"Mẹ ơi, con muốn đi chơi Trung thu"

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]"Mẹ ơi, con muốn đi chơi Trung thu"[/h]
- Trái hẳn với không khí trung thu rộn ràng khắp trung tâm Thủ đô
Hà Nội, cách đó vài km, nơi bãi giữa sông Hồng, bóng dáng ngày Tết dành cho thiếu nhi vẫn còn rất im hơi lặng tiếng. “Con muốn đi chơi…”



Đi xuyên qua những bờ ngô sắn xanh mướt là tới xóm “Bãi giữa”. Bao nhiêu năm qua, cuộc sống nơi đây vẫn âm thầm gói gọn giữa bốn bề sóng nước đầy vất vả. Nhiều con người, nhiều gia đình từ khắp nơi, mỗi nhà một cảnh, gặp nhau ở cái bờ sông và những mái nhà tạm bợ.



Em Tân “chúi mũi” vào trò chơi trên chiếc máy điện thoại di động. Dù Trung thu đã gần kề, em vẫn chưa có được một món đồ chơi nào cho riêng mình.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, hiện hình rõ nét trong từng hoạt động nhỏ của đời sống. Ngày Rằm tháng Tám đã gần kề, song rất nhiều đứa trẻ ở Bãi giữa chỉ biết lặng lẽ mơ về một trung thu cho riêng mình. Không đèn, không đồ chơi, không bánh nướng bánh dẻo… Trung thu với các em dường như vẫn còn xa vời lắm.

Đến thăm ngôi ngôi nhà của chị Phúc, tôi gặp và trò chuyện với bé Tân – 8 tuổi, con trai thứ hai của chị. Tân bị liệt bẩm sinh, không thể đi lại bình thường. Thiếu chiếc xe lăn, cậu bé chỉ có thể lê lết trên sàn nhà.

“Nói thật, chị bận chợ búa suốt đêm, suốt ngày, tranh thủ tí nghỉ trưa về cho con ăn. Trung thu năm nay nhà chị chưa có gì cả. Thời gian không có, mà cũng không có tiền để cầu kì. Như mọi năm chị cũng mua vài thứ đồ chơi cho con, mua thêm hộp bánh.

Nhưng năm nay hai cháu cũng đã lớn, nên thôi. Nhiều khách của chị là nhân viên văn phòng, biết hoàn cảnh nên dặn trước chị, bảo đừng mua sắm gì vội. Đợi đến thứ hai, họ gặp, họ tặng cho vài hộp bánh kẹo của công ty.

Quả thực, trong căn nhà của chị, tôi không nhìn thấy bóng dáng bất cứ một món đồ chơi trung thu nào. Tân tuy không đi lại được nhưng khá thông minh. Thấy có người đến chơi cùng, em hớn hở, vui ra mặt. Nghe tôi vô tình nhắc đến Trung thu, em háo hức lại gần, nhõng nhẽo đòi mẹ cho đi chơi.

“Em chẳng cần đồ chơi, em chỉ thích đi chơi thôi!” – Tân lý nhí nói vào tai tôi.


Tân trong bàn tay của các sinh viên tình nguyện (Ảnh chụp lại)



Hóa ra, cậu bé chỉ thèm được cho lên bờ, được ngồi xe lăn đi loanh quanh đâu đây. Hay xa hơn nữa thì được ra phố chơi. Em thích được đi nhưng bố mẹ đều bận, anh trai không có nhà, chẳng có ai đỡ Tân, dắt Tân, đẩy xe đưa em đi chơi được. Cũng lại không may là mấy hôm nay trời mưa, đất đai nhão nhoét, bẩn thỉu, mẹ Tân nhất định không cho Tân ra khỏi nhà.
“Cháu nó nhìn thế nhưng nặng lắm, mấy anh sinh viên to cao bế còn mệt. Ngày chị hai lần đưa đón cháu đi học là đủ thở không ra hơi rồi. Cũng biết là con thích đi, thích ra ngoài nhưng không thể nào chiều nó được” – chị Phúc buồn bã.
Tân khá thông minh và nhạy cảm. Đòi đi chơi không được, lại nghe mẹ nói đến chuyện đi lại của mình, cậu bé tiu nghỉu rồi bất ngờ gục xuống gối khóc rưng rức…
“Con muốn đi chơi, cho con đi chơi…” Em nức nở vừa nói vừa khóc. Người mẹ bối rối ôm lấy con dỗ dành, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Bởi chị biết, dù chỉ giản dị là được lên phố dạo chơi hưởng cái “không khí” ngày Tết Trung thu, thì đó vẫn chỉ mãi là mơ ước của con và chị.
“Em đã đi gần hết phố cổ”
Không như Tân, bé Hương, một thành viên nhỏ khác của xóm “bãi giữa” khi được hỏi, lại hồn nhiên khoe: “Trung thu này em đã đi gần hết phố cổ rồi!”. Hóa ra chưa đến Rằm, cô bé đã kịp lang thang đi dạo chơi mấy con phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đào… để hưởng không khí Trung thu.

