Những biến chứng thai kì thuộc nhóm "nguy cơ cao"

241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Những biến chứng thai kì thuộc nhóm "nguy cơ cao"



Không phải tất cả mọi ca mang thai đều xuôi chèo mát mái. Một số ca cần được theo dõi chặt chẽ. Nhiều phụ nữ trải qua thai kỳ chỉ bị buồn nôn, ợ nóng hoặc sưng mắt cá chân. Đối với một số khác thì không đơn giản như thế. Một ca mang thai nguy cơ cao nghĩa là mẹ và em bé nhiều khả năng gặp phải những vấn đề về sức khỏe.



Phụ nữ trên 35 tuổi thường nghiễm nhiên được coi là “có nguy cơ cao” do tuổi tác làm tăng nguy cơ gặp biến chứng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật...

Dưới đây là những thông tin cơ bản về các dạng thai sản nguy cơ cao thường gặp.




Tiểu đường thai kỳ


Bệnh này là gì? Một dạng bệnh tiểu đường tạm thời xuất hiện trong thời gian mang thai, thường là trong tam cá nguyệt thứ hai. Máu của bạn c nồng độ glucose (đường) cao, nhưng cơ thể của bạn lại không tạo ra đủ insulin để chuyển đổi nó thành dạng lưu trữ. Lượng insulin thiếu hụt có thể do nhau thai sản xuất các hormone thai kỳ làm ngăn chặn tác dụng của insulin. Theo Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ, khoảng 5% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc tiểu đường ở sản phụ là khá cao và tình trạng đó ngày càng có dấu hiệu tăng. Theo một khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, có tới 4% số thai phụ mắc phải bệnh này.

Những ai có nguy cơ? Phụ nữ trên 35, thừa cân hoặc béo phì, người hút thuốc lá, người trong gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường khởi phát muộn, phụ nữ đã có nhiều con trước đó, có thai nhi lớn (trên 4kg) hoặc những người trước đây đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong thời kỳ mang thai.

Mối nguy hiểm? Thạc sĩ Vũ Bích Nga, Trung tâm khám bệnh cao cấp Hanoi Medicare cho biết, có nhiều trường hợp, thai phụ không bị biến chứng thai chết lưu do tiểu đường thai nghén nhưng con sinh ra lại mang dị tật bẩm sinh nặng nề.

Thạc sĩ Nga nhấn mạnh, trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đáng tiếc là rất lớn. Bệnh có thể gây tử vong cho chính thai phụ bởi sự chuyển hoá của toan hoặc các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ. Bệnh hay kèm với cao huyết áp, bệnh tim mạch, làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành.

Nguy hiểm hơn, tiểu đường thai kỳ không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai nhi, nhất là với thai phụ đã có bệnh từ trước. Các trường hợp không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.

Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần.

Ngay cả trong các trường hợp đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý.

Triệu chứng? Có đường trong nước tiểu của bạn (đây là lý do tại sao bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm nước tiểu thường xuyên). Khát, đi tiểu thường xuyên và mệt mỏi. Xét nghiệm máu – bao gồm kiểm tra đường huyết và xét nghiệm dung nạp glucose – được dùng làm căn cứ để chẩn đoán.

Bạn có thể làm gì? ThS Nguyễn Thanh Nga cho biết, tốt nhất, những ai thuộc diện có những dấu hiệu xếp vào loại có nguy cơ cao, nên đi khám và đo đường huyết trước khi mang thai.

Còn nếu phát hiện tiểu đường khi mang thai, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn thích hợp hoặc tiêm insuline. Kiểm soát được đường huyết tốt, thai nhi sẽ phát triển như những đứa trẻ khác. Thai phụ nên đi khám đúng định kỳ với các bác sĩ sản khoa, nội tiết ở những bệnh viện, chuyên khoa sản, các trung tâm, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ uy tín.

Để phòng tiểu đường trong quá trình thai nghén, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên quan niệm ăn nhiều càng tốt sẽ dẫn đến tăng cân quá mức, khi đó, nguy cơ bị tiểu đường là rất cao.

Thai phụ cũng không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đường, nước uống có ga và nên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ mỗi ngày.

Nhau tiền đạo


Bệnh này là gì?
Nhau thai nằm ở vị trí thấp, nằm sát và che phủ một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung – đường ra của bé. Theo Sở Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh, nhau tiền đạo xảy ra ở khoảng 1-2% ca sinh.

Những ai có nguy cơ? Những người đã từng phẫu thuật tử cung, bao gồm cả phẫu thuật nong và nạo tử cung (phẫu thuật khá phổ biến ở phụ nữ được chỉ định khi kinh nguyệt kéo dài bất thường hoặc nạo phá tha) và mổ bắt con, để lại sẹo trên thành tử cung, các bà mẹ lớn tuổi, hút thuốc, những người mang đa thai, những người đã từng bị nhau tiền đạo trước đây.

Mối nguy hiểm?

Mẹ: nguy cơ của nhau tiền đạo là:

+ Xuất huyết âm đạo: có thể rất nặng gây choáng mất máu và tử vong ở mẹ (tại Việt Nam tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,16%).

