Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển (bài viết của chị Kiki)

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Những bài này của mẹ Kiki viết trên blog, VietnamNet đã xin phép đăng lại, copy cả nhà mình cùng đọc. (Nhà mình chắc rất nh` mẹ biết chị Kiki nhỉ).

Hiện đang sống cùng với gia đình ở Thụy Điển, mẹ KiKi than thở: "Thật là khốn khổ khi con người ta thì ngoan lành còn con mình thì bướng bỉnh, nghịch phá". Để uống nắn cậu con trai "cá biệt" này, mẹ KiKi đã rất kỳ công.

VietNamNet giới thiệu với độc giả "hành trình" thuần phục con trai bướng bỉnh của mẹ KiKi, trích đăng trên blog của mẹ KiKi cùng với sự cho phép của tác giả.

Hình minh hoạ. Nguồn ảnh: internet

Khi con trai vào lớp 1, mình có một tâm trạng kỳ lạ ấy là ghen tị với những ông bố bà mẹ có thể chỉ cần đưa mắt một cái là con cái họ đâu vào đấy luôn. Họ làm phép thuật gì vậy? Có cái quyền lực bí ẩn nào đằng sau một cái đưa mắt ấy? Cái gì khiến một đứa trẻ đang phá phách bỗng trở nên "thuần phục" chỉ với một cái đưa mắt? Mình thực sự thèm khát cái "quyền lực" ấy.

Đầu tiên phải kể về con mình để cả nhà hiểu "gia cảnh" nhà mình. Anh chàng nhà mình là một đứa trẻ rất ngoan nếu: con được làm cái gì con muốn vào đúng lúc con muốn; con không nói trống không và cáu gắt; con chịu để các thây cô giáo giúp con; con biết lắng nghe và vâng lời. Mình là người luôn tự cho rằng mình quan tâm đầy đủ đến con, hiểu con và làm mọi điều tốt nhất có thể cho con, kể cả nghỉ làm để chăm con.

Chồng mình là một ông bố Việt Nam điển hình: yêu thương vợ con nhưng tự xem mình như một cái máy-gặt-đập-liên-hợp với trách nhiệm lao động kiếm tiền là công tác chính. Mình nuôi con theo cách "tây", dạy con sống tự lập, tự chịu trách nhiệm về mọi quyết định của con, mọi hành vi của con. Con mình không được chiều chuộng mà cũng bị phạt, phải ngồi vào góc time-out mỗi khi hư. Mình phản đối mọi hình thức bạo lực trong gia đình nên đánh con không nằm trong hệ thống phương pháp của mình.

Mình không có gì để phàn nàn về chuyện ăn uống ngủ nghỉ của con vì từ bé con đã được rèn ăn, ngủ, chơi đúng giờ. Con tự ăn, tự chơi, tự ngủ, tự xếp dọn. Thật là quá tốt! Nhưng từ khi con đi học mình bỗng nhận ra: một đứa trẻ như con mình vẫn có thể là một học sinh "cá biệt". Con nóng nảy và không thể chờ đợi. Mỗi khi con không được làm một việc con muốn ngay lập tức vào cái lúc con muốn, theo cái cách con muốn y nhu rằng con cáu. Con giận cô, giận bạn, con quăng ra những lời khó nghe. Con hét to, thậm chí con khóc.



Ở trường, không chỉ các bạn, mọi thầy cô giáo đều đã từng là "nạn nhân" của con. Con "nắn" thử từng người xem ai là người con có thể "điều trị" được. Con la lối với hầu như mọi người. Trong mắt các thầy cô, con là một đứa trẻ khó chịu. Phần lớn bạn bè không chịu nổi lối chơi quá mạnh của con hoặc không chịu nổi sự cáu kỉnh của con mỗi khi chẳng may con thua cuộc khi chơi với bạn. Mình vẫn nhớ một buổi chiều, mình phải đến trường gặp cô giáo con vì con dựng chuyện, "tố" một thầy giáo thực tập nói bậy (con đến mách cô giáo rằng thầy A nói F*** you với con).

