Người đàn ông chôn cất hàng nghìn hài nhi bị bỏ rơi

841
0
0

Mẹ Tiếu Tiếu

New Member
http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/05/3BA0EE45/

Trong cái nắng gay gắt buổi trưa đầu hạ, người đàn ông cao lớn, da nâu óng, râu tóc bạc trắng như cước, rảo bước khắp đường làng xứ đạo Quần Vinh (Nam Định). Nhiều năm nay, ông vẫn đi xin và chôn cất hàng nghìn hài nhi xấu số bị bỏ rơi.

Nghĩa Thắng là một trong những xã nghèo miền biển thuộc huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Người dân xứ đạo Quần Vinh có những gia đình hơn 3 đời bươn chải, vật lộn với sóng biển, gió cát để mưu sinh. Đến đầu xã, hỏi gia đình ông Bao chuyên chôn cất hài nhi, ai ai cũng biết. Người dân gọi ông với cái tên trìu mến "người cứu rỗi những linh hồn".

Trên đường dẫn khách về nhà, ông Vũ Ngọc Bao, 60 tuổi tâm sự: "Đời cư dân biển chẳng khác nào con nước ròng, nước lớn. Đối với ngư dân đánh cá, họ phải luôn đối chọi với bão tố ập đến bất cứ lúc nào. Có nhà cũng đã phải bán ghe để tìm nghề khác kiếm sống".

Sau nhiều năm vật lộn và lênh đênh trên biển, ông Bao từ giã nghiệp và chuyển sang nghề cải táng mộ. Nhiều lần, ông thấy những hài nhi xấu số được bỏ trong những túi nilong, hoặc quấn vải thả xuống nước, nhưng không trôi ra biển mà cứ mắc lại, trôi dạt vào bờ sông và cồn cát. Vậy là hàng ngày, ông đi gom lại, làm nghi thức chôn cất.


Ông Vũ Ngọc Bao. Ảnh: Anh Thư
Những hài nhi này phần nhiều là từ cơ sở nạo phá thai tư nhân tại xã. Cách đây gần 3 năm, ông đã trực tiếp đến cơ sở này xin những hài nhi xấu số bị các bà mẹ bỏ rơi, đem về chôn cất ở một góc của nghĩa trang xứ Quần Vinh. Tính đến nay, hàng nghìn hài nhi xấu số đã được ông khâm liệm, chôn cất.

"Tôi gom những hài nhi đó, rồi đi xin những bát hương nhỏ, cho vào đó, gắn xi măng lại, đánh số theo ngày và đem chôn. Những ngày đầu, tôi giấu vợ con và đi chôn vào ban đêm. Nhưng rồi khi làm những nghi thức chôn cất ở một bãi đất trống của nhà dòng thuộc xứ, những người dân xung quanh cũng không đồng ý, vậy là tôi đem về nhà", ông kể.

Lúc đầu, gia đình ông không đồng tình. Nhưng rồi dần vợ ông cũng quen và thấu hiểu. "Khi thụ thai, thì dù chưa được sinh ra nhưng với đức tin của những người theo đạo như tôi, đó cũng là một con người. Tôi thấy thật tội nghiệp cho những sinh linh nhỏ bé, yếu ớt, vì vậy, muốn làm một điều gì tốt cho các cháu", giọng ông lão già nua trầm buồn.

Rồi ông trầm ngâm kể về lần ông xin được một cái thai 7 tháng tuổi. Đó là một đứa bé trai đã thành hình bị mẹ bỏ rơi. Một cô gái 18 tuổi ở xã bên cạnh, vì trót quan hệ với một người đàn ông, sau khi biết tin cô này có thai, người đàn ông đã "quất ngựa truy phong". Bế tắc và tuyệt vọng, cô quyết tâm bỏ cái thai dù đã 7 tháng tuổi mặc cho ông hết lời can ngăn.

"Khi xin được hài nhi đó, nó đã đầy đủ tất cả, cơ thể ấm nóng. Tôi cứ ôm vào người để truyền cho nó hơi ấm, nhưng cũng chỉ được vài giờ...", giọng ông lão già nua tắc nghẹn. Ông cũng cho biết, trong gần 3 năm làm nghề này, ông đã gặp vài trường hợp như cô gái trên.

Hai ngôi mộ đang được xây dựng dở dang. Hàng trăm hài nhi đã được chôn trong đó. Ảnh: Anh Thư
Ông cũng cho biết, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, có người vì con cái nheo nhóc, chồng rượu chè bê tha, trót lỡ "vỡ kế hoạch" rồi cũng đến giải quyết. Lúc đó cái thai cũng 5-6 tháng. Cách đây hơn 1 năm, có một chị ở thôn bên, gia đình hiếm muộn, mong có con, nhưng khi mang thai được 6 tháng đi khám phát hiện thai nhi không bình thường. Vậy là chị ấy đành cho ra. Nhận được tin, ông mang thi hài đi làm nghi thức khâm niệm và đưa về nghĩa trang thôn mai táng.

Sau những trường hợp như vậy, ông Bao đã đặt vấn đề với bà bác sĩ, nơi ông thường xuyên xin những hài nhi xấu số, nếu có trường hợp nào thai to mà muốn phá bỏ đi, ông muốn được đến để khuyên can.

Mỗi lần thu được hài nhi, ông Bao đều ghi chép vào cuốn sổ, đặt cho nó cái tên với họ của ông rồi đem chôn. Cuốn sổ dày đã phai màu thời gian, có chỗ đã ố vàng với những nét chữ viết vội. Tính đến giờ, số hài nhi ông thu lượm được đã lên tới hơn 2.200.

Dẫn khách ra nghĩa trang xứ Quần Vinh, cách nơi dân cư ở chừng vài trăm mét, chỉ về 2 ngôi mộ lớn đang được xây cất dở dang, ông bảo, cách đây hơn 2 tháng, cha xứ ở nơi này đã cho ông vay tiền để xây mộ.

Dù đang ở giai đoạn hoàn thiện, nhưng hàng nghìn linh hồn đã được ông chăm chút, xếp ngăn nắp quy tụ về đây. Ông với tay, thắp nhang cho những đứa trẻ xấu số, đôi mắt hướng về phía biển.

Ngoài khơi, có những con thuyền vẫn đang gối đầu trên bãi. Người dân xứ biển vẫn đang vật lộn với nắng gió để mưu sinh...

Anh Thư
 
Top