Nếu không tin vào cộng đồng thì biết tin vào đâu?
SGTT.VN - Một người dù có trong sáng đến mấy cũng khó mà giữ được sự thanh cao, trong sạch trước những cám dỗ, nhất là họ lại đang sống trong một môi trường mà tính nhân văn đang bị xem thường và có nguy cơ rơi vào lãng quên; Nếu chúng ta không còn tin vào cộng đồng thì còn biết tin vào đâu?
Cuối tháng 1.2011, một chiếc xe tải chở bia bị lật trên quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Nghệ An. Sau đó, giao thông trên khúc đường đó bị tắc. Nguyên nhân gây tắc đường là có quá đông người tham gia… nhặt bia. Ảnh: TL SGTT
Không riêng gì ở Việt Nam hiện nay mà ở bất kỳ đâu, từ cổ chí kim, cái xấu luôn luôn tồn tại song hành cùng cái tốt. Dù cho có nhiều thời điểm thăng trầm khác nhau nhưng chân lý vẫn mãi mãi là những điều tốt đẹp. Điều đáng nói là cái xấu của mỗi con người trong một hoàn cảnh cụ thể hiện nay lại đang có sức lan tỏa ghê gớm. Đặc biệt, nó còn có khả năng ảnh hưởng đến cách hành xử của cộng đồng xã hội.
Hình ảnh những người tranh giành cướp từng thùng bia, từng quả dưa hấu khi xe bị lật hay tranh thủ nhặt tiền của người khác rơi rớt sau khi bị tên cướp giật giỏ xách không thành, … là những hành vi không thể chấp nhận được. Chỉ vì một vài thứ nhỏ nhặt mà vô tình họ đã trở thành người ăn cướp trước sự bất lực và đau khổ của người khác.
Tương tự, hàng vi chạy trường, chạy bằng cấp, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, thói nịnh bợ, luồn cúi, … hẳn nhiên cũng là điều không thể chấp nhận được nhưng giờ đây, có khi nó lại là phương tiện để thỏa mãn thói hám danh lợi của nhiều người.
Điều lạ là những điều xấu xa trên đây không phải là tấm gương để người khác phải biết cư xử cho tốt đẹp, cho văn minh hay để tránh xa, … mà thật trớ trêu, nó lại được nhiều người nhắc đến như là một thành công, là “người anh hùng” vì biết thức thời, hay đôi khi phải đành chấp nhận dưới dạng như là một xu hướng không cưỡng lại được!
Nặng nề hơn, đôi khi chỉ đơn giản là một vụ bắt trộm chó, một cú va quẹt nhỏ khi lưu thông trên đường, thậm chí chỉ vì một ánh mắt mà người ta lấy đi sinh mạng của người khác. Nhiều người đã không khỏi ghê rợn khi có người dám xem mạng người như cỏ rác, bất chấp đạo lý, luật pháp đến vậy.
Tất cả mọi người trên thế giới, ai cũng muốn được sống bình yên, được cư xử hay cư xử với người khác một cách văn minh nhưng điều mong ước tốt đẹp ấy dường như khó có thể trở thành hiện thực. Giữa phồn vinh mà con người cảm thấy bất an thì vấn đề đã không còn nhỏ nữa.
Người ta lo sợ điều gì? Chắc chắn không phải sợ một hay vài người cụ thể làm điều xấu xa mà là sợ cái xấu đang xâm chiếm cuộc sống vốn tốt đẹp này. Người ta sợ cái xấu sẽ lan tỏa, cái đạo đức nhỏ bé vốn mong manh có nguy cơ bị chà đạp. Khi đó, niềm tin vào cộng đồng, vào chân lý cũng bị vùi dập cho tan biến mất.
Có một thực tế đang tồn tại trong xã hội hiện nay là nhiều người thường chỉ quan tâm đến cá nhân mình mà ít biết quan tâm đến người khác. Một phần cũng vì mãi chạy theo cơm áo gạo tiền hay những giá trị vật chất mà đã quên đi giá trị tinh thần, phần khác là do hiện tượng đạo đức suy đồi.
