“Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em”

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Cập nhật lúc : 2:50 PM, 21/01/2010
“Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em”
(VOV) - Cuộc tư vấn diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ đã góp phần giải đáp những thắc mắc, trăn trở của nhiều người cũng như trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng về bệnh ung thư ở trẻ em.
Đúng 14h30 ngày 21/1, Chuyên mục Phòng mạch online của Báo Điện tử VOVNEWS đã tổ chức cuộc tư vấn trực tuyến về "Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em".​
Tham gia cuộc tư vấn có 2 chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương TS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu và TS Phùng Tuyết Lan, Phó Trưởng khoa.​
Theo các chuyên gia y khoa, ung thư ở trẻ em chiếm tỉ lệ nhỏ, từ 1-2% các dạng ung thư, với tần suất 100/1.000.000 nhưng 10% tử vong ở trẻ em có liên hệ với căn bệnh này. Bệnh ung thư ở trẻ em có tác động tâm lý, kinh tế, xã hội sâu xa và mạnh mẽ đến đời sống của trẻ em, đến gia đình và cộng đồng xã hội.​
VOVNews tổ chức chương trình này nhằm trang bị kiến thức cho cộng đồng về bệnh ung thư ở trẻ em.


Theo TS.BS Bùi Ngọc Lan: "Nhiều người không có thói quen khám sức khoẻ định kỳ nên không phát hiện ra bệnh. Khi ung thư ở giai đoạn muộn thì mới đem con đi khám hoặc có những thể ung thư rất ác tính, tiến triển bệnh rất nhanh nên đến viện cũng ở giai đoạn muộn.
Bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng dễ phát hiện ở giai đoạn muộn. Khám sức khoẻ định kỳ khi có những dấu hiệu bất thường như có khối u, có hạch to kéo dài, thiếu máu.... để làm các xét nghiệm tìm dấu hiệu của ung thư".
** Bác sĩ có thể có biết các biểu hiện để phát hiện khi trẻ bị mắc bệnh ung thư sớm nhất? (B.Lan- Hà Nội)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: 10 dấu hiện phát hiện bệnh ung thu ở giai đoạn sớm gồm: Có khối u ở bụng, hạch to kéo dài, xét nghiệm có ít nhất một dòng tế bào máu bất thường, các dấu hiệu thần kinh bất thường, tăng áp lực nội sọ, một cầu não to lan toả, lồi mắt, phản xạ đồng tử trắng, một khớp đau hay xưng to bất thường, chảy máu hay khối u âm đạo.

TS.BS Bùi Ngọc Lan ** Có phải mẹ nghiện trà hay cà phê là nguyên nhân gây ung thư ở thai nhi? (Sao Xanh, Ba Đình, Hà Nội) TS.BS Bùi Ngọc Lan: Chưa có bằng chứng nghiên cứu nào khẳng định mẹ nghiện trà hay cà phê là nguyên nhân gây ung thư ở thai nhi. Nhưng những chất gây nghiện đều có khả năng đi qua nhau thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, nghiện trà hay cà phê đều không tốt cho thai nhi.
** Sao nhiều người mang con tới bệnh viện lúc đã quá muộn và bệnh đã quá nặng? Phải chăng ung thư cũng rất khó phát hiện? (Nguyễn Trung Kiên, Hải Dương)
TS.BS Bùi Ngọc Lan: Nhiều người không có thói quen khám sức khoẻ định kỳ nên không phát hiện ra bệnh. Khi ung thư ở giai đoạn muộn thì mới đem con đi khám hoặc có những thể ung thư rất ác tính, tiến triển bệnh rất nhanh nên đến viện cũng ở giai đoạn muộn.
Bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng dễ phát hiện ở giai đoạn muộn. Khám sức khoẻ định kỳ khi có những dấu hiệu bất thường như có khối u, có hạch to kéo dài, thiếu máu.... để làm các xét nghiệm tìm dấu hiệu của ung thư.
** Gia đình có người ung thư thì trẻ sinh ra có bị di truyền không bác sĩ? Nếu đang có thai đi khám bác sĩ bảo bị ung thư thì có chữa được không bác sĩ (Loan Thanh, 28 tuổi, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh)
TS BS Phùng Tuyết Lan: Tỷ lệ di truyền trong bệnh ung thư có nhưng rất thấp. Sẽ có một số rất ít các gia đình có những gene nguy cơ mắc bệnh ung thư nhưng tỷ lệ thấp. Gia đình mà có những gene này thường có nhiều người, nhiều thế hệ mắc bệnh ung thư ở tuổi rất sớm. Những gia đình này ở nước ngoài họ có thể đến gặp chuyên gia về di truyền để tư vấn phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm.
Nếu đang có thai đi khám có thể phát hiện một số u của bào thai. Việc chữa được hay không sẽ phụ thuộc u đó là u loại gì. Đây là câu hỏi chung chung, trong một số trường hợp cụ thể thai phụ cần đi khám bác sĩ, tiến hành chụp cắt lớp và một số các xét nghiệm máu phát hiện các mác-cơ ung thư. Từ đó sẽ có phương hướng điều trị khi đứa trẻ ra đời.
TS BS Phùng Tuyết Lan ** Bác sĩ ơi, tôi có người bạn khi sinh con thì một cháu bị ung thư thận (đã mất), một cháu lại bị tim và một cháu bị đao. Có phải vợ chồng bạn tôi có vấn đề về gene không bác sĩ? (HảiYến, thanh Xuân, Hà Nội)

