ALnML
Super Moderator
“Ông kẹ” trong nhà
PN - Trong nhiều gia đình hiện vẫn tồn tại những “ông kẹ” hay áp đặt hoặc chi phối cuộc sống của các thành viên khác bằng chiếc “vòng kim cô” tự tạo theo ý muốn chủ quan, khiến người bạn đời nhiều phen lao đao, lận đận…
VÒNG KIM CÔ
Nguyễn Tuấn được họ hàng nể phục vì là một hướng dẫn viên du lịch từ tay trắng gầy dựng nên công ty riêng. Do tập trung cho sự nghiệp, 40 tuổi anh mới kết hôn. Vợ anh là cô sinh viên nhu mì anh để ý khi được mời thỉnh giảng ở trường cô đang học. Cưới xong, một tay Tuấn tìm việc cho vợ và gửi gắm bạn bè hỗ trợ vợ tối đa. Mọi chi tiêu trong nhà, anh cáng đáng và tự quản luôn, như anh thường nói với vợ “mấy chuyện nhức đầu này, để anh tính”. Từ bao giờ, An, vợ Tuấn an phận đi theo con đường chồng vạch sẵn, dù vẫn than thở với bạn bè “ngay như nữ trang, anh ấy cũng chọn luôn cho mình vì chê mình lựa mấy món quê mùa, không hợp với anh ấy”. Đến một ngày gia đình “bình ổn” của Tuấn dậy sóng vì An được thăng chức, lên lương.
Thấy vợ tất bật công việc chẳng khác gì mình, Tuấn soi xét vợ từng li. Có hôm, trong lúc đợi chồng về để cả nhà cùng ăn tối, vợ anh thấy con đói bụng liền cho ăn trước. Tuấn vừa về đến nhà là mắng xối xả vợ nuông chiều con, dạy con… xem thường bố. Anh mắng, mà không nhớ bao năm qua, hai mẹ con vẫn đợi, dù giờ giấc của anh chẳng theo quy luật nào. Lòng Tuấn sôi sục nỗi lo vợ đang thoát dần khỏi sự bảo bọc của mình, nên cứ buổi sáng thấy vợ chuẩn bị đi làm là anh lại chì chiết: “Cô chưng diện vậy để đi với… thằng nào?”. Tuấn đề nghị vợ không được trang điểm, mặc váy ngắn hay đổi kiểu tóc mới. Ngày nào anh cũng điện thoại đến công ty của vợ mấy lượt để kiểm tra xem vợ có ra ngoài “léng phéng” với ai không. “Giọt nước tràn ly”, một lần, An đi công tác cuối tuần, Tuấn đem theo con, phóng xe máy theo ô tô của vợ, khiến đồng nghiệp đi chung xe với vợ anh tá hỏa. Ngay sau đó, vợ anh đem con về quê ngoại.
Một người chồng hơn hẳn vợ nhiều mặt dễ trở thành “ông kẹ” trong nhà, nhưng vẫn có nhiều ông, mọi thứ đều “làng nhàng”, thậm chí sống tầm gửi mà vẫn muốn chứng tỏ quyền lực bằng cách ỷ mạnh hiếp yếu. Hoàng Uyên lấy chồng năm 2002, Bình, chồng Uyên đi làm ở Bến Tre, Uyên vẫn ở nhà ngoại tại Cần Thơ. Năm 2008, Bình nghỉ việc, về lại Cần Thơ. Từ đó thường xảy ra mâu thuẫn và cự cãi, mà nguyên nhân được người chồng cho là tại Uyên. Ví dụ: Uyên có điện thoại mới là Bình ném đi “cho khuất mắt cái đồ của kẻ trắc nết”. Biết chồng không có việc làm và ở nhờ bên ngoại nên dễ bực bội, Uyên vay ngân hàng để xây nhà riêng trên miếng đất cha mẹ mình cho. Hàng tháng, Uyên phải trả nợ và lo toan chi phí sinh hoạt trong gia đình, nhưng Bình chẳng đỡ đần mà vẫn nặng nhẹ. Cứ vài hôm là hai con của Uyên lại níu chân mẹ mà khóc vì cha vô cớ hất đổ mâm cơm. Khi Uyên đặt thêm tủ thuốc lá trước nhà để kiếm thêm chút tiền lời, Bình đe dọa: “Cô nói chuyện với đàn ông là… tôi giết”. Không ít lần khách mua thuốc lá ngán ngẩm bỏ đi khi người chồng thản nhiên túm áo, nắm tóc vợ dọa hành hung. Không chỉ ngăn cản Uyên kiếm sống, Bình còn lục lọi tiền bạc trong nhà để đi chọi gà, cờ bạc. Trước cảnh chồng “leo thang chiến tranh”, Uyên vẫn lầm lũi thu vén gia đình với suy nghĩ “một điều nhịn, chín điều lành”. Cho đến một ngày, thấy cha hà hiếp mẹ, đứa con trai không khóc nữa mà hét lên “con ghét ba”, Uyên nhận ra mình đã sai khi nhượng bộ.
