Một thuở yêu: Nếu còn cơ hội, anh sẽ viết tiếp thư tình...

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Một thuở yêu:
Nếu còn cơ hội, anh sẽ viết tiếp thư tình...

TT - Giữa thời chiến, họ gửi cho nhau hơn 1.000 bức thư tình. Đến khi vợ mất, người chồng vẫn giữ nguyên vị trí tất cả vật dụng trong phòng riêng. Một nửa gian phòng mãi mãi thuộc về bà...


Ông Quốc Bảo và bà Hảo ngày xưa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mang 80 triệu đồng đến tặng chương trình Ước mơ của Thúy, người chồng - giảng viên cao cấp Nguyễn Quốc Bảo, như nhiều người có lòng khác. Chỉ khi hỏi mới biết đây là số tiền ông dự định tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Không ngờ chuyện vui thành chuyện buồn. Vậy là ông góp cùng số tiền chia buồn của người thân quen làm quà tặng những em bé mắc bệnh hiểm nghèo. Những lời tâm sự đó dần đưa chúng tôi chạm vào câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của ông bà. Ánh mắt ông lúc rạng ngời, lúc tối sẫm và ầng ậc nước khi nhắc đến bà.

Lá thư tình đầu tiên

“Hoa lêkima màu gì vậy anh?”, Đặng Thị Hảo bất ngờ hỏi khi nghe bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu trong đêm văn nghệ của đại hội Đoàn thanh niên lao động các trường đại học lần 1. Quốc Bảo ngớ người bởi anh chưa từng biết loài hoa ấy có màu gì. Họ quen nhau sau câu hỏi đơn giản đó. Trong bức thư đầu tiên gửi cô, anh nắn nót viết: “Trái tim của anh đã rung động với những tình cảm tha thiết, và ngày nay một phần trái tim anh không còn là của anh nữa...”. Lá thư được viết vào đêm trước ngày sinh nhật của Hảo.

Những cánh thư được trao đi và nhận lại. Gói trong đó là tình yêu và lý tưởng cách mạng của hai trí thức trẻ thời chiến. Đám cưới diễn ra sau đó. Đơn giản, ấm cúng và ngọt ngào.

Xa

Cuối năm 1964, Quốc Bảo là cán bộ giảng dạy khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh học tiếng Nga để chuẩn bị đi Liên Xô với tư cách nghiên cứu sinh. Nhưng trước lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, anh gác lại tất cả, lên đường vào Nam. Anh đi, chị và đứa con nhỏ ở lại với lời hứa của anh: “Hai năm sau anh về, mình sẽ cùng đi học tiếp”.

Những ngày xa cách, anh và chị tranh thủ mỗi lúc rảnh là viết thư cho nhau. Đó là những bức thư dài mang nỗi thương nhớ mênh mông: “Anh rất mừng nhìn thấy ảnh con và em khỏe đẹp. Tháng 9 rồi chắc em đã vào năm học mới. Cô giáo vào đầu năm chắc bận rộn lắm. Lâu quá rồi anh thèm được đứng trên bục giảng bài như em...”. Đôi khi chỉ là những dòng chữ vội vàng trên đường hành quân, chỉ kịp thông tin về tình hình của anh. Thư đi, thư về miệt mài hai năm mà anh vẫn biền biệt. Đứa con trai nhỏ bị hẹp van tim khiến chị đôn đáo chạy thuốc, chạy tiền. Có lúc yếu lòng chị tưởng rằng cuộc đời đã xô nghiêng như thể chị đã mất chồng, mất con.

Cuối tháng 8-1972, anh được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cử ra miền Bắc báo cáo tình hình. Nhờ vậy vợ chồng mới có cơ hội gặp lại nhau. Tháng 4-1974, một lần nữa anh trở lại miền Nam công tác.

Không có thư tình cuối

Hòa bình, anh trở về làm thầy giáo. Những đứa con lớn dần, khỏe mạnh và thành đạt. Cuộc sống gia đình bước dần sang giai đoạn đủ đầy. Anh và chị nay đã là ông, là bà của mấy đứa cháu nhỏ. Kỷ niệm ngày cưới, ông vẫn mải mê viết tặng bà bài thơ hay một lá thư tay. Căn nhà nhỏ ấm cúng chưa một lần vang lên tiếng cãi vã dù tính cách hai người trái ngược - nhanh và chậm. Đợi bà để cùng đi đâu, ông phải đợi lâu hơn dự kiến. Thế nhưng ông hài hước bảo: “Đến khi nào anh còn bực vì đợi Hảo thì anh còn là trẻ con”. Dù có giận hờn nhưng chưa lần nào ông bà giận nhau được quá năm phút. Con trai thứ hai của ông khẳng định: nhất định chỉ cưới người phụ nữ giống mẹ để sống không “ồn ào” như cha mẹ.

Bà bị ung thư. Nghe phán quyết đó của bác sĩ, ông chết sững. Bà trấn an: “Còn nước còn tát. Mình sẽ chạy chữa, anh ạ”. Ông bà tìm hết những bác sĩ giỏi, có lương tâm. Và từ đó ông cũng bắt đầu đếm từng ngày từng khắc còn có bà. Nạo bỏ những phần ung thư, bà dũng cảm chấp nhận các phương pháp điều trị từ bác sĩ. Những lần vào thuốc, bà nôn thốc nôn tháo đến lả người. Ông càng thương bà vô hạn. Khi bà khỏe, ông đưa bà đi du lịch khắp nơi. Rồi bà mất. Dù đã dự tính trước tình hình, ông vẫn cảm thấy như chỉ còn một nửa linh hồn.

Thói quen ra ngoài tập thể dục mỗi sáng ngừng lại. Ông hay ngồi lặng yên hàng giờ trước bàn thờ bà. Mọi vật dụng của bà trong phòng ngủ vẫn được giữ nguyên vị trí. Hộp trang điểm, nước hoa, trang sức, những kỷ vật tình yêu nho nhỏ... Ông mang thêm vào phòng vài tấm hình, mỉm cười và nói: “Bà ấy là em gái của người đẹp nhất nhì Hà Nội”. Người xung quanh khóc thương khi biết bà đã mất. Còn ông, trong nỗi đau thăm thẳm vẫn le lói hi vọng, tin rằng bà vẫn luôn ở bên cạnh mình. Bằng chứng là nửa gian phòng nhỏ đó vẫn là của bà. Mãi mãi...

HÀ THANH - XUÂN DỊU

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh...-thu-tinh.html
 
Top