Một người dù có trong sáng đến mấy cũng khó mà giữ được sự thanh cao, trong sạch trước những cám dỗ, nhất là họ lại đang sống trong một môi trường mà tính nhân văn đang bị xem thường và có nguy cơ rơi vào lãng quên.
Thật là bất hạnh khi niềm tin vào phẩm hạnh, vào sự cao đẹp của cộng đồng lại đang bị đùa cợt đến thế. Trong khi tất cả các cộng đồng trên thế giới đang cố gắng hướng đến một cộng đồng văn minh, đầy tính nhân văn, lấy tự do, ấm no, hạnh phúc của con người làm đích đến thì chúng ta lại đang loay hoay tự hỏi: Còn không niềm tin vào phẩm hạnh cộng đồng? Đã là cộng đồng, là xã hội tức là số đông, mà số đông trong xã hội học thường được xem là chân lý. Nếu chúng ta không còn tin vào cộng đồng thì còn biết tin vào ai bây giờ?
Cuộc sống và giá trị của mỗi con người luôn biến thiên theo thời gian nhưng phẩm hạnh thì bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi. Phải chăng là phương pháp để mỗi con người hướng đến những phẩm hạnh cao cả đã không theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Nói cách khác, giáo dục đạo đức con người đã bị xem nhẹ trong một thời gian dài và một tác nhân chính là sự công bằng trong xã hội đang dần dần biến mất nên mới xảy ra cớ sự như ngày hôm nay.
Thật đáng tiếc là cái xấu hay nói đúng hơn là thói hư, tật xấu đã không được ngăn chặn kịp thời mà còn sinh sôi nảy nở quá nhanh, nó hiện đang có khả năng lấn át và chi phối xã hội.
Để có thể tin vào phẩm hạnh của cộng đồng, không có cách nào khác là phải thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi con người trong xã hội, trong đó vai trò của những người trụ cột trong gia đình là vô cùng cần thiết. Từng gia đình biết xem trọng phẩm hạnh, đạo đức thì niềm tin vào phẩm hạnh của cộng đồng sẽ tự khắc quay về.
Ðề: Nếu không tin vào cộng đồng thì biết tin vào đâu?
LTS. Bài Còn không niềm tin vào phẩm hạnh cộng đồng? (Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 20.7.2011) đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, cho thấy đây không chỉ là nỗi bức xúc của riêng tác giả mà đang là câu hỏi đau đáu của không ít người. Do vậy, Sài Gòn Tiếp Thị quyết định mở diễn đàn lấy tên bài viết trên của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Diễn đàn Còn không niềm tin vào phẩm hạnh cộng đồng?
Xin trả lời: Còn, nhưng...
SGTT.VN - Ngưỡng mộ tác giả Ngọc Hải qua các bài báo và cũng đã từng gặp bà, tôi nghĩ mình chia sẻ được sự “đọc xong đau đớn” của bà cùng nỗi ưu tư khi đặt câu hỏi. Trong tâm tình đó tôi xin được trả lời – một phần – câu hỏi của bà, mà tôi vẫn gọi là chị.
Phẩm hạnh có còn không?
Tự lúc nào, mở lòng từ thiện đồng nghĩa với chấp nhận khả năng bị lừa! Ảnh: Hồng Thái
Thưa còn chứ ạ! Bằng chứng là chị đã đặt vấn đề! Nó còn nhưng không được cổ vũ, do đó đã không được phát huy và có thể tàn lụi.
