Nấc nghẹn những lời ru thay mẹ

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Nấc nghẹn những lời ru thay mẹ


(GD&TĐ) - Nằm sát quốc lộ 48, cách thị trấn Kim Sơn (Quế Phong, Nghệ An) chừng 5km, bản Tạng (xã Tiền Phong) trông tiêu điều, xơ xác. Dưới chân đồi Pu Léo, hiếm hoi lắm mới có một vài ngôi nhà lợp gỗ pơ-mu cũ mốc theo thời gian, còn lại hầu hết là những căn nhà (nói đúng ra là lều) bằng tre nứa hết sức tạm bợ. Nơi đây từng là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Cơn lốc “thần chết” tràn qua bản, đàn ông thì nghiện, đàn bà vì túng quẫn nhận xách thuê thuốc phiện, ma túy nên kẻ bị bắt, kẻ đi tù, bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa và buộc chúng phải tự làm người lớn. Bản “mồ côi”


Em Lô Văn Thiện, học sinh lớp 5, Trường TH Tiền Phong 2
“Chỉ riêng lớp 5B tôi chủ nhiệm thôi mà đã có 5 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em hoặc mồ côi bố mẹ, hoặc bố mẹ đi tù, hoặc bố mẹ ly hôn… để con cái bơ vơ, chúng tự đùm bọc nhau, dìu nhau sống qua ngày”, cô Trương Thị Tâm (giáo viên Trường Tiểu học Tiền Phong 2) cho biết. Theo chân cô giáo Tâm, chúng tôi tìm đến nhà em Đinh Thị Phượng (bản Tạng) vào lúc xế chiều. Túp lều dựng tạm bằng mấy tấm phên nứa đã mục ải, mái tranh thủng lỗ chỗ, nắng chiều xiên theo vách vào tận góc nhà như soi rõ hơn sự thiếu thốn, túng quẫn. Căn lều 10m2 trống huơ trống hoác, một chiếc nồi nhôm móp méo, mấy chiếc bát sứt mẻ và chiếc kiềng sắt kê cuối góc lều, đó là tất cả tài sản của 3 chị em Phượng. Sinh năm 1999 nhưng trông Phượng chỉ như đứa trẻ lên 10, đen đúa và gầy quắt. Sớm lo toan, phải cáng đáng một gánh nặng quá sức khiến em quắt khô. Mẹ em là Lô Thị Thu (sinh năm 1977), vì nghèo túng nên đã nhận xách ma túy thuê, bị bắt và bị kết án 44 tháng tù. Bố em bị bọn xấu lôi kéo, lâm vào nghiện ngập nên đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn. Để có thuốc hút hàng ngày, ông làm liều nhận bán lẻ ma túy. Sau đó ít lâu thì ông bị bắt. Hai vợ chồng đều vào tù. Lúc đó Phượng mới 10 tuổi, em kề Phượng 7 tuổi và đứa út mới lên 3 tuổi. Một năm sau, bố em chết trong tù vì bạo bệnh, mẹ em vẫn đang chấp hành án. Ba chị em Phượng về ở với ông ngoại. Nhà ngoại cũng tận cùng cái nghèo, các dì, các cậu của Phượng cũng kẻ đi tù, người phiêu bạt xa xứ và người chết vì ma túy. Để nuôi 3 chị em Phượng, ông ngoại phải vào rừng hái măng, chặt nứa đổi lấy gạo. Sức già yếu ớt, lại thiếu ăn nên giữa mùa đông buốt giá năm 2011, trong lúc chặt nứa trên rừng, ông ngoại Phượng đã chết lả vì đói, vì rét phải hai ngày sau, người trong bản đi rừng mới phát hiện ra. Ngoại mất, không một người thân thích, ba chị em Phượng bơ vơ, mẹ em vẫn ở trong tù. Chẳng thể tin nổi, một đứa trẻ 13 tuổi như Phượng ngày lên rừng hái măng kiếm củi, tối đi bộ 5 cây số lên thị trấn Kim Sơn nhặt phế liệu để đổi gạo, đổi mắm muối nuôi sống hai em thơ dại. Phượng làm được hết thảy mọi việc: Nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc hai em. Khổ nhất là những hôm trời mưa gió, nước chảy lênh láng vào nhà. Gió thổi bạt cả mái tranh, lùa vào phên nứa, không còn chỗ nào khô ráo để trú, đành chặt mấy lá cọ, mỗi đứa một lá đội đầu cho đỡ ướt. Có đận, thằng Đạt (cậu em út) bị chốc lở toàn thân, nóng hầm hập, một mình Phượng vào rừng hái lá tắm cho em, xin gạo, bắt ễnh ương nấu cháo để em bồi dưỡng. Tiếng ru em đứt quãng trong đêm vắng vào những hôm mưa phùn gió bấc của đứa trẻ 13 tuổi khiến dân bản Tạng xót xa, thương cảm, nhưng họ cũng nghèo, cũng khổ nên chẳng thể cưu mang. