Không thể chia tay

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Giữa thách thức cuộc sống hiện đại với nhiều biến đổi, có những cặp vợ chồng đã vượt qua được thử thách số phận để tìm đến nhau và chứng minh “đạo vợ chồng” là giá trị muôn đời không thay đổi...

Không thể chia tay


Kỳ 1: Bức tranh hạnh phúc

TT - “Để giữ được hạnh phúc này, tôi đã phải chấp nhận mất đi một phần tình cảm thiêng liêng nhất của những người thân, nhưng tôi vẫn hi vọng đến một ngày nào đó bố mẹ sẽ hiểu, sẽ cảm thông và tha thứ cho con gái mình, bởi đôi lúc trái tim có những lý lẽ mà lý trí không sao lý giải nổi”, Nguyễn Thị Lý bắt đầu kể về cuộc đời mình bằng một chất giọng Huế nhẹ nhàng nhưng trĩu nước mắt.


Vợ chồng Hiền bên cậu con trai mang tên Nguyễn Tấn Hy Hữu - Ảnh: Trọng Khánh

Anh không muốn em lụy cả đời

Lý vốn là con nhà nông ở tận vùng quê cát trắng Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Tốt nghiệp lớp 12, Lý khăn gói vào Đà Nẵng nộp hồ sơ vào học Trường cao đẳng Kỹ thuật y tế Đà Nẵng chuyên khoa vật lý trị liệu. Còn Nguyễn Tấn Hiền, cách đây 13 năm là sinh viên năm 1 của Trường cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Con đường trở thành thầy giáo làng ở một vùng quê xa tít nào đó trên tận Tây nguyên chắc chắn sẽ thành nếu không có cái đêm định mệnh ấy.

Đó là một đêm mùa đông, khi đang trên đường đi học về thì Hiền bất ngờ bị rơi cả xe lẫn người xuống hố. Vụ tai nạn đã khiến phần đời còn lại của một chàng trai mới 19 tuổi như Hiền phải nằm liệt một chỗ. Bán hết rẫy vườn, lội khắp Sài Gòn nhưng bố mẹ Hiền đành phải nhìn con trai mà khóc. Khi mọi người đã gần như tuyệt vọng thì sức sống trong con người Hiền trỗi dậy mãnh liệt. Có người mách bảo: “Nên chuyển em nó về Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng may ra còn cơ hội sống”, vậy là Hiền xin đi. Chiều lòng con trai, bố mẹ Hiền bấm bụng chuyển con lên xe bằng chiếc băng ca trắng mà không biết nói sao.

Những ngày tháng đầu ở bệnh viện, dẫu được sống trong vòng tay chăm sóc tận tình của các y bác sĩ nhưng nhiều khi “thấy cô đơn kinh khủng”, Hiền bảo. Thế rồi một ngày... khi chiếc áo blouse trắng của cô nữ sinh thực tập xuất hiện bên giường bệnh thì cuộc đời Nguyễn Tấn Hiền mới thật sự thay đổi. Người ấy chính là Nguyễn Thị Lý.

Trong căn nhà trọ chật chội chưa đến 20m2 nằm cạnh Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Đà Nẵng, Lý thẹn thùng kể lại chuyện tình cay đắng của mình, cạnh bên là người chồng tật nguyền nhưng rất tài hoa đang cặm cụi hoàn chỉnh bức tranh mang tên Phố Hội. “Hồi đó tôi xin về thực tập và được các bác sĩ phân công chăm sóc hai bệnh nhân trong đó có anh Hiền. Ban đầu thấy anh quá khó khăn trong cử động, ngay cả cái ngước nhìn cũng khó huống chi là cầm cốc nước uống...

Vậy mà anh vẫn chịu khó vận động, tập luyện theo chỉ dẫn của tụi tôi, lần một không được thì làm lại lần hai, lần ba... cứ thế tháng này qua tháng nọ... Hồi ấy nhìn cảnh anh Hiền cố xòe bàn tay để nắm lấy cây bút vẽ mà ứa nước mắt... Cuối cùng anh cũng cầm được”.

Rồi mỗi sáng sớm khi đã yên vị trên chiếc xe lăn, Hiền lại nhờ một cô điều dưỡng trong phòng đẩy giúp mình ra ban công để ngóng chờ một cô điều dưỡng khác. Ngóng chờ cho đến khi thấy bóng Lý xuất hiện loáng thoáng bên dưới mới thôi. Chính trong khoảng thời gian chờ đợi đó, rất nhiều bức tranh của Hiền đã hình thành, tất cả đều thấp thoáng bóng dáng một người con gái Huế.

“Mình chưa hề qua lớp vẽ nào, nhưng rồi cuối cùng mình cũng vẽ được, nhiều khi mình vẽ bằng trí tưởng tượng nhiều hơn...”, anh Hiền tâm sự. Rồi trong những lần chăm sóc bệnh nhân sau đó, linh tính đã mách bảo cho Hiền biết rằng tình cảm mà anh dành cho Lý đã được đáp đền. Nhưng: “Biết là em có tình cảm với anh vậy mà còn không cho người ta thể hiện. Ngó vậy chứ ghê lắm đấy - Lý vừa kể chuyện vừa nhìn sang chồng nói yêu - Khi biết tôi dành tình cảm cho anh thì anh tìm mọi cách trốn chạy. Có lần không phải phiên tôi trực, nhưng vì thương anh quá nên đạp xe qua viện thăm anh. Mới thấy mặt là anh gượng người ra khỏi xe lăn tìm đủ cách xua đuổi tôi, thậm chí mắng nhiếc. Không biết làm sao tôi chỉ còn cách ôm mặt khóc giữa sân viện khiến mọi người một phen hoảng hồn”.

Nghe vợ kể lại chuyện cũ, Hiền dừng tay vẽ quay sang nhẹ nhàng: “Miệng mắng nhiếc nhưng trong lòng anh đau như xát muối. Lúc ấy anh không muốn vì anh mà em lụy cả một đời con gái...”. Nói xong, cả hai vợ chồng ôm nhau cười mà nước mắt chảy dài ...

Tổ ấm trong mơ

Đầu năm 2010, vượt qua mọi sự gièm pha, trách móc thậm chí là từ bỏ tình cảm của nhiều người thân, bạn bè... Lý và Hiền nên vợ chồng.

Một đám cưới đạm bạc được những người tốt bụng tổ chức ngay giữa sân bệnh viện. Ngay sau đám cưới, hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ nhỏ cạnh bệnh viện để Hiền tiện bề điều trị và tập luyện. Sáng sáng, mỗi khi vợ ra khỏi nhà để đến Bệnh viện Bình Dân làm việc thì Hiền lại cắm cúi vẽ tranh: “Tranh mình không đẹp như người khác nhưng chứa nhiều tình cảm lắm đó. Mình hi vọng sẽ bán được nhiều tranh hơn để đỡ đần một phần cho vợ”. Hi vọng là vậy nhưng mấy khi tranh của Hiền được bán.

“Mình có gửi một số bức cho các gallery dưới Hội An nhờ bán. Thi thoảng lắm họ mới thông báo “bán được rồi”, y như rằng đêm ấy mình không sao chợp mắt được”. Tình cảnh Hiền là vậy nên mọi chi tiêu trong nhà đều đổ dồn trên đôi vai gầy của Lý. “Có hôm đến phiên đóng tiền nhà rồi mà lương thì chưa nhận. Cứ nghĩ cảnh sáng mai người ta đuổi ra khỏi nhà mà không biết tính sao, đành úp mặt vào lưng chồng mà khóc...”, Lý tâm sự thật lòng.

Khó khăn chất chồng nhưng trong sâu thẳm, điều mà cả hai vợ chồng khát khao nhất lại là tiếng khóc của trẻ thơ. Hết giờ làm là Lý chạy xe một mạch 10km về thẳng nhà để “anh đỡ buồn và có điều kiện chăm sóc anh”. Một miếng cá tươi hay một cọng rau xanh mềm... tất cả Lý đều dành tuyệt đối cho chồng với hi vọng “Rồi một ngày căn phòng này sẽ ngập tràn tiếng khóc của trẻ”. Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua... nhiều lần Hiền tâm sự thật lòng: “Không biết mình có được làm cha không nhưng chúng tôi vẫn không nguôi hi vọng cho đến khi không còn gì để chờ đợi nữa thì thôi”...

