Nhà trường Nhật Bản: Bài 1: Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
(Kienthuc.net.vn) - Đến trường tiểu học của các con tháng này, tôi nhìn thấy trang trọng ở cửa lớp “khẩu hiệu” của tháng: Hãy chào hỏi bằng cả tấm lòng. Thầy giáo chủ nhiệm còn đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn: Hãy nhìn vào mắt người đối diện để chào hỏi.

Ở trường học của Nhật, các mục tiêu ứng xử cần giáo dục cho học sinh được cụ thể hóa bằng những hành vi cụ thể để các em áp dụng hàng ngày. Những khẩu hiệu hàng tháng có thể là: “Hãy thân thiện với bạn bè - Đối xử tốt với bất kỳ ai”; “Hãy giữ lời hứa - chú ý về thời gian”; “Hãy giữ sạch đẹp xung quanh mình!”


Khẩu hiệu “Hãy chào nhau bằng cả tấm lòng” trong trường học Nhật Bản

Hãy nhìn vào mắt người khác để chào hỏi - đó là hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu cho học sinh, là sự thể hiện sinh động của việc “chào hỏi bằng cả tấm lòng”. Giao tiếp mắt trong chào hỏi, nói chuyện thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, trao cho nhau sự thân ái, chân thành. Một câu ngắn, một hành động nhỏ nhưng thể hiện tính nhân văn cao của nền giáo dục, thể hiện ý nghĩa của câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” vẫn thường treo trang trọng trong các trường học ở Việt Nam.

Việc chào hỏi ở nhà trường Nhật được tiến hành cụ thể mỗi ngày, vào giờ sinh hoạt đầu buổi sáng. Đây chính là lúc học sinh học cách chào hỏi sao cho vừa đúng lễ nghi, vừa thể hiện tình cảm của mình với thầy cô. Khi ra về, cũng có chương trình nhỏ để thầy cô giáo và học sinh tổng kết một ngày, cảm ơn và chào nhau. Các bạn học sinh mỗi khi đến lớp hay ra về đều chào nhau vui vẻ.

Mỗi khi bắt đầu và kết thúc một tiết học, bằng cách này hay cách khác các em học sinh đều được học cách đón chào và cảm tạ giáo viên, ngược lại giáo viên cũng đáp lễ theo như là một nghi thức bắt buộc.

Trong quá trình dạy, các giáo viên cũng rất chú trọng uốn nắn cho học sinh của mình từ những việc nhỏ nhất trong ứng xử như vậy. Ở lớp tôi tham gia trợ giảng, khi một em học sinh ngượng ngịu nói câu tiếng Anh với bạn mình nhưng xấu hổ cúi xuống, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở ngay lập tức: “Em hãy nhìn vào mắt bạn và trả lời!”.

Ở đâu thì các bậc phụ huynh cũng mong muốn con mình phải là người xử sự khiêm tốn và trọng thị, trước khi giỏi giang hay thành đạt. Nhà trường nào cũng mong muốn học sinh vừa học tốt, vừa ngoan ngoãn. Nhưng làm sao để biến ước nguyện ấy thành hiện thực mà không phải là những lời nói suông, những khẩu hiệu sáo rỗng chung chung?

Tôi nghĩ rằng những mục tiêu lớn lao có lẽ cần được bắt đầu bằng những việc cụ thể thực hiện hàng ngày, hàng giờ… Những việc nhỏ được tiến hành kiên trì sẽ đưa đến những kết quả lớn lao, như trăm dòng nước nhỏ kết thành suối, trăm dòng suối thành sông, trăm sông làm nên biển lớn. Cứ kiên trì giáo dục những đức tính, cách cư xử tốt đẹp, nhân văn từ bé, lớn lên các em sẽ trở thành những công dân văn minh của thế giới.


Hà Linh (từ Nhật)
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Nhà trường Nhật Bản: Bài 2 Bé lớp 2 kể chuyện “bơi trong bụng mẹ”

Nhà trường Nhật Bản: Bài 2
Bé lớp 2 kể chuyện “bơi trong bụng mẹ”


(Kienthuc.net.vn) - Khi các con tôi học lớp 2, các bé được thực hiện một bài tập với chủ đề: “Chúng con đã lớn thế này rồi đấy”. Các em tìm hiểu về cảm xúc của bố mẹ khi các em còn trong bụng mẹ ra sao, khi sinh ra các em thế nào, quá trình phát triển cho đến lớp 2 có gì đáng nhớ.