TS BS Phùng Tuyết Lan: Có một số gia đình có thể có những gene đột biến. Họ có nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến vấn đề rối loạn nhiễm sắc thể, những dị tật ở các cơ quan (tim, thận, tiết niệu, sinh dục...) và có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những gia đình khác. Theo tôi thì gia đình vợ chồng bạn của bạn nên làm một số xét nghiệm di truyền (ví dụ cấy nhiễm sắc thể) để tìm những đột biến này và được sự tư vấn di truyền khi muốn có cháu tiếp theo.
** Thưa Bác sĩ, cháu bé nhà em được 6 tháng tuổi. Từ khi sinh ra cháu bị một mảng da mầu hồng đỏ sau gáy, đến nay phát triển to hơn đồng xu. Mảng da đó khô, song thi thoảng bị bong tróc và có nước. Em đã bôi hồ nước và kem ngoài da, song vẫn không có chuyển biến, hôm nay em xem thì mảng da vẫn đỏ hồng như vậy và có ẩy ở xung quanh. Có người nói đó là "u máu" và không cần can thiệp gì, lớn lên sẽ hết, nhưng em rất băn khoăn. Vậy qua đây, Bác sĩ tư vẫn giúp em, con em bị làm sao? Đám da đó có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu và máu không? Em xin chân thành cảm ơn Bác sĩ. (Lan Anh, Nam Định)
TS BS Phùng Tuyết Lan: Theo tôi, chị nên đưa cháu đi khám tại bệnh viện. Nếu là u máu thì là một bệnh lành tính. Tuy nhiên vẫn cần khám và điều trị đúng chuyên khoa để không dẫn đến những kết quả không mong muốn (ví dụ như thẩm mĩ, biến chứng nhiễm trùng...)
** Tại sao khi truyền hóa chất các cháu bé bị ung thư lại mệt mỏi, thậm chí nhiều cháu không chịu được. Hóa chất có tác dụng phụ về sau không bác sĩ? (Mai Hương, Chùa Bộc, Hà Nội)
TS.BS Phùng Tuyết Lan: Hóa chất là những loại thuốc gây độc tế bào (nó có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt cả các tế bào bình thường của cơ thể). Trong khi truyền hóa chất, trẻ dễ bị các phản ứng như nôn, buồn nôn, sốt, đau bụng… dẫn đến trẻ sẽ mệt mỏi, mất nước, kém ăn… Vì vậy, trong khi truyền hóa chất, trẻ thường được dùng kèm theo thuốc chống nôn, dịch truyền…
Các tác dụng phụ thường gặp ngay sau khi truyền hóa chất rất đa dạng, như nôn, rụng tóc, loét miệng, sốt, nhiễm trùng... Các tác dụng phụ của hóa chất về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan: gan, tim, thận, bộ phận sinh dục… và thậm chí có thể là nguyên nhân gây các bệnh ung thư thứ phát. Vì vậy, sau khi ngừng điều trị, các cháu cần có thời gian dài để theo dõi cũng như để phát hiện các biến chứng lâu dài do hóa chất và có hướng điều trị kịp thời.
** Con trai tôi có 6 cái u nhỏ bằng hạt lạc ở trán, tay và gáy, lông mày. Tôi phát hiện ra cháu bị những cái u này từ hội cháu mấy tháng tuổi. Đến 6 tuổi, tôi đã cho cháu đi khám và bác sĩ nói u bã đậu và đã làm phẫu thuật cắt bỏ 3 cái ở tay, trán và lông mày. Cháu hiện đã 8 tuổi và vẫn còn 3 cái u và nó cứ dần to ra. Vậy có đáng lo ngại không bác sĩ? Tôi phải nên làm gì cho cháu? (Lê Thủy, Ngọc Khánh, Hà Nội).
TS.BS Phùng Tuyết Lan: U bã đậu là một loại u lành tính và có chỉ định phẫu thuật khi nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác hoặc lý do thẩm mỹ. việc u có thể xuất hiện ở nhiều nơi, cũng hay gặp. Theo tôi, bạn nên đưa con mình tới khám tại những bệnh viện có chuyên khoa Nhi để đảm bảo được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng chỉ định.
** Bác sĩ ơi, sao giờ nhiều trẻ con bị ung thư thế nhỉ? Các bác sĩ có thể cho biết vì sao không? (Mai Thanh, 37 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội)


