Loạn 'đồ nghề' chống cận thị

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
(BĐV) Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Để bảo vệ đôi mắt cho con, nhiều bậc phụ huynh đã không tiếc tiền sắm các thiết bị chống cận thị, nhưng nếu không chú ý thì “tiền mất tật mang”.

Kỳ 1: Có nên dùng giá đỡ cằm?

Ngồi học sai tư thế, cúi sát đầu xuống bàn khi học là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng tăng. Thay vì hướng dẫn và kiểm soát trẻ có tư thế ngồi học đúng, các phụ huynh lại… phó thác vào các thiết bị giá đỡ cằm, áo chống cận thị.

Tiến sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết khảo sát mới nhất của Sở Y tế và GD-ĐT Hà Nội tại 12 trường tiểu học, THCS, PTTH trên địa bàn cho thấy có 5.195 học sinh bị tật khúc xạ (TKX), chiếm 32,4%, trong đó, số học sinh bị cận thị chiếm đến hơn 30%. Một điều tra khác của Bộ GD-ĐT cho thấy tỷ lệ mắc TKX ở học sinh tại Hà Nội là 24%, TP HCM là 40% và Hải Phòng là 60%.


Cha mẹ nên kiểm soát tư thế ngồi của trẻ thay vì lệ thuộc vào các thiết bị chống cận thị. (Trong ảnh: Một trẻ đang ngồi học với giá đỡ chống cận thị). Ảnh: Xuân Trường.


Từ giá đỡ cằm đến 'áo giáp'

Nhiều phụ huynh cho rằng nguyên nhân gây cận thị là do con em mình có thói quen nhìn gần, tư thế ngồi học không đúng. Đánh vào tâm lý này, các công ty đua nhau sản xuất thiết bị giá đỡ cằm chống cận thị. Đây là thiết bị được gắn với bàn học ngay trước ngực học sinh, nhằm khiến các em không thể cúi quá thấp khi đọc và viết, với giá từ 60.000 -100.000 đồng một chiếc. Đặc biệt, nhiều phụ huynh còn bỏ ra gần 500.000 đồng để mua áo phòng chống vẹo cột sống và cận thị cho con. Loại áo này được thiết kế gần giống áo phao, phần lưng có các nẹp nhựa, phần bụng có một vòng đai giữ cho trẻ luôn ngồi ở tư thế thẳng đứng, không thể cúi hoặc gù lưng khi học.

Chị Lê Thị Nhung, Vĩnh Tuy, Hà Nội, cho biết xem tivi và đi các hiệu sách chị thấy quảng cáo giá đỡ cằm chống cận thị rất nhiều nên mua về cho con dùng. “Ngay từ khi cháu bắt đầu học luyện tô chữ ở mẫu giáo tôi đã mua giá đỡ cằm chống cận thị. Tuy nhiên, cháu thường kêu vướng víu và không muốn dùng chúng nhưng tôi bắt cháu dùng vì lo sợ cháu bị cận thị”, chị Nhung nói.

Có thể khiến trẻ bị cứng cổ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Loan, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trí Đức, Hà Nội, cho rằng không nên cho trẻ dùng giá đỡ cằm chống cận thị. Bởi ở độ tuổi của trẻ, các cơ quan trong cơ thể vẫn trong quá trình phát triển. Thiết bị này có thể hạn chế sự phát triển của cằm và cổ, nếu dùng lâu ngày có thể khiến trẻ bị bệnh cứng cổ. Ngoài ra, xét về mặt tâm lý cũng không có lợi. Vì học sinh, nhất là học sinh tiểu học, thường rất hiếu động, trong suốt quá trình ngồi học nếu trẻ bị cố định cằm ở một tư thế rất dễ gây tâm lý vướng víu khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng học.

Đối với áo phòng chống cong vẹo cột sống và cận thị, theo bác sĩ Loan, tuyệt đối không nên cho trẻ dùng. Bởi áo này chỉ dùng trong trường hợp người bị gãy cột sống phải bó và cố định ở một tư thế. Đây là thiết bị phục vụ cho quá trình hồi phục chức năng của người bị bệnh về cột sống, và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng tùy tiện, nhất là đối với trẻ nhỏ, đang phát triển bình thường, không có bệnh lý về cột sống sẽ phản tác dụng, khiến trẻ mắc các bệnh về cột sống.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TƯ, cho biết có bốn nguyên nhân chính gây TKX ở học sinh, là: dinh dưỡng không đảm bảo, di truyền, tư thế ngồi học không đúng (nhìn quá gần) và thiếu ánh sáng. Như vậy, việc dùng giá đỡ cằm chống cận thị của nhiều bậc phụ huynh là hoàn toàn sai lầm. “Phụ huynh cũng quên một điều là chỉ kiểm soát tầm nhìn của trẻ khi học mà không chú ý rèn luyện cho trẻ có thói quen ngồi xa trong sinh hoạt. Trẻ dù có ngồi học ở khoảng cách tốt nhưng nếu thường xuyên xem tivi, đọc sách báo ở tư thế gần cũng có thể bị TKX”, bác sĩ Cương nói.
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Loạn 'đồ nghề' chống cận thị

Kỳ 2: Cách chọn đèn bàn phù hợp với trẻ

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, ánh sáng tốt nhất là loại ánh sáng có màu của trời nắng không mây và không phải loại đèn nào cũng có được ánh sáng này.

