Những thằng già nhớ mẹ

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Những thằng già nhớ mẹ

SGTT.VN - Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.


Ảnh: Trần Việt Đức

- Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng – tôi an ủi.

- Mất mẹ, tớ cảm thấy thiêu thiếu thế nào ấy…

- Thiếu cái gì?

- Tớ muốn trồng giàn bầu hay giàn mướp sau nhà cho mát, nhưng sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…

Hồi đó tôi mới xấp xỉ 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Bây giờ thì tôi cảm được cái thiêu thiếu của ông thế nào rồi.

Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ. Mẹ nó chảy nước mắt: “Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…” Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua.

Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở: “May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì hì…”

Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca đêm, ngồi uống rượu một mình, lướt net, đọc được bài Cá bống kho tiêu nào đó, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu hu qua điện thoại: “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…” Mẹ nó mất cũng gần mười năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!

Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khoả. Chén thù chén tạc, say tuý luý cả bọn chệnh choạng kéo nhau đi hát karaoke. Thằng bạn cầm micro: “Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… Bông hồng cài áo”. Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run... Nó khóc nấc lên. Cách đây hai năm, tôi ghé Châu Đốc dự đám tang mẹ nó.

Chuyện khác, lần này không phải “thằng”, mà là… bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi sôcôla ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ sôcôla, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Sôcôla Tây thay cho nhang đèn ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng mười năm rồi.

Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có gì ngon cũng để dành cho mình…

Mà có thằng con nào, dù làm tới cái ông vĩ đại cỡ nào, trưởng thành trong con mắt của mẹ đâu? Có thằng sáu chục tuổi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi vì “lại quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói nhắc thằng con “mang theo áo mưa”.

Tôi có thằng bạn người Đức chừng... 50, ra đường cũng bị bà già vói theo “Alex, quên mang dù!” Thằng này lúc nào cũng vênh váo tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả nhiều lắm. Bả vui!” Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.

Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho ngày – của – mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà…

Nụ cười của người già, dù là nghễnh ngãng, dù là mù loà… nhớ lại, sao mà dễ thương chi lạ, nhớ xoáy tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Ước gì thời gian lùi lại, sẽ tìm cách ghẹo bà, để có nhiều hơn nụ cười móm mém như thế. Nụ cười của mẹ già là nụ cười mãn nguyện, con cháu chưa quên bà, vẫn ở bên bà.

Tôi viết bài này, tặng cho các bạn trẻ U 30, 40... gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.

Thời gian chắc gì đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ?

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có câu thơ khóc bạn:

Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan
Ừ, nếu giọt lệ già này mà nhớ mẹ, thì ray rứt biết chừng nào!

VŨ THẾ THÀNH

http://sgtt.vn/Loi-song/151272/Nhung...ia-nho-me.html
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những thằng già nhớ mẹ


Con cúi đầu xin mẹ

NGUYỄN QUANG THIỀU​

Lúc nào, tôi cũng chỉ là đứa trẻ lên ba trước mẹ. Có phải vì thế mà khi cha tôi mất, tôi đau buồn nhưng cứng rắn. Còn khi mẹ tôi mất, tôi hoàn toàn như một đứa trẻ lạc mẹ. Đêm đêm, trong ngôi nhà ở một làng quê yên tĩnh, tôi thắp hương cho mẹ và đi lẩn thẩn trong sân trong vườn. Cả thế gian lúc đó như chỉ còn mình tôi. Nhiều đêm, tôi đứng dưới gốc cây trong vườn và khóc như một đứa trẻ. Tôi nhớ mẹ, nỗi nhớ của một đứa trẻ lên ba trong bóng tối ở đầu ngõ hay đứng nép trên hiên nhà trong một chiều mưa giông buồn bã đợi mãi mà mẹ không về.

Một

Suốt từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ, lúc nào tôi cũng nhớ mẹ. Mỗi tuần về quê, khi trở lại thành phố, lòng tôi mang đầy cảm giác xa xôi và cô độc. Khi lên khỏi dốc đê làng, tôi lại nhìn về phía làng và không muốn đi. Nơi ấy có ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên. Nơi ấy có mẹ tôi vẫn những chiều cuối tuần ngóng ra ngõ chờ các con về. Tôi luôn luôn tự nhủ, khi đến 55 tuổi là đủ tuổi xin nghỉ hưu để về quê sống bên mẹ. Mấy năm gần đây, tuần nào tôi cũng về với mẹ, trừ những lúc đi công tác xa. Chiều thứ sáu nào, mẹ tôi cũng dặn người giúp việc: "Nhớ nấu cơm cho Quang Thiều". Nhưng tôi không kịp thực hiện ước mơ ấy. Mẹ tôi đã ra đi. Tôi sẽ suốt đời ân hận.