Để chuẩn bị cho bài học này các em đã phỏng vấn bố mẹ, ông bà, anh chị, cũng như cố gắng nhớ lại những gì có thể nhớ. Cả lớp chia ra làm 4 nhóm, mỗi nhóm chừng 5-6 em, mỗi em kể trong vòng vài ba phút. Các em cũng mang theo những kỷ niệm, đồ chơi để minh họa cho chủ đề của mình.



"Bụng mẹ tớ nhiều nước lắm, tớ bơi trong bụng mẹ". Ảnh minh hoạ


Con ở trong bụng mẹ như thế nào?

Nhóm thứ nhất kể về lúc các em nằm trong bụng mẹ, từ những em đã được cha mẹ, ông bà kể lại.

Có em kể: “Mẹ em nói khi em còn trong bụng mẹ, em đạp mẹ nhiều lắm, làm mẹ em đau, nếu em biết mẹ đau thế em sẽ không đạp mẹ nhiều vậy!”

Một em khác nói: “Khi em còn ở trong bụng mẹ, bụng mẹ có nhiều nước lắm và em bơi trong bụng của mẹ.” Các em mang theo quần áo sơ sinh, ướm thử và ồ lên cười vì áo đã quá bé so với thân hình các em.


Tội nghiệp mẹ vì em đã bụ bẫm còn hay đòi bế

Nhóm thứ hai kể chuyện các em bắt đầu biết đi. “Em đã biết đi rồi mà không chịu đi, suốt ngày thích bế, không được bế thì khóc ầm ĩ. Hồi đó em bụ bẫm, giờ em nghĩ tội nghiệp mẹ em, bế em nặng chắc mệt lắm!”

Em thì kể mình thích uống sữa, lại thích chạy lung tung nên bắt mẹ chạy theo. Em thì thích tắm, muốn ở mãi trong bồn tắm, mẹ bắt ra thì khóc. Các em mang theo chú gấu bông đã luôn đi ngủ cùng em, quyển sách đầu tiên được mẹ đọc cho nghe, nhật ký mẹ ghi những ngày đầu tiên…


Em đi mẫu giáo

Trong nhóm ba, các em nhỏ hào hứng kể chuyện “lần đầu tiên đi học”. “Lúc đầu em không thích đi học mẫu giáo tẹo nào, buổi sáng nào em cũng khóc, nhưng sang đến năm mẫu giáo nhỡ thì em lại thích đi học lắm, sáng nào cũng giục mẹ: “Vẫn chưa đến giờ đi học sao?”

“Hồi đầu em đi mẫu giáo, ngày nào em cũng chờ đợi… giờ ăn nhẹ buổi chiều lắm. Em đi theo chân cô giáo, hỏi suốt, “Cô ơi, chưa đến giờ ăn ạ?” Các em mang theo những cái túi xách nhỏ nhỏ, quần áo đồng phục, sổ liên lạc dùng thời học mẫu giáo làm minh họa.


Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra con

Sau khi các nhóm chia sẻ, cô giáo cho các bạn nhỏ viết ra cảm nghĩ của mình về buổi học. Phần lớn các em viết: “Thật hạnh phúc khi được mẹ sinh ra, được làm con của bố mẹ”, “Cảm ơn mẹ đã sinh ra con”, “Cảm ơn cha mẹ đã vất vả vì con”, “Cảm ơn các bạn nhiều”… Những lời cám ơn đó được nói ra từ trái tim ngây thơ, trong trẻo nghe rất cảm động.

Cô giáo đã khóc nhưng cũng đã cố gắng hát vài ba câu tặng các em: “Trời mùa xuân hoa anh đào nở đẹp tuyệt, tôi xúng xính quần áo mới, trái tim bồi hồi nắm chặt tay mẹ cùng đi đến trường…”.

Trước đó vài tuần cô giáo đã yêu cầu phụ huynh viết thư cho các em theo kiểu như lời nhắn nhủ tới con yêu khi con vẫn nằm trong bụng mẹ, thư được giữ kín và gửi cho cô giáo. Ở lớp các em được cô giáo cho đọc các bức thư của bố mẹ gửi cho mình. Cô giáo cho hay là các em đã rất xúc động và vui sướng khi đọc những bức thư đó, có em đã khóc.


