Nỗi lo mùa tựu trường: “Trăm dâu đổ đầu tằm”

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Vừa thoát khỏi “cơn bão” nghỉ hè với nỗi lo tìm chỗ học hè, quản lý trẻ, thì cũng lại là lúc các bậc cha mẹ quay cuồng trong nỗi lo chuẩn bị cho con vào năm học mới. "Bài ca" đồng phục, sách giáo khoa, thiết bị học tập, đóng góp đầu năm, và cả chuyện đón đưa con thế nào cho “vẹn cả đôi đường”… đến hẹn lại lên, đã khiến các bậc phụ huynh, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội chỉ còn biết than: “Trăm dâu vẫn đổ đầu tằm”.

Vừa thoát khỏi “cơn bão” nghỉ hè với nỗi lo tìm chỗ học hè, quản lý trẻ, thì cũng lại là lúc các bậc cha mẹ quay cuồng trong nỗi lo chuẩn bị cho con vào năm học mới. "Bài ca" đồng phục, sách giáo khoa, thiết bị học tập, đóng góp đầu năm, và cả chuyện đón đưa con thế nào cho “vẹn cả đôi đường”… đến hẹn lại lên, đã khiến các bậc phụ huynh, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội chỉ còn biết than: “Trăm dâu vẫn đổ đầu tằm”.


Bài 1. Chuyện đồng phục: "Cơm áo không đùa..."


Cái thời học sinh có thể đến trường với bất cứ bộ quần áo nào được bố mẹ sắm cho dịp đầu năm học, và thậm chí là những bộ quần áo do… anh chị đã “nhớn” để lại cho, xem ra thật sự đã là chuyện “ngày xưa”. Giờ đây trường lớn, trường bé, trường công, trường tư… trường nào cũng có quy định riêng về đồng phục cho học sinh, và coi đó như một “yêu cầu bắt buộc” trong nội quy đến trường.

Phát hoảng vì… giá!

Đầu tiên phải thừa nhận, đồng phục học sinh có những ưu điểm của nó. Ưu điểm đầu tiên của đồng phục là tạo nề nếp, sự thống nhất trong trường nhằm giáo dục truyền thống của nhà trường cho học sinh, các em tự hào được mang trang phục "thương hiệu" của trường khi tới lớp. Đồng phục cũng giúp trẻ không có sự “phân biệt giàu nghèo” khi đến trường, không có cảnh trẻ mặc áo thừa của anh, chị phải thèm thuồng ngắm nhìn những trẻ váy mới đẹp như “váy cô dâu”, như rất nhiều câu chuyện thời bao cấp đã mô tả...

Đồng phục của trường Olympia - Hà Nội có giá từ 2-3 triệu đồng/bộ.

Tuy nhiên cách quy định về đồng phục của không ít trường lại khiến nhiều phụ huynh bức xúc, và cũng đôi khi còn là nỗi khổ của chính những học sinh.

Ngay khi vừa kết thúc năm học cũ, bố mẹ của Thục Nhi (trường Nguyễn Siêu, Hà Nội) đã được nhận tấm phiếu đăng ký mua đồng phục cho năm học mới của nhà trường. Khi năm học mới chỉ vừa bắt đầu (các trường giờ học sớm hơn 1 tháng so với thời điểm khai giảng), thì cũng là lúc… “trát” yêu cầu đóng tiền mua đồng phục được cô giáo chủ nhiệm gửi về.

Dù Thục Nhi đã bước vào năm thứ 5 học tại Nguyễn Siêu, và năm nào cũng phải mua đồng phục, tới nỗi cái tủ quần áo của con “la liệt” áo trắng đồng phục cả dài tay lẫn ngắn tay, rồi quần kẻ, quần trắng lễ phục… nhưng bố mẹ Thục Nhi cũng đã phải tiêu tới gần 1 triệu đồng để mua thêm cho con 1 quần trắng, 2 quần kẻ, 2 áo trắng và 1 áo khoác (giá mỗi sản phẩm từ 95-150.000 đồng). “Lần này rút kinh nghiệm tôi không đặt mua áo len ghi lê đồng phục vì chất rất xấu, len cứng, con gái mặc cứ như bị “bó giò” trong áo. Nhưng với áo khoác, quần và áo trắng thì không thể không mua. Một phần vì cũng muốn cho con tấm áo mới vào năm học, một phần nữa vì quần áo đồng phục năm ngoái của con dù còn mặc được, nhưng chắc 1-2 tháng nữa thì cũng chật hết rồi, khi đó có muốn mua cho con cũng không mua được”, mẹ Thục Nhi tâm sự.

