Oằn vai đi học

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Oằn vai đi học - Kỳ 1: Khổ sở vì học

TT - Chủ trương giảm tải là tín hiệu vui với hi vọng giúp học sinh (HS) bớt căng thẳng. Nhưng trên thực tế, HS vẫn phải “cày” hàng đống bài tập và bài “thuộc lòng”, phải nhồi nhét đủ thứ kiến thức mới mong đủ sức đi thi.


Truy bài cuối giờ học của học sinh lớp 9/1 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM chiều 27-9 - Ảnh: Như Hùng

Nhiều phụ huynh có con học lớp 4 và lớp 5 Trường tiểu học Trung Tự, Hà Nội cho chúng tôi xem một loại vở khá lạ là vở “tăng cường”. Trong vở này, HS ghi lại các yêu cầu của giáo viên và chuẩn bị cho bài học hôm sau.

Tăng vẫn cứ tăng

Một phụ huynh có con học lớp 4 trường này cho biết: “Chỉ riêng yêu cầu về tập viết và tiếng Việt thôi, cả mẹ và con đã phải đánh vật đến tận khuya. Nếu ngày hôm sau ở trường có giờ tập viết, thì tối hôm trước con phải viết trước một trang vào vở”. Giáo viên giải thích phải cho HS tập viết nhiều để “lớp được chấm 100% vở sạch chữ đẹp”.

Một phụ huynh khác nói: “Riêng môn tiếng Việt phải chuẩn bị bài ở nhà rất nhiều, trong khi con tôi đã học ở lớp hai buổi/ngày. Cô giáo yêu cầu HS về nhà phải đọc, trả lời tất cả câu hỏi theo sách giáo khoa của mỗi bài học sẽ dạy vào buổi hôm sau. Ngoài ra, cô còn có thêm những câu hỏi riêng liên quan đến bài học mới”.

Còn HS lớp 1 Trường tiểu học Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội chỉ sau một tháng vào học đã phải viết chính tả. Chị M. - phụ huynh lớp 1 - bức xúc: “Để có thể làm được việc này, các bé phải nghe và hiểu được các từ, cách viết đúng chính tả”.

Trong khi đó, giáo viên lớp 1 ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội cho biết: “Tuần thứ ba của học kỳ 1, đầu mỗi tiết học các em phải tự viết ngày tháng vào vở, viết tên bài vào vở theo nội dung cô giáo ghi trên bảng”. Anh H. - phụ huynh HS, đồng thời cũng là giáo viên THPT - bức xúc: “Tôi không hiểu chương trình giáo dục hiện nay thế nào. Trên thì bảo giảm tải nhưng ở trường vẫn có những yêu cầu quá sức HS như thế. Để có thể chép nội dung cô giáo yêu cầu khi mới bắt đầu học kỳ đầu tiên, nếu không học trước chương trình, các bé lớp 1 phải bổ túc thêm ngoài giờ”.

Ở trường này, ngoài các yêu cầu bài tập trong sách giáo khoa và vở bài tập của NXB Giáo Dục, phụ huynh HS phải mua cho con sách Tiếng Việt thực hành, Toán thực hành và sách Tiếng Việt của riêng trường soạn. Trong hai buổi học ở trường, HS phải hoàn thành bài tập ở tất cả cuốn sách trên. Trong số những bài tập ở các sách “thêm”, có những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đã đề nghị lược bỏ ở tài liệu giảm tải vừa ban hành.

Tối mắt tối mũi

Chính vì yêu cầu quá cao từ chương trình học, HS phải tăng ca mới mong theo kịp bài vở trên lớp. Thời lượng một HS ở TP.HCM phải đến lớp học chính khóa, tăng tiết, phụ đạo và học thêm có thể lên đến hơn 10 tiết học mỗi ngày (60-80 tiết/tuần).

Chị M., phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, bức xúc: “Từ hồi lên cấp III, con gái tôi lúc nào cũng trong tình trạng thức đêm, dậy sớm, mỏi mệt. Ăn trưa phải ăn ở trường để kịp học phụ đạo buổi chiều. 17g mới ra, lại phải tắm rửa để đi học thêm tiếng Anh và toán buổi tối. Đã vậy bài tập về nhà lại quá nhiều, tối nào cũng làm bài tập 4-5 trang giấy. Sáng dậy sớm học thuộc lòng nhưng cháu bảo học như thế vẫn không hết bài.”

Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4, TP.HCM kể: “Con tôi nói giáo viên bộ môn thường cho bài về nhà yêu cầu làm, trong khi phần lý thuyết ở lớp cô chỉ nói sơ, như định nghĩa một định lý, đọc cho HS chép vào vở, vẽ được hình minh họa trên bảng là hết giờ, ít có thời gian giảng giải. Mỗi môn 3-4 bài tập thì mỗi ngày con tôi phải giải hơn chục bài tập, không còn thời gian để thở”.

Còn chị P., có con học lớp 9 Trường THCS Văn Thân, Q.6, TP.HCM, kể: “Sáng cháu học năm tiết. Buổi chiều học ở trường, ca một bắt đầu từ 13g-14g30, ca hai từ 15g-16g30, ca ba từ 16g45-18g15 và ca bốn từ 18g30-20g để phụ đạo, bồi dưỡng các môn chính là toán, lý, hóa, văn, tiếng Anh. Tùy ngày hai ca hay ba ca mà vợ chồng tôi thu xếp đón đưa cháu”.

Bên cạnh đó, chuyện tăng tiết, phụ đạo đã trở thành chuyện bình thường. Trước đây, nếu tăng tiết, phụ đạo chỉ dành cho HS yếu, kém thì hiện nay HS nào cũng phải được tăng tiết, phụ đạo mới mong theo kịp chương trình.

Thầy Nguyễn Đình Độ, giáo viên môn hóa có gần 30 năm giảng dạy tại TP.HCM, cho biết: “Chương trình hiện thời vẫn còn quá nặng dù đã giảm tải khoảng 5%. Dứt khoát phải có tăng tiết, phụ đạo thì giáo viên và HS mới chạy theo kịp chương trình để đáp ứng yêu cầu thi cử”.

Cũng vì chạy theo chương trình và chỉ tiêu, giáo viên buộc phải cho HS nhiều bài tập hơn và dạy nâng cao hơn để đạt thành tích cao hơn.

Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Nhiệm vụ của giáo viên là phải làm sao thì làm, phấn đấu càng nhiều HS đạt loại giỏi càng tốt. Muốn vậy, ngoài bài trong sách, phải cho các em bài tập tăng cường và yêu cầu cao, kiểm tra, hỏi bài liên tục và phối hợp với phụ huynh kèm thêm bài tập ở nhà”.

Quá tải do bị nhồi nhét, yêu cầu quá cao ở trên lớp, khiến nhiều HS không hiểu bài, bị điểm kém và đó là kết cục tất yếu dẫn đến việc phải học thêm ngoài giờ.

Phụ huynh cũng ép con học

Chị Nguyễn Ánh Tuyết - phụ huynh lớp 5A1 Trường tiểu học Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) - cho hay tại buổi họp phụ huynh ngày 25-9, cô giáo chủ nhiệm đã thông báo chương trình giảm tải sẽ giúp HS học tập trọn vẹn trên lớp mà không phải làm thêm bài ở nhà. Tuy nhiên nhiều phụ huynh lớp này tỏ ra lo lắng và lập tức đề nghị cô giáo giao thêm bài tập cho trẻ làm bài ở nhà vì “trẻ chỉ chịu làm bài khi cô giáo giao bài chứ không làm bài do bố mẹ giao”.

Trong khi đó, phụ huynh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm thấy số phiếu bài tập cô giao về nhà cho con giảm so với năm trước thì tỏ ra sốt ruột cho “đích” trường chuyên, lớp chọn của các cấp tiếp theo.​

NHÓM PHÓNG VIÊN

http://tuoitre.vn/Giao-duc/458621/Oa...so-vi-hoc.html
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Oằn vai đi học

Oằn vai đi học - Kỳ 2: “Phổ cập” học thêm

TT - Đã hết cái thời học thêm là tự nguyện. Từ chỗ đáp ứng nhu cầu chính đáng, việc dạy thêm, học thêm đang ngày càng tràn lan và biến tướng lạ lùng...
Lịch học thêm dày đặc đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngành giáo dục.


Một buổi học thêm sau giờ học của học sinh tại Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Sau buổi họp phụ huynh ở Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), một phụ huynh than: “Ban đại diện cha mẹ HS phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn xin học thêm đã đánh máy sẵn. Phụ huynh chỉ việc ký vào phần để trống bên dưới nếu đồng ý với lịch học thêm vào ba buổi sáng/tuần từ 7g30-10g30. Sau đó đến 12g30 tiếp tục tiết học đầu tiên của buổi học chính khóa. Không thể đưa đón con 4 lần/ngày, nhiều phụ huynh đã phải tính đến chuyện cho con mang đồ ăn trưa đi, tìm quán ăn cho con gần trường. Cả lớp đều học nên mình cũng phải theo, không ai dám từ chối lá đơn viết sẵn”.

