Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

7,828
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Những phát ngôn ấn tượng của ông Nguyễn Bá Thanh

Với những phát ngôn ấn tượng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã để lại dấu ấn trong lòng người dân và được coi là một "hiện tượng" năm 2012.

"Có những khoản nợ không phải xấu mà là quá xấu"

Tại kỳ họp thứ 4, quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu: “Có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Một nước nghèo mà không dưới 100 tỉ USD cho nhà đất thì như thế nào? Ngân hàng Nhà nước phải thống kê nghiêm túc, phải phân tích số liệu chính xác thì mới xử lý rõ ràng”.

“Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ”

Đây là một phát biểu đáng nhớ, thể hiện rõ khí phách quyết liệt khi làm quan của ông Thanh trong buổi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng. Buổi nói chuyện trên gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.


Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


"Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”

Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố như vậy với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư.

Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23 liên quan đến Luật cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Thanh tuyên bố: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.

Cuối năm 2011, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Đây là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố.

Điều đó giải thích lý do vì sao Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường xanh, sạch, đẹp, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.

“Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”

Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía” đó chính là “văn hóa xấu hổ”. Chuyện xuất phát từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân của một số cán bộ, ông Thanh nhấn mạnh: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”.

Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.

Sẽ nhậu với những người lái xe ôm

Ông Thanh nói rằng: Cứ mỗi sáng, cầm tờ báo lên đọc tôi lại cảm thấy đau nhói vì ở đâu đó lại xảy ra tình trạng thanh thiếu niên cướp của giết người. Ở Đà Nẵng không “nóng” nhưng tình trạng trên vẫn có và đang tiềm ẩn nguy cơ. Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với thanh thiếu niên hư. Trung bình cứ 10 em thì có 5 em tiến bộ. Số còn lại thì không chịu “tiến” mà đang muốn vào nhà đá. Là con cháu mình cả nên xót lắm! Nhưng biết làm thế nào được. Động viên không được thì mở rộng trại giam Hòa Sơn ra để đón mấy ông cụ non ấy vào ở cho XH được yên”.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, ông Thanh phê phán: Ở phường nào cũng có dân quân tự vệ, thông trưởng, thôn phó… Mỗi tổ có đến 10 thậm chí 15 ông cứ ban ngày thì ra ngồi ì tại trụ sở. Ban đêm, tội phạm hoạt động thì không thấy mấy ông an ninh hay dân quân đâu. Trong khi đó, tại Đà Nẵng có 2 tổ tự quản rất điển hình là Tổ xe thồ tự quản ở Hòa Cầm và Tổ nữ dân quân tự vệ ở quận Ngũ Hành Sơn… tay không bắt cướp thì chẳng thấy UBND TP khen thưởng hay động viên. Họ nghèo họ không có lương bổng gì mà tự nguyện ra bảo vệ an ninh thôn xóm như vậy thì không khen. “Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Bận đến mấy thì sắp tới tôi cũng phải ngồi với họ, động viên họ” - ông Thanh dứt khoát.

“Sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”

Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã nói: ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử.

Ông liên tưởng đến việc sau này: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.

Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người. Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để nhàn cư vi bất thiện.

Ông Thanh so sánh việc học của các thời với nhau để thấy được những cái được và chưa được của học sinh bây giờ: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”.

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thanh nói: “Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô và một tương lai sán lạn. Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5ha nữa để đón các cháu. Các chú chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm.

Theo Kiến Thức
http://news.zing.vn/xa-hoi/nhung-ph...ong-nguyen-ba-thanh/a289022.html#home_noibat1
 
Top