹp ăn ngon. Trong văn hóa bánh, quà nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, mỗi một đặc sản các vùng quê khác nhau đều có một vị trí xứng đáng, cùng nhau tôn vinh nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Bạn thưởng thức nha:

 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Ở ngoại thành Nam Ðịnh, và dọc bờ sông Châu Hà Nam, nhiều nơi nổi tiếng về trồng chuối ngự. Nhưng ngon nhất, vẫn là chuối ngự làng chiêm trũng Ðại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam).
Cây chuối ngự, theo các cụ kể ít ra đã có từ thời nhà Trần. Từ phủ Thiên Trường đến ngoại thành Nam Ðịnh, các làng xóm ở Hà Nam, nhiều vùng đất là quê hương, là thái ấp các vua quan nhà Trần. Những ông vua thương dân, đánh giặc giỏi, lại được dân quý trọng, trồng lên loại sản vật quý giá dâng vua: chuối ngự.
Cây chuối ngự vườn quê ta xanh mát, bẹ cây bóng trong. Trồng chuối cũng kỳ công, từ mùa xuân năm nay đến mùa xuân năm sau mới ra hoa kết trái. Khác với cây chuối ngự trâu, quả to, ăn nhạt, chuối ngự thóc (hay còn gọi là chuối ngự mít) là loại được chọn tiến vua. Qua mùa bão táp mưa sa, cây càng phải gìn giữ kỹ. Mỗi cây có một cột tre làm nơi nương tựa. Ngay đến chăm sóc, chuối ngự cũng cầu kỳ, "ăn" sạch các loại bùn ao, nước gạo, dầu lạc, chớ không ưa các loại phân uế tạp.
Chuối ngự đậu quả, không để chín cây mà phải giấm rất kỳ công. Lò giấm vách đất, chứa đựng mươi buồng, đủ nhiệt độ cho chuối chín mà không nẫu. Mùa chuối ngự chín, hương thơm tỏa đầy ắp nhà. Quả chuối ngự xinh xinh, bụ bẫm, cuống thanh thanh. Các cụ ngày xưa ví quả chuối như "búp tay cô gái" kéo sợi dệt vải quê đồng chiêm. Vỏ chuối vàng óng như lụa, bóc vỏ, ruột lộ ra liền. Quả chuối mềm nuột, mầu vàng nhạt, cắn một miếng, lộ ra ruột vàng sậm, thơm nức. Cái ngọt đậm đà đầu lưỡi.
Mùa chuối ngự, ở chợ Rồng, chợ Viềng, mầu vàng sáng rực chợ. Cái mầu vàng làm say lòng Nguyễn Tuân khi thăm chợ Rồng: "Tơ chín vàng, chuối chín vàng. Mầu hoa hòe nở rộ vào mỗi mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối, vàng tơ của chợ Rồng chói lọi. Cái mầu vàng giãy nãy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh mầu".
Tơ, lụa, chuối, theo Nguyễn Tuân, làm cả chợ rực sáng lên như nhuộm tắm trong một cái ráng trời óng lộng cuối mùa thu.
Làng Ðại Hoàng, đất của chuối ngự, cũng chính là làng quê của nhà văn Nam Cao. Nghe kể, thời đi dạy học đi viết văn ở Hà thành, Nam Cao rất nhớ món chuối ngự làng mình. Ông đi chợ, gặp chuối ngự là mua về, để thơm nức mới thưởng thức, như nhớ về rặng tre, vườn chuối thân thương.
 
29
0
0

bố giahưng

New Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

tho2006 ơi sao không post bài về cây cầu treo của Nam Định hoặc cầu Đò Quan ( có bài hát qua bến đò quan đó ):applause:
 
384
0
16

tho2006

Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

tho2006 ơi sao không post bài về cây cầu treo của Nam Định hoặc cầu Đò Quan ( có bài hát qua bến đò quan đó ):applause:
Bố nó ơi, em dụ khị khán giả bằng mấy cái vụ ăn uống đã, rồi mới đến chơi. Các cụ toàn nói ăn rồi mới đến chơi mà. Bố nó cứ chờ nhé.
 
29
0
0

bố giahưng

New Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Bố nó ơi, em dụ khị khán giả bằng mấy cái vụ ăn uống đã, rồi mới đến chơi. Các cụ toàn nói ăn rồi mới đến chơi mà. Bố nó cứ chờ nhé.
Suốt hôm nọ thấy ăn uống rồi, mà còn món bánh cuốn làng Kênh nữa, vịt cỏ Trần Nhân Tông nữa chứ post thêm lên cho các pác ấy thèm để tổ chức off tại Nam Định ăn uống xong mời các pác ấy đi Quất Luôn ( ấy quên Quất Lâm ):grin:
 
8
0
0

Chip_fvn

New Member
Ðề: Khám phá Nam Định!!!!

Cảm ơn các anh chị đã chia se những địa danh để đi du lịch. Tết này em đang có kế hoạch đi 2 nơi, có thể đi Hà Giang hoặc Ninh Bình, các anh chị nào có thể chỉ dẫn cho em không a. Xin cảm ơn các anh chị trước !!!
 
Top