Không học thêm phải... chịu trách nhiệm

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Đền Lừ (Hà Nội) đã trực tiếp phát hai mẫu đơn xin tự nguyện học thêm cho từng phụ huynh. Một đơn xin học thêm ở lớp do trường tổ chức (trong trường), một đơn xin học lớp của cô giáo tổ chức (bên ngoài trường). Để tăng thêm “sức nặng”, cô giáo cho biết “sẽ mời các giáo viên trực tiếp phụ trách các môn học ở lớp dạy thêm để tiện theo dõi HS” - một phụ huynh kể.

Tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (Q.4, TP.HCM), phụ huynh tên M., có con học lớp 9, bức xúc: “Chúng tôi cảm thấy bực bội khi giáo viên dạy toán tên là H.U. phát cho mỗi HS một tờ phiếu xác nhận đồng ý cho con đi học thêm tại nhà cô. Học thêm là chuyện tự nguyện, tại sao cô giáo lại gợi ý trắng trợn như thế?”. Trong tờ “gợi ý” có tên gọi là “phiếu xác nhận”, giáo viên đã in sẵn dòng chữ “nay tôi đồng ý cho con tôi tham gia học ngoài giờ môn toán” để phụ huynh ký vào. Ở cuối phiếu có phần riêng dành cho những phụ huynh không cho con đi học “vì nhiều lý do, tôi không đồng ý cho con tôi tham gia lớp học và xin chịu trách nhiệm về việc học tập sa sút của con” và cũng có chỗ trống để phụ huynh ký tên xác nhận. Nếu đồng ý đi học thêm, con chị M. sẽ học một tuần hai buổi tại nhà cô giáo ngay sau giờ học ở trường với học phí 250.000 đồng/tháng.

Một phụ huynh có con học lớp 8 tại Q.Đống Đa (Hà Nội) nói: “Vấn đề không phải chỉ là tốn tiền, mà thời gian tự học, thời gian nghỉ ngơi của con không có. Những buổi phải học thêm hai ca (hai môn) khi về nhà cháu chỉ kịp ăn cơm vội vàng là lại lên đường đi học”.

Mượn trường để tiện dạy thêm

Trong khi đó, HS khối 5 Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) đã bắt đầu vào cuộc chiến “nâng cao” ngay từ tuần đầu tiên năm học mới. “Ban đầu giáo viên thông báo sẽ tổ chức lớp học thêm từ 17g30-19g30 ngay tại trường cho khoảng 40 học sinh khá giỏi để bồi dưỡng. Khối 5 có ba lớp, nhưng tôi thấy hầu hết phụ huynh đều đăng ký cho con mình học lớp này vì sợ thua thiệt” - chị T., một phụ huynh, cho biết. Theo chị, lớp học này được tổ chức 3 buổi/tuần với mức học phí 200.000 đồng/tháng. Sau khi tan trường, HS sẽ tự lo ăn uống ở bên ngoài để có sức học tiếp buổi học cuối ngày. “Ngoài các buổi sáng học chính khóa, buổi chiều theo thời khóa biểu lịch học bán trú là các môn phụ, ngoại khóa, nhưng nhiều buổi giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm ở trường ngay trong buổi hai này. Đương nhiên, gọi là học thêm thì phải đóng thêm tiền” - chị T. bộc bạch.

Để thuận tiện cho việc dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã thuê địa điểm gần trường hoặc ngay trong trường để tổ chức dạy học ngoài giờ. Trên thực tế, hình thức dạy thêm này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh không có điều kiện đón con trong giờ tan tầm. Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội) kể: “Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 10 cô tổ chức lớp học thêm. Giờ học sẽ bắt đầu từ 17g-19g ngay sau khi các cháu tan lớp. Cô giáo đã thuê một địa điểm gần trường và phụ trách luôn việc dẫn các cháu sang điểm học mới sau giờ chính khóa”.

