Khoảng lặng của một người đàn ông

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Tôi là một người đàn ông bình thường, tôi phải nói vậy vì tôi muốn mọi người biết là những suy nghĩ tôi nói ra dưới đây là từ một người đàn ông bình thường, không đơn giản, cũng không phức tạp. Và tôi hi vọng là mọi người sẽ không thấy lố bịch khi biết chính một người đàn ông đang viết ra những dòng này. Thực ra đây là những kinh nghiệm sống thú vị của tôi và tôi muốn viết ra, vậy thôi.

Hôm nay tôi muốn viết về “những khoảng lặng” trong cuộc sống của một người đàn ông, thật ra tôi tạm định nghĩa đó là một khoảng thời gian nhất định nào đó xuất hiện trong cuộc đời của anh ta mà trong giai đoạn đó, hầu như anh ta chẳng muốn làm gì, nói gì, theo đuổi việc gì nhưng lại có rất nhiều điều suy nghĩ.



Trong thế giới của người đàn ông

Tôi tin nó xuất hiện với mọi người trên đời, không phải riêng cho đàn ông, không phải cho riêng tôi mà là tất cả. Nhưng có lẽ với đàn ông, nó khó được chấp nhận hơn. Đó là ý kiến của tôi, tôi không đánh đồng tất cả mọi quan điểm, chỉ đơn giản là với một người thuộc phái mạnh, tôi không hiểu tại sao và không cho phép tôi lại rơi vào trạng thái đó, trạng thái mà đôi khi những người phụ nữ ngồi nói chuyện với nhau, họ hay lầm tưởng là “trầm cảm”.

Không có lý do gì cả. Hoặc là có quá nhiều lý do để chấp nhận.

Một ngày của tôi diễn ra rất bình thường, tôi có một công việc ổn để làm, một công việc mà tôi đã rất cực khổ để có được vị trí này và vẫn còn cơ hội để thăng tiến tiếp tục; tôi có một người yêu tốt, cô ấy dễ nhìn và chung thủy; tôi có một gia đình đơn giản, cha mẹ không ở gần và kinh tế tạm ổn để lo cho một đứa em nữa; tôi có một căn hộ và một chiếc xe hơi nhỏ; tôi có tiền đủ để nhậu và mua sắm căn bản; tôi có thời gian đủ để ngủ và uống cà phê mỗi buổi sáng. Một cuộc sống như vậy ở tuổi của tôi (ah, lúc đó tôi là một người đàn ông đã hàng ba, 37 tuổi) thì tôi và mọi người xung quanh tôi đều đồng ý rằng “tôi ổn”, và cứ như thế khi tôi hi vọng càng nhiều tuổi hơn, tôi sẽ càng ổn hơn.

Tôi chẳng than phiền gì cả.

Nhưng,

Một ngày trên đường lái xe về, tôi cảm thấy tôi “không ổn”. Chính xác hơn không phải là “một ngày” mà là tôi đã có cảm giác này đã vài tháng, chỉ là đến lúc này thì tôi biết tôi thật sự “không ổn”.

Nếu phải dùng một hình ảnh để hình tượng hóa cảm giác này, thì tôi sẽ nói là, tôi đang rơi, chầm chậm, chậm đến mức tôi không cần phải hốt hoảng la hét, nhưng vẫn có cảm giác một chút hoảng sợ vì bị mất thăng bằng và không biết sẽ rơi đến đâu.

Rơi chậm

Những cuộc nhậu nhẹt vẫn diễn ra như thường lệ, nhưng đôi khi tôi rơi thõm vào chốn đông người đó, tôi uống không phải để say, không phải để thưởng thức, tôi uống vì tôi đang đi uống.

Mọi người sẽ nói không thích thì đi về, tại sao đi uống làm gì. Phải, tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi cũng không muốn về nhà, mặc dù tôi không thích nói chuyện với bạn bè nữa, nhưng tôi không thích sự im lặng lạnh tanh và nghe tiếng TV rầm rì bên tai cho đến lúc ngủ quên.