Nói đến phẩm hạnh cộng đồng thì phải nói về phẩm hạnh của mỗi người: chủ của vạn vật, sống có lý trí, tử tế, hiếu thảo… Phẩm hạnh là cái tốt, hay mặt tốt của con người. Và xin nói về cái này. Trong xã hội con người, muốn cái tốt được phát huy thì cái xấu – mặt tương phản của nó – phải bị chống trả và làm giảm bớt. Không cần phải tiêu diệt cái xấu; bởi vì nếu nó mất thì người ta không còn nhận ra được cái tốt. Hơn nữa, cái xấu cũng không bao giờ có thể tiêu diệt được vì nó nằm trong mỗi người. Do vậy, trong một xã hội, cái xấu và cái tốt sẽ cùng tồn tại, nhưng cái tốt phải nhiều hơn cái xấu. Nói một cách lý tưởng là cái tốt chiếm 70%, cái xấu chiếm 30%. Dĩ nhiên ta không thể đo đếm chúng được, nhưng nói thế cho dễ hiểu. Tỷ lệ kia tồn tại trong một cộng đồng thì đó là một xã hội lý tưởng. Sở dĩ vậy là vì trong đó mỗi người nhận ra được mình tốt hay xấu, phấn đấu để sống tốt hơn, để thấy tự hào; cái xấu vẫn tồn tại vì có thể một lúc nào đó những người tốt bỗng một lúc “lòng động, lòng lo, miệng nói, mình làm”! Nếu có việc ấy thì trong cộng đồng kia phải có nhiều người lên án cái xấu đó, thậm chí tập thể phải trừng phạt người làm xấu. Nếu vì những lý do nào đó, thí dụ luật pháp không nghiêm minh; người làm xấu được che chở; người chống đối cái xấu không được bảo vệ… thì cái xấu không còn bị chống trả nữa. Khi ấy nó có thể tung hoành, bởi vì ngay trước mắt, cái xấu luôn luôn đem lại lợi ích. Chẳng hạn ăn cắp để có tiền. Đó là lợi ích do cái xấu mang lại và nó làm cho nhiều người ham muốn khiến không ngại ngần làm xấu. Những “tin tức đọc xong đau đớn” mà chị Hải đã nêu chính là sự nở rộ của cái xấu và chúng làm mờ đi cái tốt trong những người khác. Vậy cái gì sẽ ngăn cản mỗi người làm xấu, hay để họ không còn bị cuốn hút bởi cái lợi do sự xấu tạo ra? Nói cách khác, làm sao để phẩm hạnh phát tác?
Làm sao để phẩm hạnh phát tác?
Chị Hải đã nói đến “vốn xã hội”. Vốn ấy, theo tôi, giúp vào việc xây dựng xã hội chứ không ngăn cản một người làm xấu hay không, bởi còn bị cuốn hút bởi cái lợi do sự xấu mang lại. Cái mà sẽ làm được là tôn giáo nói chung. Về đề tài này xin chỉ nêu một điểm.
Tôn giáo thường được gọi là đạo. Đạo nào cũng có ba thành phần chính: giáo lý, lễ nghi và giới răn. Về phần cuối thì, thí dụ, đạo Nho dạy giữ chữ tín; đạo Phật, không nói dối; đạo Thiên Chúa, chớ lấy của người. Những răn giới này được cha mẹ, nhà chùa, nhà thờ dạy cho con trẻ ngay từ khi chúng có trí khôn. Sở dĩ vậy vì bố mẹ chúng đã được ông bà dạy như thế ngày xưa, khi đi lễ, lúc lên chùa. Những giới răn đó đã được lưu truyền và tuân giữ liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cộng đồng mà họ sinh sống khen ngợi việc làm đúng theo các giới răn này, trừng phạt bằng những cách khác nhau sự vi phạm vào các giới răn đó. Các em bé sống trong khung cảnh đó từ từ nhận thức được cái mình làm là đúng hay sai. Tâm lý của đứa bé biến đổi theo thời gian từ giữ gìn giới răn (không tham của người) đến ý thức về tội lỗi (ăn cắp là phạm tội). Răn giới giữ lúc bé biến thành ý thức về tội lỗi lúc trưởng thành. Ý thức đó sẽ ngăn cản họ phạm tội. Tội lỗi mà người kia cảm nhận trong lòng làm cho cái lợi do việc ăn cắp mang lại bị xoá nhoà đi.
Bởi thế, một thánh nhân đã nói: “Điều tệ hại trong cuộc đời không phải là phạm tội, nhưng là mất đi ý thức tội lỗi”. Vậy ý thức tội lỗi ngăn cản một người không phạm tội, nghĩa là không làm cái xấu; xã hội có ít cái xấu là xã hội tốt đẹp. Một người làm tốt nhiều người sẽ làm theo, ấy là tâm lý đám đông. Đó là những hệ quả tiếp nối nhau từ một nguồn là việc dạy dỗ và giữ giới răn.
