Những bà mẹ tự biến thành "ô sin"

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Những bà mẹ tự biến thành "ô sin"[/h] GiadinhNet - Nhiều bà mẹ yêu con một cách mù quáng nên đã làm hết việc cho con, thỏa mãn hết mọi nhu cầu của con.


Nhưng chính tình yêu thương vô bờ bến của các bà mẹ lại biến thành sự nuông chiều, khiến cho trẻ hình thành lối sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ.
8 tuổi chưa biết tự ăn

Hiếu, con trai chị Mai dù đã 8 tuổi, chuẩn bị lên lớp 3 nhưng gần như chưa biết chuẩn bị đồ dùng học tập, chưa biết tự vệ sinh cá nhân... Thậm chí, đến bữa chị Mai vẫn đút cơm cho cậu ăn.

Hiếu vẫn bám mẹ như trẻ lên ba, đi ngủ phải có mẹ ôm thì mới ngủ được. Trong khi cơ thể của Hiếu phát triển rất tốt, nặng 32kg, cao 1m31... Chị Mai cho biết, nếu theo đà phát triển của Hiếu thì chỉ vài năm nữa là bé có thể sẽ bắt đầu dậy thì.

Trường hợp như con của chị Mai không hề hiếm. Nhiều trẻ lên bậc tiểu học, trung học, thậm chí cả đại học nhưng vẫn được bố mẹ chăm lo một cách thái quá. Nhiều bà mẹ chăm sóc con theo cách cung cúc phục vụ con như một ô sin. Chị Thu, nhà ở Khâm Thiên (Hà Nội) là điển hình của kiểu chăm sóc này.

Chị Thu có hai con, một trai một gái. Vì quen kiểu phục vụ mọi nhu cầu cá nhân của con như ăn, mặc, vệ sinh... nên ngay cả khi con chị - một vào đại học, một lên cấp ba vẫn không biết làm những việc cá nhân đơn giản nhất. Chị Thu suốt ngày đi lượm quần áo của con mang đi giặt. Nhiều khi vì quá mệt, chịu không nổi, chị quát ầm lên nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Hôm nào chị có việc đột xuất đi vắng là hai anh em lại ra ngoài ăn vì không biết nấu cơm. Có thứ quả ngon nào, nếu chị Thu không gọt vỏ, không bóc sẵn để ra đĩa thì chúng không bao giờ đụng đến. Ngược lại nếu được mẹ "phục vụ" thì ăn ngon lành...

Không chỉ có chị Mai, chị Thu mà hiện nay nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ vì quá yêu con nên đã tự biến mình thành ô sin của con. Họ biến việc chăm sóc con thành "phục vụ", khiến cho đứa trẻ lớn lên hình thành một thói quen ỷ lại, không có ý thức tự lo chăm cho bản thân mình.

“Thời kỳ vàng” để giáo dục trẻ


"Hướng dẫn con tự phục vụ bản thân, dạy con sống có trách nhiệm với bản thân thì con mới có thể có trách nhiệm với gia đình và những người xung quanh".

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Lê​

Theo TS. tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một đứa trẻ vào lứa tuổi tiểu học mà chưa biết tự chăm sóc những nhu cầu cá nhân của mình như ăn mặc, vệ sinh, chuẩn bị đồ dùng học tập... thì thật sự đáng lo ngại. Bởi đó là những nhu cầu cá nhân tối thiểu mà một đứa trẻ lên 3 đã phải biết làm rồi.

Cũng theo TS Quý, nguyên nhân là bởi đa số những phụ huynh này thiếu kiến thức dạy con. Họ không hiểu rằng, dạy con "phải dạy từ thủa còn thơ". Muốn hình thành thói quen, hành vi ứng xử và hình thành nhận thức của trẻ thì phải dạy qua hành động. Những hành động đầu tiên trong cuộc đời trẻ đó là những công việc tự chăm sóc bản thân.

Ở phương Tây, trẻ sống độc lập là nhờ được bố mẹ tạo cơ hội để trẻ được tự xúc ăn từ khi chưa đầy 1 tuổi, biết tự vệ sinh cá nhân khi lên 2 tuổi, biết tự chọn quần áo để mặc khi lên 3 tuổi... Qua việc dạy trẻ tự chăm sóc mình, bố mẹ không những làm cho trẻ sớm độc lập mà còn mang lại những bài học quý giá về tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương, sự quan tâm trong gia đình. "Học cách tự chăm sóc bản thân là một bước phát triển quan trọng trong quá trình hình thành kinh nghiệm của bản thân và kỹ năng xã hội", TS Quý nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho biết, bản thân đứa trẻ rất thích được "làm việc". Ví dụ, khi trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ rất thích được cầm nắm thức ăn để tự ăn. Hoặc khi trẻ lên 2, lên 3 các bé rất thích được mặc quần áo theo ý mình; hay trẻ lên 5 lên 6 rất thích làm được những việc mà bố mẹ làm được như rửa bát, pha sữa, chế biến thức ăn... "Đó là "thời kỳ vàng" mà bố mẹ cần phải chú tâm đến việc dạy con tự chăm sóc bản thân. Trẻ thích được làm việc gì thì bố mẹ cần dạy con làm việc đó. Nhưng trên thực tế, rất nhiều bậc phụ huynh không biết đến kiến thức này", bà Nguyễn Hồng Lê nói.

Để dạy con biết tự chăm sóc bản thân, bà Lê khuyên người mẹ cần phải hết sức kiên nhẫn. Mỗi khi bé làm hỏng, đừng chăm chăm nhảy vào giúp đỡ bé. Điều quan trọng là phụ huynh luôn phải ý thức rằng, mình là mẹ, là người định hướng phát triển cho con chứ không phải là người phục vụ của con. Phụ huynh không được làm tất cả mọi thứ cho trẻ, vì như thế, con bạn sẽ không thể tự điều khiển, tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm trước các hành động của bản thân mình.

Lâm Vũ​
 
Top