Nấc thang tuổi lên 7

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Khi lên bảy, bé chấm dứt thời kỳ được ôm ấp trong vòng tay cha mẹ để trở thành học trò tiểu học. Bao mới mẻ mở ra và bao điều lạ sắp đến.

Khi lên bảy, bé chấm dứt thời kỳ được ôm ấp trong vòng tay cha mẹ để trở thành học trò tiểu học. Bao mới mẻ mở ra. Ba mẹ phải làm sao để vừa “buông” mà vừa “giữ”, để bé không choáng trong bước chuyển quan trọng này?

Chuyện thường ngày của Nhí


“Mẹ ơi, con biết rồi. Đúng là con không nên nuôi chó, nhưng một con chuột lang thì rất đơn giản. Nhân tiện, làm quà sinh nhật cho con luôn. Chuyện mẹ sợ chuột thì không hề gì – con sẽ tự tay chăm sóc nó mà. Mẹ ghê cái đuôi cụt của nó thì mẹ đừng thèm nhìn nó là được”…

Trước kia, mẹ luôn dễ dàng đưa ra những lý do đầy thuyết phục để không phải mua chó, sắm mèo hay tậu ngựa cho Nhí. Nhưng lần này, lý lẽ của cô con gái bảy tuổi khiến mẹ bất ngờ. Rõ ràng Nhí không còn “nhí” nữa và mẹ sẽ phải chuẩn bị tinh thần để thường xuyên nghe “phản biện” đây.



Khi lên bảy, bé chấm dứt thời kỳ được ôm ấp trong vòng tay cha mẹ để trở thành học trò tiểu học. (Ảnh minh họa).


- Mẹ, nếu thổ phỉ xông vào mẹ thì mẹ làm thế nào?

- Ồ, thổ phỉ chỉ có trong truyện cổ tích thôi con gái à.

- Không chỉ có trong truyện cổ đâu mẹ. Trên chương trình Vì An Ninh Tổ Quốc tối qua, chúng đã trèo vào nhà người ta qua cửa sổ đấy!

Thế đấy, từ nay mẹ đừng có mơ dùng cổ tích mà “trấn an” con gái nữa nhé, Nhí bây giờ cũng “hiểu đời” lắm rồi mẹ ơi!

Mẹ mở cửa ngó vào phòng Nhí. Đang lui cui chơi đồ hàng, Nhí ngẩng lên vẻ ngạc nhiên và khó chịu: “Sao mẹ lại nhìn trộm?” Mẹ tẽn tò khép cửa phòng lại, sực nhớ đến những bài học vỡ lòng về phép lịch sự mà chính mẹ đã dạy cho Nhí, rằng những người có giáo dục phải gõ cửa trước khi mở cửa phòng người khác…

Khán thính giả từ trong nhà ra ngoài ngõ đến bạn bè của bố mẹ chưa bao giờ khiến “nữ nghệ sĩ” Nhí bối rối. Thế mà bây giờ, hễ thấy mẹ ngó nghiêng mỗi khi Nhí vẽ hay chơi đàn là Nhí càu nhàu: “Mẹ, mẹ đừng… làm phiền con mà!” Bảy tuổi người ta bắt đầu có một thế giới riêng và người ta muốn mọi người hãy tôn trọng thế giới đó.

Bây giờ Nhí còn giữ bí mật với cả mẹ nữa đấy. “Lúc nãy con túm tụm làm gì với các bạn ở dưới sân thế?” “Chuyện quan trọng mẹ ạ. Có những chuyện của chúng con mà người lớn không được biết đâu.” Hóa ra đó là tờ quảng cáo về kẹo mút với dòng chữ: “Kiss - không dành cho người lớn!” Nghe con gái nói, mẹ hơi chạnh lòng vì có cảm giác mình bỗng biến thành… bà cụ cổ lỗ rồi nên chẳng được con gái chia sẻ nữa. Đúng ra, mẹ nên vui mới phải - con gái nhỏ của mẹ bắt đầu có chính kiến, có quan niệm độc lập.

Từ dưới sân chạy lên, Nhí vừa nói vừa khóc: “Con ứ xuống đó chơi nữa. Chẳng có để chơi cả! Kít chỉ chơi với Ly, Tuấn thì toàn chế con, còn chơi với Nấm thì chán phèo. Hu hu hu…” Lần đầu tiên, mẹ bỗng thấy mình bất lực, chẳng biết làm gì giúp đứa con gái đang thổn thức… May sao, nước mắt con trẻ như mưa rào... Trong khi mẹ còn đang bận search Google để tìm lời khuyên của chuyên gia thì Nhí đã cùng với lũ bạn tíu tít chơi đùa như chưa hề có… cuộc chia ly.