“Đồ chơi nhiều thật, nhưng cái nào mà chẳng giống cái nào. Lại đắt nữa, em không mua, chỉ ngắm thôi!” – Hương thật thà chia sẻ.




Dù chỉ cách trung tâm Hà Nội vài Km, không khí Trung thu dường như chưa chạm đến cuộc sống của các em nhỏ ở Bãi giữa sông Hồng.

Năm nay 11 tuổi nhưng Hương mới học lớp 3 trường Nghĩa Dũng. Người đen nhẻm, đôi chân trần lấm đất, Hương nói về Trung thu như thể cô bé chẳng phải là trẻ con. Em bảo, Trung thu, chỉ có đi… bán hàng là thích. Vì: “Bán hàng mấy ngày này tha hồ đắt khách. Người ta đi chơi đông lắm!”. Bố Hương đều đã lớn tuổi, ngày ngày vẫn phải vật lộn mưu sinh bằng đủ nghề, bán hàng, thu mua phế liệu.

Hương chưa lớn đã sớm biết đỡ đần chợ búa cho bố mẹ, em trở thành “tay” bán hàng rất thạo.Năm nay, dù đã đi gần hết phố cổ, ngắm nghía đủ các món đồ chơi, lồng đèn, bánh trái, nhưng Hương chưa có được một món nào cho riêng mình. Vậy mà em không chút buồn.

Hương nói: “Năm nào đến Tết Trung thu, thể nào cũng có các anh chị sinh viên tình nguyện đến chơi, tặng quà cho bọn em, tổ chức Trung thu cho chúng em. Năm nay chờ mãi chưa thấy, không biết chủ nhật, hay thứ hai các anh chị ấy mới đến…”.
Câu nói của em vô tư, hồn nhiên, mà trĩu nặng. Không biết đến bao giờ, những cô bé, cậu bé nơi đây mới có được cho riêng mình những cái Tết Trung thu thực sự, đủ đầy, trọn vẹn.
Quỳnh Anh
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: "Mẹ ơi, con muốn đi chơi Trung thu"

[h=1]Dập dềnh xóm nước ngóng Trung thu…[/h] (VOV) - Ngay giữa Hà Nội còn có những trẻ em khao khát mâm cỗ trông trăng dịp Trung thu này.


Mấy hôm nay trên các phố phường Hà Nội ngập tràn trong sắc màu Trung thu với bánh, kẹo, đồ chơi,… Nhưng ở xóm chài Phúc Xá, và bãi An Xá (Long Biên, Hà Nội) vẫn heo hắt buồn. Không khí Trung thu còn xa vời với đám trẻ nơi đây.

“Ăn còn đang thiếu nữa là…”

Sáng thứ 7, cả đám trẻ hơn chục đứa tắm sông bì bõm ngụp lặn, bơi lội đùa nghịch khiến khúc sông Hồng nơi đây sục ngầu.