Thầy giáo thực tập cực kỳ tức giận và hoảng hốt vì nếu cô giáo con tin theo lời khăng khăng của con thì thầy chắc chắn lãnh một nhận xét chẳng hay ho gì khi kết thúc kỳ thực tập. Thầy thề sống thề chết với cô giáo con rằng thầy không đời nào nói thế. Con tỉnh queo nói với cô là thầy nói như thế thật và con nghe thấy rõ ràng nên chạy đi mách cô. Sự việc ngã ngũ khi cô giáo tâm sự với con và con cười toe toét, nói hồn nhiên với thầy và cô là con chỉ muốn đùa với thấy một chút thôi.

Một lần khác, cô giáo dạy thể dục viết thư về nhà và để nghị gặp bố mẹ vì con mình phá hoại giờ học. Con không thích giờ thể dục và con quyết định... không học. Con thấy mọi bài tập đều ngớ ngẩn, lố bịch. Con bắt đầu bằng việc giả vờ quên đồ tập để bị ngồi ngoài. Khi mình đảm bảo với cô là con sẽ luôn có đồ tập vào những ngày có giờ thể dục thì con mệt vào những ngày đó. Khi cô giáo và bác sĩ của trường đảm bảo là con không mệt, con có thể tập được thì con quay sang nói là phòng thay đồ của trường dơ hầy, con không muốn bước chân vào đó nên đâm ghét giờ thể dục.

Ít lâu sau, nhà trường thay công ty dọn vệ sinh. Các con có phòng thay đồ sạch láng coong thì con bắt đầu nghịch phá. Con biết những bạn phá rối sẽ phải ra ngoài ngồi, không được tham gia tập luyện cùng cả lớp. Từ cái góc ngồi phạt, con vui vẻ buông ra những lời bình luận "búa bổ" kiểu như: thật ngớ ngẩn mà đi nhảy múa tưng tưng thế kia; hay chỉ những thằng đần mới tập cùng và cầm tay bọn con gái. Những bạn ngoan cũng chẳng còn tâm trạng nào mà tập luyện nữa. Rốt cục, cô giáo phải cho cả lớp nghỉ tập, thay vào đó là hoạt động tự do (bọn trẻ tha hồ leo trèo nhảy nhót trong phòng tập).

Con gặp khó khăn trong việc nắm bắt luật lệ của các trò chơi và thường muốn xậy dựng một thứ luật lệ của riêng con. Mỗi khi thua, con chẳng ngần ngại nói rằng bạn ăn gian và khiến bạn cũng giận dữ chẳng kém gì con. Con thích cung vẩy mọi thứ con cầm trên tay. Một ngày, cái thứ con cầm trên tay là một cái dây lưng khiến con vô tình giáng cho một bạn một cú trời giáng với cái đầu khóa kim loại to đùng. Con rất ân hận và hứa là sẽ không bao giờ vung vẩy thắt lưng nữa.

Vài ngày sau lại có một bạn gái tím mặt. Mẹ được mời đến trường. Lần này, con bực mình nói rằng đấy là tại bọn con gái quá nhạy cảm, hơi một chút thì khóc chứ con có chủ ý đánh đâu. Tất cả chỉ là một tai nạn. Con đã giữ lời hứa, không quật cái dây lưng. Lần này, con quật nguyên cả cái áo khoác với cái dây kéo bằng đồng. Con học hành thông minh, chẳng mấy chốc đã kịp và vượt hầu hết các bạn trong lớp. Cô giáo cho con học vượt lên cùng các bạn lớp trên một vài môn.

Mẹ được mời đến trường vì con không thể chờ đến khi cô đặt xong câu hỏi. Thường là câu trả lời thường vuột ra khỏi miệng con trước khi cô kịp dừng lời. Tất nhiên là con chẳng kịp giơ tay và cũng không chờ được cô cho phép phát biểu. Mỗi ngày, con nói đến cái chết 20 lần: Con muốn chết để khỏi phải giơ tay xin phát biểu, con muốn chết để khỏi phải chờ đến lượt con. Con muốn chết để khỏi cần tập thể dục... Điều khó khăn nhất là con cự tuyệt mọi sự giúp đỡ của mọi người. Con không lắng nghe và hoàn toàn bất hợp tác.