Hà Linh (từ Nhật)
http://bee.net.vn/channel/1988/201207/Be-lop-2-ke-chuyen-boi-trong-bung-me-1842295/
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Bài 3 Nhà trường Nhật: Cô bé viết thư cho mình 10 năm sau

Bài 3
Nhà trường Nhật: Cô bé viết thư cho mình 10 năm sau

19/07/2012

(Kienthuc.net.vn) - Trong chương trình học lớp 4, các em học sinh được yêu cầu lược thuật về 10 năm đầu đời và nói lên mơ ước tương lai của mình. Một bài tập đơn giản nhưng hé mở nhiều điều về cuộc sống của trẻ em và cách giáo dục trong nhà trường Nhật Bản.

(Kienthuc.net xin giới thiệu phần tự thuật của em Yamamoto Rin, học sinh một trường Tiểu học tỉnh Saitama. Đây cũng là một bài tập bố mẹ có thể cho con mình thực hiện, giúp bé nhớ lại những ký ức tuổi thơ).


Từ 0-2 tuổi

Tôi được sinh ra năm 2000 ở Tokyo. Khi đó tôi cân nặng 4 kg và cao chừng 50cm. Lúc 1 tuổi, tôi biết đi chập chững và biết nói một chút ít. Lúc 2 tuổi, tôi đã có thể nói rất nhiều.


Giai đoạn mẫu giáo: 3 đến 6 tuổi

Tròn 3 tuổi, tôi đi học trường Mẫu giáo Shinfutaba. Lúc đầu tôi rất lo sợ. Các bạn thường bảo với tôi: “Không sao đâu, sẽ ổn thôi, lại đây chơi với tớ nào!”, nhờ vậy tôi yên tâm hơn. Cũng vào thời gian đó tôi bắt đầu học bơi, học balet. Tôi rất yêu thích balet và bơi lội. Hình như là tôi đã tích cực luyện balet ở nhà thì phải.

Lúc 5, 6 tuổi, tôi bắt đầu tập đi xe đạp, một khi đã cưỡi lên xe thì tôi đạp rất nhanh vì thế nhiều lần tôi bị ngã và khóc nức nở. Nhưng sau 1-2 tháng, tôi có thể cưỡi xe đạp thành thạo.



Bức hình em Yamamoto Rin tự vẽ minh họa về 10 năm đầu đời của mình, từ khi còn là em bé sơ sinh đến lúc trở thành người làm bánh khi đã lớn.


Lúc này tôi cũng tốt nghiệp trường mẫu giáo Shinfutaba và bắt đầu học trường tiểu học Ueno. Tại Lễ tốt nghiệp trường mẫu giáo, tôi đã khóc, bạn bè tôi và các thầy cô giáo cũng khóc. Mẹ mua cho tôi chiếc cặp màu hồng, và tôi vui vẻ vào trường tiểu học Ueno.


Từ lớp 1-3

Khi còn là học sinh lớp 1, tôi rất kém trong khoản đi bộ từ trường về nhà, ở ngã ba đèn xanh đèn đỏ thì nhóm trưởng bỏ tôi lại và mọi người về nhà trước tôi. Đôi khi cô giáo Yasube đi cùng với tôi, nhưng khi không có cô thì mọi người lại đi trước tôi mất, vì vậy việc có cô đi theo chẳng có mấy ý nghĩa. Lên lớp 3 thì mọi người được tự do đi từ trường về nhà nên tôi rất vui sướng.


Giai đoạn hiện nay

Tôi muốn đời tôi mãi tốt đẹp như thế này.

Ước mơ của tôi trở thành người làm bánh giỏi. Bởi vì làm bánh kẹo rất vui, mọi người ăn rồi khen ngon thì thật là sung sướng và thể nào cũng thích làm tiếp lần khác.

Thư tôi gửi cho mình 10 năm sau: “10 năm sau nữa bạn sẽ trở thành người làm bánh giỏi và làm ra bánh ngon đúng không? Vậy hãy làm ra những chiếc bánh tuyệt vời nhé!”