Ý thức tội lỗi trong mỗi người giúp họ tự biết rằng làm cái gì là đúng, cái gì là sai. Nó làm người ta áy náy ngay khi có ý định làm, chứ không phải là trừng phạt họ sau khi họ đã làm. Khi cái xấu đã diễn ra thì sự thiệt hại họ đã gây ra, nạn nhân của họ, sự trừng phạt của luật pháp… làm họ lo sợ theo một cách khác về tinh thần và vật chất. Ý thức tội lỗi đã có thì không cần phải có người khác canh giữ, nhòm ngó hay phê bình, hoặc trừng phạt. Tự mình, người có ý thức về tội lỗi áy náy trước lương tâm của mình. Nếu thấy một người làm xấu, họ sẽ ngăn cản, khi ấy cái xấu bị chống trả.
Nếu do một hoàn cảnh nào đó, một lý do nào đó mà các giới răn cần thiết cho con người để họ không làm xấu bị bãi bỏ; việc dạy dỗ các giới răn ấy bị gián đoạn trong một thế hệ thì cái tốt đã không được cổ vũ, chẳng được phát huy; vậy cái xấu tất nhiên sẽ phát triển. Từ ở một người, cái xấu sẽ lan sang nhiều người khác do mối lợi trước mặt nó mang lại. Và rồi phẩm hạnh cộng đồng đã là ưu tư của bà chị tôi!
NGUYỄN NGỌC BÍCH
KHÔNG CÒN NIỀM TIN, CUỘC SỐNG LÀ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN!
Theo tôi, khủng hoảng này báo hiệu tình trạng sức khoẻ yếu kém của đời sống xã hội. Chúng ta kinh nghiệm về hậu quả của việc mất niềm tin ảnh hưởng trên đời sống con người như thế nào. Một trong những hậu quả này là làm cho con người sống trong sự “nghi ngờ” triền miên. Khi đánh mất niềm tin, người ta nghi ngờ mọi người và mọi cái, ngay cả những điều tốt nhất. Những người thân cận cũng có thể bị xem là những “lực lượng thù địch”, là “đối phương”. Những công việc tốt như công việc bác ái từ thiện cũng có thể được xem là những toan tính cá nhân hay chính trị. Quả thực, nếu như cuộc sống mà xung quanh mình chỉ còn là những “thù địch” thì cuộc sống này là một địa ngục trần gian!
(VÕ THANH, BVCD@...)
Em nghĩ cái hiệu ứng đám đông nó khủng khiếp lắm! Mỗi cá nhân phải luôn ý thức được mình phải làm sao để có thể xử sự tốt, làm gương cho gia đình và cộng đồng! Và người Việt Nam cũng cần phải học cách nói thẳng, nói thật để lên tiếng khi có những bất công như vậy! Việc này chắc cần phải đưa vào giáo dục con em chúng ta từ nhỏ thôi!
(BÁCH THU, HOAHONGTRANGCB@...)
Người Việt Nam đâu đến nỗi tệ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”; “thương người như thể thương thân”... nhưng chúng chỉ được áp dụng trong bối cảnh thân thuộc, ai cũng biết ai trong đại gia đình, làng xã hàng xóm. Khi ai cũng biết ai, ít khi cá nhân dám làm những điều dễ bị phê phán. Người ta cũng quan tâm đến lợi ích của nhau hơn. Chuyển ra sống ở thành phố, có khi láng giềng cũng không biết tên nhau, không chào hỏi nhau. Đây được gọi là nếp sống vô danh của thành phố...
(NGỌC HUỆ, BOOKER2007@...)
Niềm tin là một lợi thế cạnh tranh có giá trị bền vững và sẵn có trong mỗi người Việt Nam. Nếu không biết cách củng cố và phát huy nó tức là chúng ta đang lãng phí tài nguyên lớn nhất!
Ðề: Nếu không tin vào cộng đồng thì biết tin vào đâu?
Đâu chỉ là chuyện thói hư tật xấu của người Việt?
