'Nước nhiễm amoni vẫn sử dụng an toàn'

131
0
0
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị chủ quản hệ thống cấp nước thành phố. Theo ông, mặc dù mức độ nhiễm amoni từ nguồn nước của nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 18 lần, song vẫn không đủ gây ngộ độc.
> Nước máy Pháp Vân và Hạ Đình có amoni cao gấp 6-18 lần

Xét nghiệm chất lượng nước mới đây của Sở Y tế cho thấy hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, trong khi đó, tiêu chuẩn hàm lượng amoni trong nước uống là 1,5 mg/l, trong nước máy là 3 mg/l.

Ông Dục cho hay qua nghiên cứu, một người có thể trọng khoảng 50 kg thì phải chứa 10.000 mg chất amoni trong cơ thể mới có thể bị ngộ độc. Như vậy, hàm lượng cao gấp chuẩn 18 lần như hiện nay vẫn không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.


Nước sạch tại nhà máy Yên Phụ. Ảnh: Nguyễn Hưng

Ông phó giám đốc Sở cũng cho hay, vì hai nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình nằm trong khu vực trũng nhất của thành phố, nên lượng nước thải tập trung cao đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, chứ không phải ô nhiễm này bắt nguồn từ nghĩa trang Văn Điển gần đó. "Chất lượng nước vẫn được các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đánh giá hàng ngày, hàng tháng", ông Dục khẳng định.

Ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên nước sạch Hà Nội, cũng cho rằng, hàm lượng amoni không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân nên chưa cần sử dụng các biện pháp xử lý nước phụ trợ. Người dân chỉ có trách nhiệm giữ nguồn nước sạch, như vệ sinh bồn chứa, tránh rò rỉ nước, không dùng bể xi măng để chất lượng nước ổn định.

Đại diện đơn vị cấp nước cũng cho biết, dịp hè này, một số nơi vẫn bị thiếu nước trong ngày như khu vực Tứ Liên, đường Láng, Khương Trung, Bách Khoa, Đường Bạch Đằng. Đây là những điểm có cốt địa hình cao hơn các khu vực khác.

Đoàn Loan
 
131
0
0
Nước máy Pháp Vân và Hạ Đình có amoni cao gấp 6-18 lần

Kết quả kiểm tra nước tại một số nhà máy ở Hà Nội được Trung tâm Y tế dự phòng công bố chiều 23/3. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cho biết mức vượt ngưỡng chất amoni chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của dân.
> 'Nước máy nhiễm độc có thể do đường ống cũ'

Theo kết quả kiểm tra mẫu nước của tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học -Viện Khoa học công nghệ VN) thì hàm lượng amoni ở nhà máy Pháp Vân vượt 10-40 lần mức cho phép 1,5 mg/l, nhà máy Hạ Đình gấp 5-13 lần. Hàm lượng asen ở hai nhà máy này đều cao gấp 2-5 lần mức giới hạn...

Trước thông tin này, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã lấy 7 mẫu nước đưa đi xét nghiệm ở 3 cơ sở độc lập (trong đó có 2 mẫu của hai nhà máy Pháp Vân, Hạ Đình và 5 mẫu còn lại của các hộ dân). Kết quả là hàm lượng asen ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, cao 6-18 lần.


Sở yYtế Hà Nội đi kiểm tra tại nhà máy nước Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: N.P.

Ông Nguyễn Việt Bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho rằng amoni ở mức này chưa gây hại cho sức khỏe.

"Hàm lượng amoni như trên chưa phải là liều độc cho cơ thể, mà chỉ báo hiệu sự ô nhiễm nguồn nước. Amoni trong nước không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và tác hại xuất hiện ở con người khi hàm lượng phải là trên 200 mg/l (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới)", ông Bắc nói.

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, hàm lượng amoni như vậy chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, phải liều quá cao mới gây độc.

Lý giải sự khác nhau về hàm lượng amoni giữa kết quả của một số nhà khoa học và kết quả kiểm tra mẫu lần này, ông Trần Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty kinh doanh Nước sạch Hà Nội, cho rằng không phải nước chỗ nào cũng giống nhau, có thể chỗ này hàm lượng cao hơn một ít, chỗ kia thấp hơn một ít. Ngoài ra có thể do vị trí lấy mẫu nước khác nhau, hàm lượng amoni có thể chịu ảnh hưởng của những yếu tố thời tiết, mùa...

Ông cũng cho biết, hiện tại hai nhà máy này đã giảm 1/3 công suất cung cấp nước, tăng cường xúc rửa bể lọc, tăng cường khâu xử lý nước, giảm tốc độ lọc để đưa hàm lượng amoni về ngưỡng cho phép.

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến hàm lượng amoni cao là do ô nhiễm chất thải sinh hoạt ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, quy trình công nghệ cũng như cách bảo quản. Người dân chứa nước bằng các bể xi măng nếu không thường xuyên xúc rửa bể cũng có thể làm cho hàm lượng amoni cao lên.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng cho biết, 1-2 tháng tới, Sở sẽ tiếp tục lấy mẫu ở hai nơi này và gửi đi kiểm tra xem hàm lượng amoni đã ở trong ngưỡng cho phép chưa.

Ông cũng khẳng định nước sinh hoạt từ 10 nhà máy còn lại của Hà Nội đều đảm bảo an toàn với người dân.

Nam Phương
 
Top