Đến đây thì mọi người chắc nhất trí rằng con mình là một đứa trẻ "cá biệt" rồi. Nếu đi học ở một trường điểm nào đó, chắc con mình đã bị đuổi học vài lần. Nhưng chúng mình rất may mắn vì con được học ở một ngôi trường tốt với một cô giáo chủ nhiệm tận tâm và các thầy cô giáo phụ đầy tình yêu thương và khoan dung. Cùng với họ, chúng mình bắt tay vào con đường cải tạo anh chàng cá biệt nhà mình.

Mẹ KiKi
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Ðề: Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển (bài viết của chị Kiki)

Với nhiều bậc phụ huynh, việc chấp nhận con mình là một đứa trẻ cá biệt là khá khó khăn. Chúng mình cũng vậy.

Hình minh hoạ.Nguồn ảnh: mi9


Chặng 1: Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng (lạc quan không?!)

Con mình ngoan mà. Con là đứa trẻ nhạy cảm, giàu lòng nhân ái, hiểu chuyện và hào hiệp. Con thích các loại luật lệ và nghiêm chỉnh tuân thủ các loại luật lệ. Với mình, con chỉ hơi nóng nảy thôi.

Nhưng sau khi trao đổi với thầy cô, bác sỹ, mình thực sự hiểu là con có vấn đề của con. Khi một đứa trẻ hát váng lên khi đi qua nghĩa địa điều đó không có nghĩa là nó dũng cảm. Chẳng qua là nó quá sợ hãi.

Mình đã quên mất rằng con mình cũng có những mối lo lắng, những sợ hãi, những khó khăn và con tìm mọi cách để giải quyết, hay che đậy nó bằng mọi thứ hành vi kỳ cục. Mình đối xử với con công bằng và tôn trọng như một người lớn nhưng mình đôi khi mình quên mất con vẫn là một đứa trẻ và con cần phải được nhìn nhận như một đứa trẻ.

Mình khen ngợi và khuyến khích con làm việc tốt để con không hạn chế làm việc sai lầm nhưng vô tình mình khoác gánh nặng lên con khi con luôn phải gồng lên để làm "anh hai siêu sao". Mình và chồng phân chia chức phận: nhà in tiền và nhà giáo dục. Rốt cục, đó là sai lầm. Mình là một nhà giáo dục thất bại và nhà in phải tạm nghỉ một số chức năng kinh tế để chuyển sang làm công tác giáo dục.

Bọn mình gặp gỡ thầy cô giáo của con để tìm hiểu các vấn đề của con ở trường. Từ đó, đối chiếu với các vấn đề con biểu hiện ở nhà để tìm hiểu thực sự con có những vướng mắc gì, tại sao. Một số biểu hiện của con mà mình nghi do bệnh lý (tăng động, khó tập trung) mình đến gặp bác sỹ của con để trao đổi. Mình và cô giáo cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với con về các vấn đề của con. Từ đó, mẹ - con, thầy-trò thảo luận cách thức để giải quyết từng chuyện một.

Chấp nhận con mình "có vấn đề" và giúp con hiểu ra những khuyết điểm của con (mà không kèm theo chỉ trích, phê phán) là bước tiến đầu tiên của mẹ con mình.

Chặng 2: Làm bạn với con

Làm bạn với con, nghe thì dễ mà làm thì khó. Mình luôn biết rằng hai mẹ con mình rất gắn bó. Con có chuyện gì cũng kể mẹ nghe. Nhưng nghe thấy và lắng nghe là hai kỹ năng khác nhau. Mình thường phản ứng nhanh bằng việc đón lời, đoán nội dung câu chuyện con kể hoặc buông ra hàng loạt các phân tích, giáo huấn hay cảm thán này nọ. Con thường cáu kỉnh vì "mẹ không nghe", hoặc lảng đi vì "mẹ nói quá nhiều".