Thuở nhỏ, cứ chiều chiều tôi lại ra đầu ngõ chờ mẹ. Những năm tháng đó, làng quê tôi nghèo đói và buồn bã. Anh chị em tôi không có một gia sản gì ngoài mẹ. Tất cả cuộc sống của chúng tôi là mẹ. Mẹ tôi thường đi làm về rất muộn. Mẹ tôi là bà giáo làng nhưng cũng là một nông dân. Cứ tan lớp, mẹ lại tất tưởi ra đồng. Nhà tôi có mấy sào ruộng phần trăm. Vì thế mà mẹ hết cấy lúa, trồng khoai, đậu lại đến trồng rau. Mẹ tôi làm tất cả để những đứa con của bà bớt đói khát. Có những chiều mưa giông, chúng tôi đứng bên hiên nhà đợi mẹ. Mẹ về, cả người mẹ ướt sũng và tái ngắt vì lạnh. Thấy mưa, mẹ tôi ở lại bắt châu chấu. Vì mưa to mà châu chấu không bay được xa. Mẹ bắt châu chấu về rang với nước muối cà cho chúng tôi ăn. Những năm tháng ấy, chúng tôi ăn đủ thứ có thể bắt được, từ cua ốc, tôm tép đến châu chấu, dế mèn, nhái...

Sau này, khi gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa thì mẹ vẫn ứa nước mắt khi nhớ đến những ngày anh chị em tôi phải chịu đói rét. Lần nào nhắc đến, lòng mẹ tôi cũng đau đớn vì thương các con.

Hai

Những ngày ở quê, hai mẹ con tôi thường nói chuyện với nhau rất khuya. Mẹ tôi thường bảo: "Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa". Mẹ tôi nghĩ tôi đã làm việc quá sức để mua thuốc cho cha mẹ. Có lẽ vì tôi hay thức khuya đọc sách và viết lách. Mẹ tôi bị bệnh mất ngủ hơn hai mươi năm nay. Và hơn hai mươi năm nay, mẹ tôi đêm nào cũng uống thuốc ngủ. Trước kia mẹ tôi sợ thiếu gạo, thiếu muối nuôi các con. Sau này, mẹ tôi sợ thiếu thuốc ngủ. Cho dù tôi nói với mẹ rằng tôi có thể mua một núi thuốc ngủ cho mẹ thì mẹ tôi vẫn sợ khi không nhìn thấy thuốc ngủ. Bởi thế, anh chị em tôi lúc nào cũng phải để trong chiếc tủ nhỏ cạnh giường mẹ cả chục vỉ seduxen.

Vào những đêm khuya khoắt ở quê, tôi thường rón rén đến bên giường mẹ. Tôi cảm thấy vui và yên tâm khi nghe thấy mẹ thở đều đều. Như vậy là mẹ đã ngủ được. Nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng mẹ tôi giả vờ ngủ để cho những đứa con của bà không phải lo lắng. Mẹ tôi cứ nằm như vậy một mình trong đêm cho tới sáng.

Hai tuần trước khi mất, mẹ tôi nói mẹ mơ thấy cha tôi về. Sau ngày cha tôi mất, tôi thường thức đến hai giờ sáng thắp hương cho cha. Những đêm như thế, mẹ tôi thường nói vọng từ trong màn ra: "Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa". Khi chưa đau ốm nhiều, mẹ thường thức giấc và đến bên giường tôi. Mẹ sợ tôi cài màn không kỹ sẽ bị muỗi đốt. Lúc nào, tôi cũng chỉ là đứa trẻ lên ba trước mẹ. Có phải vì thế mà khi cha tôi mất, tôi đau buồn nhưng cứng rắn. Còn khi mẹ tôi mất, tôi hoàn toàn như một đứa trẻ lạc mẹ. Đêm đêm, trong ngôi nhà ở một làng quê yên tĩnh, tôi thắp hương cho mẹ và đi lẩn thẩn trong sân trong vườn. Cả thế gian lúc đó như chỉ còn mình tôi. Nhiều đêm, tôi đứng dưới gốc cây trong vườn và khóc như một đứa trẻ. Tôi nhớ mẹ, nỗi nhớ của một đứa trẻ lên ba trong bóng tối ở đầu ngõ hay đứng nép trên hiên nhà trong một chiều mưa giông buồn bã đợi mãi mà mẹ không về.