SGTT.VN - Bài báo của Nguyễn Thị Ngọc Hải (SGTT ngày 20.7.2011) chắc chắn sẽ làm sống lại chủ đề “thói hư tật xấu của người Việt” mà nhiều người trong đó có Vương Trí Nhàn khởi xướng từ thế kỷ trước căn cứ vào tư liệu xưa…
Vẩn còn đó những người biết giúp kẻ gặp rủi ro giữa đường. Ảnh: H.T
Bài báo đặt ra hàng loạt vấn đề cơ bản về tính cách dân tộc Việt hiện tại, dưới góc độ của báo chí nhiều hơn là khoa học.
Trước hết tôi lưu ý một điều mới mẻ: cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra khoảng năm 2009, đặc biệt sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đã, đang và sẽ làm thay đổi/đảo lộn toàn bộ đời sống và cách nhìn của mọi quốc gia dân tộc, cộng đồng và cá nhân, trong đó có hệ giá trị sống.
Quá trình – động thái là khái niệm mới cần vận dụng. Tôi tâm đắc với ý sau của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải: “Trong đời sống đã diễn ra nhiều cái ác xưa nay hiếm thấy như kiểu giết chóc người thân, trẻ em, cướp bóc… gây lo ngại cho việc nhìn nhận, đánh giá lại sự thay đổi của con người Việt Nam”.
Nhìn chung, sự thay đổi của con người
Việt Nam chỉ mới bắt đầu khi cơ chế thị trường được chấp nhận trên phương diện chính thống. Từ chủ nghĩa làm chủ tập thể chuyển sang chủ nghĩa cá nhân là cả một quá trình xã hội tất yếu, không cưỡng được. Mọi tầng lớp nhân dân đều bị/được cuốn vào quá trình này; về khía cạnh này tôi chỉ đồng ý một phần với Nguyễn Thị Ngọc Hải khi viết: “Những thứ đó làm ta bị stress nhưng mỗi một cá nhân đều vẫn nhẫn nại sống được là do còn lòng tin vào cộng đồng, vào phẩm giá chung mà các tầng lớp nhân dân, nhất là những người lao động lương thiện, vẫn nắm giữ”.
Tôi không nghĩ là Nguyễn Thị Ngọc Hải quên người giàu mà có nước chủ trương phải khuyến khích trước tiên vì tầng lớp giàu có sẽ kéo theo lớp người lao động chỉ quen làm thuê.
Như đã nêu trên, một hệ giá trị sống mới mẻ đang thành hình ở nước ta. Ví dụ: “sòng phẳng” là giá trị mới của mỗi người, thay vì “tình nghĩa” như trước đây. Ngay cả “lòng tin” cũng khác. “Lòng tin vào người khác chính là yếu tố then chốt để phát triển văn hoá công dân” (nhà xã hội học Robert Putnam) mà Ngọc Hải dẫn ra, hình như đã thay đổi khi con người bước vào thiên niên kỷ mới.
Người Việt Nam bất kể nam, nữ, lứa tuổi, nghề nghiệp, giàu nghèo đang hội nhập và thay đổi hàng ngày hàng giờ, nhất là giới trẻ Việt.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ về sự thay đổi tính cách dân tộc Việt và sự cấp thiết phải nghiên cứu, khảo sát ở tầm cỡ quốc gia khu vực – quốc tế mới hy vọng nắm bắt được quá trình diễn biến của dân tộc, cộng đồng lớn nhỏ và của mỗi con người chúng ta.
Ðề: Nếu không tin vào cộng đồng thì biết tin vào đâu?
Lòng nhân vẫn hiện hữu
SGTT.VN - Cuộc sống luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ. Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi ta đánh mất niềm tin vào sự vĩnh cửu của những giá trị tốt đẹp được xây đắp từ cơ sở của đạo lý và chân lý ở đời.
Võ sư Aikido Nguyễn Thị Thanh Loan và những võ sinh khiếm thị, bệnh Down của mình: một thể hiện khác của lòng nhân khi tìm cách giúp người không may tự tin hoà nhập cộng đồng. Ảnh: Hồng Thái
Điều này xảy ra hẳn có lý do. Làm sao tin rằng có ai đó thực sự cần đến sự giúp đỡ khi sự sẻ chia của ta đang bị lợi dụng. Nhưng nếu lòng trắc ẩn tiếp tục thôi thúc ta nghĩ và làm một điều gì đó theo một cách nào đó... thì như thế, niềm tin vẫn còn.