Đặc biệt khi con nói về vấn đề của con, mình thường tá hỏa tam tinh và hỏi xem sau đó con có bị trừng phạt hay thầy cô có giận con không. Rồi mình khuyên nhủ, răn đe, dặn dò con đủ kiểu. Càng ngày, con càng ít kể chuyện ở trường với mình. Câu hỏi: "Hôm nay ở trường thế nào hả con?" thường được con trả lời qua quít với một cái nhún vai: "Bình thường" - kể cả những hôm con thực sự gặp sóng gió ở trường.

Làm bạn với con thật khó khi mà bạn về nhà lúc 5h30 rồi tất tả đi đón con, rồi cơm nước, dọn dẹp rồi cho con đi ngủ sớm. Liệu bạn có thật sự lắng nghe con nói khi bạn còn đang bận gọi điện khất cô giáo của em con vì bạn sẽ đến đón em muộn ít phút. Liệu bạn có lắng nghe khi vừa bế em vừa nấu ăn trong khi con muốn nói chuyện. Liệu có sẵn sàng dẹp mấy chuyện đó qua một bên để quay sang nói chuyện nghiêm túc và lắng nghe con hay bạn sẽ nói "để sau đi con" rồi sau đó quên béng mất.

Với con mình, nhiêu đó cũng đủ để con giận và không còn muốn nói gì với mẹ nữa. Thế rồi khi bạn đang loay hoay rửa dọn thì con muốn bạn chơi cùng. Bạn có vui vẻ chơi cùng con hay quát con hãy tự chơi đi. Mình cứ ước mình có 3 đầu 6 tay để có thể hoàn thành mọi việc mà vẫn luôn luôn lắng nghe con và chơi cùng con như một người bạn.

Mình đâm ra mất ngủ và làm việc kém tập trung. Kể chuyện với sếp, sếp bảo: "Hãy đem kỹ năng mà chị xử lý công việc, tháo gỡ vướng mắc ra mà dạy con. Tôi luôn nghĩ chị là một người đàm phán rất tốt đấy". Ừ nhỉ, thế mà mình quên. Khi trao đổi với đối tác, mình đâu có khi nào vừa nghe họ nói vừa gọi điện cho người khác. Khi mình không thể nói chuyện với đối tác, mình đâu có gắt lên: "Anh không thấy tôi đang bận à".

Mình đâu có khi nào quên feedback (phản hồi) cho đối tác. Mình sẽ hẹn một cuộc hẹn để hai bên có thời gian trao đổi chứ đâu có khi nào tranh thủ vừa làm việc nọ việc kia vừa lơ đễnh hỏi chuyện đối tác đâu. Khi đối tác nêu khó khăn của họ, mình đâu có mắng vốn họ mà chỉ hỏi xem mình có thể giúp được gì để hai bên cùng có lợi. Mình đâu có khi nào lên lớp đối tác phải thế nọ thế kia mới hay mới phải khi họ không trưng cầu ý kiến của mình. Mình càng không khi nào lớn tiếng, nạt nộ hay nói dai, nói dài, nói dại. Con mình là một đối tác đặc biệt, mình càng không thể nào coi thường được.

Mình lấy lại được niềm tin với con nhờ việc tắt điện thoại mỗi khi mẹ và con "làm việc". Nếu mình đang bận, mình hẹn rõ ràng với con khi nào mình sẽ nói chuyện lại với con và đảm bảo không quên. Mình lắng nghe mọi vui buồn của con mà không kèm theo một chỉ trích, phân tích nào. Đôi khi, con chỉ cần một người lắng nghe con còn mình thì cần suy nghĩ rất nhiều trước khi buông ra một lời chỉ trích.

