Nhân chứng sống cho bệnh nhi ung thư

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Nhân chứng sống cho bệnh nhi ung thư

SGTT.VN - Hộ lý Lê Thị Lan, khoa nội nhi, bệnh viện K. trung ương (cơ sở 2 Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lật từng tấm ảnh bệnh nhân mà chị đã tiếp xúc, chăm sóc và gọi rõ tên tuổi, bệnh cảnh cùng tình trạng sức khoẻ của từng người. Hơn mười năm trước, chính chị cũng lâm vào hoàn cảnh như bệnh nhân của mình khi vừa bước qua tuổi 30 với một gia đình hạnh phúc, công việc ổn định.


Hộ lý Lan chăm sóc bệnh nhi đang điều trị trong khoa.

Vô vọng đếm từng giọt truyền

Hồi đó, chị vừa chân ướt chân ráo vào làm tại bệnh viện K. trung ương. Hàng ngày, tiếp xúc với những số phận éo le, nhất là các bệnh nhân còn quá nhỏ chưa hiểu hết bệnh tật các cháu mang trong người, chị Lan thấy mình thật may mắn khi có được sức khoẻ tốt. Chị đem hết sức lực và tấm lòng cứu giúp những số phận éo le mà không nghĩ một ngày nào đó mình cũng mắc phải căn bệnh ung thư.

Khi cậu con trai mới học lớp 3, cô con gái bé bỏng tròn hai tuổi vừa dứt sữa mẹ, chị Lan thấy trong người có những cơn mệt mỏi kéo dài, cân nặng giảm nhanh chóng. Nghĩ mình bị suy nhược cơ thể, chị cẩn thận đi kiểm tra sức khoẻ ở một cơ sở y tế bên ngoài và được chỉ định dùng thuốc bổ. Sau đó, thấy sức khoẻ không khá hơn, chị nhờ các bác sĩ trong viện khám cho. Kết quả làm chị và gia đình bàng hoàng: chị bị ung thư nhau thai!

Khỏi phải nói, khi nhận kết quả từ bệnh viện, tinh thần chị Lan suy sụp hẳn. “Hàng ngày mình vẫn an ủi bệnh nhân là y học ngày càng hiện đại sẽ có cách điều trị bệnh ung thư. Thế nhưng, khi mình gặp hoàn cảnh đó mới thấy hết sự tuyệt vọng: Không biết bệnh tật của mình sẽ ra sao? Còn gia đình, người thân và các con... Các cháu còn quá bé, nhất là cô con gái vừa cai sữa phải gửi bà ngoại trông giúp”, chị Lan nghẹn ngào kể lại.

Suốt sáu tháng ròng chị chống chọi với căn bệnh quái ác. Khi chị lên giường mổ, chính PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, giám đốc bệnh viện E Trung ương, nguyên phó giám đốc bệnh viện K Trung ương trực tiếp phẫu thuật cho chị. Sau ca phẫu thuật thành công, chị được các đồng nghiệp, bác sĩ chữa trị chu đáo. Chị được truyền hoá chất và xử lý các tế bào ung thư triệt để. Tháng 4.2001, chị đi làm trở lại.

Chị Lan may mắn có một gia đình hạnh phúc với người chồng là đồng nghiệp hết mực yêu thương vợ, hai đứa con ngoan luôn ở bên tiếp sức. Một động lực quan trọng không kém giúp chị đủ nghị lực chiến thắng bệnh tật là sự chăm sóc, chữa trị tận tình của tập thể bác sĩ bệnh viện K. Thế nhưng, chị cũng không khỏi lo lắng. “Những lần nằm truyền hoá chất, ngước mắt lên đếm từng giọt truyền mà chảy nước mắt. Trong lòng nhiều suy nghĩ dồn về khiến mình chán nản, tủi thân và tuyệt vọng. Nghĩ mình bệnh một, thương chồng con mười”, chị Lan kể.

Do thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, chị phần nào hiểu được căn bệnh nguy hiểm này. “Có thể điều trị khỏi với người này nhưng lại không may mắn với người khác. Mình sẽ nằm trong số nào đây? Nhưng mình có hiểu biết về bệnh nên tự động viên không thể bi quan”, chị Lan nói.

Bác sĩ Trần Văn Công, trưởng khoa nội nhi, bệnh viện K Trung ương (cơ sở 2 Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), người điều trị và theo dõi sức khoẻ cho chị Lan cho biết: “Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư nhau thai sẽ di căn đến những cơ quan nội tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Các biểu hiện ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo, ra dịch, mệt mỏi... Khi có biểu hiện bất thường nên đi khám, qua siêu âm, xét nghiệm sẽ phát hiện bệnh. Với trường hợp của chị Lan, đến thời điểm này mọi thứ đều ổn định, chưa có bất thường gì. Chị vẫn được theo dõi, khám định kỳ”.

Niềm vui đã quay trở lại

Một phép mầu đã đến với chị: các kết quả kiểm tra sau một thời gian điều trị đều tốt. Các tế bào ung thư đã triệt hẳn, không có dấu hiệu di căn. Sức khoẻ chị Lan trở lại ổn định. Mỗi sáu tháng chị đi kiểm tra một lần. Thật vui là không có một dấu hiệu bất thường nào. Chị Lan vừa nói chuyện, vừa đưa ra các giấy kiểm tra sức khoẻ trong hơn mười năm qua.

Thời kỳ đang điều trị bệnh, chị Lan chỉ còn 42kg, giờ đây chị đã trở về với số cân 52, da dẻ trắng hồng. Nhìn những bước chân thoăn thoắt tới lui chăm sóc bệnh nhân của chị, nếu không nói thì chẳng ai biết chị cũng từng chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Trở lại với công việc thường ngày, chị quên đi mọi bệnh tật đã qua. Cũng giống như bao hộ lý khác, chị Lan chăm sóc, hướng dẫn các bệnh nhi vui chơi và sống với tuổi thơ hồn nhiên của mình. “Mình phải là nhân chứng sống cho các cháu và người nhà bệnh nhân vượt qua quãng thời gian khó khăn. Các cháu còn quá nhỏ để hiểu hết căn bệnh đang phải chống chọi. Mình đã từng trải qua những ngày tháng lo lắng như vậy nên hiểu tâm trạng của người bệnh”, chị Lan chia sẻ.

Chị không dám mơ ước có được may mắn lần thứ hai. Giờ đây chị chỉ mong có sức khoẻ tốt để được sống bên gia đình hạnh phúc. Hai con chị, cháu lớn đang học đại học Cảnh sát nhân dân năm thứ hai, cháu bé đã học lớp 8. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời chị. Chị cũng không bao giờ quên những bệnh nhân của mình. “Mình mong với sự tiến bộ của y học, sẽ có nhiều loại thuốc chữa khỏi bệnh ung thư cho mọi người. Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận đã cho mình được như hôm nay”, chị Lan nghẹn ngào.

BÀI VÀ ẢNH: LỆ HÀ

Nguồn : http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/162609/Nh...i-ung-thu.html
 
Top