TS, BS Bùi Ngọc Lan:
Mỗi năm có khoảng 400 bệnh nhi được chẩn đoán là ung thư mới tại bệnh viện Nhi Trung ương. Số lượng bệnh nhân hàng năm không tăng lên nhưng số lượng bệnh nhân được điều trị, theo dõi và thành công tăng lên. Mỗi bệnh nhân ung thư thường điều trị từ 1-3 năm tuỳ theo thể bệnh. Vì thế mọi người có thể nghĩ rằng số lượng bệnh nhi ung thư tăng lên khi gặp nhiều bệnh nhi điều trị tại khoa Ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương.
** Bác sĩ ơi, con gái tôi gần 3 tuổi, thường xuyên bị viêm mí mắt, cứ 1 tháng phẫu thuật xong lại bị. Tôi nghe nói ung thư có thể xuất phát từ những cái rất bé như vậy. Tôi lo lắng nhưng tự nhiên đem con đi khám ung thư thì cứ thấy làm sao ấy! (Nha Trang, Nam Định)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Để chẩn đoán bệnh ung thư cần chẩn đoán mô bệnh học. Các biểu hiện viêm có thể lặp lại nhưng không tiến triển ác tính, xâm lấn các cơ quan xung quanh. Cháu bị viêm mí mắt, phẫu thuật xong là ổn định, bệnh không tiến triển ác tính thì ít có khả năng bị ung thư. Khi phẫu thuật, các bác sĩ chắc chắn đã làm chẩn đoán mô bệnh học nên nếu có bệnh ác tính chị sẽ được các bác sĩ thông báo.
** Thưa bác sĩ, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bi ho lâu ngày thì có bị ung thư không ạ. Con của tôi, cứ 1 tháng lại ho mất 10 ngày, ho sâu từ lúc 9 tháng đến nay (hơn 3 tuổi rồi), uống thuốc kháng sinh, thuốc long đờm, thuốc cam và thuốc xịt dự phòng hen mà vẫn không khỏi. Rất mong sự tư vấn của bác sĩ. Xin cảm ơn! (Thanh Hoà, Thái Bình)
TS,BS Phùng Tuyết Lan: Triệu chứng ho kéo dài gặp ở rất nhiều bệnh và bệnh ung thư là một bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên bạn hãy ít nghĩ đến nó. Nếu con bạn đã ho hơn 2 năm nay, mà không có triệu chứng gì khác kèm theo thì bạn không cần phải nghĩ đến căn bệnh ung thư vội. Trước hết, bạn cho con khám và theo dõi ở bác sĩ chuyên khoa hô hấp để tìm các nguyên nhân gây ho kéo dài (chụp phổi, khám tai mũi họng…) và có điều trị thích hợp.
** Em nghe nói lác mắt cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư ở trẻ con. Điều này có đúng không ạ? (Đức Dũng, Phú Thọ)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Đúng là lác mắt cũng có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên phải xem xét trong bối cảnh xuất hiện như thế nào và các triệu chứng kèm theo. Nếu lác mắt có từ lúc đẻ và trẻ vẫn lớn bình thường thì không phải bệnh ung thư. Nếu lác mắt xuất hiện đột ngột kèm theo các triệu chứng như đau đầu, nôn, liệt... thì có thể nghĩ đến một số bệnh ung thư. Tóm lại, trong mọi trường hợp, cần phải đưa trẻ đi khám.