Mình khuyến khích con đưa ra các giải pháp của con rồi thảo luận so sánh giữa các giải pháp của cả hai mẹ con để chọn những cách nào con thấy ổn hơn cả. Khi con đã tin tưởng mẹ trở lại, con dễ dàng kể chuyện của con. Con hỏi ý kiến mình khi con gặp khó khăn và mình có nhiều cơ hội để tâm sự, khuyên nhủ con vào nhiều lúc khác nhau. Ông xã mình trở thành "bạn game" với con để định hướng trò chơi và kiểm soát thời gian chơi của con. "Cánh đàn ông" còn có nhiều việc khác để làm cùng nhau nữa.

Một ngày tháng 3, con mang một quả táo từ trường về. Quả táo này con được thưởng nhờ phụ việc một buổi trưa trong bếp ăn nhà trường. Con để phần cho mẹ vì mẹ là bạn tốt nhất của con. Đấy là quả táo ngon nhất từ trước đến giờ mà mình từng được ăn.


Mẹ KiKi
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Uốn nắn con theo chiến thuật nhà binh

Uốn nắn con theo chiến thuật nhà binh

Quả thật, trong chuyện uốn nắn một anh chàng bướng bỉnh, quậy phá thì những lời của Bác Hồ quả là đúng đắn quá.




Chặng 3: Nắm thắt lưng địch mà đánh

Spacial skill là một kỹ năng hết sức quan trọng đối với mình. Việc gì quan trọng việc gì không, việc gì gấp việc gì có thể tà tà, việc gì mất nhiều thì giờ việc gì nhanh gọn, mình cứ phân nhóm, đặt ưu tiên để giải quyết được cùng lúc nhiều việc. Và việc chăm con mình đặt lên ưu tiên số 1, do nó quan trọng, phức tạp, tuy gấp nhưng lại phải thực hiện lâu dài.

Nhiều người nói rằng họ quá bận nên bỏ qua cuộc gặp mặt của các phụ huynh. Mình thì hoãn một cuộc họp để tham gia bữa picnic với lớp con. Bọn mình thu xếp để cả hai bố mẹ cùng tham gia mọi hoạt động ở trường con. Chỉ trừ khi một người quá bận thì người kia mới đi một mình và không khi nào bọn mình bỏ lỡ các cuộc họp, cuộc gặp mặt, hoạt động ở trường của con. Bọn mình đến sớm gặp cô giáo của con ở trường để trao đổi vài phút mỗi ngày. Những chuyện con ở nhà cô cần biết, những chuyện con ở trường mình cần hay.

Mình trò chuyện với bạn bè con và bố mẹ của chúng. Mình đón bạn con về nhà chơi và cho con đến chơi nhà bạn khi bố mẹ bạn đồng ý. Bọn mình không chỉ gặp giáo viên chủ nhiệm mà gặp cả các thầy cô bộ môn. Mình viết thư và hỏi thăm tình hình của con.

Mình khuyến khích con viết thư cho thầy cô giáo của con. Thư từ trường gửi về thường là những lời khen con có nhiều tiến bộ (nghĩa là trước đó con dở ẹc nay có khá lên). Mình kể cho con nghe việc thầy cô khen con đã rất cố gắng để ngoan lên. Điều này giúp con rất phấn chấn và muốn làm tốt hơn nữa. Mình thường nói với con rằng mình muốn biết mọi chuyện về con vì điều đó rất thú vị hơn nữa là để mình có thể giúp con ngay nếu có chuyện gì không hay xảy đến với con.

Nhờ đặt việc chăm con lên ưu tiên số 1, bọn mình luôn sắp xếp được thời gian để chơi cùng con, dạy con học, trò chuyện cùng con. Nghĩ cho cùng, mỗi ngày mình chỉ gặp con 3-4h. Buổi sáng 1h từ lúc con tỉnh giấc đến khi con đến trường. Buổi chiều 3h từ khi mình đón con đến khi con đi ngủ. Sau 8h tối, khi con đã ngủ thì mình tha hồ muốn làm gì thì làm. Không lẽ 8h ở công sở cộng với 4-6h buổi tối không đủ để mình làm việc sao?