Còn đi chơi với người yêu tôi? Lại càng không. Có thể khi tôi nói như vậy tôi có lỗi với cô ấy, bởi vì cô ấy là một người yêu tốt, tôi chẳng có gì buồn bực về cô ấy. Chúng tôi yêu nhau 5 năm, hạnh phúc và gây gỗ đều có, làm tình đều đặn và vẫn dành cho nhau những lời có cánh. Nhưng thỉnh thoảng khi gặp cô ấy, tôi lại thở dài khi nghĩ “Nhanh thật, vậy là tôi sắp phải lập gia đình”. Vậy đó, tôi chắc là không ai hạnh phúc trong tình yêu mà lại thở dài như tôi.

Tôi nghĩ tôi nên về nhà gặp cha mẹ nhiều hơn, tôi nghĩ chắc tại tôi mệt mỏi và ai cũng nói “gia đình là điểm tựa vững chắc nhất”. Nhưng cũng chẳn có gì khác biệt, khi mẹ tôi hỏi chuyện tôi cũng chẳng muốn để bà biết, mà tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào. Thế là tôi cũng không ở lâu.

Tóm lại, tôi “không ổn”. Cái “không ổn” đó nó rất kỳ lạ, nó không làm tôi buồn nhưng tôi cũng ko thể bỏ lơ. Nó như một khoảng lặng, như tôi nói đấy, tất cả diễn ra trong đầu tôi, tôi suy nghĩ và chẳng biểu lộ gì bên ngoài, và thường người ta yên lặng khi suy nghĩ. Vậy là nó giống một khoảng lặng. Khó chịu là, tôi không thể sống với cái khoảng lặng đó. Đơn giản là không thể.



Khoảng lặng

Tôi đọc nhiều sách và nghiên cứu trên internet, tôi nghĩ có thể tôi đang trong tình trạng khủng hoảng tâm lý nào đó, như người ta vẫn hay nói “khủng hoảng tuổi trung niên”, “khủng hoảng tiền mãn dục” hoặc “khủng hoảng kinh tế” ... Nhưng không phải, với cuộc sống của tôi bây giờ, tôi không phải khủng hoảng gì cả.

Tôi, đơn giản là đang trong một khoảng lặng.

Tôi nghĩ không phải do tuổi hay điều kiện sống của tôi, mà khoảng lặng này có thể diễn ra bất kỳ lúc nào trong cuộc đời một con người. Đó khi là khi một người tự nhiên thấy cô đơn, hoặc khi họ không cảm nhận được hạnh phúc là gì khi “lẽ ra họ phải như vậy”, hoặc khi họ chỉ muốn ngủ vùi nhiều ngày mặc dù cả khối công việc đang chờ họ, hoặc khi họ muốn đi đâu đó thật xa nhưng chẳng biết đi đâu và…họ chợt thấy ảm đạm khi nghĩ về tương lai.

Thật sự tôi đã từng nổi điên, tôi chẳng biết và chẳng quan tâm nó là cái quái gì. Tôi đặt tên nó là “khoảng lặng” vậy thôi, giống như ít nhất tôi xem nó là cái lý do, để thỏa mãn mọi suy nghĩ và rồi sẽ thôi nghĩ đến nó. Nhưng rõ ràng nó đang ăn dần trong cuộc sống tôi và nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của tôi. Tôi biết chắc nó sẽ diễn ra. Và tôi thì không cho phép tôi là một người đàn ông sống thiếu trách nhiệm với chính mình như vậy.

Tôi cảm giác giống như đây là thời điểm mà tôi cần phải quyết định một chuyện gì đó, cần phải lấy lại một thứ gì đó đã mất mà không hề hay biết, và chẳng ai làm thay tôi được, chẳng ai bắt ép tôi phải quyết định, chỉ là tôi có chấp nhận hay không..