** Bây giờ người ta đã xạ trị nhiều hơn, chứ ít dùng hóa chất, có đúng không thưa bác sĩ? Em nghe nói có thể dùng dao điện cắt khối u, phương pháp này ở VN đã làm được chưa ạ?(Lê Quế, Quế Võ, Bắc Ninh)
TS.BS Bùi Ngọc Lan: Điều trị ung thư có nhiều biện pháp: phẫu thuật, hoá trị liệu, xạ trị, ghép tế bào gốc tạo máu, điều trị bằng gen... Các biện pháp điều trị này tuỳ theo bệnh, thể bệnh, giai đoạn bệnh...
Xạ trị là biện pháp điều trị sử dụng các tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hoá trị liệu là biện pháp sử dụng các thuốc có tác dụng diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị có tác dụng chủ yếu điều trị một số loại ung thư đặc, tế bào ung thư nhạy cảm với tia xạ. Điều trị tia xạ có thể để lại các tác dụng phụ sau này mới có thể phát hiện được: như chậm phát triển cơ thể, trí tuệ, suy chức năng cơ quan ở vùng lân cận nơi tia xạ...
Xạ trị không đực chỉ định nhiều trong điều trị ung thư trẻ em, trừ một số ung thư nhạy cảm tia xạ hoặc giai đoạn cuối như: ung thư cơ vân, ung thư não, ung thư máu di căn hệ thần kinh trung ương... Dùng hoá chất điều trị ung thư là biện pháp điều trị chủ yếu trong ung thư trẻ em.
Tại Việt Nam có thể dùng kỹ thuật Gamma Knife (dùng tia Gamma phẫu thuật cắt u) để điều trị u não. Tuy nhiên việc điều trị này cần phải gây mê thường chỉ định cho trẻ trên 8 tuổi.
** Bác sĩ ơi, bình thường một bệnh nhi bị ung thư chi phí trung bình khoảng bao nhiêu, có nhiều nhà không có tiền đành phải nhìn con mình chết không bác sĩ? (Thìn Lại, Thanh Hoá)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Số tiền điều trị ung thư phụ thuộc vào bệnh, thể bệnh, giai đoạn bệnh. Ví dụ để điều trị ung thư máu thể lympho cho trẻ 4-5 tuổi cần 2-3 năm. Trong năm đầu tiên cần trung bình mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Trong năm thứ 2, 3, mỗi tháng cần 500.000-600.000 đồng.
Trong thời gian bệnh nhi ở bệnh viện, Bảo hiểm Y tế sẽ chi trả toàn bộ tiền thuốc, giường bệnh, xét nghiệm nhưng khi bệnh nhân điều trị ngoại trú, gia đình sẽ phải chi phí toàn bộ.
Điều trị ung thư là điều trị kéo dài nên gia đình ở xa sẽ phải chi phí rất nhiều tiền đi lại và ăn ở. Những gia đình nghèo, ở xa, tiên lượng bệnh xấu thường bỏ điều trị. Theo ước tính của Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm có khoảng gần 50% bệnh nhân bỏ điều trị vì nhiều lý do.
** Có thể phát hiện bệnh ung thư từ khi mang thai không, thưa bác sĩ? (Ngọc Thành, Thanh Hoá)