Đồng phục trường Nguyễn Siêu có áo trắng là chung với đồng phục của các trường khác, nhưng quần kẻ và váy kẻ thì chính là “thương hiệu Nguyễn Siêu”, nên trên thực tế các bậc cha mẹ không thể tìm mua hay đặt may ở ngoài được. Trong khi đó, quy định của nhà trường ghi rất rõ là thứ 2 mặc lễ phục, còn những ngày khác trong tuần thì mặc đồng phục. Nghĩa là 5/5 ngày đi học các con đều mặc đồng phục. “Với quy định như vậy, nên con ít nhất phải có 5 cái áo trắng để thay, ngoài ra quần cũng phải 3-4 cái. Chưa kể các con lớn rất nhanh, có khi chỉ vài tháng áo đã chật, quần đã ngắn. Thế nhưng nhà trường lại chỉ bán đồng phục một lần duy nhất là dịp đầu năm, trong khi đồng phục Nguyễn Siêu là mẫu riêng của trường, nên có tìm tới các cửa hàng bán đồng phục trong thành phố cũng không có bán. Vậy là nhiều khi, tới giữa năm học là con tôi bắt đầu phải mặc quần ngắn, chật bụng, trông thật sự thiếu thẩm mỹ", chị Lan Nhi, phụ huynh của cháu Tuấn Minh (lớp 5, trường Nguyễn Siêu) cho biết.

Nhiều “bất cập” như vậy, nhưng là quy định nên các bậc cha mẹ vẫn phải tuân theo. “Nhập gia tùy tục” mà, nhưng tất nhiên cùng với cái “tùy tục” là một khoản tiền không nhỏ đổ ra từ ví các bậc cha mẹ. “Năm nay con em mới vào lớp 1 của trường Nguyễn Siêu, nên phải mua tất tần tật cả áo khoác, áo len, áo sơ mi trắng dài tay, cộc tay, quần các loại… Tính ra cũng tới gần 2 triệu bạc, bởi mỗi loại cũng phải vài cái cho con thay đổi”- chị Hồng Hạnh, phụ huynh cháu Mai Linh, cho biết.

Với Nguyễn Siêu là một trường tư thục, mức học phí mỗi tháng cũng lên tới tiền triệu, thì mức tiền đồng phục là như vậy; nhưng với nhiều trường công, đồng phục cũng không hề rẻ.

“Con tôi học lớp 6 trường Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), vừa vào đầu năm học đã phải rút ví ra cho con 1,5 triệu đồng để mua đồng phục. Mà đó cũng là mức mua giản tiện nhất rồi, gồm 2 bộ đồng phục hè, 2 bộ đồng phục đông và 2 bộ đồng phục thể thao, chứ mua đủ cho con mặc cả tuần không lo giặt thì chắc phải lên tới vài triệu”- chị Như Lan cho biết. "Với các trường lớn thì không nói làm gì, nhưng ngay như trường con tôi là trường tiểu học Ngọc Lâm (Hà Nội), đầu năm học cũng phải mất gần 900.000 đồng cho 3 bộ đồng phục, gồm: Đồng phục mùa hè, đồng phục mùa đông và đồng phục thể thao. Năm nay, lần đầu tiên thấy nhà trường đưa ra quy định về đồng phục thể thao, cũng chẳng biết vì sao phải có cả đồng phục riêng cho môn học này, nhưng là quy định thì vẫn phải mua thôi"- Chị Thanh Vân- phụ huynh cháu Thái Anh, cho biết.

“Quả thật khoản đồng phục của con đầu năm cũng khiến các bậc cha mẹ méo mặt”- một phụ huynh than thở.

Tuy nhiên, xem ra mức một, hai triệu vẫn mới chỉ là mức trung bình trong… giới đồng phục. Bởi nhiều trường, nhằm tạo “đẳng cấp” cho mình, đã thiết kế đồng phục với mức giá… trên trời. Đơn cử như đồng phục của trường phổ thông đa cấp Olympia - Hà Nội giá lên tới 4 triệu đồng cho học sinh tiểu học và 6 triệu đồng cho học sinh THCS và THPT. “Đồng phục của trường theo thông báo là 'in đậm phong cách Mỹ'. Nhưng chưa biết đặc biệt tới đâu thì mức tiền mua đồng phục cũng đã khiến cha mẹ học sinh méo mặt rồi"- một phụ huynh học sinh của trường Olympia - Hà Nội than thở.