Cứ tưởng đó chỉ là ước mơ thôi thì bỗng cuối năm 2010, tin vợ có thai khiến Hiền sướng đến ngất, còn nhiều người trong bệnh viện nơi Hiền đang điều trị thì ngỡ ngàng, mừng rỡ. “Tôi và Lý quyết định đặt tên cho con trai mình là Nguyễn Tấn Hy Hữu, bởi giọt máu này sao hi hữu quá anh à”. Nói rồi Hiền vòng tay qua ôm vợ một cách âu yếm: “Thân xác anh tật nguyền nhưng tình yêu mà anh dành cho em và con thì không bao giờ tật nguyền phải không em”.

ĐĂNG NAM

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...hanh-phuc.html

 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Không thể chia tay

Kỳ 2: Hoa trong sỏi đá


TT - Tháng 5 giao mùa xuân hạ ở Thái Bình, đồng chiêm ngai ngái mùi lúa non. Tìm nhà anh trong con ngõ nhỏ bên bờ sông ven thành phố Thái Bình, mấy bà cụ hóng mát ở đầu ngõ nhiệt tình: “Vợ chồng anh nhà thơ nằm liệt một chỗ mới có em bé à? Nhà số 10 có mấy chậu hoa trước sân đấy”.


Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và vợ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sỏi đá cuộc đời

Tôi vừa đặt chân vào đến nhà Khơi đã thấy em bé đang bi bô nghịch chơi mấy quả bóng màu trước cửa. Vợ Khơi dở tay nấu nướng, tươi cười đón khách. Anh nằm trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà, vui vẻ: “Bạn miền Nam đã ra đến đây rồi, phải ở lại chơi với vợ chồng mình suốt hôm nay nhé!”.

Không khí tràn ngập nụ cười ấm cúng, khác hẳn những hình dung thường tình về một số phận phải nằm liệt giường gần suốt 50 năm cuộc đời.

Ngược trở lại thời gian 43 năm trước, khi Khơi là một cậu bé 8 tuổi đang mải mê tung tăng trên đồng lúa chiêm trũng ở Hưng Hà, Thái Bình, bất ngờ cảm thấy đau nhói ở ngón chân. Chuyện có vẻ thường tình với cậu bé làng quê suốt ngày chân đất chạy nhảy.

Bố Khơi đi bộ đội vừa hi sinh ở chiến trường miền Trung. Ngôi nhà buồn trống vắng. Mẹ chỉ xoa bóp chút dầu nóng cho chân con và tin rằng chỉ mai mốt sẽ hết. Nhưng thật kỳ lạ, chân Khơi cứ ngày càng đau nặng lên trên và có dấu hiệu teo nhỏ lại.

Người nhà lúc này bắt đầu lo lắng. Mẹ Khơi, rồi ông Khơi cõng cháu đi chạy chữa khắp nơi. Cứ nghe chỗ nào có thầy thuốc hay là họ tìm đến cầu cứu hết Tây y lại đến Đông y. Hàng năm trời ròng rã chạy chữa nhưng bệnh của Khơi không thuyên giảm mà lại càng nặng thêm. Đôi chân Khơi cứ teo đi, rồi cánh tay cũng yếu dần.

Hơn 10 tuổi thì Khơi liệt hẳn. Anh chỉ có thể nằm co quắp một chỗ trên giường, đến đôi chân cũng không thể nào duỗi thẳng ra được. Mẹ con Khơi buồn lắm. Cả dòng họ cũng buồn theo. Ông Khơi là con trai một. Bố anh là con trai duy nhất. Và đến thế hệ Khơi cũng chỉ có mình anh là con trai ...

Không thể còn tự đặt chân xuống giường, thậm chí còn không thể ngóc đầu dậy để nhìn đàn chim chuyền cành ngoài bờ tre trước ngõ, suốt ngày Khơi chỉ biết vùi đầu vào sách để quên đi nỗi niềm tủi thân, cô đơn của mình.

Chưa qua tiểu học phải dở dang vì hoàn cảnh, nhưng Khơi đã lặng lẽ đọc hàng ngàn quyển sách, từ tủ sách gia đình, đến sách do thầy cô, bạn bè thương cảm tặng. Và đến một ngày anh nằm ngửa, một tay co quắp giữ vở, tay kia run run cầm bút để nguệch ngoạc những dòng thơ của riêng mình.

Bên ngoài ô cửa sổ nhà Khơi, cánh đồng chiêm trũng đã bao mùa mạ non, lúa chín. Những người bạn trai cùng lớp anh đã lên đường chinh chiến. Các cô gái cũng lần lượt về nhà chồng. Chỉ có Khơi vẫn nằm đó, im lìm, cô đơn trên chiếc giường cũ kỹ và lặng lẽ làm thơ để quên đi nỗi buồn ở trọ trần gian.

Tuy nhiên, thơ anh không phải lúc nào cũng nhuốm sắc màu ảm đạm mà có cả tình yêu cuộc sống, suy tư thời cuộc và nỗi niềm nhân thế. Người ta nói với tôi rằng/ anh không bước qua được dấu chân của mình đâu/dẫu có đi đến cùng trời cũng thế/Song tôi vẫn kiên trì/bất kể/Tôi chờ đợi vào phép nhiệm mầu của thời gian/Con chim sẻ mổ hạt dẻ ven đường/Con chuồn chuồn chuyển nắng và chờ đợi trái tim tôi/...

Cứ thế, Khơi lặng lẽ làm thơ và gắn liền đời mình trên giường sách. Thơ anh viết chẳng gửi đi đâu, nhưng bạn bè quý anh đã lặng lẽ đưa đến các báo đài, nhà xuất bản. Nhiều tập thơ đã nhanh chóng được in từ Con chim thiêng vẫn bay, Trước ngôi mộ thời gian, Gọi làng đến Tháng mười thương mến, Khúc thương đau, Với tay ngắt bóng...

Anh vẫn nằm đó, vẫn âm thầm viết mà chẳng mong đợi gì. Nhưng bạn bè văn chương hâm mộ cứ dần đến bên anh cùng rất nhiều giải thưởng của báo Văn Nghệ, Hội Văn học nghệ thuật, Đài NHK Nhật Bản...

Nụ hồng vẫn nở

Trong lúc đó, ở mãi nửa bên kia đất nước có một người phụ nữ cũng say mê đọc thơ Khơi và lặng lẽ dõi theo cuộc đời anh. Đó là cô thủ thư Đỗ Kim Oanh ở tỉnh Bạc Liêu. Một lần xếp sách vở, cô tình cờ đọc thơ Đỗ Trọng Khơi và ngẩn ngơ với cảm xúc lãng mạn đến da diết của anh: Ánh trăng non tươi, ánh trăng mỡ màu/ vai mang đầy ánh trăng không thấy nặng/... đã bao mùa thu bên đàng bao cô gái/lấy tà áo hứng trăng rồi đêm đêm trong mộng khóc thầm/ ...”.

Đời Oanh cũng ẩn khuất nỗi buồn sâu kín! Quê hương ở Nam Định, cô say mê đọc sách và có tâm hồn rất lãng mạn. Tình yêu đầu đời đã cho cô gái làng quê này cuộc sống lứa đôi và một bé gái kháu khỉnh. Nhưng rồi sự rạn nứt, đổ vỡ gia đình ập đến. Cô phải dẫn con phiêu dạt tận miền nắng gió phương Nam để chạy trốn chính nỗi buồn của mình.

Mười năm lặng lẽ làm thủ thư ở Bạc Liêu, cô đã âm thầm đọc hàng trăm bài thơ của Đỗ Trọng Khơi. Có lúc cô đã rưng rưng nước mắt trước những lời thơ đượm buồn, da diết về thân phận con người, mà đôi khi cô cảm thấy như có cả hình bóng mình trong đó. Nhưng cũng có lúc cô cảm giác cuộc đời vẫn thật đẹp, vẫn đáng yêu biết bao trong những câu thơ tươi vui, tràn ngập tình yêu cuộc sống của Khơi.