TS,BS Phùng Tuyết Lan
: Có thể phát hiện bệnh ung thư từ khi mang thai qua siêu âm thai nhi. Ở nước ngoài, chẩn đoán các bệnh trước sinh rất phát triển và có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ phụ sản và bác sĩ nhi để có phương hướng chẩn đoán và điều trị khi đứa trẻ ra đời. chúng tôi cũng gặp một vài trường hợp gia đình đưa trẻ đến khám sau khi trẻ được vài tháng với chẩn đoán trước sinh là có u ổ bụng. Các cháu này cũng được tiến hành chẩn đoán và điều trị theo phác đồ. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng việc chẩn đoán các bệnh ung thư trước khi sinh tại Việt Nam sẽ phát triển.
Trong trường hợp các thai nhi được phát hiện có khối u hoặc nghi ngờ có sau khi cháu bé ra đời, gia đình nên đưa cháu đi khám ngay tại các cơ sở chuyên sâu về nhi để cháu được chẩn đoán và điều trị sớm.
** Em đã có lần đi theo các bạn tình nguyện đến với trẻ em ung thư ở bệnh viện nhi. Em muốn hỏi là nếu có bảo hiểm y tế, thì các em ấy có được lo cho 100% viện phí và thuốc men không? vì em thấy nhà ai có con ung thư cũng khổ quá, ai cũng túng thiếu khánh kiệt... (Mai Phương, Bình Thuận)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Các trẻ dưới 6 tuổi được trả 100% viện phí và thuốc men. Còn trên 6 tuổi, với bảo hiểm y tế thì được trả 75-80%. Tuy nhiên, những chi phí khác như đi lại, ăn uống, sinh hoạt... trong thời gian nằm viện là cũng đáng kể, nhất là đối với các gia đình ở nông thôn. Thời gian nằm viện thường kéo dài, thời gian điều trị có khi là 2-3 năm cho nên bố mẹ nhiều khi phải bỏ cả việc làm. Vì vậy, các gia đình có trẻ bị ung thư rất cần sự ủng hộ của xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.
** Ngành ung bướu nhi có thiếu bác sĩ không ạ? Trình độ điều trị của ta ở mức thế nào so với thế giới, thưa TS Ngọc Lan và TS Tuyết Lan? (Sui Bui, Bãi Cháy, Bắc Ninh)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Ngành Ung bướu Nhi hiện đang rất thiếu bác sĩ. Hiện mới có 5 trung tâm điều trị ung thư nhi trong cả nước. Tất cả các trung tâm đều trong tình trạng quá tải gấp 2-3 giường bệnh cho phép.
Chúng ta đã điều trị thành công một số loại ung thư có tiên lượng tốt như: bạch cầu cấp dòng lympho nhóm nguy cơ không cao, u nguyên bào thận, u nguyên bào gan. Tỷ lệ sống không bệnh trên 5 năm của các bệnh nhân này đạt gần bằng kết quả điều trị của các nước tiên tiến. Hiện tại các trung tâm điều trị ung thư đều sử dụng các phác đồ điều trị của quốc tế đã được công nhận là có hiệu quả điều trị cao.
** Có thai nên kiêng ăn thứ gì và tránh những gì để con không mắc bệnh ung thư, thưa bác sĩ? (Thu Hiền, Tuy Hoà)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Nhiều nghiên cứu tìm các yếu tố gây bệnh ung thư cho thai nhi trong thời kỳ mẹ mang thai (thuốc, thức ăn, môi trường làm việc…) chưa đưa ra những kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, theo tôi, để cho cả mẹ và con khỏe mạnh, người mẹ nên có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đủ chất dinh dưỡng; một chế độ sinh hoạt phù hợp, tránh hoạt động nặng, không hút thuốc lá, uống rượu…
** Các bệnh ưng thư phổ biến ở trẻ em Việt Nam là gì, thưa bác sĩ? (Hồng Phượng, Gia Lâm, Hà Nội)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Các nghiên cứu về dịch tễ bệnh ung thư trẻ em ở Việt Nam chưa có nhiều. Tuy nhiên, theo một số tổng kết tại Bệnh viện Nhi Trung ương bệnh ung thư gặp hàng đầu ở trẻ em là ung thư máu, tiếp theo là u não, sau đó là một số loại u đặc khác như: u nguyên bào thần kinh, u lympho, u thận, u gan...
** Để trở thành một bác sĩ chuyên khoa về ung thư Nhi có khó không bác sĩ? Khi khám bệnh cho các cháu bé bị ung thư ở giai đoạn cuối, các bác sĩ thấy thế nào ạ! (Bách, Bắc Ninh)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Để trở thành bác sĩ ung thư nhi phải được đào tạo qua bác sĩ chuyên khoa Nhi, sau đó học thêm về chuyên khoa Ung thư Nhi. Tại Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chuyên khoa Ung thư Nhi. Tất cả các bác sĩ ung thư nhi tại Việt Nam đều được đào tạo chuyên sâu tại các trung tâm điều trị Ung thư Nhi của nước ngoài.
Khi khám cho các bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối, tôi cảm thấy rất buồn vì không thể có nhiều cơ hội cứu sống các cháu. Việc điều trị chủ yếu là để tăng chất lượng cuộc sống còn lại của các cháu như giảm đau.
