ALnML
Super Moderator
Nhớ ba
Cả đại gia đình mình tề tựu đông đủ trong ngày giỗ ba. Nhìn thịt cá ê hề, con nhớ những ngày gia đình thiếu ăn, ba mẹ phải chạy vạy từng lon gạo và nhịn phần để anh em con được no.
Con không thể quên những lần ba nhường miếng thịt nhỏ xíu, nhường chén cơm trắng hiếm hoi cho con để con đủ sức học hành. Con nhớ hoài những lần ba đem cơm cá ở cơ quan về cho con. Đó là suất ăn trưa của ba mà ba đã nhín lại cho con.
Không ít lần đi làm về, thấy con đói meo, ba lật đật bỏ cặp ngoài hàng ba, rồi quày quả ra khỏi nhà và hơn một tiếng đồng hồ sau, ba mang về túi gạo nho nhỏ, nấu cơm. Chan nước mắm vào bát cơm, con ăn ngon lành.
Có lần nhà mình hết củi, ba chặt chân bàn chụm lửa. Lúc ấy, mấy anh em con chỉ trên dưới mười tuổi, vào ngày chủ nhật thường theo ba vào bìa rừng chặt chà về phơi khô để chụm lửa.
Nếu không đi kiếm củi, ba đi câu cá, bởi vậy không ít lần tụi con được ăn cá cuộn lá lốt với khoai mì, chấm nước mắm thay cơm.
Nhà mình ở gần trường học. Suốt những năm cấp 1, con đi bộ đến trường, ba mẹ khỏi đưa đón. Đầu năm lớp 7, mẹ động viên con thi vào lớp chuyên toán. Con thi đậu, ba mẹ mừng rỡ nhưng lại lo vì trường cách nhà hơn một cây số, đường xá xe cộ tấp nập, thế là hàng ngày ba phải còng lưng đạp chiếc xe cọc cạch đưa con đến trường.
Những năm đèo con đi học, hai cha con có biết bao kỷ niệm, khi thì xe bể bánh không đủ tiền vá; khi thì xe hư xích, con đến trường muộn khóc thúc thít.
Con được tuyển thẳng vào cấp 3. Ngày con đi thi đại học, hai cha con đùm túm khăn gói xuống Sài Gòn ở trọ nhà cậu mợ. Ba đèo con đến trường thi bằng xe đạp. Con vào phòng thi, ba ngồi dưới gốc cây phập phồng đợi hết giờ thi. Con hỏi ba sao không vào quán nước ngồi ghế cho thoải mái, ba nói để dành tiền ăn trưa.
Con đỗ đại học với số điểm khá cao, lẽ ra được đi du học nhưng vì một lý do khách quan, con học trong nước sau một năm ra Hà Nội tập trung ở trường đại học ngoại ngữ. Lúc ấy ba mất ăn, mất ngủ vì buồn.
Suốt năm năm ngồi trên giảng đường, con ở ký túc xá sinh viên. Hàng tuần, con gom quần áo dơ nhét đầy túi xách mang về nhà. Dạo ấy, nhà mình chưa có máy giặt. Mẹ bận việc trường lớp, việc chợ búa cơm nước mỗi ngày. Ba giặt đồ cho con, con vẫn còn nhớ dáng gầy gầy của ba ngồi vò từng cái áo, cái quần. Nghĩ lại, con vô tâm quá, cứ chúi đầu chúi mũi vào sách vở cả ngày không mó tay phụ việc nhà, ba mẹ cáng đáng hết mọi việc để con dồn tâm trí cho việc hoc. Thấy ba mẹ cực khổ, con quyết tâm thành đạt để giúp đỡ ba mẹ.
Không phụ lòng ba mẹ, tốt nghiệp đại học loại giỏi, con được đi thực tập nước ngoài. Ra trường, con được nhận vào làm ở một công ty đa quốc gia với đồng lương rất khá. Từ đó, ba mẹ phần nào qua cơn túng thiếu.
Con ra trường gần hai năm, đọc báo thấy mấy dòng tuyển sinh sau đại học, mẹ khuyên con dự thi. Con còn phân vân thì mẹ dứt khoát: “Cần chữ nghĩa hơn tiền bạc”. Con thi đỗ có học bổng. Mấy năm học trôi nhanh. Tốt nghiệp loại giỏi và ngoại ngữ khá, con đi làm lại rồi vài năm sau con được hưởng đồng lương nhiều người mơ ước.
Ba về hưu. Cũng ngộ, hồi còn đi làm, ba ít đau ốm. Khi ở nhà, bệnh suyễn cứ hành hạ ba khi trái gió trở trời, cứ vào viện lại ra viện. Sau một lần lên cơn khó thở vào nửa đêm, ba được đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn, ba nhắm mắt ra đi khi con đang tu nghiệp ở Nhật.
Mới về hưu chưa đầy hai năm, ba vĩnh viễn ra đi. Giờ đây nhà mình khá giả hơn xưa, năm nào cũng làm giỗ ba linh đình.
Ba ơi, mâm cao cỗ đầy nào có ý nghĩa gì đâu khi con không còn cơ hội phụng dưỡng cha già. Đó là điều con hối tiếc nhất từ năm năm qua.
Đánh giá của bạn về bài viết
Nguyễn Thị Cúc (Đồng Nai)
http://nld.com.vn/2011082209090390p1222c1223/nho-ba.htm