Mê thơ anh, cô dần mê luôn con người tác giả lúc nào không biết. Đặc biệt là khi cô đọc mấy bài trên sách báo viết về số phận không may mắn của Khơi. Càng cảm thông, cô càng đắm theo Khơi. Rồi một ngày cô quyết định viết thư cho anh. Những dòng chữ nghiêng nghiêng kể về cảm xúc của một người phụ nữ mê thơ Đỗ Trọng Khơi, và ẩn sâu trong đó là tình cảm xuất phát từ trái tim mà tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ đã nhanh chóng nhận ra.

Từ niềm vui trao đổi với bạn đọc thích thơ mình, Khơi vừa xúc động vừa lo lắng trước tình cảm chân thành của người phụ nữ chưa hề biết mặt. Tình yêu đẫm tràn trong thơ Khơi, nhưng tình yêu thật sự đối với mình là điều Khơi chỉ dám nghĩ trong giấc mơ! Bệnh tật nghiệt ngã khiến cả đời anh không thể cúi người, chạm được vào ngón chân mình thì làm sao anh dám nghĩ được cầm tay một cô gái nào đó.

Nhưng những lá thư của Oanh vẫn đều đặn đến với Khơi, rồi cả những tin nhắn, những cuộc điện thoại. Trái tim Khơi lặng lẽ cảm nhận được trái tim chân thành của cô. Đó không chỉ là những cảm xúc câu chữ văn thơ, cũng không chỉ là sự cảm thương hoàn cảnh, mà là tình yêu chân thành từ hai tâm hồn sâu lắng.

Và Khơi đã không kìm được xúc động khi một ngày Oanh tâm sự muốn ra quê anh, muốn đến với cuộc đời anh.

Khơi nghĩ mãi, nghĩ mãi mới dám trả lời: “Vậy thì em ra chơi quê anh một lần cho biết nhé!”. Rồi vừa hồi hộp xúc động, anh lại vừa mong muốn Oanh tận mắt đối diện với cuộc đời thật của nhà thơ bất hạnh mà lâu nay cô đã yêu thương. Nếu cô chịu ở lại thì đó là hạnh phúc tuyệt diệu nhất của Khơi.

Nhưng nếu cô đến rồi đi, anh vẫn cầu mong mọi điều tốt đẹp cho cô. Số phận anh mà có được người bạn chân thành như Oanh là đã xúc động lắm rồi...

QUỐC VIỆT

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...ng-soi-da.html
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Không thể chia tay

Kỳ 3: Chuyện tình ở đồng chiêm trũng


TT - “Khơi cưới vợ”. Tin vui này lan nhanh gấp ba lần những cánh thiệp mời cưới. Ai đã từng nhìn Khơi teo tóp nằm liệt giường, đến con kiến cắn chân còn không thể tự gãi, cây bút rớt xuống gầm giường cũng phải chờ người nhặt hộ mới thật sự hiểu chuyện Khơi cưới vợ là điều tuyệt diệu thế nào...


Hạnh phúc của gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - Ảnh: Q.V.

Rượu hạnh phúc chưa cạn đã say

Khơi xúc động kể đám cưới hai người diễn ra đầu mùa hạ năm 2009. Sau lần từ Bạc Liêu lặn lội ra tận quê Khơi ở Hưng Hà, Thái Bình, Bùi Kim Oanh đã tận mắt nhìn thấy số phận nghiệt ngã của nhà thơ mà cô nặng tình yêu thương, nhưng Oanh vẫn xin được ở lại bên anh. Lòng Khơi xúc động lắm nhưng anh vẫn thật nhẹ nhàng để Oanh bình tâm suy nghĩ chín chắn. Nhiều lần anh nhắc Oanh: “Tâm hồn nhà thơ của anh đã mong manh, thân xác anh lại càng mong manh hơn. Em làm vợ anh sẽ phải chịu thiệt thòi rất nhiều!”. Oanh rưng rưng tâm sự yêu Khơi, cô yêu cả niềm vui nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn đớn đau của anh. Cô sẵn sàng cho tất cả, chỉ cần được ở bên anh!

Đầu hạ năm 2009, đám cưới của họ diễn ra thật đặc biệt ở làng quê Hưng Hà, Thái Bình. Bạn bè được Khơi mời đi dự tiệc không thiếu một ai. Ban đầu tiệc cưới của nhà thơ nằm liệt giường với cô thủ thư tưởng giản dị, ít người, nhưng rồi lại đông vui nhất làng. Bạn bè san sẻ với Khơi bằng tất cả tấm lòng. Người đem đến chai rượu, bó hoa, người mang gà vịt. Thậm chí cả chăn nệm tân hôn cũng được một cô gái yêu thơ xin làm con nuôi bố Khơi sắm sửa cho anh.

Ngày vui, Khơi được bạn bè đỡ ngồi trên chiếc ghế dựa bên vợ. Anh cười thật tươi. Còn Oanh lúc cười, lúc ngân ngấn nước mắt hạnh phúc. Vài tháng sau, bạn bè lại nghe tin vui Oanh có thai. Những ai hiểu bệnh tình Khơi mới thật sự thấu cảm đó là điều tuyệt diệu biết bao.

Ấy là Khơi đã tự “tiên tri” định mệnh trong thơ mình

... Bởi tôi tin vào nỗi khổ đau/ có bước đi riêng trong bóng tối... Chính bạn bè quý Khơi, yêu thơ Khơi như các tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Năng Trọng, Lê Đức Tố đã... giúp anh rất nhiều trong việc chữa trị bệnh tình để có một kết quả như thế này. Ngày Khơi báo tin vợ có thai, nhiều bạn bè hiểu rõ số phận anh mừng đến ứa nước mắt. Còn Khơi nhiều đêm thấp thỏm mất ngủ trông đợi tác phẩm tuyệt vời nhất của mình ra đời. Nhưng một lần đi xe khách vất vả vào Bạc Liêu để chuyển giấy tờ, Oanh bị hư thai. Cô khóc sưng mắt! Khơi cũng buồn lắm, buồn như cái ngày anh biết mình không thể đi trên đôi chân được nữa, nhưng cố kìm nén để an ủi vợ. Oanh đã yêu thương, hi sinh cho chồng quá nhiều rồi, Khơi không muốn vợ phải nặng thêm nỗi buồn. Vài tháng sau Oanh lại có thai. Hai vợ chồng mừng đến ứa nước mắt. Khơi nắm chặt tay vợ như không muốn cô rời xa một phút nào nữa. Ông trời đã làm tình làm tội Khơi nhiều rồi, nhưng vẫn ban cho vợ chồng anh những điều tuyệt vời nhất.

Những ngày vợ chuẩn bị hạ sinh, Khơi vừa mừng vừa hồi hộp đến mất ngủ. Vậy là anh sắp được ôm ấp, nâng niu tác phẩm tuyệt diệu nhất của đời mình. Nhưng lòng anh cũng thắc thỏm lo không biết bé có ảnh hưởng gì từ bệnh tình của bố không. Và phút giây nghe tiếng con khóc chào đời đã đến. Vợ chồng Khơi ứa nước mắt xúc động khi ôm con trai xinh xắn, khỏe mạnh vào lòng. Anh đặt tên con là Đỗ Lập Sơn với ước nguyện con được khỏe mạnh, ý chí cao vời như núi, đừng giống định mệnh bệnh tật đã đeo đẳng bố suốt cuộc đời. Anh tặng con bài thơ với những lời bình dị nhưng biết bao ý nghĩa đối với anh: Khóc thèm ăn/ Khóc thèm ngủ/ Khóc khi tè ướt/ Và ngủ thì thật nhiều, thật dài/Nhiều hơn nắng những ngày này/ Dài hơn gió những ngày này/ Cứ vậy con lớn lên/ Làm một con người kiêu hãnh/... Và với bố đó là điều vô cùng kỳ vĩ/ Bố nào dám mơ làm được vậy đâu, ở cuộc đời này/...