Niềm vui của trẻ em xóm chài là tắm sông

Chúng tôi leo “cầu khỉ” ra chiếc thuyền nan rách nát của gia đình anh Nguyễn Văn Châu và chị Nguyễn Thị Thuận. Hai anh chị đang chuẩn bị cơm trưa. Chị Thuận bảo: “Đi làm cả đêm về, giờ nấu cơm ăn rồi ngủ, chiều tối chuẩn bị lên chợ làm việc tiếp”. “Sắp Trung thu rồi, anh chị chuẩn bị gì cho các cháu chưa?” - Tôi hỏi. – “Ôi dào, vẽ chuyện. Lo ăn còn đang khốn khổ nữa là…”.

Câu trả lời của chị Thuận đậm nét buồn trong ánh mắt dõi nhìn mấy đứa trẻ đang nô đùa dưới sông. Vợ chồng chị Thuận từ Vĩnh Bảo (Hải Phòng) dạt về đây “lập nghiệp” ở xóm chài Phúc Xá này đã gần 20 năm. Hằng ngày, chị lên chợ Long Biên nhặt đồng nát bán, còn anh lúc thì chở gas thuê, lúc làm "cửu vạn". Tổng thu nhập tháng nào nhiều cũng được hơn 3 triệu đồng. Bằng ấy tiền chi phí nuôi 3 đứa con nữa cũng “oải lắm” (lời anh Châu). May mắn bọn trẻ đi học miễn phí trên phường Nghĩa Dũng. Đứa lớn nhất năm nay học lớp 7, đứa út học lớp 3. Cuộc sống của 5 nhân khẩu nhà chị Thuận cứ dập dềnh theo con nước bằng ấy năm trời…

Cũng như nhiều năm trước, mùa Trung thu năm nay, chị Thuận bảo: “Tiền chẳng có, chỉ mong xem có tổ chức từ thiện nào đến cho bọn trẻ bánh kẹo gì không, chứ bố mẹ thì…chịu”.

Bỗng mưa xối xả. Chị Thuận hò hét một hồi, đám trẻ nhìn nhau rồi bám cọc tre trèo lên nhà thuyền. Đứa nào đứa nấy chân tay nhợt nhạt vì lạnh và ngâm dưới nước lâu.

Tôi hỏi: “Sắp Trung thu rồi, cháu muốn có quà gì?”. Bé Thiên, con gái chị Thuận, quần áo ướt sũng, ngồi đánh bệt ngay cạnh tôi, ngước nhìn mẹ rồi ngoảnh sang tôi, nhoẻn miệng cười, đáp: “Cháu muốn có bánh kẹo và đèn ông sao như các bạn trên phố ấy…”. Chị Thuận chen ngang: “Con bé này năm nào cũng vẽ chuyện thế, trên lớp học của nó cũng tổ chức Trung thu mà, nó có ăn hết kẹo đâu mà…” – “Làm gì có mà ăn, mẹ nói dối”- bé Thiên bĩu môi, lườm mẹ rồi đứng phắt dậy đi vào trong.


“Cháu ước có mâm cỗ để trông trăng…”


Tạnh mưa, chúng tôi rời thuyền nhà chị Thuận lên bờ, đến chỗ đám trẻ đang ngồi nặn đất nghịch. Cậu bé Nguyễn Tiến Hoàng, 12 tuổi, quê Thái Bình, đi lang thang, dạt về xóm chài sống nhờ và chơi với đám trẻ ở đây. “Cháu có quà Trung thu chưa?” – Tôi hỏi. Hoàng hồn nhiên bảo: “Làm gì có ạ. Hôm nào có cỗ Trung thu thì cháu đến nhà bạn ăn ké. Năm nào bọn nó cũng cho cháu ăn chung mà…”.

- “Thằng này không bằng cháu,... Năm ngoái cháu chẳng cần ai mua cho cũng có đèn ông sao chơi…”- Cậu bé Nam, vẻ tinh nghịch, nói. “Cháu lấy ở đâu?” Tôi gặng hỏi. Nam bảo: “Chờ lúc khuya, bọn trên phố chơi, khối đứa bỏ quên hay vứt đi, cháu nhặt về”(!).



Bé Ngân (bên trái) cùng mẹ và các em

Xóm vạn chài hiện có 14 hộ gia đình với khoảng 70 nhân khẩu đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng cùng một điểm chung là đều rất nghèo. Nghề chính của họ là nhặt phế liệu và chài lưới, một số người thì gánh hoa quả, làm cửu vạn ở chợ Long Biên.

