Nhỏ không dạy, lớn vô tâm

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Nhỏ không dạy, lớn vô tâm

Quan niệm con còn nhỏ, từ từ dạy hoặc quá cưng chiều, sợ con khổ mà giành làm tất cả mọi việc, cha mẹ sẽ vô tình tạo ra những người lớn hư hỏng, vô tâm về sau.
Một buổi tối, tôi ghé vào quán ăn của người bạn trên đường Võ Văn Tần (quận 3 - TPHCM). Vừa kéo ghế định gọi món, bé Hoài Phương, con của bạn, đã nói trống không: “Sao ngày nào cũng tới đây ăn chực hoài vậy?”. Mặc cho tôi đỏ mặt trước các thực khách, bạn tôi bật cười: “Con bé lém quá!”. Thấy mẹ ủng hộ, bé Phương càng khoái chí bồi thêm vài câu nữa.

Nhỏ không dạy

Là “khách quen” của tiệm ăn này từ khi bé Phương còn chập chững, tôi cũng không lạ gì lối nói không đầu không đuôi với người lớn của con bé. Nhưng quả thật không ít lần “chết đứng”, bực mình trước kiểu “con hát mẹ vỗ tay” như thế. Phương là con gái đầu lòng, bạn tôi cưng con hết chỗ nói, chưa bao giờ chị dám la con hay chỉnh sửa những câu nói của con. Biết con nói năng, ứng xử không tốt, anh Thanh, ba của bé, nhiều lần nhắc nhở vợ nhưng vì anh đi làm xa, thường vắng nhà nên cũng chỉ nhắc vậy thôi. Thời gian gần đây, vài người quen mắng về thái độ của con bé, vậy là anh chị lại cãi nhau về cách dạy con.


Minh họa: Nguyễn Tài​

Chị hàng xóm của tôi cũng có kiểu “dạy” con khá lạ lùng. Bé Quân (7 tuổi) trắng trẻo, mập mạp, khuôn mặt dễ nhìn, ai thấy cũng thích nhưng hễ có ai ôm hôn, nựng nịu…, thằng bé tỏ thái độ khó chịu và mắng ngay: “Đồ vô duyên!”. Nghe con nói vậy, mẹ Quân lại… xúi: “Con chửi họ đi, con người ta mà cứ ôm hôn hoài, ghê quá!”.

Một lần, bạn của anh Quân đến chơi, thấy Quân đang đứng ở tiệm bán đồ chơi bèn hỏi Quân mua gì? Không thèm trả lời, Quân cắm cúi lựa những thứ nó thích, rồi chìa trước mặt cô gái, nói gọn lỏn: “Trả tiền nhé, mẹ em đỡ tốn”. Cộng tất cả gần 200.000 đồng, cô gái lúng túng vì không đủ tiền, Quân nói ngay: “Không có tiền cũng đi chơi”. Vừa lúc đó, mẹ Quân đến. Không cản thằng bé vòi vĩnh quà người khác, chị nói: “Có nhiêu lấy nhiêu, thiếu thứ nào bữa khác mẹ mua cho con, hén!”.

Lớn vô tâm

Cũng từ quan niệm con còn nhỏ, từ từ sau này lớn rồi tính và cũng vì thương con, không muốn con cực khổ, nhiều cha mẹ giành làm hết mọi việc để rồi lớn lên, con thành người lớn “hư hỏng”, không biết làm bất cứ việc gì, thậm chí vô tâm khi cha mẹ ốm đau.

Chị Thủy hiếm muộn, chạy chữa khắp nơi tốn thời gian, tiền của, đến khi có tuổi, chị sinh liên tiếp ba đứa con cả trai lẫn gái. Chưa kịp mừng, một thời gian sau, công việc làm ăn thất bại. Thương con chịu thiệt thòi, anh chị tất bật làm thuê đủ nghề kiếm tiền để các con không thua kém bạn bè. Khi con trai lớn vào lớp 10, anh ra đi vì bệnh nan y, mình chị lo cho ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Dẫu đã lớn nhưng cả ba đứa con của chị không giúp mẹ việc gì, kể cả nấu cơm hay dọn dẹp nhà cửa. Chị đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, về nhà phải phục vụ các con nên chưa tới 2 năm đã ngã quỵ. Vậy mà khi chị bệnh, chẳng đứa nào nấu được chén cháo hay đi mua giùm viên thuốc.

“Cũng vì quá cưng chiều con mà hôm nay tôi mới vô phước thế này. Muốn được uống ly nước do con pha, ăn chén cháo con nấu mà sao khó quá” - chị Thủy nói trong nước mắt. Còn các con chị cho rằng không phải các cháu không thương mẹ nhưng “chưa bao giờ làm việc gì nên không biết phải làm sao…”. Từ nhỏ đến giờ, mọi việc đều có người làm, các cháu chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết cần phải “cho”. Vậy nên, mẹ bệnh nằm một chỗ, các cháu vẫn vô tư ngồi xem phim, lên mạng chơi, đói bụng thì ra ăn cơm tiệm.

Còn anh Trung, 35 tuổi, đã có vợ con nhưng rất thờ ơ trước những việc trong nhà. Tủ lạnh bị nghẹt gas, anh mặc kệ. Vòi nước nhà bếp tắc, cống bị nghẽn… anh cũng chẳng bận tâm. Trung mặc nhiên xem đó là chuyện của cha, dù ông đã gần 70 tuổi. Mỗi lần được con trai báo “sự cố”, ông cụ lại lụm cụm đi giải quyết. Thấy cha chồng tội nghiệp, vợ anh phải ráng học hỏi để tự làm những công việc của người đàn ông trong gia đình.

Vợ anh Trung than thở: “Lấy một người chồng không biết làm gì, không biết chia sẻ, chỉ muốn được người khác phục vụ, tôi rất buồn. Tôi quyết dạy dỗ các con thật nghiêm khắc để con tháo vát và biết sống vì người khác. Ít ra điều đó cũng sẽ đem lại cho gia đình riêng sau này của nó niềm hạnh phúc vẹn toàn”.

Theo Người lao động
 
Top