Yêu thương ở những điều thường tình nhất

Khơi tâm sự mãi niềm vui nỗi buồn đời mình. Anh bảo có vợ anh làm thơ chậm lại, nhưng thấy cuộc sống hạnh phúc hơn và có trách nhiệm hơn. Anh có thể làm 1.000 bài thơ cảm ơn vợ vẫn chưa cạn lòng, vì Oanh đã hiến dâng cho anh những điều tốt đẹp nhất mà trước đó anh chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Chồng liệt, không lúc nào rời được chiếc giường, Oanh một mình cáng đáng tất cả, từ công việc kiếm sống hằng ngày đến chăm con thơ, chồng bệnh. Mẹ chồng lớn tuổi, ốm đau triền miên, Oanh cũng ngược xuôi lo toan cho cả hai nhà. Rồi Khơi cũng lắm bạn nhiều bè, những người yêu thơ anh quý luôn cả anh. Bạn bè văn chương những lúc bên nhau lãng đãng quên cả đất trời. Oanh tinh tế, vui vẻ lo cho chồng và bạn từng chai rượu, từng thức nhắm. Người này í ới người kia, nhiều đêm từ đầu nhà đến cuối nhà Khơi đông kín bạn bè. Thậm chí những bạn từ Hà Nội, Hải Phòng về hay TP.HCM ra, 24 giờ đêm vẫn gõ cửa nhà Khơi. Lại chiếu rượu, lại rôm rả thơ văn. Oanh vừa dỗ con, vừa vui vẻ lo cho bạn bè chồng.

Rồi khi tàn canh, lúc tỉnh rượu Khơi xót vợ và càng xúc động hơn khi nghe Oanh rưng rưng tâm sự: “Yêu anh, em chỉ cần thấy anh vui là em hạnh phúc lắm rồi!”. Khơi ứa nước mắt cảm ơn vợ. Cô đã thấu cảm tận cùng lòng chồng. Suốt cả đời Khơi nằm liệt giường, nếu không có niềm vui thơ văn và tình bạn bè, chắc anh đã không thể vượt qua được. Oanh đem đến hạnh phúc ngọt ngào mới cho Khơi và cô yêu luôn cả những niềm vui say tỉnh, lãng đãng của tâm hồn nhà thơ.

Ngôi nhà họ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Khơi thi thoảng mới có đồng nhuận bút thơ còm. Lương Oanh cũng không được mấy từ công việc thủ thư. Cuộc sống chật vật mà chưa bao giờ Oanh kêu ca một lời. Hình như tình duyên của họ được ông trời hôn phối với sự đồng cảm kỳ lạ. Khơi tâm sự với vợ: “Đời anh chỉ cần có mẹ con em và bạn bè, thơ văn là hạnh phúc lắm rồi. Anh không mong mỏi điều gì hơn nữa”. Oanh cũng thế, âu yếm rủ rỉ với chồng: “Em chỉ cần gia đình mình vui vẻ, yêu thương nhau, chứ không cần tiền bạc, giàu có”. Hiếm hoi đôi lần vợ chồng bất đồng về cách dạy con và chỉ lát sau cả hai lại làm hòa với nhau, vì không ai muốn cho ai phải buồn.

Khơi lại cười nâng ly, ly rượu hạnh phúc do chính tay người vợ rót cho chồng mà Khơi chưa uống đã nồng say...

QUỐC VIỆT

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...iem-trung.html
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Không thể chia tay

Kỳ 4: Đời khoai củ


TT - Ông lặng lẽ ngồi ở bậu cửa đợi bà về. Hôm nay bà mang khoai đi bán và dặn ông đợi cơm. Nếu bà bán được khoai sẽ mua ít tép tươi về xào với khế cho ông ăn đỡ xót ruột.


Bao nhiêu năm rồi bà vẫn hằng ngày chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, làm dịu từng cơn đau của ông - Ảnh Q.V.

Hơn chục năm phải chạy thận nhân tạo, người ông yếu lắm, không biết đi lúc nào. Nghĩa tình vợ chồng sống bên nhau đến đầu bạc rồi, nỗi đau của ông như cũng là nỗi đau thấm vào máu, vào tim bà. Đêm đêm trái gió trở trời, ông quằn quại đau đớn, bà ngồi khóc, níu chặt tay ông như cố giữ chồng ở lại với mình..

Một đời vì chồng con

Tôi vào “xóm chạy thận” ngõ Cột Cờ, phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội, hỏi thăm ông Mai Hồng Mã ai cũng biết. Đã 77 tuổi mà ông vẫn phải gửi tấm thân mong manh ở xóm trọ khốn khổ của người bệnh này. Cuộc sống ông đếm từng ngày bên chiếc máy chạy thận nhân tạo. Nhưng buồn nhất là con cái ông có mấy người, kể cả con rể, cũng đang phải chịu đựng căn bệnh hiểm nghèo như cha!

Suốt buổi chiều ngồi tâm sự với tôi, đợi bà đi bán khoai về, ông cứ nhắc mãi về người vợ: “Nếu không có bà ấy, chắc cha con tôi đã về với tổ tiên lâu rồi. Tôi đau ốm, khổ sở một, bà ấy còn khổ sở gấp mười. Cả đời bà ấy sống vì chồng con, chưa một ngày nào dám ăn miếng ngon, mặc đẹp cho mình!”.

Ông xúc động kể tình nghĩa vợ chồng đã gắn với nhau 40 năm. Chiến tranh, chia ly rồi nghèo khó, bất hạnh, bệnh tật, vợ chồng đều từng nếm trải cả, nhưng chưa ai làm cho ai phải buồn, phải giận một ngày nào. Mùa đông năm 1971, lần đầu tiên ông nắm tay bà cũng là lúc họ chuẩn bị đám cưới.

Năm ấy, ông được về phép sau mấy năm biền biệt trên chiến trường. Quê ông ở Ba Vì, Hà Tây. Bố mất sớm, nhà chỉ còn anh trai. Vừa mừng đón em trai về phép, người anh vừa khóc: “Hay em tranh thủ 15 ngày phép tìm chỗ đầu gối tay ấp. Em cứ biền biệt chiến trường, nếu có gì anh ân hận lắm!”.

Lúc đầu ông Mã từ chối, sợ mình ra trận không về, làm khổ đời người ta. Nhưng khi anh trai kể cô gái đã chấm ở nhà cho em, ông Mã xiêu lòng. Cô gái Trần Thị Hòa ấy chính là con gái thầy giáo làng của ông. Hồi còn cắp cặp đến nhà thầy, ông đã thầm mến cô Hòa xinh xắn, chăm chỉ.

Ngay tối ấy, hai anh em sang thưa chuyện thầy giáo làng. Thầy nhìn con gái đang đứng đỏ mặt e thẹn ở góc nhà, hiểu ý con đã ưng anh lính tử tế. Ông dặn dò: “Hai con kết duyên lúc chiến tranh, nghèo khó thế này, đến sinh mạng còn không biết còn mất thì phải trân trọng từng ngày được bên nhau. Vợ chồng cốt thương nhau ở cái tình, cái nghĩa. Lúc được bưng chén cơm đầy, ngủ giường ấm không nói gì, ngay khi ốm đau, khốn cùng nhất, các con cũng phải thương yêu nhau...”.

Vợ chồng son quấn quýt được 15 ngày, ông Mã lại ra trận. Cô Hòa bịn rịn trao cho chồng chiếc khăn kỷ niệm: “Anh cứ yên lòng ra đi. Em sẽ đợi anh về!”. Ở chiến trường, vợ chồng thường xuyên thư từ cho nhau. Cuối thư, ông hay dặn vợ nếu ông có chuyện gì thì vợ đừng phải giữ lời thề.

Và năm 1975 ông đã trở về. Vợ chồng vừa mừng được bên nhau, lại tiếp tin vui cô Hòa có thai.

Đây cũng là thời gian vợ chồng rất khó khăn. Gạo không đủ nấu cơm, đến sắn cũng thiếu để độn. Ông Mã cứ vờ xới bát cơm, rồi lừa lúc vợ không để ý lại đổ vào nồi để nhường phần no cho vợ đang mang thai. Khổ nhất là lúc con trai đầu lòng ra đời. Cô Hòa thiếu sữa nuôi con. Sữa ngoài thì không có tiền mua.

Vợ chồng phải bớt ăn, dành gạo nấu cháo cho con. Họ bỏ cháo vào vải màn vắt lấy nước cho con uống. Phần bã còn lại vợ chồng mới dám chia nhau ăn. Bữa đói nhiều hơn bữa no, nhưng cô Hòa không bao giờ lộ mặt buồn hay than vãn một lời vì sợ chồng lo.