Vậy là, trước khi chấp nhận sống như vậy đến suốt cuộc đời, thăng chức, lập gia đình, làm cha và về hưu sống hết cuộc đời trong “khoảng lặng”, tôi quyết định gọi điện cho một người với hi vọng cuối cùng là người này sẽ cho tôi biết..tại sao khoảng lặng đó, nó bắt đầu và khi nào nó kết thúc, hoặc nó sẽ không bao giờ kết thúc…

(st)
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Khoảng lặng của một người đàn ông

Phía sau "khoảng lặng"

Tôi cảm giác giống như đây là thời điểm mà tôi cần phải quyết định một chuyện gì đó, cần phải lấy lại một thứ gì đó đã mất mà không hề hay biết, và chẳng ai làm thay tôi được, chẳng ai bắt ép tôi phải quyết định, chỉ là tôi có chấp nhận hay không..

Trên thế giới này chắc chắn người ta luôn có ít nhất một người lạ để lắng nghe mình.

Tối hôm đó, sau khi uống hai ly Gin một mình, tôi đã nhấc máy gọi người phụ nữ ấy (*). Tôi muốn nói chuyện với một người lạ, một người sẽ lắng nghe mà không đưa ra lời phán xét hay lời khuyên vì chẳng biết gì nhiều về tôi cả. Đôi khi nói chuyện với một người lạ hay là vậy, vì mình chỉ cần được nghe lại chính những gì mình suy nghĩ thông qua việc nói chuyện với họ, không nhất thiết là tìm kiếm một câu trả lời.

Một lần nữa, tôi không muốn làm bài viết của mình mang tính “dạy đời” chán ngắt, nhưng tôi hi vong mọi người sẽ mở lòng cho những phần nghe có vẻ hơi lý thuyết mà tôi sắp viết ra đây, sau khi đã trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn để thấy được giá trị của nó.

“Khoảng” trong “khoảng lặng”

Tôi đã hơi khắt khe với chính mình khi tự bắt mình phải tìm ra lời giải thích càng nhanh càng tốt, thật sự là vậy. Như đã nói, tôi là một người đàn ông cho rằng cuộc sống của phái mạnh thì thường phải rõ ràng, mạnh mẽ và nên càng đơn giản càng tốt. Nên khi biết mình có gì đó không ổn, tôi đã bắt mình phải tìm ra câu trả lời ngay, tôi không nhận ra là chính điều đó làm tôi càng “lặng” hơn, rơi sâu hơn và cứ lẩn quẩn với chính mình. Tôi quên mất tôi đã gọi nó là “khoảng lặng”, “khoảng” là một lượng thời gian nhất định, nó không thể diễn ra ngay, hay nói cách khác, trước hết tôi nhận thấy mình phải chấp nhận cái “khoảng lặng” này tồn tại trong cuộc sống của mình và cho phép mìnhcó thêm thời gian để thoát ra. Nó như kiểu bùn lún, càng cố cử động để thoát ra, tôi chỉ càng lún sâu thêm mà thôi.

Ah, tôi không nói là mình quên nó đi hay xem như không có nó. Điều đó hoàn toàn khác, khi tôi nói tôi chấp nhận nó, nghĩa là tôi đối diện và tiếp tục sống với nó hằng ngày.

“Tôi cần thời gian”

Lối ra từ điểm lặng nhất

Sau khi chấp nhận và cho bản thân một thời gian sống với “khoảng lặng” , đến một lúc nào đó, cảm giác như khi đã rơi đến đáy sâu nhất, tôi đã thôi không “rơi” nữa. Và nhiều người sẽ phải ngạc nhiên khi chính lúc đó tôi lại tìm cho bản thân một hướng ra rất xứng đáng.


Tôi đã thấy lời giải và bước ra khỏi nó rất thoải mái


Tôi thấy nó giống một dạng của thiền, dù trước đây tôi chẳng có khái niệm gì về thiền, tôi quá bận và quá ổn để bám vào những lý thuyết đó. Tôi từng cho đó là một dạng công việc cao cấp của những người phụ nữ nội trợ có nhiều thời gian rãnh. Nói vậy không có nghĩa là lúc bấy giờ tôi bắt đầu thiền hay tập yoga, nhưng việc thả mình trong khoảng lặng đó một thời gian cũng mang ý nghĩa như vậy. Tập cách không khó chịu nữa và ở một mình nhiều hơn làm tôi thấy nhẹ nhàng và khi đến điểm lặng nhất, tôi đã thấy lời giải và bước ra khỏi nó rất thoải mái.

