Khóc nức nở vì mèo của mẹ không giống mèo cô giáo

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Khóc nức nở vì mèo của mẹ không giống mèo cô giáo


Viết văn theo ý cô hướng dẫn vừa đỡ phải viết đi viết lại vừa được điểm cao, giải toán theo đúng hướng dẫn của cô đã dạy ở buổi học thêm... Những chuyện này không xa lạ gì ở các trường tiểu học và lên bậc học THPT, nhiều giáo viên vẫn áp đặt cách giải bài tập mẫu, giải theo cách khác không được công nhận, không được điểm tuyệt đối...

Giáo dục theo kiểu áp đặt như vậy bị cho là hạn chế khả năng của học sinh, khiến học sinh mất dần đi tư duy tự chủ, tích cực sáng tạo trong học tập.


Kỳ 1: Toán mẫu, văn cũng mẫu

Cậu con trai mới học lớp 3 mà tối nào mẹ con chị Nguyễn Thu Hoài (tập thể Bưu điện, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng như "đánh vật" với mấy bài toán, bài tập làm văn. Bài chị giảng cho con tuy đúng đáp số nhưng thằng bé vẫn làu bàu không chịu. Nó bảo như thế vẫn sai vì lời giải của cô không phải thế...


Mèo của mẹ không giống của cô

Con học đến bài tập làm văn tả con mèo, về cứ hỏi mẹ con mèo thật nó thế nào, chị Trần Lệ Huyền (nhà D5 Thành Công, Hà Nội) phải đưa con sang nhà một người bạn có nuôi một con mèo trắng, cho con chơi với con mèo đó cả buổi để con quan sát con mèo rồi về tả cho có thực tế.



Với môn văn học, hãy để các em tự do bay bổng.


"Không phải là con hát mẹ khen hay đâu, nhưng đúng là theo chủ quan của tôi thì bài văn của con bé hay thật, nó tả con mèo rất thực và sinh động, theo như quan sát thực tế của nó. Thế nhưng chiều hôm đó đi học về, con bé khóc nức nở, nói là con mèo tôi cho nó xem không giống của cô", chị Huyền chia sẻ.

Hóa ra, theo mẫu của cô con mèo phải là mèo mướp hoặc mèo tam thể, phải biết rình bắt chuột... nhưng chị lại cho con xem một con mèo Ba Tư chỉ biết nằm chơi làm cảnh.

Cháu Nguyễn An Ngọc Minh, học lớp 3 trường Tiểu học Yết Kiêu cho biết: "Hôm trước học tập làm văn tả về quê hương em, cô cũng cho gợi ý chi tiết nhưng cháu vẫn không làm được. Cháu chẳng biết tả cánh đồng ngày mùa, hay dòng sông, lũy tre như thế nào, vì nhà cháu không có ai ở quê, cháu cũng chưa bao giờ được về quê".

Cuối cùng để làm được bài tập làm văn đó theo gợi ý của cô, chị Lê An Sinh, mẹ cháu, phải tự viết một bài tập làm văn, bắt con đọc đi đọc lại đến khi nhớ các ý trong đó, rồi tự chép lại vào vở. "Tôi không muốn con quá ỷ lại, nhưng nhiều khi vẫn phải cách đó, vì đúng là con không có thực tế về nông thôn thì không thể bắt nó viết cái gì được. Chỉ còn cách bắt con lao động một chút là phải đọc cho thuộc ý thôi, để đến khi thi có rơi vào những bài đó thì con vẫn tự làm được", chị Sinh chia sẻ.


"Mẹ mua sách toán mẫu về mà xem"

Không chỉ môn tập làm văn, học sinh phải học theo những khuôn mẫu áp đặt, mà cả môn toán, các em muốn được điểm tối đa cũng phải làm đúng theo mẫu của cô, từ cách giải, lời giải, cho đến các bước tính.

Cháu Nguyễn Hoàng Minh, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: "Những bài tập toán cô giao về nhà cháu phải làm đúng theo các bước và cách giải của cô. Bố mẹ cháu dạy thì thường không đúng lời giải hoặc bị thiếu bước, nếu làm như thế cháu chẳng bao giờ được điểm cao. Cháu phải nhớ cách giải của cô để làm cho đúng".

Chị Nguyễn Thu Hoài bức xúc chia sẻ: "Có phải mình không đủ trình độ để dạy con đâu, nhưng mỗi khi dạy nó học mà làm không đúng mẫu thì khổ con. Nó không được điểm cao về lại bảo là tại mẹ không biết dạy, còn bảo mẹ phải mua sách toán mẫu về mà học".

Anh Lê Hoài Quốc, Khu tập thể sư phạm, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội là một tiến sĩ toán học cũng phải than thở: "Con gái tôi học lớp 4, phải nói là yêu cầu trình độ bây giờ khá cao. Tôi có dạy cháu theo cách mình học ngày xưa. Nhưng rồi kết quả bài kiểm tra nào cũng chỉ được 5 - 6 điểm vì làm không đúng quy trình dù cho kết quả đúng. Mà cái "quy trình" mới ấy lại rất phức tạp và rối rắm. Bản thân tôi thấy không đồng tình nhưng cũng buộc phải thay đổi cách dạy con, vì không làm giống cô giáo là con bị cô mắng."

Châu An

http://bee.net.vn/channel/1983/201201/Khoc-nuc-no-vi-meo-cua-me-khong-giong-meo-co-giao-1821703/
 
Top