Tại Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.Tân Bình (TP.HCM), ban giám hiệu xác nhận: “Trường không tổ chức dạy thêm nhưng giáo viên có mượn sáu phòng học bán trú để giữ HS và kèm HS sau giờ tan trường, chờ tới lúc phụ huynh đón con về. Việc tổ chức hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”. Anh L.V., có hai con học tại trường này, cho biết: “Tôi nghĩ học cả ngày đã mệt nhưng không hiểu sao giáo viên lại tổ chức học tiếp. Nếu không tham gia, tôi lo cháu sa sút hơn các bạn và bị đối xử không công bằng”. Tại TP.HCM, việc thuê nhà trọ gần trường hoặc thuê cơ sở vật chất của trường để dạy thêm (dưới hình thức giữ con giúp phụ huynh đón trễ) đang dần phổ biến.

Một phụ huynh Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bức xúc: “Nhà trường vừa tham khảo ý kiến phụ huynh về việc mở các lớp ôn bài tại trường sau giờ học với mức phí 75.000 đồng/HS/tháng vì giờ tan học buổi hai hiện nay là 15g45, phụ huynh chưa thể đón con ngay. Nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một hình thức dạy thêm mà thôi, tham gia cũng khó mà không tham gia cũng khó cho phụ huynh chúng tôi”.

Thời gian biểu của H. (học sinh Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội):

6g sáng dậy, 7g15 có mặt tại trường, 7g30 vào học. Khoảng 12g tan học, đi từ trường đến chỗ học thêm để học liên tiếp hai ca. Có hai phòng học (thuê nhà dân) cạnh nhau, hai cô giáo lần lượt đổi chỗ cho nhau dạy ở hai lớp đó. Thứ hai học toán, tiếng Anh. Thứ tư học văn, lý, hóa. Thời gian kéo dài từ 14g-17g. Thứ sáu học toán, tin, từ 13g30-17g. Giáo viên dạy thêm là những người dạy trên lớp buổi sáng. Ngoài ra, H. và nhiều HS trong lớp còn học tại các “lò luyện” ở trường sư phạm, trường chuyên ngữ vào cuối tuần và các buổi tối.​

NHÓM PHÓNG VIÊN

http://tuoitre.vn/Giao-duc/458776/Oa...-hoc-them.html
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Oằn vai đi học

Oằn vai đi học - Kỳ cuối: Thoát ra bằng cách nào?

TT - Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn quá tải - giảm tải không phải chỉ là việc cắt gọt vài nội dung trong chương trình hay những quy định chỉ để giải quyết phần ngọn.


Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM sau giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, khi tranh luận về những bất cập ở giáo dục phổ thông đã cho rằng: “Phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt, thay vào đó là việc coi trọng năng lực tư duy độc lập, dạy cho học sinh cách tự học, khuyến khích học sinh sáng tạo. Phải xác định rõ kiến thức, kỹ năng nào là cơ bản và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông, nhất là ở các bậc học thấp”.

Thay đổi cách thi

Có quan điểm tương tự, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi phát biểu: “Với cách dạy như hiện nay, Bộ GD-ĐT có giảm tải thế chứ giảm nữa thì vẫn nặng nề. Muốn giảm thì phải thay đổi cách dạy. Phải xác định mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục phổ thông hiện nay là không nhồi nhét kiến thức”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng “thay đổi cách thi cử” là cách để thay đổi việc quá tải. Vì mấu chốt vấn đề khi thầy cô, học sinh, phụ huynh lao vào học thêm, học nâng cao cũng chỉ vì mong muốn vượt qua kỳ thi. TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: “Để học sinh không phải oằn vai đi học thì phải giảm tải, nhưng chất lượng giảm tải chính là mục tiêu rèn tư duy, rèn nhân cách học sinh. Ông Lâm cho rằng: “Muốn giảm áp lực học tập cho học sinh phải cải tiến thi cử. Giảm tải mà không cải tiến thi thì giảm tải không có ý nghĩa gì”.

Là người trực tiếp giảng dạy, cô Nguyễn Như Hương, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, cho rằng dẫu có giảm tải học sinh vẫn đi học thêm do áp lực thi cử. Phụ huynh không yên tâm nên kiểu gì cũng cho con đi học thêm. Nhiều học sinh nói rằng không học thêm không làm được bài.

GS Hoàng Tụy, người nhiều năm qua kiên trì đề xuất việc cải cách giáo dục, đã coi việc đổi mới thi cử là một trong những việc cần làm đầu tiên. Nhưng theo ông, đổi mới thi không có nghĩa là tăng thêm quy định này, sửa đổi quy định kia như ngành GD-ĐT từng loay hoay làm thời gian qua. GS Hoàng Tụy cho rằng “Việc học và kiểm tra phải được thực hiện ngay trong quá trình học chứ không đổ dồn vào những kỳ thi cuối cấp”. Nếu việc dạy học có chất lượng, được “kiểm tra chất lượng” thường xuyên thì không cần lao vào một kỳ thi nặng nề như đã làm.

