Người mẹ già và những đứa con tâm thần

39
0
0

chiaseyeuthuong

New Member
Hơn 40 năm nay, người mẹ ấy vẫn gồng mình kiếm từng bữa ăn nuôi ba đứa con ngây dại. Giờ đây, sức khỏe ngày một yếu đi, bà mang nặng nỗi lo về những đứa con ngơ ngơ ngác ngác không nơi nương tựa khi mình về với ông bà.
Nỗi đau không thành lời

Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình bà Phạm Thị Bình, thôn 3, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Lúc chúng tôi đến thăm, ba người con bà vẫn không ngừng đập phá, dãy dụa trong góc bếp dột nát khiến bà Bình không khỏi ái ngại. Cái nghèo, cái đói cộng với đàn con điên dại vây bám bà mấy chục năm nay khiến người dân xã Ba Sao ai biết đến cũng thấy thương cảm với hoàn cảnh éo le của bà.

Các con của bà Bình chỉ biết ngồi một chỗ rồi đạp phá, la hét...
Nơi trú ngụ của mẹ con bà là một căn nhà chật hẹp, tối tăm, lâu lâu lại có mùi xú uế từ ba đứa bốc lên đến khó chịu. Nhìn khuôn mặt khắc khổ với nhiều nếp nhăn của bà khiến người ta nghĩ bà đã ngoài 70.
Sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân nghèo, năm 18 tuổi bà lập gia đình cùng ông Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1942) người cùng quê. Hoàn cảnh khó khăn nên hai ông bà quyết định lên vùng đất Thái Nguyên lập nghiệp. Nông trường nắng gió, nhưng ông bà không quản vất vả, kể cả khi mang thai đứa con đầu lòng sang tháng thứ 8 mà bà vẫn vác trên vai bình nước trĩu nặng để đi phun thuốc sâu cho cây ở nông trường. Nhưng có lẽ đó cũng là hệ quả mà những người con của bà gánh chịu. Ông bà đành phải bỏ vùng đất này chuyển về quê chăm sóc con cái.
Năm 1969, bà sinh người con đầu lòng là chị Trần Thị Minh, khi mới lọt lòng, Minh vẫn bụ bẫm khỏe mạnh, nhưng càng lớn lên, Minh có biểu hiện không bình thường. Lên 6 tuổi vẫn không thể nói rõ ngoài những âm thanh ú ớ đến khó hiểu.
Nuốt nước mắt vào trong, ông bà sinh tiếp người con thứ hai là Trần Thị Ánh (sinh năm 1971). Nhưng một lần nữa, ông bà lại phải đau đớn chứng kiến đứa con ngây dại và sống cuộc đời thực vật. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông bà chăm sóc.
Người con thứ ba, chị Trần Thị Sáng (sinh năm 1975) và cô út Trần Thị Tịnh (sinh năm 1980) hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Gia đình khó khăn nên hai chị phải bỏ học sớm để đi làm phụ giúp bố mẹ. Còn người con thứ tư, Trần Thị Suốt (sinh năm 1977) cũng như hai người chị cả, sống hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ, không nhận biết được sự vật xung quanh.

Bà Bình và những đứa con điên dại của mình
Biết mình mang trong người di họa của thuốc hóa học B158 trong thời gian làm việc ở nông trường Thái Nguyên và di truyền sang các con, ông bà đã chạy vạy vay tiền khắp nơi để đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng vẫn không có tiến triển. Nhiều lần ông bà đưa con đến điều trị tại trại tâm thần Cao Đà (Hà Nam) nhưng do chi phí cao nên ông bà đành đưa các con về nhà tự chăm sóc.
Nước mắt mẹ già
Bà Bình tâm sự: “Người ta nói khổ trước sướng sau, còn tôi thì khổ cả đời. Mang nặng đẻ đau sinh hạ được năm đứa con mà mất ba không lành lặn. Nhiều khi chán nản muốn bỏ chúng đi, nhưng dẫu sao cũng là con mình dứt ruột để ra, dù no đói tôi cũng gắng chăm nuôi các cháu đến lúc khuất núi”.
Hàng ngày ông bà vẫn gồng mình, vất vả chăm sóc từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân cho những đứa con đã gần 40 tuổi nhưng vẫn như những đứa trẻ mới lớn. Nỗi đau ấy nhân lên gấp bội khi chồng bà lâm bệnh nặng và qua đời năm 1997. Chồng mất, bà như qụy ngã trước cuộc đời và số phận, nhưng thương con, bà lại gạt nước mắt đứng dậy để tiếp tục chăm sóc ba người con tâm thần.
Gánh nặng ấy dồn hết lên đôi vai gầy của bà, thương mẹ người con thứ ba sát cạnh nhà vẫn giúp bà tắm giặt vệ sinh cho các chị và em, lúc rảnh rỗi việc nhà bà tranh thủ sang làng bên đi cấy hái thuê hay lên rừng lấy củi về đun nấu, sưởi ấm cho những người con trong ngày đông giá lạnh.
Bà Bình cũng mang trong mình di chứng của thuốc hóa họa nên cơ thể thường xuyên đau ốm, có khi sốt rét nằm liệt cả tháng trời. Nhưng đó chưa là gì so với nỗi đau ngày ngày nhìn những đứa con càng lớn càng điên dại. Những đêm trở trời, đứa thì có ro một góc bếp, đứa thì vò đầu xé tóc đến chảy máu, đứa thì chạy la hét quanh làng đến xót xa…

Đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn phải lao động nuôi các con
Gạt dòng nước mắt lăn dài trên hai gò má gầy còm, bà nghẹn lời: “Có hôm đã hai, ba giờ sáng mà chẳng thấy con Minh đâu, đi tìm khắp nơi, mãi gần sáng mới thấy cháu nằm la lết ở chợ cuối làng, mặt mũi thì be bét máu, thương con cũng chỉ biết ôm nó khóc, rồi hai mẹ con ôm nhau ngồi vậy cả đêm, mãi đầu sáng mới đưa con về nhà”.
Cuộc sống của bốn mẹ con chỉ dựa vào mấy sào đất đồi trồng ngô và sắn, nương, rẫy. Thêm vào đó là số tiền lương công nhân về hưu và số tiền phụ cấp 120.000/tháng của các con những cũng chưa thấm vào đâu so với số tiền đưa các con đi khám bệnh, thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật.
Ở cái tuổi già lúc xế bóng, đáng lẽ bà Bình được vui thú với con cháu, an dưỡng tuổi già, nhưng bà phải mò mẫm kiếm miếng cơm, manh áo và phải chăm sóc cho ba người con điên dại. “Con dại, cái mang, tôi cam chịu cả đời, dù đói, dù no cũng cố chăm sóc các con. Chỉ lo tuổi già như ngọn đèn trước gió, lúc chết đi các con biết nương tựa vào ai…”.
Bà đang nghẹn ngào thì phía sau những đứa con điên dại đang cười ngặt nghèo.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Phạm Thị Bình, thôn 3, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
 
Top