Đó là lần tôi chạnh lòng trước một đứa bé khoảng hai tuổi không mảnh vải che thân chập chững xin ăn cùng chị gái mình ở chợ vào buổi sáng lạnh lẽo cuối năm. Tôi còn biết nghĩ gì khác ngoài việc vào ngay quầy quần áo mua một bộ quay lại mặc cho bé. Một cảm giác ấm lòng dấy lên khi biết đứa bé không còn lạnh. Nhưng sau khi đi chợ ra, tôi lại nhìn thấy đúng đứa bé ấy trong tình trạng ban đầu: không quần áo và đứng run rẩy bên chị mình! Tôi khựng lại nhìn bé đầy ngạc nhiên. Cô bán hàng bên cạnh cười khẩy giải thích: “Ba mẹ nó đang ngồi bên góc chợ. Hành hạ con như thế để ai thấy cũng thương mà cho tiền. Ba mẹ nó mạnh khoẻ nhưng không chịu lao động...” Quá nhẫn tâm! Nghĩ mà thương đứa bé và căm phẫn ba mẹ chúng. Lòng dặn lòng sẽ không bao giờ làm những chuyện “ngớ ngẩn” như thế nữa. Nhưng chợ Bàu Cát là nơi tôi thường đi. Và nhóm người ăn xin đó “thường trú” ở chợ này. Làm ngơ cũng không được, giúp đỡ cũng không xong. Thế là tôi nghĩ ra cách: mua sữa và thức ăn cho chúng ăn uống tại chỗ. Nhiều người cũng nhận ra và làm thế... Để rồi cùng hy vọng những đứa trẻ thiếu may mắn ấy lớn lên bằng tình thương đúng nghĩa của người khác. Thế là tôi tin rằng lòng nhân vẫn hiện hữu trong cuộc đời. Và cho dù đôi lần ta đón nhận thực tế phũ phàng từ sự sẻ chia. Nhưng không vì vậy mà xúc cảm nhân văn tê liệt, vô cảm. Bởi đã làm người thì chúng ta hiểu rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương” (M.Gorki).
Mất niềm tin vào cuộc sống và nghi ngờ những giá trị tốt đẹp đang là hiện tượng phổ biến. Và đây chính là “mảnh đất” tốt cho “cây” hoài nghi phát triển: hoài nghi cộng đồng và hoài nghi cả bản thân. Khi đâu đó là cách nhìn nhận và bình luận các người đẹp trong những cuộc thi hoa hậu đi thăm trẻ mồ côi, bệnh tật nhưng không thật lòng; hay những nhận xét về một số doanh nghiệp làm từ thiện chỉ để quảng bá thương hiệu... chúng ta sẽ khó cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn trong việc làm tương tự của những người đẹp khác, những doanh nghiệp khác. Khi niềm tin chưa đủ lớn, lòng tin không đủ mạnh, nó sẽ bị đẩy ngã trước làn sóng mạnh mẽ của sự nghi ngờ. Điều này xuất phát từ sự “mô phỏng niềm tin”. Khi ta không kiến tạo niềm tin bằng chính ý nghĩa bản thân nhận thức được từ giá trị này, nó sẽ dễ dàng bị đánh mất. Trong thư gửi thầy giáo – người dạy con trai mình, cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln có viết: “Xin thầy hãy dạy cháu biết đặt niềm tin vào ý kiến của bản thân dù tất cả mọi người cho nó là sai. Hãy dạy cháu biết làm ngơ trước đám đông đang gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì mình cho là đúng...” Vậy niềm tin giúp ta đứng thẳng người chắc chắn không xuất phát từ sự mô phỏng. Mà đó là quá trình xây đắp cùng với hành trình hoàn thiện nhân cách của bản thân. Nó có cơ sở là đạo lý làm người, và chân lý của cuộc sống. Như thế, niềm tin sẽ vững vàng. Và chỉ khi biết tin vào bản thân, ta mới tin vào cuộc sống, tin vào nhân loại.