Giữa việc rửa bát và việc đọc sách cho con, tất nhiên đám bát đũa bẩn sẽ phải nằm chờ chứ mình không để con mình phải đợi mẹ. Bọn mình cùng con đi bơi, đi chơi hockey. Cả nhà cùng chuẩn bị cho các bữa picnic hay du lịch. Nội khóa ngoại khóa, lúc con ở trường khi con ở nhà... lúc nào con cũng yên tâm có bố mẹ ở bên con. Mỗi khi con cần con luôn biết con có thể tìm thấy bố mẹ.

Nhờ luôn theo sát con, mình đã hiểu con hơn, uốn nắn kịp thời những lỗi của con (trước cả khi tội lỗi xảy ra) nên con đã tiến bộ hẳn lên. Sau 2 tháng, đến các bạn trong lớp con cũng nhận ra là con đã tiến bộ rất nhiều. Con vui vẻ và bớt cáu bẳn. Sinh nhật con vào tháng 4, hầu như cả lớp con đến dự tiệc bơi của con, kể cả vài bạn chưa biết bơi.

Chặng 4: Kiên trì vô hạn, tấn công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể

Quả thật, trong chuyện uốn nắn một anh chàng bướng bỉnh, quậy phá thì những lời trên của Bác Hồ quả là đúng đắn quá (mình chỉ thay chữ "trung thành" bằng chữ "kiên trì" thôi).

Trong nhiều bài viết, mình luôn nói về sự kiên nhẫn trong dạy dỗ con cái. Với những bạn cá biệt thì bố mẹ cần kiên nhẫn gấp nhiều lần. Sẽ không có đứa trẻ nào bướng bỉnh nếu bố mẹ chúng có đủ kiên nhẫn để chỉ bảo chúng. Mình không tin là trẻ con có thể ngoan ngay lập tức, nghe lời và hiểu chuyện tức thì.

Ngoan cũng là một quá trình con nhận thức, hiểu biết sự việc, biết phân biệt đúng và sai và đủ bản lĩnh để lựa chọn làm theo cái đúng. Có thể con bướng vì con chưa hiểu ra vẫn đề. Ngay cả khi hiểu rồi con vẫn chưa biết phải xử sự thế nào cho đúng. Ngay cả khi biết cái gì là đúng, con vẫn chưa sẵn sàng tâm thế để thực hiện theo, càng chưa tạo thành thói quen làm theo điều đúng ngay từ đầu.

Nhiều người bảo mình là "vitamin roi" có thể làm trẻ hiểu nhanh hơn, biết rõ đúng sai và vào nếp ngoan nhanh hơn. Vậy ra, lâu lâu hết "vitamin roi" ta lại phải bổ sung sao??

Nhiều người bảo mình là "vitamin roi" có thể làm trẻ hiểu nhanh hơn, biết rõ đúng sai và vào nếp ngoan nhanh hơn. Vậy ra, lâu lâu hết "vitamin roi" ta lại phải bổ sung sao?? Mình thì tin là "kiên trì là mẹ của thành công". Hôm nay con chưa hiểu, chưa thay đổi thì mai mốt con sẽ hiểu, sẽ thay đổi, miễn là mình dành cho con đủ thời gian.

Nói như vậy không có nghĩa là con có thể hư bao lâu con muốn. Bọn mình khoanh vùng, tập trung sửa từng lỗi cụ thể cho con và dứt khoát không bỏ cuộc. Khi con suy nghĩ rất tiêu cực, hay nghĩ đến cái chết, hay nghĩ rằng mọi chuyện sẽ sai sẽ hỏng, bọn mình trao đổi, giúp con giải quyết dứt điểm chuyện này trước khi chuyển qua tội lỗi kế tiếp. Con có quota cho từ "chết". Mỗi ngày, sau khi con đã xài hết quota thì con không được nói đến điều đó nữa.