** Thưa Bác sĩ, cháu nhà em 6 tuổi (con gái). Cháu rất khó ngủ, đêm em cho cháu đi ngủ song cháu cứ nằm đó, không ngủ. Em rất lo lắng, vì nếu cháu chưa ngủ cháu hay quấy, cựa mình liên tục và kêu buồn chân buồn tay (cháu kêu khó chịu) và em phải bóp chân tay cho cháu. Tình trạng này đã diễn ra khá lâu, từ khi cháu 2 tuổi. Một tuần thì khoảng 2 lần cháu kêu khó chịu như vậy. Em rất lo lắng và không biết xương khớp cháu có làm sao không? Mong Bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cám ơn Bác sĩ. (Hoàng Anh Dũng, Thanh Xuân, Hà Nội)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Các bệnh ung thư diễn biến xấu rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời. Cháu đã bị từ 4 năm nay có biểu hiện đau mỏi xương, chắc chắn không có khả năng là biểu hiện bệnh ung thư. Nhưng gia đình cũng nên đưa cháu đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị.
** Bác sĩ ơi, tại sao có những đứa trẻ mới 16-17 tuổi lại bị ung thư buồng trứng, thưa bác sĩ (Thanh Mai, Vũ Ngọc Phan, Hà Nội)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Ung thư buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Loại ung thư hay gặp là u tế bào mầm, teratoma buồng trứng chưa trưởng thành....
Các bác sĩ phải phẫu thuật cắt buồng trứng có khối u. Sau mổ điều trị tiếp hoá chất. Tiên lượng các loại ung thư này là tốt nếu chưa có di căn. Bệnh nhân còn lại một buồng trứng vẫn có khả năng sinh con.
** Hiện chúng ta còn thiếu thốn những điều kiện máy móc gì để phát hiện sớm UT ở trẻ con? Nếu nghi trẻ con bị UT thì phải xét nghiệm máu hay làm gì để biết? (Bích Lan, Hà Nội)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Phát hiện sớm bệnh ung thư ở trẻ em là một vấn đề khá phức tạp và đòi hỏi sự phát triển của ngành y tế (trình độ bác sĩ, phương tiện chẩn đoán ở các bệnh viện tuyến dưới) và sự hiểu biết của xã hội (cha mẹ, người thân của đứa trẻ).
Một nghiên cứu ở Mexico cho thấy, thời gian phát hiện bệnh ung thư phụ thuộc vào dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội, và kiến thức chung của người mẹ. Dịch vụ y tế ở đây có thể hiểu là có thể tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với bệnh nhân; bệnh nhân có được chi trả bảo hiểm xã hội sẽ khuyến khích người thân đưa trẻ đến bệnh viện;
Trong trường hợp trẻ nghi ngờ bị bệnh ung thư thì trước hết cần phải được khám với bác sĩ chuyên khoa, làm xét nghiệm máu cũng như các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp X quang, chụp cát lớp vi tính) để tìm các bệnh lý ác tính.
** Xin cho em biết thêm về bệnh bạch cầu cấp ở trẻ con? Bệnh này có triệu chứng thế nào? Có chữa khỏi được không? (Lâm, Đồng Nai)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Bệnh bạch cầu cấp là bệnh ung thư thường gặp nhiều nhất ở trẻ em. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi 3-4 tuổi. Các biểu hiện chính của bệnh là thiếu máu, da xanh xao, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, đau xương, sốt thất thường, ra nhiều mồ hôi về đêm, nổi hạch nhiều hoặc hạch to thất thường, bụng chướng do gan lách to, nhiễm trùng khó điều trị. Một số bệnh nhân có biểu hiện phì đại lợi, lồi mắt, tổn thương da.
Ung thư máu thể lympho nhóm nguy cơ không cao có khả năng chữa khỏi được 70% bệnh nhân, nhóm nguy cơ cao có khả năng chữa khỏi được 50% tại Việt Nam. Tuy nhiên, ung thư máu thể tuỷ chỉ có thể điều trị ổn định bệnh 10%.