Cũng tương tự như vậy, đồng phục của trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng (Hà Nội), do nhà may La Hằng độc quyền thiết kế, với giá cũng rất… trên trời.

Phát sốt vì chất liệu

Giá cả đã vậy, chất liệu đồng phục cũng là điều đáng để bàn.

"Đồng phục Nguyễn Siêu để giữ "phom" nên vải áo thường dày, rất không phù hợp với mùa hè. Vải quần thì cũng không mềm mại, nên nói thật, cho con mặc đồng phục chẳng thấy yên tâm chút nào. Cứ ngày nóng là thấy con mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ốm lúc nào không biết"- chị Hồng Hạnh cho biết.

Đó cũng là tình trạng chung của đồng phục rất nhiều trường. Có lẽ, ngoài đồng phục của trường phổ thông đa cấp Olympia - Hà Nội với chất liệu phông khá "lỳ" mặt, đảm bảo mát và thoáng (nhưng bù lại thì giá vô cùng "chát"), còn thì đồng phục của các trường đều có chất liệu vải thiếu phù hợp với trẻ nhỏ. Vải phin mềm, vải cotton thường không được chọn, mà thay vào đó là những chất liệu nhiều ni lon, cứng. "Đồng phục của con trai tôi chẳng biết là chất liệu gì, nhưng mỏng teo teo, mà lại nóng, không thấm mồ hôi. Mỗi khi cháu chạy nhảy xong là lưng lại ướt đầm vì mồ hôi không thoát ra được" - chị Thanh Vân, phụ huynh cháu Thái Anh (trường tiểu học Ngọc Lâm) cho biết.

Không chỉ nóng, mà nhiều loại vải may đồng phục còn dễ gây dị ứng cho trẻ em. Một phụ huynh có con học Trường tiểu học H.D (Hà Nội) cho biết: “Năm trước, vì cháu mới nhập học nên tôi không có kinh nghiệm, cho cháu mặc đồng phục của trường mà không lấy mẫu để đi may bộ khác với chất liệu tốt hơn. Kết quả là ngày đầu tiên đi học về cháu bị mẩn ngứa khắp người vì quần áo có quá nhiều ni lông, nóng bức. Lúc đó tôi mới tá hỏa đi may cho cháu bộ đồng phục khác với chất liệu thoáng mát hơn”.

Áo đã vậy, còn với quần đồng phục thì cũng lại là chuyện rất đáng phải bàn. Như với học sinh trường Nguyễn Siêu, do quần đồng phục mùa đông và mùa hè là một, nên chất liệu vải rất mỏng, mùa hè thì mát, nhưng mùa đông thì lại quá lạnh. "Trong khi không mặc đồng phục không được, thế là mùa rét tôi phải mặc thêm cho cháu 1-2 quần đông xuân, quần tất bên trong, hoặc cho mặc váy đồng phục và mặc quần tất, ba bốn lớp, trông chả đẹp tí nào, nhưng thà thế còn hơn là con cảm lạnh"- chị Lan Nhi cho biết.

Và đúng như phản ánh của chị Thanh Vân, năm nay nhiều trường bắt đầu quy định mới về đồng phục thể thao. Nhà trường đưa ra quy định là không bắt buộc phải mua của trường, nhưng mua ngoài thì phải đúng "phom", đúng chất vải, đúng màu sắc... thế nên cuối cùng phụ huynh cũng đều đặt mua của trường cả. Với những bộ đồng phục thể thao, theo như quan sát của phóng viên, đều là chất liệu vải rất dày và nhiều nilon, hoặc vải thun không thấm mồ hôi, ít co giãn. Trong khi các hoạt động thể thao thường ra nhiều mồ hôi và đòi hỏi sự thoải mái để vận động, chính vì vậy, lại thêm một nỗi "phiền lòng" nữa với các bậc phụ huynh khi con mình phải khoác lên những bộ đồng phục không ưng ý.


Theo Tuyết Anh

Báo Tin tức

(còn nữa)
 
Top