Chiếc bánh mơ ước của Yamamoto Rin


Hà Linh (từ Nhật Bản)
http://bee.net.vn/channel/5421/201207/Nha-truong-Nhat-Co-be-viet-thu-cho-minh-10-nam-sau-1842344/
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Nhà trường Nhật Bản: Bài 4 Bé “đấu tranh tinh thần” để nhường ghế cho bà bầu

Nhà trường Nhật Bản: Bài 4
Bé “đấu tranh tinh thần” để nhường ghế cho bà bầu

20/07/2012

(Kienthuc.net.vn) - Ở Nhật, mọi người đi tàu điện thường phải trải qua hành trình khá dài và mệt mỏi, nếu nhường ghế thì sẽ không bao giờ được ngồi cả. Bởi vậy, bé Watanabe (học sinh lớp 4) đã phải “đấu tranh tinh thần” để nhường ghế cho một bà bầu!



Đi tàu điện ở Nhật: Nếu nhường ghế sẽ không bao giờ được ngồi


“Một ngày, tôi và gia đình lên tàu điện để đi chơi. Ngày hôm trước tôi vận động rất nhiều nên cơ thể rã rời. Tìm được ghế trống, tôi sung sướng ngồi xuống. Phải 4 ga nữa mới xuống nên đứng thì mệt phải biết!

Chợt có một phụ nữ mang thai lên tàu. Cô ấy tìm ghế trống mà không có nên trông chán nản lắm. Hàng ghế dành riêng cho bà bầu, người già đã chật kín. Tôi muốn nói “Xin mời ngồi” nhưng mà ngại quá nên giả vờ không biết gì và nghĩ thầm: “Người khác chẳng nhường chỗ thì mình không nhường cũng có sao đâu”.

Tôi chẳng nghĩ đến người mẹ đó nữa. Đúng lúc đó thì tàu lắc lắc, tôi nghĩ: “Nguy hiểm quá!”, nhưng cô ấy nắm chắc tay nắm của tàu nên chẳng sao cả. Tôi buột miệng nói: “Cháu mời cô ngồi ạ!”. Tôi nói hơi to nên mọi người quay nhìn tôi, chao ôi, ngượng quá! Tôi nghĩ mình cần phải làm điều cần làm và đứng dậy rời chỗ ngồi. Bà bầu nói “Cảm ơn cháu!” và thở phào ngồi xuống ghế.

Một lần nữa tàu lại lắc lắc. Bà bầu ổn không sao cả. Tôi nghĩ trong lòng “Mình nhường ghế cho cô ấy thật đúng lúc”!. Chẳng mấy chốc tàu tới nơi, bà bầu cười nói: “Cảm ơn cháu nhiều!”. Tôi sẽ nhớ mãi điều này. Từ nay tôi sẽ tiếp tục nhường chỗ”.


Hà Linh (trích bài luận của bé Watanabe, học sinh lớp 4 ở tỉnh Saitama)
http://bee.net.vn/channel/1988/201207/Be-dau-tranh-tinh-than-de-nhuong-ghe-cho-ba-bau-1842433/
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Nhà trường Nhật Bản: Bài 5 Giáo dục đặc biệt ở Nhật: 10 học sinh, 6 giáo viên

Nhà trường Nhật Bản: Bài 5
Giáo dục đặc biệt ở Nhật: 10 học sinh, 6 giáo viên

21/07/2012

(Kienthuc.net.vn) - Cả trường tiểu học có một lớp dành cho các em khuyết tật từ lớp 1 đến lớp 6. Em bị thiểu năng trí tuệ, hầu như chẳng hiểu mình làm gì. Em bị bệnh down, cực nhạy cảm, động tí thì khóc tu tu. Có em trông khỏe mạnh, khôn ngoan nhưng hiếu động quá mức, không kiểm soát được hành vi của mình.


Các em đều đáng thương, nhưng cũng cực may mắn, vì vẫn được đến trường, chăm sóc dạy dỗ chu đáo như mọi em bé bình thường khác.

Lớp có 10 học sinh thì có tới 6 giáo viên. Với trường hợp nặng, 1 cô giáo kèm 1 học sinh suốt cả ngày. Bé nào có sức khỏe, trí tuệ tốt hơn thì 2 trò 1 cô. Sự phân công như thế cũng chỉ là tương đối vì các cô phối hợp với nhau rất hài hòa, linh hoạt.