** U nguyên bào thần kinh là gì ạ? Đối tượng nào hay mắc bệnh này thưa bác sĩ? (Trần Đức, TP Hồ Chí Minh)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: U nguyên bào thần kinh là một u bào thai ác tính của hệ thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh này có ở dọc hai bên cột sống nên khối u có thể gặp ở rất nhiều nơi: cổ, ngực, bụng, tiểu khung. Khối u thường hay di căn vào tuỷ xương, xương, gan, hạch. Khoảng 90% trẻ mắc bệnh dưới 6 tuổi. Trong các bệnh ung thư ở trẻ dưới 1 tuổi, u nguyên bào thần kinh chiếm tỷ lệ cao nhất.
** Tôi đọc báo thấy nhiều triệu chứng để phát hiện trẻ bị ung thư lắm, nhưng làm có những đứa trẻ nào bị ung thư mà không có triệu chứng gì không (Cao Bình, phường Dịch Vọng, Hà Nội)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Có những đứa trẻ ung thư mà không có triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện các loại bệnh ở giai đoạn sớm. Ung thư trẻ em nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thường có tiên lượng tốt, khỏi bệnh việc chữa trị cũng đơn giản hơn rất nhiều.
** Trẻ con sao 2 bên ở giữa gáy và đỉnh đầu tôi thường sờ thấy những khối u nhỏ như hạt ngô. Hầu như mấy đứa con tôi đều có như vậy, đi khám và chụp X quang ở Viện Nhi họ bảo đầu ai cũng có . Nhưng tôi vẫn chưa thấy yên tâm bác sĩ ơi (Hạnh Nguyên, 38 tuổi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Ở trẻ nhỏ có thể sờ thấy một số hạch nhỏ như hạt lạc (dưới 1cm), di động tốt và không đau ở sau gáy hay cạnh tai. Bạn cần theo dõi tiến triển của các hạch này, nếu thấy to lên hoặc sưng tấy thì nên đưa bé đi khám ngay. Trong trường hợp con của bạn để yên tâm, bạn có thể đến bệnh viện làm xét nghiệm tế bào u qua chọc hút tế bào.
** Một cháu bé hay bị những vết bầm tím dưới da (chỉ nhỏ hơn đồng xu và một thời gian thì cũng mất đi), mà không đau thì có sợ là ung thư không? (Nguyễn Hải, Gia Lâm)
TS BS Phùng Tuyết Lan: Các triệu chứng trong bệnh ung thư không bao giờ tự mất đi mà thường tiến triển nặng lên kèm theo có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác. Trường hợp cháu bé mà bạn nói tới có thể nghĩ đến xuất huyết dưới da do va đập hay có thể kèm theo những rối loạn đông máu. Nếu các vết bầm tím này thường xuyên xuất hiện cần cho cháu đi khám và làm xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ.
** Sao có nhiều trẻ con bị ung thư máu như vậy? Bệnh này do nguyên nhân gì? Có phải là do người mẹ chụp X-Quang trong khi mang thai hay không? Hay bà mẹ mang thai ăn phải những chất gây ngộ độc? (Nguyễn Thương, Nha Trang)
TS, BS Bùi Ngọc Lan: Hệ thống tạo máu của trẻ em dễ bị ảnh hưởng do nhiều tác nhân. Chưa có bằng chứng khẳng định nhưng các nhà khoa học nghĩ nhiều đến nguyên nhân gây ung thư máu là do các chất phóng xạ, hoá chất thuộc nhóm benzen. Sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Nga hoặc ném bom nguyên tử ở Nhật, tỷ lệ trẻ bị ung thư máu tăng lên rõ rệt tại các nước này.
Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định, mẹ chụp X-Quang hoặc ăn những chất gây ngộ độc khi mang thai làm tăng tỷ lệ trẻ bị ung thư máu.
** Bác sĩ ơi, nếu một cháu bé bị ung thư đã được chữa khỏi bệnh thì về sau cháu có là người khỏe mạnh bình thường không? (Mạnh Hùng, Yên Bái)
TS, BS Phùng Tuyết Lan: Một cháu bé bị bệnh ung thư đã được chữa khỏi thì hoàn toàn có thể là người khỏe mạnh bình thường như những người khác. Tỷ lệ chữa khỏi khỏe mạnh ở trẻ em mắc bệnh ung thư ở các nước phát triển là 75%, có nghĩa là cứ 4 cháu bị ung thư, 3 cháu được chữa khỏi, khỏe mạnh hoàn toàn. Ở việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính xác, tuy nhiên thấp hơn so với thế giới.
Tuy nhiên, các cháu bị ung thư đã kết thúc điều trị cần được theo dõi trong một thời gian dài cho đến tuổi trưởng thành để phát hiện các tác dụng phụ không mong muốn, vì quá trình điều trị bằng hóa chất ở trong thời điểm cơ thể trẻ đang phát triển nên rất nhạy cảm.
** Thời gian dành cho chương trình có hạn, tuy nhiên trong 2 tiếng ngắn ngủi 2 chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương TS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu và TS Phùng Tuyết Lan, Phó Trưởng khoa đã giải đáp thắc mắc, trăn trở của nhiều người cũng như trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng về bệnh ung thư ở trẻ em.
Nhiều câu hỏi chưa được trả lời, nhưng các phóng viên, biên tập viên Chuyên mục Phòng mạch sẽ gửi những câu hỏi này tới các bác sĩ và trả lời với các bạn trong thời gian sớm nhất.
Chuyên mục Phòng mạch online Báo Điện tử VOVNEWS xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như các chuyên gia của Bệnh viện đã nhiệt tình cộng tác./.
VOVNew
http://vovnews.vn/Home/Phat-hien-som-ung-thu-o-tre-em/20101/132711.vov
 
