Mẹ thật chán phèo

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
SGTT.VN - Cuối tháng 5 bao giờ thằng nhóc của tôi cũng nhắc nhở tôi về ngày thiếu nhi, về những ngày nghỉ hè. Rằng tôi đừng mải mê công việc mà quên tặng quà cho nó. Rằng tôi đã suy nghĩ ra món quà gì chưa. Rằng tôi có cần nó tư vấn cho tôi về quà tặng không. Rằng nó không khó tính đâu hay nó không có cần quà cáp phải bí mật.

Năm nào tôi cũng được nghe cái điệp khúc ấy như thể cứ vào hè là tôi nghe tiếng ve râm ran trên cành phượng vĩ đỏ thắm. Năm nay chẳng thấy chàng trai ấy nhắc nhở về quà, cũng không hề nghe đòi về chuyện đi biển bắt ốc. Tôi thấy làm lạ một phần là con trai không đòi quà nhưng cũng có phần nghĩ rằng con trai đã lớn. Mười tuổi rồi, cũng đã đến lúc con trai trở thành chàng trai chứ đâu thể cứ là cậu bé con mãi mãi.

Dè dặt hỏi nhỏ cái thằng nhóc đã có hàng ria mép lấp ló trên môi: “Bộ con hết là thiếu nhi rồi hả, giờ con là teen chưa biết yêu nên con không cần quà ngày tết thiếu nhi hả?” (Thỉnh thoảng khi cần xin mẹ chuyện gì khó khăn vượt cấp tuổi tác như mua gel vuốt tóc thì chàng hay tự nhận mình là teen chưa biết yêu). Con trai lấy hai bàn tay ôm gương mặt mẹ, nhìn vào mắt mẹ và nói ra sự thật khiến mẹ chưng hửng: “Dạo này mẹ là người mẹ chán phèo!”

Nếu bạn nghe đứa con thân yêu của mình nói thật dõng dạc rằng bạn chán phèo thì bạn có phì cười không? Tôi có cười nhưng cười không sảng khoái lắm. Tôi đã mở to mắt nhìn con. Tôi đặt chiếc máy tính qua một bên và kéo kẻ vừa phán xét tôi vào lòng.

Ở tuổi lên mười thì có vẻ các cô bé cậu bé đã hiểu lúc thương thuyết không nên ngồi vào lòng đối phương. Thằng nhóc của tôi đã không đồng ý cho tôi ôm nó. Nó ngồi bên cạnh tôi cách tôi một khoảng cách đủ thân thiện nhưng vẫn giữ được sự độc lập.

Thằng bé nói mọi đứa con nít đều thích đi chơi, và đi chơi biển luôn là sự lựa chọn được yêu thích nhất. Và tôi thử hỏi xem có đứa con nít nào lại không thích được ba mẹ tặng đồ chơi, dù lớn cũng sẽ vẫn thích đồ chơi. Vậy thì tại sao tôi lại hỏi nó rằng nó thích gì vào ngày tết thiếu nhi. Nó không muốn đòi đi biển hay xin tôi một bộ đồ chơi mới chẳng qua vì tôi chán phèo.

Tôi thưa thốt với “thẩm phán bé bỏng” tôi không hiểu từ chán phèo. Với một tiếng thở dài ngao ngán trước sự lì lợm ngô nghê của mẹ, thằng bé bảo tôi dẫn nó đi biển nhưng không hề xuống biển tắm chung vì lúc nào tôi cũng nói “nắng quá con ơi”. Thằng nhóc lại tặng tôi thêm một tiếng thở dài thứ hai hỏi tôi có biết tên ba con gián trong bộ phim hoạt hình nó hay xem là gì không? Và rồi nó lại thêm một tiếng thở ngắn chán chường nêu ví dụ cụ thể là hôm qua tôi đã hứa chơi cờ tướng với nó, nhưng tôi đã thất hứa với những lý do công việc nhưng nó thấy tôi toàn đọc báo trên mạng.

Có tội hay vô tội?

Đúng là ngày xưa tôi luôn lao xuống nước cùng con. Tôi sẽ cùng con đứng dậy cười khanh khách sau khi bị sóng biển xô té nhào. Tôi sẽ lấy cát giả bộ ném hụt vào nó và luôn cố tình cho nó ném cát trúng mình để nó cười chiến thắng còn mình gào lên tức tối. Tôi sẽ thi nhặt vỏ ốc và tìm kiếm những con hến, con sò, con nghêu còn sống để rồi sau đó chơi trò “từ thiện tâm đức” thả chúng về với mẹ.

Tôi biết tất cả các nhân vật hoạt hình con xem, tôi có thể bình luận về tính cách của con mèo, con chuột, con gấu. Tôi có thể chơi cờ tướng ra chiêu song mã, song pháo, xe pháo hạ gục thằng con trai khiến nó bực bội trong sung sướng vì được chơi cờ với mẹ. Nhưng giờ thì tôi chỉ thích cầm cuốn sách nằm dài trên ghế dưới bóng mát mà tận hưởng ngày nghỉ, tôi ghét ánh nắng chói chang của biển, tôi ghét cát bám vào tóc, vào đồ bơi.

Tôi nghĩ cười với con hay chơi với con thì chui vào phòng khách sạn chơi giỡn cũng được, việc chi mà cứ phải bôi kem chống nắng nồng độ cao rồi phơi mình dưới tia cực tím chói chang. Tôi nghĩ trẻ con cần độc lập suy nghĩ và hơn hết là độc lập tư duy nhận xét đánh giá các bộ phim. Và chúng nên tự xem phim, tự chơi, tự khám phá thế giới đi.

Làm sao cha mẹ có thể nắm tay chúng đi chơi với chúng cả đời được cơ chứ? Tôi nghĩ thế thì có chán phèo không nhỉ? Chúng ta không cố gắng hết sức để trở thành cha mẹ gương mẫu hay cặp đôi cha mẹ hoàn hảo. Nhưng nếu để con gái hay con trai kể với bạn của chúng rằng “bố mẹ tớ thật chán phèo” thì kể ra cũng chán phèo thật.

Tôi ngoéo tay với con trai, tôi bắt chước cách nó vẫn thường hay hỏi tôi “Con có tin mẹ không?”. Thằng nhóc cà chớn đó bảo tôi cho nó xin năm phút suy nghĩ. Thật là chán phèo khi phải ngồi chờ năm phút cho con mình quyết định xem mình có thật sự đáng tin hay không?

“Con có tin mẹ không?” Tôi lại hỏi lại câu hỏi đó sau khi hết năm phút chán phèo. Khi nghe được câu trả lời “dạ tin” thì tôi vẫn bắt chước nó hỏi đi hỏi lại thêm vài chục lần nữa khiến nó bật cười thốt lên “Mẹ không có chán phèo, con mệt lắm rồi”.

Tôi đã cam kết cố gắng không “chán phèo”, có thể mùa hè này gia đình tôi không đi biển, không đi núi, và tôi đã chọn cho con một món quà cho 1.6. Ở ngay trong sân nhà mình, tôi sẽ cho thợ sắt đến làm một cái cây treo tòng teng một chiếc lưới đựng bóng.

Một bà mẹ không chán phèo… sẽ biết chơi bóng rổ cùng con mỗi ngày vừa giảm cân, vừa đỡ ngán ngẩm đau lưng khi cứ tướng sĩ tượng. Và thể nào thì nó cũng cười nhe hàm răng đáng ghét và thở hồng hộc như con ngựa non háu đá chứ không còn thở dài chán nản “mẹ thật chán phèo!”

T.H.P (TP.HCM)
 
Top