Không có đèn chống cận thị

Tại các cửa hàng bán thiết bị - đồ dùng học tập, có khá nhiều loại đèn được quảng cáo là chống cận thị, bảo vệ thị lực được bày bán. Kiểu dáng và giá cả rất phong phú, gồm cả đèn nhập ngoại và đèn sản xuất trong nước. Các loại đèn sản xuất trong nước có giá dao động từ 90.000 đến 160.000 đồng một chiếc, trong khi đèn nhập khẩu giá cao hơn gấp 6 - 7 lần, khoảng 600.000 - 900.000 đồng. Khi được hỏi, chủ các cửa hàng đều trả lời chung chung rằng đèn chống cận thị có nguồn sáng tốt hơn đèn bình thường, có tác dụng bảo vệ mắt, giúp cho mắt không bị mỏi, nhức, chống cận thị và tiết kiệm điện. Anh Trần Văn Hùng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thấy người ta quảng cáo là đèn chống cận thị nhưng không biết lựa chọn loại đèn nào tốt nhất, tôi đành mua đèn có màu sắc, hình dáng mà các cháu thích”.


Sau khi học dưới đèn 45 phút, trẻ cần thư giãn mắt. Ảnh: Xuân Trường.


Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho rằng, không có chiếc đèn nào có thể chống cận thị cho học sinh. Để tránh bị mắc các bệnh về tật khúc xạ cần phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đủ nguồn sáng có vai trò quan trọng.

Nên dùng bóng đèn dài

Tiến sĩ Khải cho biết, tùy từng tính chất công việc có thể lựa chọn đèn có độ rọi sáng khác nhau. Ví dụ như người vẽ kỹ thuật cần phân biệt màu chính xác nên chọn đèn có độ rọi sáng 3000 Lux, người đọc sách, làm việc bình thường chỉ cần đèn có độ rọi sáng từ 300 đến 500 Lux.

Đối với học sinh, một đèn bàn tạo tiện nghi chiếu sáng tốt nhất, theo tiến sĩ Khải phải đảm bảo các yếu tố: cần cao 45 cm, máng phải che khuất bóng đèn, để khi làm việc không nhìn thấy bóng bởi nếu nhìn thấy bóng đèn rất dễ gây nhức, mỏi mắt. Máng đèn phải quay được theo các hướng, cần đèn có thể thay đổi được độ cao của đèn. Tốt nhất là nên dùng nguồn sáng dài (bóng dài) vì bóng dài tạo ra quang trường tương đối đồng đều; độ rọi sáng đạt từ 300 đến 500 Lux, thấp hơn sẽ không đủ ánh sáng cho mắt làm việc, cao hơn sẽ gây chói, nhức mắt.

Tiến sĩ Khải cũng nhấn mạnh, quan điểm dùng bóng đèn dây tóc nóng sáng với ánh sáng vàng sẽ đỡ hại mắt, không bị cận thị là hoàn toàn sai lầm. Bởi mắt người không nhạy cảm với màu vàng mà hợp với dải phổ nhiều màu. Các bậc cha mẹ có thể kiểm tra nguồn ánh sáng của đèn bằng cách quan sát, nếu ánh sáng ở trên bàn dưới ngọn đèn gần giống với ánh sáng dưới cửa sổ khi trời không mây là đèn có ánh sáng tốt. Sau khi làm việc, ngồi học đúng tư thế dưới ánh đèn trong vòng 30 - 45 phút không thấy hiện tượng nhức, mỏi mắt.

Để phòng tránh bịtật khúc xạ, các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất cần bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng, học hành điều độ và khám mắt định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm. Ngay từ khi trẻ bắt đầu làm quen với việc học, cha mẹ cần kiểm soát tư thế ngồi học của trẻ, luôn nhắc trẻ giữ khoảng cách từ mắt đến sách là 30 - 35cm.

Tại trường học, thầy cô cũng nên nhắc nhở trẻ không được cúi thấp khi học và có thể luân chuyển đổi chỗ ngồi một tháng một lần nhằm tạo cho mắt trẻ linh hoạt trong tầm nhìn.
 
Top