Khi ông Mã nhận lệnh đi làm giáo viên quân sự miền núi, cô Hòa lại ở nhà một mình nuôi con. Vừa chăm con vừa phải lo đồng áng nhưng cô luôn viết thư vui tươi cho chồng. Thương vợ, ông Mã dặn anh nuôi bớt phần ăn của mình để dành gạo gửi về cho vợ con. Những lần được về phép, ông giành hết việc vợ, kể cả giặt giũ, tắm táp cho con. Ông hiểu vợ đã hi sinh cho mình quá nhiều rồi!

Yêu thương trong khổ đau

40 năm duyên nợ vợ chồng chưa ngày nào thoát được nghèo khó, nỗi lo cơm áo, nhưng gia đình luôn tràn ngập tiếng cười yêu thương. Bắt đầu từ năm 1998 ông Mã bị bệnh, rồi phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Ông bà phải thuê phòng trọ 7m2 ở ngõ Cột Cờ gần bệnh viện để chống chọi với bệnh tật.

Nhà đã khó khăn lại càng túng quẫn. Bà phải xách ấm chè, túi khoai lang đi bán dạo kiếm thêm ít tiền lo cho ông. Nhiều hôm bà bị bảo vệ đuổi, giật đổ hết khoai, lại còn gạt dùi cui làm bà sưng bầm tay. Bà ngồi khóc ngay hè đường. Nhưng về đến phòng trọ, bà vẫn cố giấu vì sợ ông buồn!

Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã vẫn chưa rời họ. Cách đây mấy năm, vợ chồng lại đau đớn nhận tin hai con trai Mai Anh Tuấn và Mai Hồng Xuân cũng tự nhiên đổ bệnh thận như cha. Cả hai anh em đều phải chạy thận nhân tạo, nhưng Xuân chỉ cầm cự được vài năm thì mất lúc mới 27 tuổi. Em gái Xuân phải nuốt nước mắt lên phòng trọ, thay mẹ chăm bố để bà về lo tang cho con trai. Cả nhà sợ ông buồn lại đâm bệnh nặng, nên cố giấu ông nỗi đau đớn này. Mãi sau ông mới biết, cứ ngồi lặng chảy nước mắt khóc con...

Từ ngày ấy, vai gầy của bà Hòa như càng oằn xuống. Những ngày mùa vụ, bà cho con gái chăm bố để về quê thu hoạch lúa. Lúc nông nhàn bà lại như hình với bóng bên ông. Bà chỉ rời ông khi phải xách túi khoai, ấm chè đi bán dạo, kiếm thêm chút tiền trang trải túng quẫn. Từ lúc chồng bệnh, con mất, bà bị suy nhược thần kinh, đau dạ dày, lại thêm bệnh viêm đa khớp hành hạ nhưng vẫn âm thầm chịu đựng một mình.

Những lúc bên ông, bà cố nén đau, tươi cười để ông yên tâm chữa bệnh. Thi thoảng có thức gì ngon bà lại nhường cho chồng, phần mình chỉ qua quýt vài đũa rau, trái cà chấm mắm. Ông xót xa, đẩy đĩa qua cho vợ. Bà lại đẩy lại, âu yếm nói với chồng: “Ông phải cố ăn đi, tôi dù thế nào vẫn còn khỏe hơn ông mà!”.

Gần đây, bệnh dạ dày và viêm khớp của bà trở nặng, không thể giấu được ông nữa. Những đêm trái gió trở trời bà đau, không ngủ được. Ông phải chạy thận nhân tạo đã kiệt sức nhưng vẫn cố ngồi xoa bóp cho vợ. Vợ chồng già lọm khọm thức trắng đêm bên nhau, không ai dám chợp mắt vì sợ người kia ra đi trước mình. Có hôm đau quá bà cố lết đi khám bác sĩ, nhưng lại không dám mua đủ toa thuốc vì sợ hết tiền lo cho ông.

Sức bà ngày càng yếu. Những hôm ế ẩm, bà lủi thủi xách túi khoai về phòng trọ. Ông ứa nước mắt nhìn vợ, rồi vừa cố ăn khoai ế vừa khen ngon để vợ đỡ buồn. Hiểu lòng ông, bà nói ông phải cố ăn thêm cơm để còn sức mà chống chọi bệnh tật: “Vợ chồng mình bên nhau đến bạc đầu rồi. Ông mà đi sớm thì tôi sống thế nào bây giờ!”.

QUỐC VIỆT

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...-khoai-cu.html
 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Không thể chia tay

Kỳ 5: Tình già nơi ốc đảo


TT - Chiến tranh. Mang trong mình án tử của căn bệnh phong, họ chạy xuống núi, ra ốc đảo. Một ngày không định trước họ nên duyên vợ chồng. Và 40 năm sau, dù không có được mặt con, nhưng tình già nơi ốc đảo sắt son như ngày tuổi mới đôi mươi.


Chiếc chõng này là nơi bao nhiêu năm qua, mỗi bữa cơm sớm tối ông Bồng - bà Diên vẫn có nhau - Ảnh: Hữu Khá

Đã qua mùa dông bão

Ở ốc đảo này câu chuyện bà Nguyễn Thị Bốn lo cho người cha già luôn làm mọi người xúc động.

Bà kể: “Ngày đó tôi mới lên mười. Mẹ mất, cha tôi bị bệnh phong rất nặng. Với làng xóm ở quê lúc đó nhà nào có người dính phải căn bệnh phong là khiếp đảm lắm. Hết cách, ba tôi bồng bế mấy chị em tôi đi bộ cả trăm cây số xuống làng phong này. Ngày xuống đây, cuộc đời của chúng tôi như khép lại. Cha tôi hiểu điều này nhưng ông không nói, đêm đêm ông không ngủ lại đến ngồi đầu giường mấy chị em tôi. Giờ cha tôi đã hơn 80 tuổi, sức khỏe đã kiệt, tôi hiểu cha và không để ông phải cô đơn một phút nào trong những ngày cuối đời này”.​


Tôi tìm xuống ốc đảo nằm dưới chân đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để tìm họ. Ông Bồng - bà Diên, ông Hương - bà Lai và nhiều cặp vợ chồng khác nữa... Họ bảo cuộc đời mình là những mảnh chắp vá, như cỏ cây yêu thương, tựa nhau mà sống cho hết tháng ngày.
Mấy bữa nay trở trời, ông Bồng lại ốm. Sáng sớm bà Diên tranh thủ ra bãi cá trước biển chọn con dìa tươi. Bà nói phải kiếm được con cá ngon nhất nấu bát canh để ông ăn cho giải nhiệt.

Lui cui nấu cơm canh cũng tận mười giờ trưa mới xong. Bà chạy vào trong nhà năn nỉ: “Ông ơi, dậy ăn bát cơm cho nóng”. “Tui thấy mệt không muốn ăn bà ạ!”. Nghe ông bảo vậy, bà nắm tay ông sụt sùi: “Ông mà không ăn tui nuốt sao nổi. Có bát cơm vào người mới nhanh khỏe được. Chớ ông nằm miết vậy nhỡ có chuyện gì... tui biết sống với ai”.

Nói rồi bà đỡ ông dậy bước ra cái chõng tre trước nhà. Nơi mà 40 năm nay, mỗi bữa cơm sớm tối ông bà vẫn có nhau.

Trong bữa cơm hôm đó trên chiếc chõng tre, câu chuyện tình ông Bồng - bà Diên nghe qua tưởng như không có thực trên đời. 18 tuổi. Anh thanh niên Phạm Bồng quê làng Phú Lương (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bỏ lên phố học. Nhưng chỉ mấy hôm sau theo tiếng gọi của bạn bè, anh rời ghế nhà trường theo phong trào thanh niên cứu nước.

Ngày đó, Bồng đã có mối tình với một cô gái quê. Tất cả đã định sẵn, chỉ chờ ngày đám cưới. Lên đường và ít lâu sau anh bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Giam ba năm. Bọn cai tù phát hiện anh bị bệnh phong nên thả. Đêm trước ngày rời nhà lao, anh viết một bức thư đẫm nước mắt gửi cho người vợ chưa cưới. Anh xin người yêu tha thứ và mong nàng hãy quên mình mà đi lấy chồng. Sáng hôm sau Bồng đi không lời giã biệt.