“Tôi cần thời gian”
Sự cân bằng

Tôi hi vọng mọi người đồng ý với tôi rằng, chúng ta rất khó để té ngã khi đứng trên một chiếc ghế ba chân. Trước giờ lý thuyết “vững như kiềng ba chân” luôn được tôi ưu ái áp dụng cho chính mình với ba “chiếc chân” là sự nghiệp, gia đình và xã hội (như đã nói cuộc sống tôi lúc ấy rất ổn về mọi mặt). Tôi tin vào sự cân bằng, tin rằng chỉ cần đặt cuộc sống của mình trên ba điểm tựa đó, nó sẽ cân bằng và không bao giờ đổ vỡ, vì vậy mà cũng đỡ phải lo về những chuyện trong tương lai hơn.

Nhưng tôi đã không nhận ra rằng, trong suốt tuổi trẻ của tôi, tôi đang cố gắng làm sao tạo ra những “chiếc chân” đều nhau chứ chưa thật sự đặt cuộc sống của mình lên nó để có được sự cân bằng. Tưởng tượng xem tôi cố gắng làm việc để có một vị trí và mức lương cao để ngẩng mặt với mọi người, tôi cố gắng chăm sóc gia đình và người yêu, bạn bè để cảm thấy mình là người có trách nhiệm và nhân cách, tôi cho phép mình ăn sang, mặc đẹp, nhậu nhẹt để cảm thấy mình đang ở vị trí nhất định của xã hội. Cứ như vậy tôi loay hoay với mỗi chân đứng để hoàn thiện nó, sự nghiệp rồi đến tình cảm, tình cảm rồi đến xã hội, xã hội rồi quay lại sự nghiệp mà chưa lần nào bước ra ngoài đứng giữa xem ba điểm đó tự thân nó có thật sự tạo cân bằng cho chính cuộc sống của tôi hay không…


tôi chặt bỏ một cây cầu mà tôi đã xây hơn phân nửa để nhảy lên một chiếc thuyền


“Rắc rối luôn phát sinh từ việc một người đang cố gắng cân bằng giữa những thứ mọi người xung quanh cần từ mình và những thứ mình cần từ mọi người” - Jessye Norman

Cuộc sống của tôi, tôi nghĩ tôi đã sống rất tốt theo một công thức sống phổ biến, nhưng công thức đó đã cho ra một kết quả không thuộc về tôi. Khi mỗi người tự nghĩ về những gì mình đang làm, chắc chắn sẽ có 2 hướng: “thích làm” và “phải làm”. Phần lớn tôi đã làm những việc “phải làm” trong suốt hơn 30 năm để tìm sự ổn định và vững vàng, vì rất nhiều lý do mà tôi biết ai trong đời cũng có thể tự trả lời cho mình.

Tôi không hối hận gì cả, nhưng đã đến lúc để tôi tìm sự cân bằng cho chính mình, một sự cân bằng mà nếu một ngày tôi bước ra khỏi ba điểm tựa đó, tôi sẽ không lo sợ bị ngã. Đó chính là lúc tôi có thể làm những gì tôi “thích làm” mà không sợ ảnh hưởng đến những gì mình đang có.

“Tôi cần thời gian”

Khoảng lặng đơn giản là một bước đệm để bước ra.

Tôi quyết định gửi đơn xin nghỉ việc, một hành động mà trước đây tôi luôn rùng mình khi nghĩ đến, giống như tôi chặt bỏ một cây cầu mà tôi đã xây hơn phân nửa để nhảy lên một chiếc thuyền, với hi vọng qua được bờ nhanh hơn, và hơn nữa là học được cách cầm lái cho lần vượt đại dương tiếp theo. Mọi người biết đấy, biển thì không thể xây cầu để đi qua. Tôi theo đuổi một công việc kinh doanh riêng của chính mình, mạo hiểm hơn nhưng mỗi giờ trôi qua trong công việc, tôi cảm thấy mình đang chiến đấu thật sự, cảm giác mà một người đàn ông rất tâm đắc khi họ đạt được vị trí trong sự nghiệp của mình.