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng hai em của Phượng, với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Tiền Phong 2 vẫn được đến trường đều đặn. Hiện nay, em Đinh Thị Thủy đang theo học lớp 5, Đinh Minh Đạt đang học lớp 2. “Nhiều bữa trời mưa, nhìn qua vách liếp, dưới tán cọ, thấy gà mẹ xòe cánh che chở cho đàn gà con, lúc đó, con chỉ mong mẹ nhanh mãn hạn tù, trở về với chị em con. Có mẹ ở bên sẽ yên tâm hơn rất nhiều”, Phượng nói, mắt ầng ậc nước. Sống dựa vào nhau
Cảnh nhà em Đinh Thị Thủy (lớp 5) và Đinh Minh Đạt (lớp 2) Trường TH Tiền Phong 2.
Mỗi khi nghe tiếng bước chân thình thịch, tiếng kéo thanh tre chắn ngang lối vào nhà xềnh xệch thô bạo của bố là Lô Văn Thiện (ở bản Tạng, học lớp 5B, Trường Tiểu học Tiền Phong 2) lại phấp phỏng lo sợ. Trong cơn say rượu, trong cơn phê thuốc, nửa đêm Thiện phải thức giấc, mở cửa cho bố, dìu bố vào nhà, lấy nước ấm lau mặt mũi, chân tay cho bố thì điều đó vẫn còn là niềm hạnh phúc với em. Đáng sợ là những hôm không kiếm được tiền để mua thuốc hút, mua rượu để uống thì cái mà hai anh em Thiện nhận được từ ông bố là sự la ó, đập phá đồ đạc trong nhà… và những cái bạt tai vô cớ. Bố em nghiện ma túy nặng, bao của nả trong nhà cũng theo khói thuốc phiện đội nón ra đi. Quá chán nản với cảnh chồng nghiện ngập, đời sống nheo nhóc nên mẹ của Thiện đã bỏ nhà đi biệt xứ. Hai anh em Thiện (12 tuổi) và Thảo (10 tuổi) sống dựa vào nhau. “Hàng ngày, hai anh em đi học ở trường, bữa sáng và bữa trưa được các cô lo. Buổi tối thì tự túc. Gạo đi đổi được từ việc nhặt phế liệu, gạo hỗ trợ cứu đói, hôm nào hết sạch thì đi vay, đi xin…”, Thiện cho biết. Bước sang tuổi 12 nhưng bất đắc dĩ, Thiện phải mang cả trọng trách của người cha, người mẹ lo cho em. Ngày hai buổi đi học, ngày nghỉ đi nhặt phế liệu hoặc rèo trâu (chăn trâu) thuê cho các gia đình khác để lấy tiền mua gạo; về nhà thì làm đủ thứ việc: Cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp và bảo ban em học hành. Thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần, không bàn tay chăm sóc, không hơi ấm tình yêu thương từ bố mẹ nhưng cả hai anh em Thiện đều là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Tiền Phong. “Con chỉ mong bố cai được thuốc, mong mẹ nghĩ lại, về với chúng con để gia đình được đoàn tụ. Năm học mới, con không mong được bố mẹ mua sắm sách vở, áo quần mới, chỉ ước được bố hoặc mẹ đi họp phụ huynh cho con thôi, Thiện nói trong nước mắt. Khi chúng tôi bỏ vào tay em tờ bạc 100.000 đồng, em cảm ơn và chạy ra nhét vội vào đọt chuối sau vườn. Thấy chúng tôi thắc mắc, em bảo: “Để trong nhà, chỗ nào bố cũng biết. Khi đói thuốc, bố lục tung cả lên, có khi còn mang cả gạo trợ cấp của hai anh em con đi đổi thuốc nữa. Bình thường, bố cũng thương hai anh em con lắm; nhưng lại ít khi bố bình thường”. Căn nhà hoang vắng
Cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga, cô giáo Trương Thị Tâm thăm nhà em Lô Văn Hải (lớp 5) và Lô Văn Đông (lớp 3), Trường TH Tiền Phong 2
Rời nhà em Thiện, chúng tôi tìm đến nhà hai anh em sinh đôi Lô Văn Đông và Lô Văn Hải. Gọi là nhà nhưng chỉ có thể ở tạm vào mùa nắng mà không có chức năng che mưa. Căn nhà tạm mặt úp vào dãy núi Pu Léo đã lâu không có bàn tay người lớn chăm sóc nên hoang vắng đến lạ kỳ. Cỏ mọc lấn lối đi, bếp lạnh tanh, chiếc giường nan ọp ẹp như sắp ngã quỵ. Bố các em dính ma túy nên đi tù mấy năm nay, mẹ sau khi chấp hành án phạt cũng đã bỏ đi làm ăn tận đẩu tận đâu, đã lâu không thấy tin tức gì. Bốn chị em Lô Thị Lương, Lô Thị Thuận, Lô Văn Đông, Lô Văn Hải lúc đó còn nhỏ nên được mấy gia đình thân cận chia nhau đem về cưu mang. Được hơn một năm thì các gia đình không đủ sức nuôi nên các em phải tự thân vận động. Lô Thị Lương, Lô Thị Thuận lớn hơn, đành nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi hai em. Lương giúp việc mãi tận Quảng Ninh, còn Thuận xuống Quỳ Châu giữ em thuê lấy tiền gửi về cho hai em ở nhà đong gạo. Thức ăn thì hai anh em Đông, Hải tự kiếm lấy. Rau rừng, cà dại, măng đắng, dưa rẫy… đắp đổi qua ngày. Thỉnh thoảng, hai anh em xuống suối bắt ễnh ương, nhái về hấp cơm ăn cho đỡ cơn thèm thịt, thèm thức ăn tươi. Trong căn nhà xiêu vẹo, trên vách liếp vẫn dành một góc treo bức ảnh cả nhà chụp chung hồi bố mẹ các em chưa đi tù. Thận trọng gỡ bức ảnh xuống, lấy vạt áo lau lớp bụi phủ mờ, Lô Văn Đông giới thiệu với chúng tôi: “Đây là bố con, còn đây là mẹ, đây là chị Lương, đứng bên này là chị Thuận, còn đây là hai anh em con. Ngày đó, nhà con cũng nghèo, cũng thiếu ăn nhưng có bố, có mẹ, có các chị. Đông vui và ấm cúng. Giờ còn lại hai anh em con, tự bảo ban, chăm sóc nhau. Nhiều khi, em không nghe lời con, không chăm học, cãi lại, đi chơi về muộn… con tức đến phát khóc. Chỉ ước giá như lúc đó có mẹ, có bố đét vào mông cho nó chừa. Có bữa hai anh em buồn chán không muốn về nhà vội, rủ thêm bạn đi lang thang tối mịt mới về nhà. Hôm sau nghe bạn kể, nó về nhà bị bố đánh mà cũng chỉ ước được như nó thôi”, giọng Đông chùng xuống, ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào và chúng tôi cũng không kìm nổi nước mắt. Ước mơ giản dị mà xa vời… Rời bản Tạng lúc trời xâm xẩm tối. Đi dọc triền đồi, dưới những mái nhà đã thấy khói chiều bay lên, chim rừng đã tìm về tổ, cảnh tượng lúc này khiến ai cũng ước được nhanh chân về nhà, quây quần cùng gia đình bên bữa cơm tối ấm cúng. Và tôi chợt nghĩ, chắc hẳn, các em như Phượng, Thủy, Đạt, Thiện, Thảo, Đông, Hải cũng vừa nhóm lửa nấu cơm, vừa ước ao được ăn bữa cơm gia đình đầm ấm, có đủ các thành viên. Điều đó thật giản dị, nhỏ nhoi thôi nhưng đối với các em thì đó là cả một mơ ước, mà đôi khi đó lại là mơ ước quá xa xỉ. Đã bao giờ các ông bố, bà mẹ khi dấn thân vào con đường ma túy dừng lại, dù chỉ là một phút giây để nghĩ về những đứa trẻ bơ vơ này?
Minh Thanh
 
Top