“Kể từ đó tôi như kẻ không nhà lang bạt khắp nơi chữa trị ở Sài Gòn. Rồi ngược ra Viện phong Cẩm Hải (Điện Bàn, Quảng Nam)... nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng. Có hôm người ta bảo tôi: Ông thuộc loại nan y rồi, có nước đợi ngày về với ông bà thôi”.

Ông Bồng rớm nước mắt: “Nghe người ta phán câu đó tôi như rơi vô hố sâu của tuyệt vọng. Sống ở Viện phong Cẩm Hải được mấy năm. Chiến tranh ngày thêm ác liệt, địch phá nát bệnh viện buộc chúng tôi - hàng chục đôi trai gái, già trẻ dắt díu nhau chạy xuống chân đèo Hải Vân”.

Họ như thân cây khô gãy xuống để sóng gió cuốn đi trong ngày dông bão rồi gặp nhau ở bến bờ. Cũng éo le như ông Bồng, bà Diên, gốc làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên - Huế), khi đến tuổi con gái thì bị bệnh phong. Rồi một ngày khi chiến tranh còn ác liệt bà lặng lẽ xách gói rời khỏi làng. “Tìm nơi chữa chạy bệnh phong lúc đó vô cùng khó khăn. Cái án tử cứ treo bên người mà không biết mình sẽ ngã quỵ bất cứ lúc nào. Thôi đành vậy, tôi cứ chạy, hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn không khỏi”.

Rồi một ngày bà hay tin ở làng Vân có bệnh viện cho người mắc bệnh phong điều trị liền chạy đến. Cùng cơn hoạn nạn, ông xởi lởi giúp bà bước qua ngày đầu khó khăn nhất.

Ông Bồng bảo: “Ban đầu đến đây, cái chết vẫn cứ rình rập. Chúng tôi chẳng biết duyên phận là gì, chẳng ai dám mơ màng về hạnh phúc đôi lứa. Nhưng rồi ngày lại qua ngày. Căn bệnh phong buộc hai người phải dựa vào nhau mà sống. Cứ ốm đau là người này lo cho người kia miếng cơm, bát cháo”.

Ngày đó họ che tạm vài cái chòi ở bờ biển sống với nhau. Trai gái mang trong mình căn bệnh phong dần dà cũng thân quen. Họ biết gạt đi mặc cảm nhưng không ai dám nói lời yêu thương. Ông Bồng bảo với tôi thế mà tình yêu một ngày đủ lớn để họ gắn kết với nhau.

Rồi một hôm ông kéo bà ra bờ biển. Hai người siết tay nhau thật chặt. Họ nguyện sẽ ở bên nhau suốt đời. Vậy mà đã 40 năm rồi, ông bà vẫn chăm chút cho nhau từng li từng tí như thuở ban đầu.

Suốt đời có nhau

Chiều tối, tôi tìm đến nhà ông Hương. Bà Lai, vợ ông, ngồi bên bậu cửa nhìn ra biển. Ông bảo bà quen rồi, cứ đến chiều là ngồi ngóng mắt ra biển như vậy. Ông ôm cái rạp trên tay dẫn tôi ra ngồi bên bờ biển. Câu chuyện tình của ông với bà cứ mãi dài ra không hết như tiếng sóng biển dào dạt xô vào bờ.

Ông bảo tôi có biết gì về bệnh phong không. Rồi ông bảo ngày đó bệnh phong như án tử treo trên đầu. Cứ ai mà phát hiện bị bệnh phong thì đời coi như không còn gì đáng sống nữa. Người bị bệnh phong bị xã hội kỳ thị ghê gớm lắm. Chuyện tình của ông Đặng Hương và bà Đặng Thị Lai là minh chứng về một câu chuyện tình cảm động, nguyện suốt đời có nhau.

Ông Hương kể: “Năm 1945, tôi tham gia cướp chính quyền ở Tam Kỳ. Hoạt động trong lòng địch được mấy năm, tôi thoát đi văn công chiến trường”. Nhưng rồi một buổi chiều ông đau đớn khi phát hiện mình mắc phải bệnh phong. Gần như tuyệt vọng, ông được đồng đội đưa vào Quy Hòa (Bình Định) điều trị.

Sau ngày giải phóng, ông được chuyển từ Quy Hòa ra làng Vân. Chỉ mấy ngày sau ông gặp bà Lai, cũng dính căn bệnh như mình. Và rồi không cần nói với nhau một lời nào, họ tự hiểu đời này họ đã thuộc về nhau!

Khát khao có một mặt con nhưng căn bệnh quái ác đã cướp đi khả năng được làm cha làm mẹ của họ. Đã mấy mươi năm rồi nhưng không lúc nào ông Hương, bà Lai nói nặng với nhau một tiếng.

“Với chúng tôi đã là những người bất hạnh rồi, đau khổ đã nhiều rồi thì giờ phải biết vun xới cho nhau. Tôi đã gần đất xa trời rồi, làm việc gì mà bà không hài lòng sinh ra phiền muộn mất đi thì mình biết sống với ai” - ông Hương đưa tay lén chùi vội dòng nước mắt vừa lăn dài trên khóe mắt nhăn nheo.

HỮU KHÁ

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...oi-oc-dao.html
 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Không thể chia tay

Kỳ 6: Em đợi anh về


TT - Phạm Đức Sơn kể về vợ mình với chan chứa yêu thương và sự biết ơn. Anh tâm sự ngày anh mời cưới năm 1994, bà con xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên kháo nhau: “Cái thằng Sơn nghiện lòi mà cưới được con bé Kim ngoan thế à?”.


Dù trong hoàn cảnh nào, Kim vẫn hết lòng hi sinh cho chồng - Ảnh: Quốc Việt

Thân cò ở bãi nghiện

... Gia đình đông anh em, Sơn phải bỏ dở lớp 7 để ra đồng. Ruộng hẹp, người đông, anh lại lăn vào mỏ than kiếm sống rồi sa đà bạn nghiện lúc nào không hay. Lúc mới quen Kim ở thôn bên, Sơn giấu chuyện nghiện ngập và hi vọng hạnh phúc gia đình sẽ giúp anh qua được. Đến lúc Kim phát hiện người yêu nghiện, cô cũng hi vọng tình yêu sẽ vượt lên tất cả. Đặc biệt, những buổi nhìn anh hết quần quật đổ mồ hôi ở mỏ than lại chăm chỉ đồng áng, Kim càng nghĩ niềm tin mình đúng.

Ngay sau đêm động phòng Sơn lại đói thuốc, không thể vượt qua được mình. Kim gạt nước mắt, nén xấu hổ đi hỏi han cách cai nghiện. Về nhà cô rủ rỉ với chồng: “Anh cố gắng cai ở nhà, có em bên cạnh anh. Tương lai mình còn con cái và hạnh phúc nữa...”. Sáng sau, vợ chồng vất ma túy xuống ao rồi lặng lẽ khóa trái cửa nhà. Sơn vật vã đói thuốc. Kim như cái bóng bên cạnh, suốt ngày đêm xoa bóp cho chồng. Lúc rời tay cô lại nấu cháo, sắc niêu thuốc bổ, đút từng muỗng cho chồng. Sơn vật vã gạt đổ. Kim bật khóc: “Nếu anh không ăn, em cũng không ăn. Vợ chồng mình cùng chết!”.

Vài ngày sau, Sơn dứt được nghiện. Vợ anh cũng vui trẻ hẳn ra. Nhưng rồi chưa được dăm hôm, anh lại bị bạn nghiện lôi kéo. Đó cũng là lúc Kim có thai con gái đầu lòng. Bằng tình yêu thương của người vợ và cả giọt máu hai người đang trong bụng, cô thuyết phục chồng tiếp tục cố gắng đoạn tuyệt ma túy. Nhiều đêm cô bụng bầu lặc lè ngồi gác cửa, ngăn không cho bạn nghiện đến rủ rê chồng trở lại đường cũ. Trong nhà, Sơn vã thuốc, hết đòi đuổi vợ về nhà bố mẹ lại hăm đấm chết cô. Lần thứ hai thất bại. Đến lần cai nghiện thứ ba Sơn xót vợ, thề “chém chết thằng nào rủ mình chơi thuốc” nhưng rồi anh vẫn đầu hàng!