“Mẹ! Nhưng mẹ đừng mắng con… Con làm gãy cái kẹp tóc của cô Vân rồi...” “Thôi được rồi, mẹ con mình sang xin lỗi rồi mua đền cô ấy cái kẹp mới.” Nhưng khi mẹ kéo Nhí sang nhà cô hàng xóm, Nhí cứ giằng co hoài. Chẳng lẽ Nhí lại sợ cô Vân đến thế? Cô ấy vốn hiền lành và quý Nhí lắm mà. Sang đến nhà cô rồi, trong khi mẹ thay Nhí nói lời xin lỗi thì Nhí cứ liếc đứa con gái cô Vân (trạc tuổi Nhí) bằng đôi mắt rất khổ sở. Mẹ hiểu rồi, đó là lý do tại sao Nhí không muốn sang! Nhí không sợ cô Vân bằng sợ “người làm chứng” này. Rồi ngày mai, cả lũ nhóc trong khu tập thể sẽ biết “tội” của Nhí… Thế là có thêm một điều mẹ cần nhớ: không bao giờ để Nhí phải “muối mặt” với bạn bè như thế nữa.

Dù đã độc lập hơn, Nhí vẫn hồn nhiên lắm. Nhí vẫn thích được ngồi trong lòng mẹ nghe kể chuyện, ghì chặt lấy mẹ mà bảo: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm!” Đôi khi Nhí còn ngồi lên chân bố và nài: “Bố! Cho con đi ‘tàu bay’ đi, một chút thôi!” Tại sao không nhỉ? Thực ra, bảy tuổi đâu có nhiều nhặn gì cho lắm!

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Để lớn lên, bé nhà bạn sẽ trải qua những giai đoạn mà các chuyên gia tâm lý gọi là khủng hoảng - khủng hoảng tuổi lên một, lên hai, lên bảy… Các giai đoạn này như những nấc thang, dẫn dắt con từ một đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc đến một người trưởng thành.

Theo các chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Phương pháp giảng dạy Trung học, bộ giáo dục Ucraina, thì khủng hoảng tuổi lên bảy là một nấc thang đầy cam go nhưng thú vị. Từ sáu sang bảy, trẻ sẽ “dài ra” một cách bất ngờ và nét mặt cũng có nhiều biến đổi. Răng sữa bắt đầu thay. Và song hành với những thay đổi bên ngoài là những thay đổi “về chất”: trí nhớ của trẻ tốt hơn, trẻ bắt đầu xây dựng “hình mẫu” cho mình và học cách điều khiển cảm xúc của bản thân. Có khi bạn bắt gặp con đang khóc lóc thảm thiết mà vẫn liếc vào gương, bởi đơn giản, con muốn xem khi khóc trông mình ra sao?

Bảy tuổi là lúc con tách dần khỏi cha mẹ để bước ra xã hội, quan hệ của con với bạn bè cùng lứa sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, trẻ lên bảy vẫn còn quá nhỏ để tự lập hoàn toàn, và chúng nhất thiết phải có những điểm tựa đáng tin cậy - đó chính là tình thương yêu của cha mẹ, là sự bình ổn trong quan hệ gia đình. Đừng rơi vào cực đoan mà hãy cố gắng trung dung: luôn thương yêu, tôn trọng cảm xúc của con nhưng không dung túng thói lệ thuộc hay õng ẹo thái quá; cho con một khoảng tự do nhưng phải có những ranh giới nhất định. Và đừng quên: phải là tấm gương cho trẻ noi theo.

Hơn bất cứ độ tuổi nào, trẻ lên bảy rất cần có “người hướng đạo” để thông qua đó nhận thức thế giới xung quanh. Vai trò của thầy cô giáo lúc này cực kỳ quan trọng: họ là người bước đầu giúp trẻ xây dựng và định hình ý thức, thái độ học tập và kỹ năng xã hội. Ý kiến của họ lúc này có khi còn “nặng ký” hơn của cha mẹ. Bởi vậy, nếu được, hãy chọn cho con mình “người thầy đầu tiên” mà bạn có thể hoàn toàn tin cậy.

(Theo GĐT)
 
Top