+ Rối loạn đông máu: có thể xảy ra nhưng ít gặp ở nhau tiền đạo, ngay cả khi nhau bong theo diện rộng. Có thể phỏng đoán rằng Thromboplastin – yếu tố thúc đẩy đông máu nội mạch – trong nhau tiền đạo đã được thoát ra ngoài kênh cổ tử cung chứ không đi vào tuần hoàn mẹ.

Con:

+ Thai dễ bị suy do thiếu máu.

+ Sinh non tháng: vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng xảy ra trước khi thai trưởng thành để cứu mẹ nên non tháng là một lý do chính làm tỷ lệ tử vong của con còn khá cao. Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng là 30 – 40%.

Triệu chứng? Xuất huyết âm đạo là triệu chứng chính, thường trong 3 tháng cuối của thai kỳ, với đặc tính là xảy ra một cách đột ngột, không nguyên nhân, không triệu chứng báo trước, không kèm theo đau bụng, máu chảy ra đỏ tươi sau khi ra ngoài có đông thành cục máu. Lượng máu thường ít trong lần đầu, ngưng tự nhiên nhưng sau đó lại tái phát nhiều lần và ở những lần sau khuynh hướng máu mất càng ngày càng nhiều hơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung không chảy máu cho mãi đến khi nào chuyển dạ mới chảy máu từ ít đến ồ ạt.

Nguồn gốc máu chảy trong nhau tiền đạo là máu của người mẹ, từ những xoang tĩnh mạch (hồ máu) ở bánh nhau.

Bạn có thể làm gì? Nhau thai thường di chuyển lên phía trên tử cung trong thời kỳ mang thai, do đó, ở giai đoạn ban đầu nhau tiền đạo thường không được coi là vấn đề. Sau đó thì sẽ cần thiết phải can thiệp. Các bác sĩ thường khuyên thai phụ nghỉ ngơi tại giường, thường là ở bệnh viện, để ngăn chặn mẹ làm việc quá sức và em bé ra đời quá sớm. Nếu bị băng huyết nặng trước 34 tuần, steroid có thể được tiêm vào để tăng tốc độ phát triển phổi của em bé.
Tiền sản giật

Bệnh này là gì?
Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp ảnh hưởng đến 3-8% phụ nữ mang thai. Thông thường tình trạng này xuất hiện ở những bà bầu đã qua tuần thứ 20 của thai kỳ.

Khi đó, những chẩn đoán được thực hiện thường có đủ hai điều kiện đồng thời như: có một áp suất máu cao và các xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của protein trong nước tiểu.

Hầu hết phụ nữ mang bầu có thể có nguy cơ bị một dạng nhẹ của tiền sản giật vào gần ngày sinh nở của mình. Và tiền sản giật có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và gây ra vấn đề nghiêm trọng đủ để gây nguy hiểm cho cuộc sống của cả 2 mẹ con bạn.

Triệu chứng là gì?

Ban đầu, tiền sản giật có thể không xuất hiện triệu chứng. Khi tình trạng bộc phát, các triệu chứng có xu hướng phát triển dần dần nhưng đôi khi bắt đầu đột ngột. Các triệu chứng bao gồm:

• Nhức đầu.

• Rối loạn thị giác như mờ mắt và nhìn thấy đèn nhấp nháy.

• Nôn mửa.

• Đau bụng trên.

Mối nguy hiểm?

Tiền sản giật nhẹ phổ biến trong những tuần cuối thai kỳ và thường dễ điều trị.

- Tiền sản giật nặng có thể đe dọa cuộc sống của người mẹ và thai nhi. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến khả năng gây tử vong do co giật và hôn mê.

- Sưng chân, mắt cá chân, bàn tay; tăng cân quá mức do việc lưu giữ chất lỏng.

Bạn có thể làm gì?

Điều trị tiền sản giật phụ thuộc vào các giai đoạn của thai kỳ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu có tiền sản giật nhẹ đến trung bình và ít hơn 36 tuần mang thai, bạn có thể được khuyên nên nghỉ ngơi tại nhà. Huyết áp của bạn sẽ được thường xuyên để kiểm tra đảm bảo nó không được tăng quá cao. Một số phụ nữ sẽ phải theo dõi trong bệnh viện và có chế độ nghỉ ngơi đặc biệt.

Nếu tiền sản giật nặng và thai nhi đủ trưởng thành thì thúc sinh hoặc sinh mổ được khuyến khích. Trước khi chuyển dạ, người mẹ có thể phải tiêm corticoid để giúp phổi của bào thai trưởng thành. Trong trường hợp hiếm hoi, tiền sản giật nặng phát triển trước tuần 24 thì phải yêu cầu chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ.

Bất kể mức độ nghiêm trọng, nếu tiền sản giật sau hơn 36 tuần mang thai, bác sĩ có thể khuyên người mẹ nên sinh mổ hoặc dùng phương pháp kích thích sinh sớm.

Nếu sản giật phát triển, người mẹ có thể được cho thuốc hạ huyết áp và thuốc chống co giật để ngăn chặn cơn động kinh. Mổ lấy thai khẩn cấp sau đó được thực hiện.

Lavender tổng hợp

http://webphunu.net/content/nhung-bien-chung-thai-ki-thuoc-nhom-nguy-co-cao
 
Top