Gia đình kiệt quệ, vài ngày đầu Sơn còn lê lết cầm rá mượn gạo hàng xóm, nhưng rồi họ cạch mặt thằng nghiện. Túng quá đâm liều, Sơn lén lút trộm vặt. Nhiều đêm Kim nhìn xà nhà nghĩ quẫn chuyện treo cổ tự tử. Nhưng mỗi lần cầm dây thòng lọng, cô lại khóc nhìn con! Mẹ chết, con thơ chắc cũng không sống nổi với cha nghiện ngập!

Đến một chiều hè năm 1996 thì Sơn bị bắt khi đang lén lút tổ chức cho bạn nghiện hút chích. Kim chỉ kịp vắt nắm cơm tất tả bế con chạy lên huyện. Gửi nắm cơm vào phòng giam cô nhắn: “Đây cũng là cơ hội cho anh làm lại cuộc đời. Mẹ con em vẫn đợi anh về!” ...

Em đã cứu anh

Ngày ra tòa ở Thái Nguyên, Sơn cứ đảo mắt tìm hình bóng vợ con. Anh vừa mong mỏi gặp mặt, vừa sợ phải nhìn vào ánh mắt họ. Vừa lê bước vào tòa, Sơn đã thấy vợ xanh xao, tiều tụy bế con gái đứng chờ. Suốt cả phiên xử hôm ấy, Sơn cứ cố ngoái nhìn vợ con đang lặng lẽ ngồi ở góc phòng.

Phiên tòa kết thúc, Kim cố chạy theo nói với chồng: “Anh cố gắng nhé. Dù thế nào em cũng ở nhà nuôi con, đợi anh về!”. Vào đến phòng giam, Sơn bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh thấy mình quá yếu đuối, ích kỷ. Vợ anh sẽ thế nào, rồi con thơ của anh sẽ ra sao nếu lớn lên ở bãi mỏ nghèo khó, đầy rẫy phức tạp này mà không có người cha bên cạnh?

Sơn như bừng tỉnh. Kỷ luật nghiêm khắc trong trại giam ở Vĩnh Phúc đã giúp anh vượt qua cơn thèm thuốc. Rồi những lần Kim bế con đi thăm như truyền thêm niềm tin cho anh. Hồi mới yêu nhau Sơn đã biết Kim bị say xe. Mỗi lần phải đi xe là cô nôn thốc nôn tháo cả mật vàng mật xanh, về đến nhà đổ bệnh luôn cả tuần. Khi anh bị chuyển từ trại giam ở Thái Nguyên sang Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Kim vẫn cố bế con đi thăm chồng đều đặn. Có hôm Kim đi xe khách, nhiều lần quá giang xe than, xe tải chở hàng để tiết kiệm tiền. Gặp được mặt chồng, người cô rũ rượi như tàu chuối héo.

Những lần lên thăm chồng Kim luôn tươi cười, nói chuyện đồng áng lạc quan ở nhà. Mãi sau khi được thả về, Sơn mới xót xa biết đó là những tháng ngày vợ phải lặng lẽ một mình chịu khổ cực trăm bề vì chồng con. Nhà không có sinh kế nào khác ngoài mảnh vườn bé, Kim phải chạy vạy ngược xuôi làm thuê khắp xóm. Nhiều ngày không có việc làm, Kim phải luộc sắn, húp nước cháo loãng cầm hơi mà dành cơm cho con thơ. Để có tiền mỗi tháng đi thăm chồng, nhiều đêm tranh thủ lúc bé ngủ cô phải mò mẫm ra đồng làm thêm. Suốt thời gian Sơn ở trại giam cô không bao giờ đụng đến thịt cá, vì có chút nào là để thăm nuôi chồng và nhường con.

Hàng xóm biết chuyện, thương cảnh cô Kim hiền lành như thân cò vất vả. Một số đàn ông trong xóm, kể cả các anh lái xe hay chở cô đi thăm chồng từ ái ngại gia cảnh, chuyển sang khâm phục rồi dần có tình cảm với Kim. Lúc này cô vẫn chưa tròn 30 tuổi, cái tuổi xuân sắc của người phụ nữ lẽ ra phải được bảo bọc, yêu thương trong vòng tay đàn ông. Ngay bạn bè Kim nhiều lần cũng bóng gió rằng hãy kiếm một người chồng khác tử tế để lo cho mình và con cái. Kim lắc đầu ôm chặt con vào lòng!

Ngày Sơn mãn hạn tù, Kim bế con đi đón anh. Cô ôm chặt chồng mà không kìm được nỗi mừng vui khi thấy anh khỏe mạnh, hồng hào hẳn ra. Cô xúc động đến bật khóc khi nghe anh nói: “Mình cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc mới em nhé”.

Sơn về nhà, thay đổi hẳn tính cách. Ngoài thời gian quây quần bên vợ con, anh chăm chỉ làm việc để không còn thời gian rảnh rỗi có thể tái nghiện. Sơn cũng tránh hết bạn nghiện cũ, kể cả những lúc mời mọc trà nước. Hiểu chồng nỗ lực đoạn tuyệt nghiện ngập, Kim tươi trẻ hẳn ra. Gia đình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Biết chồng vẫn làm việc ở bãi than có nhiều người nghiện, Kim tìm cách hỗ trợ chồng tránh xa ma túy. Những ngày dòng họ có đám mời cơm rượu, Kim kiên trì đợi chồng cùng về. Cô sợ lúc say anh dễ trở lại đường cũ. Tình yêu thương của vợ giúp Sơn đoạn tuyệt nghiện ngập và chăm chỉ lo hạnh phúc gia đình.

Rồi thiên thần thứ hai của họ chào đời. Năm 2000, anh và vợ đã cần mẫn gần cả năm nung vôi, đóng gạch đến bật cả móng tay để xây ngôi nhà đầu tiên thay cho xác nhà tranh vách lá cũ. Từ kinh nghiệm này, vợ chồng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu nhỏ. Năm 2010, Sơn nhận bằng khen trong chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ. Anh treo bằng khen ngay bên bàn làm việc để ngày ngày nhắc nhớ mình quá khứ buồn và tránh xa con đường cũ.

Hôm tôi đến thăm, vợ chồng Sơn đang xây ngôi nhà thứ hai hơn 1 tỉ đồng làm văn phòng cho công ty ở huyện Đại Từ. Đến nay, họ đã có hơn 30 công nhân thường xuyên, chưa kể số làm thời vụ. Trong những người giúp xây nhà có cả những bạn nghiện trước đây đã rủ rê Sơn, giờ lại được anh tạo việc làm để cai nghiện. Sơn tâm sự trong xúc động: “Cha mẹ cho mình cuộc đời. Rồi chính vợ đã cứu lấy đời mình. Nếu không có cô ấy, tôi không có ngày hôm nay!”.

QUỐC VIỆT

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...oi-anh-ve.html
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Không thể chia tay

Kỳ cuối: Bước ra bóng tối


TT - Chị tên là Trương Thị Nhàn, mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, sống với cha ở Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Năm 1971, chị 13 tuổi, trong một trận bom hầm bị sập đè lấp hai chị em. Nhàn bị đất cát bắn vô mắt. Một năm sau, cha chị đưa chị đi bệnh viện. Các bác sĩ mới vỡ lẽ: mắt bị rách võng mạc cộng thêm chấn thương thần kinh. Nhàn bị mù vĩnh viễn.


Họ hạnh phúc vượt qua bóng tối - Ảnh: D.T.H.

Vợ

Chị cảm thấy đất dưới chân mình đổ sụp. Chị chỉ nghĩ tới cái chết vì có sống cũng chẳng ích gì lại thêm vướng bận người thân. Cha chị đã già, mình không thể nuôi dưỡng ông được, rồi mai này cha về trời mình sẽ sống với ai! Chị nghĩ quẩn muốn cắn lưỡi chết đi cho rảnh. Cha chị khuyên: “Cha mẹ sanh ra con chỉ mong thấy được hình hài khôn lớn. Con chết đi thì cha ở với ai”.