Ngày nào con không nói đến cái chết một cách lãng xẹt con sẽ được khen. Sau một thời gian tập suy nghĩ tích cực, con thật sự thấy vui vẻ và thoải mái. Trong một bài viết về những điều con có thể làm được, con viết rằng " Tôi có thể suy nghĩ tích cực (bên cạnh việc con có thể đi xe đạp, bơi, nấu cơm...) và đang luyện tập để không còn suy nghĩ tiêu cực nữa".

Bài viết đó của con được cô tặng hẳn 2 stickers. Bọn mình thì tất nhiên là rất đỗi vui mừng vì trong 6 tháng đó, thật tình nhiều khi mình cũng muốn chết quách để khỏi phải nghe con nói những lời đầy yếm thế.

Đoàn kết hiệp đồng là kinh nghiệm quý báu đối với mình và cả thầy cô giáo con. Nhờ việc trao đổi thường xuyên nên giữa mình và thầy cô giáo của con luôn nhất quán trong đường hướng uốn nắn anh chàng cá biệt. Cũng có những lúc một trong hai bên mệt mỏi, bên kia lại động viên và giúp đỡ thêm.

Con mình hiểu rõ là cô và mẹ luôn có liên hệ mật thiết (họ viết thư, gọi điện, kết bạn trên facebook) và luôn đồng thuận, ủng hộ quyết định của nhau nên con vững tâm hơn trong quá trình "cải tạo" của mình. Nhiều chuyện cô không tiện góp ý với con thì mẹ lên tiếng. Có những tội lỗi của con ở nhà mà "tự nhiên cô biết" để nhắc nhở khiến con càng tín nhiệm cô hơn.

Từ cô chủ nhiệm lớp 1, đến cô giáo dạy lớp 2 (nơi con học một số môn), đến các thầy cô dạy thể dục, dạy nhạc, sinh hoạt ngoại khóa cùng với bố mẹ đều hiểu về vấn đề của con và thống nhất cách thức giáo dục con. Mình nghĩ điều này đã giúp con loại bớt được nhiều âu lo, phân vân và dễ dàng hơn khi chấp nhận để người khác giúp đỡ con, chấp nhận thay đổi bản thân con vì "tất cả đều nói thế".

Sự tiến bộ của con khiến cả bố mẹ cả cô giáo đều rất đỗi vui mừng. Nhưng người vui nhất có lẽ là con. Trong buổi họp phụ huynh, con nói rằng "con vui vì thật dễ chịu khi người ta trở nên ngoan hơn". Con thấy mình vẫn còn những khuyết điểm (nói to, nói leo, đôi khi cáu bẳn...) nhưng con biết con phải làm gì vì tự con chủ động trao đổi cách thức giải quyết với cô và bố mẹ.

Thật sự thành công bước đầu này thuộc về tất cả mọi người. Cả bọn mình và cô giáo và đặc biệt là con đều tự hào vì đã kết thúc năm học đầu tiên với những tiến bộ vượt bậc của con.

(Mẹ KiKi)
 
2,204
1
0

Nikki

New Member
Ðề: Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển (bài viết của chị Kiki)

Đọc xong em thấy hâm mộ mẹ KiKi thật, không biết có học tập được 1/10 ko :p
 
4,154
2
38

Mít và Nem

Active Member
Ðề: Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển (bài viết của chị Kiki)

Đọc xong em thấy hâm mộ mẹ KiKi thật, không biết có học tập được 1/10 ko :p
Spam chút, Nikki Chan ko vào nổi YM thì sang FB nói chuyện với chị để tổng kết mấy thứ đi em gái.
 
631
0
0

Aslan

New Member
Ðề: Mẹ Việt "trị" con cá biệt kiểu Thụy Điển (bài viết của chị Kiki)

Mấy hôm nay chị cứ bần thần OMM à, tại mới đổi sang vị trí khác bắt đầu từ con số O, đc cái ít áp lực hơn và có thêm time cho Simba, đọc bài này xong thấy nhẹ nhàng cực, cảm ơn em nhiều muah muah!!
 
Top