Khen

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Khen


Đừng tưởng khen là dễ. Khen cho đúng là khó lắm. Nhưng không thể vì khó mà khen bừa. Càng không nên coi khen là món chiêu đãi nhau không tốn kém mà sung sướng lại tràn trề, hạnh phúc cả đôi bên. Rồi thì khen cả cái không đáng khen. Khen không đúng có hại cho xã hội, như việc khen ông lang ta chữa được bệnh chó dại cắn. Nhiều người bị chó cắn sợ tiêm huyết thanh, đến ông lang cắt thuốc. Kết quả: những ai bị dại, chết cả. Những người được chữa khỏi, quả có bị chó cắn nhưng không phải chó dại. Người khen có thiện ý nhưng không thấu đáo thành có hại cho cộng đồng là thế. Việc đáng tiếc, nhưng không ai nỡ bắt tội người khen bừa.Còn người được khen, dù là khen sai thì không hề cáu giận hay kiện tụng gì mà còn rất cám ơn, có khi còn tình nguyện cung phụng bia rượu suốt đời. Vì vậy trong đời, người ta hay khen. Từ khen động viên cổ vũ đến khen nịnh kiếm lời.
Hiện nay, rộng rãi lời khen nhất có lẽ là giới văn học nghệ thuật. Tìm được cuốn văn, cuốn thơ đọc được lúc này không dễ, ấy thế mà đọc các bài giới thiệu, phê bình hoặc điểm sách thì thấy nhan nhản lời khen. Nếu chỉ đọc những lời thẩm định này mà đừng đọc tác phẩm thì ai cũng đinh ninh nước ta đang là cường quốc văn chương. Các nhà văn vốn yêu người và yêu nhau thì cái việc vu nhau có tài, bạn đọc cũng chỉ mỉm cười và tự rút lấy kinh nghiệm mà chọn sách.

Nói là mỉm cười vì chẳng lẽ lại ha ha mà cười, dù rằng có lúc đáng phải cả cười mới hả. Tôi biết một anh làm báo và thỉnh thoảng cũng đi chạy vài cái quảng cáo. Có ông thủ trưởng đang nắm một ngành kinh tế ăn nên làm ra. Lương bổng quà cáp quá hậu hĩnh, thủ trưởng có của ăn của để, hứng chí, xoay sang làm thơ. Ông không có năng khiếu văn chương, nhưng được cái hăng hái đến hãi hùng. Thơ ông, người đọc thì buồn cười vì thấy nó ngô nghê nhưng người viết thì chan chứa hy vọng. Anh bạn làm báo của tôi, sau khi nghe thơ của ông thủ trưởng kia, lại trợn ngay mắt lên mà rằng:

- Thơ hay thế mà anh không cho in thì anh có tội với dân tộc.

Vị thủ trưởng ngước nhìn ông nhà báo vừa hồ nghi, bẽn lẽn vừa tràn đầy hy vọng. Ông nhà báo thì ráo riết khen và có cái vẻ nghiêm trang như vừa phát hiện ra loài thú hiếm của nước nhà. Thế là thủ trưởng ta thành nhà thơ. Mỗi năm in vài ba tập. Tập nào cũng có người khen. Người khen quanh quẩn vẫn mấy ông nhà báo kiêm nhiệm chạy quảng cáo ăn hoa hồng. Mà thủ trưởng lại là người có quyền cho hàng nắm quảng cáo. Sau dăm sáu năm thủ trưởng có ngót hai chục tập thơ. Nhiều tập in trên giấy quý, bìa cứng. Sách không bán, chủ yếu để tặng, tặng không hết thì giữ lại cho muôn đời con cháu mai sau. Người ta lại xui ông thuê các nhạc sĩ phổ nhạc, thuê ca sĩ nổi tiếng hát, tổ chức các đêm thơ nhạc (có múa minh hoạ) của ông ở Hà Nội, TP.HCM, miền núi... trên sân khấu nhà hát lớn sang trọng, trên hội trường ủy ban huyện thị, trên màn ảnh nhỏ. Có nhà thơ, chuyên nghiệp hẳn hoi, bỗng hăng lên, không biết vì tình thơ hay tình bạn nhậu, lại coi ông như một hiện tượng quý hiếm của văn chương nước nhà, viết thành bài đăng báo, mà trên hẳn tờ báo lớn mới khiếp chứ. Chuyện khôi hài đã thành long trọng. Không biết sẽ còn đi đến đâu. Giời đất này, biết thế nào. May mà... May là may cho văn chương, chứ với đương sự thì là chuyện bất hạnh. Ông thủ trưởng này ra toà, không phải vì làm thơ mà vì chuyện ăn liều tiêu liều, coi tiền của Nhà nước như của mình. Ông đi tù. Và lạ thay, chuyện nọ xọ chuyện kia, người ta bỗng phát hiện ra thơ ông hoá ra rất dở, đã thế lại in nhiều. Trong đám người chê ông lại có cả những vị từng sửng sốt khen ông. Khen ông như trước đây là vu cáo ông có tài, là xui dại ông tốn tiền mất sức, làm khổ vợ con. Chê thơ ông lúc ông vận hạn này cũng là tệ bạc, bỏ bạn lúc khốn cùng. Nghĩ tội cho ông. Trong lĩnh vực này cũng phải sòng phẳng: làm thơ dở đâu phải là đặc quyền của các nhà thơ nổi tiếng. Tội ông trong cõi văn chương này chỉ là ngây thơ và háo danh. Hai tội ấy thì đáng giận mà cũng đáng thương. Tội là thuộc về mấy tay bợm, nó bốc ông lên để ông cho nó hợp đồng quảng cáo, để ông tài trợ tiền nong việc này việc khác. Ông chỉ là kẻ mắc lừa tốn công tốn của, mang tiếng với đời. Tội ấy tăng nặng vì nó góp phần làm rối loạn tiêu chí thẩm định văn chương trong thiện hạ. Nhưng hào phóng coi nhau là thiên tài cũng có cái vui, không tốn kém gì mà người cứ lâng lâng say sưa như ngồi uống rượu với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... Thỉnh thoảng có buồn có bực là buồn bực với bà con hàng xóm hay đám đồng liêu trong cơ quan chưa nhìn mình như nhìn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Nên tội ấy cũng chỉ đáng chê cười chứ không ai đòi xử tù kẻ khen văn chương văng mạng.

Khen không chỉ cho thấy tài năng người được khen mà còn cho thấy bản lĩnh, nhân cách người khen là thế!

Vũ Quần Phương

http://suckhoedoisong.vn/20110711101...p0c15/khen.htm
 
Top