Người Việt không có thói quen khám sức khỏe

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Dù tuổi thọ trung bình của người Việt là 73 nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 66. Như vậy, mỗi người đã mất 7 năm cho bệnh tật. Hiện nhiều người dân Việt vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe thường xuyên…

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp. Nhiều người không có thói quen khám bệnh, trong khi các bệnh như ung thư đều có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, đó là nhận định của ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ).


46% nam giới Việt Nam uống rượu hằng tuần.

Chất lượng sống chưa cao

Ông Trọng cho biết chất lượng dân số của nước ta còn thấp, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức trung bình (0,725 điểm). Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm tới 3%, số người khuyết tật vào khoảng 6,1 triệu người, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên. Còn đối với người cao tuổi, bệnh tật ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày chiếm một tỷ lệ rất cao, từ 53,5% - 73,5%, số ngày ốm trung bình của một cụ già trong một tháng là 2,4 ngày.

Theo ông Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, xu hướng bệnh tật ở nước ta đã có thay đổi, chuyển từ các bệnh nhiễm trùng sang các bệnh mạn tính không lây, các bệnh liên quan đến chế độ ăn không hợp lý, tiêu thụ nhiều năng lượng, chất béo và protit cũng đăng tăng lên. Theo một thống kê của Viện Dinh dưỡng, số ca tử vong do các bệnh mạn tính không lây như ung thư, tiểu đường, tim mạch… đã tăng từ 45% lên 60% vào năm 2008 trong khi số ca tử vong do nhiễm trùng đã giảm xuống còn dưới 20%.

Cần một lối sống lành mạnh

Ăn uống, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thế nhưng, trong khẩu phần ăn của nguời Việt Nam, ngũ cốc (gạo, sắn, khoai…) đang có xu hướng giảm đi rõ rệt, còn các thực phẩm như thịt, trứng có xu hướng tăng lên. Ông Tuyên cho rằng ăn tăng thịt không phải là xu hướng tốt bởi các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa việc ăn nhiều thịt với các bệnh tim mạch, ung thư… Các nước phát triển trên thế giới như Australia, Nhật Bản thường tăng lượng sữa, cá trong bữa ăn chứ không tăng thịt vì vậy, người dân nên sử dụng các loại thực phẩm có protit không béo như cá, đậu nành, đậu tương…

Còn theo thạc sĩ Trần Quốc Bảo, thành viên Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ ít hoạt động thể chất của người dân Việt Nam vẫn còn cao, theo kết quả điều tra năm 2009 thì 35,4% người dân ở thành thị bị xếp vào diện ít hoạt động thể chất. Điều đáng chú ý là độ tuổi có tỷ lệ ít hoạt động thể chất nhất lại là độ tuổi từ 25 - 34 tuổi (32,9%), trong khi những người lớn tuổi (55 - 64 tuổi) lại có xu hướng hoạt động thể chất nhiều hơn. Bên cạnh đó, có tới 46% nam giới uống rượu hằng tuần. ThS Bảo cũng cho hay ít hoạt động thể lực cũng là một nguyên nhân chính của bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và bệnh mạch vành.

Các chuyên gia cho rằng để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, người dân nên có ý thức và thực hành duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực hằng ngày.

(Tổng hợp)

http://www.vnmedia.vn/VN/nguoi_viet_khong_co_thoi_quen_kham_suc_khoe_73_237 067.html
 
Top