Vì vậy, làm người thì đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Bởi nếu trí tuệ cho ta sức mạnh để hành động thì niềm tin cho ta dũng khí để nhận ra giá trị tốt đẹp trong mỗi việc ta làm.
Xin bắt đầu từ chuyện về những “hiệp sĩ bắt cướp” ở TP.HCM, ở Bình Dương... mà gần đây việc anh Nguyễn Tăng Tiên bị xã hội đen trả thù. Sau những thành tích bắt trộm cướp được báo chí đưa tin, được tặng các loại bằng khen giấy khen… thì đã có người hy sinh, người bị tội phạm trả thù dã man, người thì bị thương tật không đủ sức lao động… Tương tự, những người dám nói lên sự thật, đấu tranh chống tiêu cực như kỹ sư Lê Văn Tạch... đã phải chịu nhiều hệ luỵ từ việc làm ngay thẳng của mình.
Không thể không tự hỏi, vì sao được nhiều người cảm phục và tôn vinh nhưng những con người đã hành động “mình vì mọi người” lại thường đơn độc trong việc làm dũng cảm của họ? Ai sẽ bảo vệ khi họ bị trả thù? Vì sao họ không có cuộc sống ổn định như họ xứng đáng được có vì những điều thiện họ đã làm cho xã hội?
Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm trả lời!
Hàng ngày, ta cũng có thể bắt gặp những con người–trông–bình–thường nhưng sẵn sàng thực hiện hành vi lừa đảo như giả bệnh tật, giả tai nạn, giả người tu hành… lợi dụng lòng từ thiện, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm lợi (và món lợi kiếm được không hề nhỏ). Tại sao những con người–bình–thường lại hành động theo chuẩn mực đạo đức không thể chấp nhận được như thế?
Câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ, đối với mỗi người, và với mọi người.
Những câu hỏi chúng ta luôn đặt ra mỗi ngày rồi cũng luôn bỏ qua. Thật đáng sợ vì sự dửng dưng làm cùn mòn những tình cảm tốt đẹp, làm chai lì cảm xúc, làm tầm thường tất cả những gì đẹp đẽ và cao quý. Một gia đình, một xã hội mà mọi người dửng dưng với nhau chính là môi trường chứa đầy nguy cơ cho cái ác lộng hành.
Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế!
NGUYỄN THỊ HẬU (VIỆN NGHIÊN CỨU XÃ HỘI TP.HCM)
Niềm tin nằm ở ý thức trách nhiệm
Trước tiên, nếu nói về “thói hư tật xấu” thì ở đâu cũng có, dân tộc nào cũng có, hiện hữu khắp nơi trên thế giới. Định nghĩa về cái xấu và tốt lại thuộc về nhận thức riêng của mỗi dân tộc, mỗi văn hoá, mỗi con người có quan điểm khác nhau. Vì vậy, hãy khoan phê bình con người Việt Nam có quá nhiều thói hư tật xấu... Niềm tin không ở đâu xa xôi, nó là trách nhiệm xây dựng của mỗi cá nhân con người chúng ta. Vấn đề chính chỉ là thời gian và sự thay đổi nhận thức...
(Tâm Duyên, duyencoco@...)
Tôi thấy ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Bích (SGTT 22.7) rất xác đáng. Tôi muốn nói thêm rằng, nghịch lý tệ hại nhất nằm ở sự thiếu gương mẫu của người lớn (...) Con người ở xã hội phát triển này, nhiều người thừa đủ thứ linh tinh, nhưng thiếu một thứ rất cơ bản: thiếu cái tôi đáng quý (chứ không phải đáng ghét). Nghĩa là, họ bị đánh mất cái tôi chủ thể. Sự đánh mất này dắt dây theo niềm tin vào phẩm giá con người hao mòn dần.
(Khánh Hà, saigonxua@...)
Tôi tin vào tình người vẫn hiện diện trên cõi đời này, nhưng ít nhiều đã nhạt phai vì những bon chen toan tính.