Ba

Mẹ tôi là con út của một gia đình giàu có thuở xưa mà người ta gọi là địa chủ. Bây giờ, dấu tích của sự giàu có vẫn còn lại trong khu nhà ông ngoại tôi. Vẫn còn sập gụ, vẫn còn hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, vẫn còn nhà trên nhà dưới, vẫn còn đồ gốm sứ cổ, vẫn còn hồ sen bán nguyệt trước nhà, vẫn còn cổng ngõ thấp mà ai bước vào cũng phải cúi đầu. Khi mẹ tôi lên sáu tuổi, ông ngoại tôi đã mời một thầy dạy tiếng Pháp từ Hà Nội về quê dạy cho anh chị em mẹ tôi mỗi tuần hai buổi.

Ông bà ngoại tôi là địa chủ kháng chiến, hai bác và mẹ tôi đều theo cách mạng từ khi còn rất trẻ. Năm 18 tuổi, mẹ tôi đã là Ủy viên thường vụ Hội Cứu quốc huyện. Mẹ vẫn đeo lựu đạn vượt qua mấy cái đồn của lính Pháp đóng ở mấy làng bên cạnh trong đêm đi hoạt động cách mạng. Hồi còn bé, cô tôi hay kể chuyện ma cho chúng tôi nghe. Vì sợ ma mà anh chị em tôi thi thoảng lại đái dầm ra quần vì không ai dám ra khỏi giường trong đêm. Nhưng mẹ tôi lúc nào cũng bảo chúng tôi đừng sợ. Sau này khi tôi đã lớn, mẹ tôi thường bảo: "Mẹ sợ người chứ không sợ ma".

Cũng như cha, mẹ không đi chùa nhưng mẹ luôn động viên chúng tôi làm việc thiện. Tất cả tiền mà các con hay bạn bè của các con biếu, mẹ tôi không tiêu. Mẹ tôi dành dụm để giúp những người thân trong họ ngoài làng. Sau khi về hưu, mẹ tôi có bán một quầy tạp hóa nhỏ. Sau bảy năm, số người mua hàng còn nợ tiền ghi cũng mấy trang cuốn sổ nợ. Và một năm sau khi đóng cửa quầy tạp hóa vì sức khỏe, mẹ tôi đã tự tay đốt cuốn sổ nợ.

Bốn

Mười mấy năm trước, một lần về Thanh Hóa, nhà thơ Nguyễn Duy đã đưa tôi về ngôi nhà của cha mẹ ông trong một buổi chiều. Lúc đó, hoàng hôn đã loang lổ trên sân. Các em ông đi làm chưa về. Ông cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Chỉ có tiếng gió thổi xao xác qua vườn. Tôi bỗng giật mình sợ hãi khi nhận ra rằng: đến một ngày nào đó, khi tôi trở về ngôi nhà của mình ở một làng quê, tôi cất tiếng gọi và không còn tiếng trả lời của cha mẹ tôi nữa. Năm đó, cha mẹ tôi vào tuổi 70.

Cái giật mình sợ hãi mười mấy năm trước trong sân nhà của các cụ thân sinh nhà thơ Nguyễn Duy, giờ đã thành sự thật với tôi. Chỉ trong nửa năm trời, anh chị em tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mọi ân hận giờ mãi mãi vẫn là ân hận. Cha mẹ tôi không thể sống lại để chúng tôi nói lại một câu nói chưa phải, thưa lại một lời thưa chưa đúng với cha mẹ mình... Con cúi đầu xin mẹ, mẹ ơi...

Giờ tôi vẫn lẩn thẩn trong những buổi chiều và những đêm khuya trong ngôi nhà và khu vườn của mình. Có lúc thoáng giật mình tưởng chưa nấu cơm chiều cho cha mẹ. Nhưng lại nhận ra rằng cha mẹ đã không còn nữa. Và chưa bao giờ, tôi thấu được cái nỗi mồ côi cha mẹ như bây giờ.

http://lethieunhon.com/read.php/3541.htm
 
199
1
18

MeKem

Member
Ðề: Những thằng già nhớ mẹ

Cảm ơn Chị vì những bài post quá hay!!!
 
Top