Còn tình yêu, thật sự tôi luôn thấy quyến rũ bởi những người phụ nữ làm kinh doanh, mặc dù tôi biết họ rất ít thời gian cho một gia đình thật sự. Nhưng giờ thì ai quan tâm nữa, tôi muốn đam mê trong tình yêu trước rồi tự nó sẽ dẫn dắt đến chuyện lập gia đình hay không. Tôi nói lời chia tay bạn gái mình, ngạc nhiên vì cô ấy đã không khóc nhiều, cô ấy xem nó như một kết quả biết trước. Chắc hẳn đó là cái kết định sẵn cho một thứ tình cảm đo bằng lý trí như tôi.


tôi đã đủ can đảm để đối diện với những điều “không ổn” của mình


Tôi từ chối những cuộc nhậu thường lệ, nghiên cứu thêm một sở thích nào khác và dành thời gian cho nó. Tôi mới đăng ký học đánh golf thôi, nhưng cảm giác theo dõi trên TV những trận thi đấu và theo dõi những kỹ thuật cũng làm tôi thấy rất thú vị. Tôi có thêm bạn trong hội và thay đổi cách mua sắm, thay vì những chiếc áo sơ-mi phẳng thì là những chiếc giày chơi golf đúng kiểu hoặc đặt tạp chí golf thường kỳ.

Nói vậy, nhưng làm thì không dễ chút nào, hoàn toàn không dễ để từ bỏ và thay đổi những gì đã gắn bó với mình trong suốt thời gian dài, nó không thể diễn ra trong một ngày hoặc một tháng, trường hợp của tôi là ba năm. Chính vì vậy nên ngay từ đầu tôi đã nói là tôi phải học cách chấp nhận và cho chính mình thời gian. Suốt ba năm đó, tôi đã tìm lại cái mà tôi bỏ quên rất lâu trong con người mình và sống thật với mình mà không cần lo ngại một trong ba điểm tựa sẽ sụp đổ. Ngày hôm nay tôi viết ra những điều này, tôi muốn mọi người hiểu là tôi không nói suông, tôi đã trải qua một khoảng thời gian để nhìn nhận những “lý thuyết” đó là đúng. Và tôi biết nó rất xứng đáng.

Khoảng lặng sẽ giúp mình có đủ thời gian lấy sự can đảm để thay đổi.

Mỗi một người đều có cách xây dựng “ba chân” để tạo ra sự cân bằng khác nhau. Trong một độ tuổi nào đó, mỗi người đàn ông sẽ đối diện với những điều mà “những người xung quanh cần ở mình” khác nhau, không ai giống ai. Nhưng sẽ không ai phủ nhận được con người thật của chính mình, mình thích gì và thích trở thành một người như thế nào. Tôi viết chuyện này kể về tôi lúc 37 tuổi, một cậu sinh viên đang tìm việc, một thanh niên đang bộn bề với cuộc sống, một người đàn ông lao động tay chân hay một giám đốc tập đoàn, một người giới tính thứ 3…tôi tin tất cả đều có một lúc nào đó sẽ tạm dừng lại trên con đường của mình đểtìm kiếm sự cân bằng, để làm những gì mình thích trước, sau đó sẽ có thêm niềm vui trong cuộc sống để lo cho những người xung quanh.

Quan trọng là, tôi đã đủ can đảm để đối diện với những điều “không ổn” của mình và cho phép mình được thay đổi.

(*) Người phụ nữ trong bài xin phép được giấu thông tin cá nhân. Cô là một nhà tâm lý học tôi tình cờ gặp. Chúng tôi không biết quá nhiều về nhau. Nhưng tôi xin cám ơn vì đã là một “người lạ”, lắng nghe tôi và phản ánh lại cho tôi biết thật sự tôi đã làm được những gì trong suốt 3 năm đó.

(st)
 
Top