HÓA GIẢI “ÔNG KẸ”
Không hiếm những trường hợp chồng bỗng chốc hóa “ông kẹ” là do chính người vợ vô tình nuôi dưỡng… Có những người vợ lúc đầu sướng mê vì “ổng” nhân danh sự quan tâm, tình yêu để áp đặt, chi phối, như cách Tuấn "ủ kín" người vợ (học trò) của mình. Buổi đầu, sự độc đoán của Tuấn có một giá trị nhất định vì người vợ hãy còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống và phụ thuộc tài chính vào chồng. Nhưng theo thời gian, cô “học trò” ấy dần trưởng thành cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Lúc này, thay vì chấp nhận và thích ứng trước sự thay đổi chính đáng cũng như thành công nghề nghiệp của vợ, Tuấn lại muốn trì kéo vợ trở lại… ngày xưa. Vấp phải sự tự tin của vợ, đến lượt anh phản ứng quá quắt.
Khi cán cân gia đình thiếu cân bằng giữa vợ và chồng, dễ có nguy cơ xuất hiện… “ông kẹ”. Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên lý giải: “Sự áp chế, điều khiển người khác, ham quyền lực cũng là nét tâm lý bẩm sinh của người đàn ông; khi gặp điều kiện và môi trường thuận lợi, sẽ dễ bộc lộ, phát triển. Nếu họ dùng quyền chính đáng (tức là quyền lực đi kèm trách nhiệm) để có quyết sách đúng đắn, vì lợi ích chung của gia đình thì là điều tốt, cần được khích lệ. Nhưng, việc thể hiện quyền lực bằng cách áp đặt và chi phối người khác theo ý muốn chủ quan của mình thì rõ ràng không nên dung túng, cho qua”.
Bản thân “ông kẹ” cũng không sung sướng gì khi làm mặt “ngầu”, quát nạt hoặc ra lệnh cho vợ con - bởi ngay thời điểm đó, họ đang rất “nóng trong người” vì mặc cảm thua kém người bạn đời, vì tự ái đàn ông. Người vợ nên thấu hiểu điều đó để không “đổ dầu vào lửa” khiến tình hình thêm căng thẳng. Nhưng về lâu dài, suy nghĩ “một điều nhịn, chín điều lành” lắm lúc thành ra thỏa hiệp với sự thiếu kiềm chế hoặc tính khí thất thường của những người chồng - “ông kẹ” là không ổn. Chưa kể, việc nín nhịn mà không “tâm phục, khẩu phục” lâu ngày sẽ tích tụ thành hố ngăn cách giữa hai người, dẫn đến cuộc sống vợ chồng chỉ còn là sự chịu đựng. Sau này, khi đã ly hôn với ông chồng “kẹ”, tạo dựng một mái ấm gia đình khác, Hoàng Uyên mới thú nhận: “Có những tình huống dù mình nhượng bộ cũng không cải thiện được tình hình nên người vợ hãy làm theo ý của mình. “Nhắm mắt cho qua” không chỉ tác hại đến tình cảm vợ chồng mà còn ảnh hưởng xấu đến con cái. Nếu như nói chuyện mềm mỏng với chồng để bảo vệ ý kiến của mình mà vẫn không được thì phải có biện pháp cứng rắn. Tất nhiên ly thân, ly hôn chỉ là những biện pháp cuối cùng” .
Cô vợ ngoan của Nguyễn Tuấn, sau một tuần ôm con về nương náu nhà ngoại, được mẹ nhỏ to khuyên nhủ đã vỡ ra nhiều điều. Nghe mẹ, An trở về nhà với một chiến dịch mới: tạo lòng tin nơi chồng bằng cách thường xuyên kể về những công việc ở cơ quan của mình, hỏi ý kiến chồng trong cách xử lý, giải quyết cụ thể từng sự việc; ngay như chuyện mua sắm cho riêng mình An cũng mời chồng tham gia bằng cách đưa ra nhiều phương án để chồng lựa chọn giúp. Cô còn thường tổ chức nấu những bữa ăn ngon, mời bạn bè về nhà chơi hay ngược lại, mời chồng cùng đi chơi với bạn bè trong cơ quan, đồng thời ý nhị khoe chồng vào những thời điểm thích hợp. Càng lúc, An càng làm cho chồng hiểu ra là ngoài chồng, chẳng có ai khác yêu thương vợ như Tuấn và cũng chẳng ai hiểu được anh nhiều hơn An. Hạnh phúc dần hồi sinh trong gia đình nhỏ. Nhớ lại những ngày đã qua, người vợ ấy tự nhận mình quá hời hợt, nông cạn, thiếu suy nghĩ đến nỗi suýt làm đổ vỡ gia đình.
Suy cho cùng, chẳng ai thích mình trở thành “ông kẹ” trong mắt người khác, mà sự bất đắc dĩ đã khiến họ trở nên như vậy. Để hóa giải “ông kẹ”, cách hay nhất là tránh đưa người ấy vào thế “kẹ”, sớm phát hiện và thấu hiểu nguyên nhân để đưa “kẹ” trở về… đời sống bình thường.
THỤC OANH
http://www.phunuonline.com.vn/honnha...trong-nha.aspx