Nuốt nước mắt vô trong, chị lần mò mọi thứ đồ đạc trong nhà, cố gắng làm mọi công chuyện từ quét nhà tới rửa chén, chỉ bằng xúc giác còn lại. Chị quen dần với bóng tối và tự chấp nhận số kiếp đã an bài. Một lần ngồi trên chiếc võng trước hiên nhà, bàn tay rờ rẫm từng sợi vải đan chặt, chị nghĩ sao mình không đan võng bán kiếm tiền. Rồi chị lần mò “coi” cách đan võng làm sao, cột gút như thế nào, tự mày mò tháo võng ra, đan lại năm lần bảy lượt. Chừng một tháng sau thì chị biết cách đan. Chị nhờ cô thợ may hàng xóm xin vải vụn về, ráp nối từng miếng vải bỏ đi thành sợi dây vải chắc chắn. Chị tẩn mẩn đan thành cái võng xinh xinh, đủ màu sắc. Khoảng 4-5 ngày thì xong một cái, bán được 30.000 đồng. Lần đầu tiên cầm được số tiền trong tay do tự mình làm ra, chị mừng phát khóc. “Từ nay mình sẽ là người có ích” - chị tự nghĩ như vậy.

Rồi chị nghĩ ra việc đan cái bội nhốt gà, chằm lá lợp nhà đem bán. Chị xin hàng xóm cho làm cỏ mướn, đánh lá mía... bất cứ chuyện gì người sáng mắt làm chị đều làm được hết. Thấy chị siêng năng, bà con cũng vui vẻ giúp đỡ tận tình.

Năm chị 20 tuổi, người chị ruột kêu chị lại chỉ cách làm men rượu. Men tốt thì bán, men bể (vụn) thì nấu rượu, nuôi heo. Có tính cần mẫn, chị học nghề chỉ trong hai tháng là biết làm. Không ngờ cái nghề này lại đẩy đưa chị tới một bước ngoặt của cuộc đời...

Chồng

Anh tên là Lưu Xì Rết, chàng trai nghèo ở vùng quê xa (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Năm lên 5 tuổi, đôi mắt anh bị mù do di chứng bệnh đậu mùa. Khi 15 tuổi, anh biết đời mình sẽ chẳng có tương lai gì ngoài bóng tối đen đặc. Anh trở nên cau có, lì lợm và bi quan trước cuộc sống. Nhưng rồi cha anh dạy: “Ở đời mình khổ còn có người khổ hơn mình. Con tuy mù đôi mắt nhưng sống sao cho cái tâm trong sáng thì vẫn đáng sống con à”.

Còn mẹ anh thì gần gũi, chăm sóc và chia sẻ mọi nỗi niềm anh ôm ấp. Một lần bà bệnh nặng, anh lo sợ cuống cuồng, sợ mẹ mất mình biết sống với ai. Bà dặn dò: “Cha mẹ không ai sống cả đời với con cái. Nhà còn chút ruộng vườn, con ráng làm lụng mà sống. Có người sáng mắt, tay chân lành lặn mà vẫn ăn xin. Cũng không ít người tuy mù mà thành đạt, có ích cho xã hội”. Anh nghe lời cha mẹ dặn, trong lòng cứ suy nghĩ hoài. Mình đâu phải bỏ đi!

Rồi anh tập làm những việc trong nhà, dừng lại tấm vách, sửa cái chân bàn, trộn cám heo ăn, mang củi ra phơi... Công việc làm anh vui vẻ, phấn chấn hơn. Anh nhổ cỏ, đắp bờ ruộng, ban gò đất, mò cua bắt cá... không thua người sáng mắt. Rồi anh tập đờn ca vọng cổ, tụm năm tụm ba đám thanh niên trai gái trong xóm hết sức vui vẻ. Ông trời quả công bằng, bù lại cho anh ngón đờn ngọt lịm mỗi khi “rao” câu vọng cổ. Rồi anh góp mặt trong mỗi dịp đám giỗ, cưới, hỏi của xóm làng với cây đờn kìm réo rắt, cây ghita phím lõm mùi mẫn. Dần dà anh hòa nhập với “người thường” hồi nào không biết.

Và tổ ấm

Năm 1991, lúc này anh đã 47 tuổi mà vẫn sống mình ên. Một lần tình cờ đứa em gái đi mua bán dưới Ngan Dừa về, kêu anh lại nói nhỏ: “Có một cô cũng không thấy đường như anh mà coi bộ dễ thương lắm. Em dẫn anh đi “coi mắt” nghen”. Anh giãy nảy: “Mù gặp mù sanh con ra... làm sao”. Cô em trợn mắt: “Hổng lẽ mù luôn, anh nói nghe kỳ”. Anh nghĩ lại: “Ờ hén. Sao mình hổng tính chuyện cưới vợ ta!”. Cô em láu lỉnh bày kế dẫn anh đi mua... men về bán. Bữa gặp nhau đầu tiên, anh Rết và chị Nhàn chỉ nói chuyện... mua bán men. Chị đâu biết tình ý của anh, cứ vô tư kêu anh đem men về bán.

Rồi anh nôn nao cậy người mai mối. Chị Nhàn lúc này cũng đã 34 tuổi. Lòng chị không dám mơ ước có ai để ý tới mình. Bữa nghe có người đánh tiếng coi mắt chị tưởng nói chơi, ai dè ở bển qua thiệt. Rồi một đám cưới đơn sơ diễn ra trước sự vui mừng của bà con hai họ.

Rồi hai đứa con gái xinh xắn lần lượt ra đời, cô chị cách cô em hai tuổi. “Lúc mới sanh con gái đầu lòng, nó “rối” không biết đâu mà lần - anh Rết tâm sự - từ chuyện nấu nước, đốt than cho vợ nằm lửa, cho con bú, giặt tã... tui đều mò mẫm làm. Lúc đầu rị mọ hoài không được, con lại khóc la, tui cứ loay hoay như gà mắc tóc. Riết rồi cũng quen”. Anh kể có lần con bé khóc dữ quá, dỗ mấy cũng không nín, tưởng con đau bụng nên cạo gió. Không nín. Cho bú, cho uống nước... đủ cách cũng không. Nửa đêm phải nhờ chị hàng xóm qua coi. Thì ra kiến cắn!

Có thêm đứa thứ hai, anh phải đi mò cua, bắt cá cả ban đêm để cho con ăn. Thiếu sữa mẹ, anh năn nỉ dì Hai xóm trên cho con bú nhờ. Một lần trời chạng vạng tối, đang lui cui dọn cơm thì đứa lớn đâu mất tiêu. Kêu hoài không nghe lên tiếng, quanh nhà có mấy cái mương, họ sợ con rớt xuống dưới bèn la làng. Hàng xóm chạy qua mò hết mương này tới mương kia vẫn không thấy. Cuối cùng thì nghe tiếng khóc của bé ở bên kia mương. Không biết sao mà bé bò lên cây cầu rồi qua được bên kia.

Một lần đi mò cá, anh thò tay vô trong hang đụng con rắn thiệt bự bèn nắm đầu mang về nhà. Con rắn nặng 2,6kg, dài hơn 2 thước. Ở nhà, mọi người tá hỏa vì đó là con rắn hổ mang, cái mặt trăng bự “tổ bố” ngay trên đầu. Chỉ cần cắn một cái là sùi bọt mép tức khắc. Giết rắn xong mọi người mới cho anh biết đó là loài rắn cực độc. Anh giật thót người “số mình lớn thiệt”.

Biết cha mẹ mình tật nguyền, hai con anh chị là Lưu Thị Hữu Nhân, Lưu Thị Ái Nhân đều thương yêu cha mẹ hết lòng. Nhân hiện học trung cấp kế toán (ĐH Cần Thơ), cô em đang học lớp 8 Trường THCS Xà Phiên. Từ năm học lớp 8, Hữu Nhân xin cha mua chiếc xe đạp cũ để đi học. Cha nói để chờ bán lúa. Nhưng con bé nói nó có tiền rồi. Số tiền cha cho ăn sáng mỗi ngày em bỏ ống heo tới giờ. Nhân nói giản đơn: “Người sáng mắt nuôi con đã cực khổ rồi. Cha mẹ mù càng cực khổ hơn. Con chỉ muốn cha mẹ bớt cực thôi”.

Từ trong bóng tối, họ đã bước ra ánh sáng của tổ ấm cuộc đời như vậy đó!

DƯƠNG THẾ HÙNG

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/P...-bong-toi.html
 
Top