ALnML
Super Moderator
Nghe ông bố trẻ "tố tội" con
Khi biết tin mình sắp có con, bố thấy chiến công của mình lừng lẫy quá, hiển hách quá!
Nghe mẹ báo tin: “Anh ơi, mình sắp có con”, bố thấy chiến công của mình lẫy lừng quá, hiển hách quá. Rồi khi biết tin con là con trai, bố khấp khởi mừng thầm vì mình sắp có thêm một đồng minh thân cận, hỗ trợ bố trong 'cuộc chiến' giành điều khiển tivi với mẹ, có thêm ‘chiến hữu’ cùng bố xem bóng đá những lúc đêm khuya…
Khi ngày trọng đại đến – ngày con trai bố chào đời, bố vỡ òa niềm vui và gọi điện khoe với tất cả người thân. Chao ôi! Thế cờ trong gia đình mình sắp xoay chiều, bố sắp được ‘ăn hiếp’ mẹ rồi.
Nhưng ‘giấc mơ ngắn chẳng tày gang', có con bố quay cuồng với bao nỗi lo, khó khăn.
1. Con khiến bố phải chăm chỉ hơn
Có con, chi phí sinh hoạt nhà mình tự nhiên tăng ‘đột biến’, bố nhìn những khoản chi mà mụ mị cả đầu óc. Ngoài thời gian nựng nịu và chăm con, bố căng thẳng vì nghĩ cách để tăng thu nhập bằng mọi giá. Bố chăm chỉ làm việc hơn để kiếm tiền mua tã, mua sữa, mua đồ chơi… đủ thứ linh tinh cho con. Bố cũng chẳng nề hà giặt giũ quần áo cho con và mẹ.
Mẹ có ít nhất 12 tuần nghỉ thai sản để tập trung vào chăm con còn bố chỉ được nghỉ 2 – 3 ngày trong khi vợ lâm bồn. Đôi khi, bố mất cân bằng giữa việc làm một người cha tốt và việc tập trung vào công việc. Nhưng tình yêu con đã giúp bố vươn lên.
Dù con khiến bố bận bịu hơn, giảm dần những bữa bia rượu tụ họp cùng ‘chiến hữu’ nhưng con là động lực giúp bố vươn lên, khiến bố chăm chỉ hơn. Con giúp bố khám phá nhiều hơn những khả năng tiềm ẩn của mình.
Con là chiến công ‘lẫy lừng’ của bố! Có con bố thấy mình đảm đang hơn.
2. Con làm bố mắc… ‘nghiện’ và mệt rã rời
Phải nói, trước khi có con, bố hoàn toàn mù mờ về việc chăm sóc trẻ. Lần đầu bế con, con lọt thỏm trong lòng bàn tay bố, bố run run, lóng ngóng không biết sao. Vài lần cũng quen hơi, đi đâu cũng chỉ mong nhanh nhanh về nhà để thơm chụt vào má con.
Sao mà bố nghiện mùi sữa của con quá!
Rồi khi con biết hóng hớt, nói chuyện với con, con chỉ a, ư... rồi cười toe toét. Giật mình nhất là khi hai bố con đang chơi đùa vui vẻ, tự nhiên con vẽ 1 ‘đường cầu vồng’ làm ướt hết quần bố. Chao ơi, cái quần mẹ mới mua ‘thưởng’ cho bố!
Đêm nào con hờn là đêm đó bố mất ngủ. Sáng hôm sau đến công ty, người bố rã rời nhưng cứ nghĩ đến nụ cười của con trai, bố lại thấy động lực ‘ngùn ngụt’.
3. Con độc chiếm mẹ
Những ngày đầu tiên con chào đời, bố cảm thấy mẹ dễ cáu bẳn hơn và không còn quan tâm nhiều đến bố.
Đi làm về, bố nhào đến bên mẹ, tranh thủ ngắm con, mẹ ‘hắt hủi’ và đẩy bố ra: “người anh bụi bặm, anh đi thay đồ mới được gần con’. Sao mà mẹ ‘khắc nghiệt’ với bố thế? Là tại con? Rồi mẹ suốt ngày tíu tít bên con, nựng nịu con làm bố phát ghen. Bố phụng phịu mẹ không hay, bố mệt mỏi mẹ cũng chẳng quan tâm.
Chao ôi, tuần đầu có con đúng là ‘cú sốc’ với bố!
Bố và mẹ đã có cuộc tranh luận ‘nảy lửa’, cũng may mà mẹ con tâm lý, hiểu ra và ‘đồng ý’ để bố chung tay chăm con cùng.
Giờ 'chiến sự' nhà mình bình an rồi. Con trai bố cũng gần 1 tuổi, bố sẽ luôn nhớ những 'tội' mà con đã gây ra cho bố!
PS: Lời tâm sự của anh Nguyễn Hoàng Minh viết tặng sinh nhật 1 tuổi của con trai.
http://www.baomoi.com/Nghe-ong-bo-tr...39/6597900.epi