Cậu bé Yuta 9 tuổi học lớp 3, nhưng người cậu cứ nhũn ra như một cọng bún. Thầy giáo dạy tiếng Anh thì Yuta mang bút ra hí hoáy vẽ con bọ cạp. Cậu luôn ngọ ngoạy và cứ như là sẽ nằm lăn ra ghế, ra sàn. Cô giáo phụ trách phải ngồi cạnh và theo sát cả ngày, chăm cậu y hệt một em bé sơ sinh, không chiều theo ý muốn của cậu mà vẫn theo yêu cầu học tập của cả lớp.



Mọi trẻ em đều phải được đến trường. Ảnh minh hoạ


Cô bé Mira học sinh lớp 5, bị tăng động giảm chú ý, thường chỉ làm theo ý mình, cấm ca cấm cảu, luôn chống lại yêu cầu của giáo viên. Có giờ học, bé hoàn toàn không theo lời giáo viên một chút nào, lúc đó một cô phải đến ngồi cạnh và yêu cầu bé: “Em viết đi nhé, các bạn đang viết đó kìa, em không được làm thế!”

Thoạt tiên bé phản ứng, xoay người lại với các bạn và giáo viên, gây ồn ào nhưng sau những nỗ lực của cô giáo nghiêm khắc nhưng bình tĩnh, thì Mira cũng chịu viết.

Cậu bé Kai bị bệnh down. Lúc học tiếng Anh, giáo viên yêu cầu nhặt 2 viên bi bỏ vào vòng tròn để đếm số 2, cậu không chịu, cô giáo cầm tay cậu giúp cậu cho viên bi vào, thế là cậu khóc ầm ĩ cả giờ đồng hồ, mũi dãi ròng ròng. Cô giáo nhẹ nhàng lau mặt cho cậu, vừa nghiêm khắc: “Kai cần phải nghe chỉ dẫn của thầy giáo chứ...”

Vào giờ ăn trưa các em ăn cùng nhau tại phòng dành riêng cho sinh hoạt của lớp khuyết tật. Các cô giáo lớp khuyết tật không được nghỉ trưa, vừa tranh thủ ăn vừa theo dõi các em học sinh. Các cô ngồi xen kẽ với các em để bảo đảm là các em được ăn no và không phá phách trong giờ ăn.

Tuyệt nhiên không hề thấy một thoáng cau mày, một chút khó chịu hay bực bội trên khuôn mặt của các cô giáo cho dù là cô giáo trẻ. Họ luôn nở nụ cười, và giọng nói dù nghiêm khắc nhưng vẫn dịu dàng. Khi các em đi vệ sinh, các cô cũng phải đi theo giúp đỡ, thậm chí các em lớn nhưng không kiểm soát được đại tiểu tiện, các cô cũng phải lau dọn sạch sẽ cho các em.

Các em học sinh lớp khuyết tật có một lớp dành riêng cho mình, nhưng cũng tham gia giờ học thể dục và một số giờ học với các bạn khác trong trường. Mỗi khi các em học hòa nhập thì một cô giáo phải đi kèm, giúp em ngồi học ổn định không quá làm phiền các bạn khác. Các em tham gia toàn bộ các hoạt động khác bình đẳng với các học sinh khác như là biểu diễn văn nghệ, tham gia lễ hội thể dục, các hoạt động ngoại khóa bình thường nhưng với sự chăm sóc sát sao luôn của các cô giáo của mình.

Các em học sinh khác đối xử với các bạn học sinh đặc biệt rất công bằng, bình đẳng không tỏ ra chú ý đặc biệt như nhìn chằm chằm, chỉ trỏ, bình luận, giễu cợt...

Trường công lập là của Chính phủ lập ra, dùng Ngân sách từ tiền thuế của dân để chi trả lương cho giáo viên, những nhân viên của trường, và phục vụ cho quyền được đi học, được đến trường của tất cả mọi công dân ở tuổi đến trường. Và vì thế các em nhỏ như tôi kể cho các bạn nghe đó đều được đến trường, được học tất cả những gì các bạn khác được học.