104
0
0

vuthihuong1988

New Member
Trả lời: “Phát hiện sớm ung thư ở trẻ em”

Cảnh báo bệnh ung thư ở trẻ em

Ở các nước phát triển, bệnh ung thư là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 14 tuổi. Trên thế giới, mỗi năm có thêm 160.000 trẻ bị ung thư và khoảng 90.000 trẻ chết do ung thu

Kết quả nghiên cứu trên 5 tỉnh, thành tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ung thư trẻ em chiếm khoảng 1,63% trong tổng số các ung thư. Mô hình bệnh ung thư trẻ em có chiều hướng giống với thế giới.

Ung thư trẻ em là gì?

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, có thể gặp ở mọi cơ quan trong cơ thể, xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ mới sinh có thể do đột biến gen từ lúc bào thai.

Đa số bệnh ung thư hình thành các khối u, ở giai đoạn sớm u hình thành chưa rõ. Trong quá trình phát triển khối u, các tế bào ác tính có khả năng di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các tạng ở xa hình thành các khối u mới.

Nhiều dạng ung thư ở trẻ em khác với ung thư ở người lớn về điều trị và kết quả sống thêm. Hiểu biết về bệnh ung thư ở trẻ em là điều cần thiết để giúp cho việc phát hiện bệnh sớm.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở trẻ em

1. Sốt kéo dài và có khuynh hướng bầm hay chảy máu dưới da

2. Xanh xao, thiếu máu, mệt mỏi, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân

3. Có khối u hay một chỗ sưng bất thường ở bất kỳ vị trí nào (hạch ở cổ, chung quanh mắt, vai, đầu gối…), bụng to khi chạm tay vào.

4. Đau xương, khớp kéo dài và đi khập khiễng; đau sưng đầu gối, vùng gần gối.

5. Đau nhức đầu thường xuyên và có nôn ói vào buổi sáng; uống thuốc vào thấy khoẻ nhưng không uống thì đau.

6. Mắt nhìn kém bất ngờ hoặc một đốm trắng xuất hiện ở tròng đen của mắt (như mắt mèo).

7. Sụt cân, bụng lớn; sờ thấy cục to trong bụng.

8. Thay đổi đột ngột khả năng thăng bằng hoặc thay đổi đột ngột hành vi.

Các loại ung thư thường gặp ở trẻ
click me: http://mangthai.vn/au-nhi/cham-soc-be/suc-khoe-t1p501c510/canh-bao-benh-ung-thu-o-tre-em-i1130
 
Top