GS Hoàng Tụy cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng thay đổi cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó phân luồng mạnh mẽ để một bộ phận học sinh phổ thông đi theo hướng học nghề là cách “giảm tải”- giảm áp lực chạy đua vào đại học, theo đó sẽ giảm dạy thêm học thêm, giảm nhồi nhét kiến thức không cần thiết. Bà Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng: “Phân luồng sau THCS và THPT sẽ thay đổi tình trạng 90% học sinh lao vào luyện thi đại học bằng mọi cách”.

Chăm lo cho giáo viên

Lâu nay việc giáo viên dạy thêm, giáo viên có thái độ không đúng mực khi ép học sinh học thêm, trù dập học sinh khi các em không học thêm... gây bất bình cho dư luận. Nhưng để giải quyết việc này, không thể chỉ tăng cường các mức chế tài, thắt chặt bằng cách quy định quản lý. Giải pháp đó, chặn chỗ này sẽ bung ra ở chỗ khác, việc lập lại trật tự sẽ chỉ mang tính hình thức. Minh chứng cho điều này là việc nhiều giáo viên họp phụ huynh lại để đề nghị ký vào biên bản “đồng ý cho cô dạy nâng cao chương trình”, là việc ban đại diện phụ huynh đi thuyết phục, phát đơn “tự nguyện xin học thêm”. Người không muốn cũng phải cho con đi học.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, giải pháp vừa giải quyết tốt vấn nạn tiêu cực trên vừa mang tính nhân văn là giải pháp “chăm lo tốt hơn cho giáo viên”. Chăm lo cho giáo viên trước hết là chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên có kiến thức, trình độ, khả năng nắm bắt tâm lý, bám sát đối tượng học sinh để dạy tốt trong nhiều điều kiện khác nhau. Chăm lo cũng là việc xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng, cơ chế quản lý chặt chẽ nhưng khuyến khích giáo viên cống hiến.

GS Hoàng Tụy tha thiết đề nghị sớm cải cách chế độ lương đối với giáo viên. “Chỉ khi giáo viên được tôn trọng thật sự, có thể sống được bằng thu nhập chính đáng từ nghề thì họ mới yên tâm làm việc, chấm dứt những kiểu kiếm tiền bằng cách này cách khác. Cho dù giáo viên có tâm huyết nhưng nếu cơ chế đãi ngộ không thay đổi, họ cũng sẽ mệt mỏi, tâm huyết cũng sẽ mất dần”- GS Hoàng Tụy tâm sự.

Nhà giáo nhân dân Tôn Thân, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học giáo dục VN, nhận xét: “Chế độ đãi ngộ kém quá nên chẳng ai muốn thi vào sư phạm”.

Phê phán những hiện tượng tiêu cực trong thực tiễn dạy và học để thấy những bất ổn trong quan điểm của người học, người dạy. Nhưng sâu xa hơn, đó là hệ lụy của những bất ổn của cả nền giáo dục hiện nay.

VĨNH HÀ - THƯ HIÊN

Cần giải pháp đồng bộ

Một cán bộ giáo dục ở TP.HCM cho rằng chương trình học hiện nay có chỗ nặng, chỗ nhẹ chứ không phải hoàn toàn nặng. Với chương trình đó, nếu thầy cô giáo chủ động trong phương pháp dạy học thì hoàn toàn có thể biến nặng thành nhẹ. Ngược lại, dạy kiểu thủ công thì nhẹ cũng thành nặng. Chuyện học thêm, dạy thêm thực chất là cách dạy theo cá thể, cần phân loại: học sinh nào giỏi thì mình dạy ít lại, học sinh nào yếu thì dạy nhiều hơn, nhưng hiện nay đã bị nhiều người hiểu sai và phụ thuộc vào chuyện đóng tiền thì mới học thêm.

Mặt khác, việc phân luồng, định hướng cho HS cuối cấp chưa tốt. Chúng ta đang quan điểm cả làng đi thi đại học, hễ tốt nghiệp là thi đại học thì buộc các em phải học đêm học ngày để đậu đại học dù không đủ sức. Nhiều khía cạnh liên quan khiến việc quá tải không thể giải quyết nếu không có giải pháp đồng bộ.

L.TRANG ghi
http://tuoitre.vn/Giao-duc/458920/Oa...-cach-nao.html
 
Top