Sự nghèo khó không chỉ ở xóm chài lênh đênh này. Ngay trên bờ, bãi An Xá cũng rất nhiều hộ gia đình từ quê ra đây làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ cũng kham khổ lắm. Nhà chị Phương (quê Phú Xuyên, Hà Nội), hai vợ chồng và 4 đứa con thuê gian nhà chừng 10 m2 được quây chung quanh bằng tôn, ván ép, bạt và lợp mái bằng fibro xi măng. Hằng ngày chị buôn bán vặt trên chợ Long Biên, thu nhập “ba cọc ba đồng”, còn chồng phải ở nhà bế con nhỏ (hơn 1 tuổi) và lo cơm nước. Đã thế, giá thuê nhà mỗi tháng cũng mất 1,8 triệu đồng. Cứ thế, 6 nhân khẩu sống tằn tiện, tạm bợ trên mép sông Hồng. Hỏi chuyện chuẩn bị Tết Trung thu cho các con, chị bảo: “Để xem thế nào đã, giá cả đắt đỏ thế này, lo chống chọi cho mấy đứa ăn học còn đang khó….”

Nghe chị nói, chúng tôi hiểu rõ hơn những nỗi khổ của bọn trẻ. Chồng chị, đang cặm cụi nhóm bếp than phía ngoài cũng góp chuyện: “Sống cùng bố mẹ khó khăn thì chúng nó cũng hiểu hoàn cảnh gia đình nên cũng không đứa nào dám vòi vĩnh, kêu ca đâu. Thương chúng nó lắm, nhưng phận nghèo phải chịu thôi”. Còn bé Ngân, con chị Phương, năm nay học lớp 3, nãy giờ ngồi nghe chuyện, bỗng nó bảo: “Ứ, năm nay nhà mình có Trung thu cơ. Không có đồ chơi cũng được, nhưng con muốn có mâm cỗ trông trăng, có một quả chuối, một quả bưởi, mẹ nhé!”
Chứng kiến cảnh sống, nghe những người làm cha mẹ nơi xóm nghèo giữa Thủ đô Hà Nội nói về “cái khó” dịp Trung thu này và những mong ước của đám trẻ mới thấu, một mâm cỗ trông trăng với bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả và các loại đồ chơi Trung thu tưởng chừng là niềm hạnh phúc giản đơn và chính đáng với tất cả mọi em nhỏ, nhưng, với những em nhỏ ở xóm vạn chài Phúc Xá và xóm An Xá ven sông Hồng này, dường như đó vẫn là một khao khát, một ước mơ xa lắm.
Rời xóm nghèo lúc trời lất phất mưa, nhớ câu nói hồn nhiên của Nam kể về món quà Trung thu “nhặt được” năm trước và mong ước của bé Ngân khiến chúng tôi nao lòng. Sông Hồng ngàn năm vẫn bồi đắp phù sa, cuộc sống của nhiều người dân đã được cải thiện. Vậy mà còn biết bao gia đình vật lộn từng ngày với cuộc mưu sinh để tồn tại. Và, như một lẽ tất nhiên, khi cha mẹ nghèo, đám trẻ thơ cũng thấm đầy nhọc nhằn. Có những khát khao dẫu bé nhỏ nhưng không dễ thành hiện thực. Dẫu rằng cách vài trăm mét, trên phố, Trung thu không ít người lại ăn không hết bánh “tiền triệu” và rất nhiều đồ chơi chưa kịp cũ bị vứt bỏ./.

Xuân Thân - Lê Vũ
 
147
0
0

meoluoi181

New Member
Ðề: "Mẹ ơi, con muốn đi chơi Trung thu"

Sao mấy vùng này mình ko tổ chức cho các em vui trung thu nhỉ? Mình thấy năm nào các hội nhóm cũng tìm các trung tâm trong Tp nhiều lúc phải đăng ký phân ca mới được còn những nơi thế này cần lại chẳng có. Nghĩ lại cũng thấy hơi buồn vì người ăn không hết kẻ lần không ra hiiccccc
 
Top