Trong cái không may của cả đời người, các em nhỏ khuyết tật ít ra cũng ấm lòng khi nhận được sự tôn trọng, yêu thương bằng những hành động cụ thể của Chính quyền, xã hội, nhà trường. Cha mẹ, gia đình của các em dù mãi mãi sẽ có những nỗi lo buồn riêng của họ, nhưng ít ra cũng cảm nhận được sự chia sẻ của cộng đồng...

Tôi chạnh nghĩ tới hình ảnh người em trai bị bệnh down của một cô bạn học cấp 1 ngày xưa. Em ấy bị bệnh và đương nhiên là không thể đến trường, em thường đứng loanh quanh ở cổng nhà, các bạn đi học về trêu em thì em cười ầm ĩ. Không ai hiểu em cười vì vui hay vì tức giận.

Trẻ em bị khuyết tật, down, tự kỷ, tăng động giảm chú ý… ở mình, biết bao giờ mới được đến trường?


Hà Linh (từ Nhật)
http://bee.net.vn/channel/1988/201207/Giao-duc-dac-biet-o-Nhat-10-hoc-sinh-6-giao-vien-1842516/
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Trường Nhật Bản: Các bé “lăn vào bếp”

Trường Nhật Bản: Các bé “lăn vào bếp”
22/07/2012

(Kienthuc.net.vn) - Ở Nhật, không có cảnh cả nhà hì hụi làm bài tập thủ công cho con cháu, hay ra chợ mua rổ, rá… đưa lên cô giáo chấm điểm. Học sinh, con gái cũng như con trai đều phải thực hành nghiêm túc, tự mình làm bài tập nấu ăn, may vá.


Tối nay con trai vào bếp, lấy một ít gạo, chuẩn bị khăn bịt đầu, tạp dề sáng mai mang tới trường cho môn học Thường thức gia đình ở lớp 5. Bé hào hứng: “Ngày mai chúng con sẽ học nấu cơm, làm món canh misou mẹ ạ!”

Mỗi tuần, học sinh lớp 5, 6 có 1 tiết học Thường thức gia đình như là một môn học chính.

Các em được học những điều gần gũi, thiết thực trong đời sống hàng ngày, những điều mà mỗi người phải biết để tồn tại, như các dụng cụ nấu bếp, cách thức nấu một số món ăn đơn giản, cách sử dụng những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu, cách thức quét dọn, sắp xếp nhà cửa, tới cả việc giặt giũ, phơi phóng và gấp quần áo…



Bài học về cách rửa, cắt thái rau củ quả…


Không dạy nấu ăn, công việc gia đình chủ yếu bằng cách… đọc, chép, học sinh ở đây có các tiết thực hành nghiêm túc, đầy đủ các công đoạn: từ chuẩn bị vật liệu, rửa, cắt đến nêm, nấu.



Các em thực hành làm bánh bao tại lớp học


Ở Nhật hoàn toàn không có cảnh bà, mẹ hì hục may, vá bài tập cho con, hay đổ xô đi mua rổ, rá… ngoài chợ về cho cô giáo chấm điểm. Các em phải tự mình hoàn thành bài tập, không được nhờ ai làm giùm.



Bé Yamamoto Kan, học sinh lớp 5 đang tự mình làm bài tập may hộp đựng bút


Các bé đều có một hộp may vá gồm kéo, kim chỉ, thước đo, một ít vải các màu. Bé gái cũng như bé trai đều phải biết làm một số việc đơn giản như may các đường khâu cơ bản, đơm khuy áo, học cách cắt may quần áo, tạp dề, các loại túi xách, túi đựng giày đi ở trường, đựng quần áo thể dục…



Sau một buổi tối cặm cụi, Yamamoto Kan đã may xong hộp bút


Nhờ được học nghiêm túc từ những điều đơn giản, những kỹ năng thiết yếu, các bé kể cả bé trai lớp 5, 6 ở Nhật giúp cha mẹ được nhiều việc như dọn dẹp, nấu được những món ăn cơ bản. Bé Julia - hàng xóm - mỗi lần sang nhà tôi đều “lăn vào bếp”, tự mình đạo diễn salad rau củ, cơm chiên, trứng cuộn, trứng xào…



Bé Julie (10 tuổi) đang làm món cơm cuộn trứng


Hà Linh (từ Nhật)
http://bee.net.vn/channel/5421/201207/Truong-Nhat-Ban-Cac-be-lan-vao-bep-1842597/
 
Top