Phùng Phốc Phạt

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
TP - Tôi quen một ông, hễ ông ta tới nhà, tôi nơm nớp lo. Không phải ông ta chặt chém gì, ông ta hiền khô. Cũng chẳng phải ông ta vay tiền, vì tôi không có tiền. Nhưng tôi nơm nớp lo vì ông ta mắc chứng mượn sách.



Minh họa: Đỗ Đức

Theo bộ môn “Ý nghĩa học”, cùng một từ, một tiếng, nhưng ý nghĩa của nó không cố định, mà thay đổi theo từng người dùng và từng hoàn cảnh. Thế nên, tiếng “mượn” từ miệng ông ta thốt ra, tại ngay hoàn cảnh tủ sách nhà tôi, lại có nghĩa là “biệt tăm”.

Ông ta cứ lựa sách to và nặng mà mượn. Sách gì cũng được, miễn to và nặng là “mượn”. Nên chi, dạng tự điển là ông ta khoái nhất. Ông ta thường bảo: “Coi tự điển có cái sướng là muốn ngừng lúc nào cũng được, không bị chứng khát nước hoành hành như các sách khác. Hơn nữa, coi tự điển là tắm trong tự do. Đọc tờ nào cũng được, có thể tờ cuối trước, tờ giữa sau, tờ đầu sang năm. Coi tự điển quả thật rảnh rang và thoải mái vô cùng”.

Dạo gần đây, dường như cho xứng đáng với khối lượng sách to và nặng đã mượn nhiều nơi, ông ta nhổ sạch tóc, cho trán cao vượt đỉnh đầu, và đeo thêm kính trắng. Gặp vầng trán bao la ấy, cùng cái mục kỉnh lười biếng xệ xuống chót mũi, ai cũng cảm giác trí tuệ ông ta lan cả ra ngoài không khí. Rồi cũng dường như cho xứng đáng với trí tuệ ấy, ông ta kiệm lời trong giao tiếp, thậm chí đôi lúc lọt hẳn vào “vùng cấp bực tối cao” là im lặng. Miệng dán băng keo.

Quả thật, cái trán rộng mênh mông của ông, làm người lạ phải “ngộp”. Chính tôi đã quen và biết tuốt bên trong chả có gì, thế mà nhìn cái trán ấy cũng suýt “ngộp”.

Tuần trước, cần tra cứu tác dụng dược tính cây Chó Đẻ, thứ cây mà người ta mách tôi, chủ trị nóng gan, tôi bèn tìm quyển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi, nhưng không thấy đâu. Tôi chợt nhớ quyển ấy ông ta đã mượn rồi, lâu lắm thì phải.

Bởi ông ta không có điện thoại nên tôi phải đi Honda đến nhà, vượt gần 10km. Suốt đường đi, tôi thật sự “nóng gan”. Đến nhà, ông ta lại vắng.

Tôi hỏi vợ ông ta:

“Bà biết ông nhà đi đâu không?”.

“Không biết. Có lẽ đi mượn sách cũng nên”.

Nghe thế, thay vì bực dọc, một nỗi chán ngán trào dâng. Tôi đảo mắt khắp phòng, thấy sách cứ chất thành trụ như gạch xây dựng. Nơi bàn giữa, trên đi-văng và cả góc nhà, lổn nhổn toàn sách nặng ký cả.

Tôi tiến lại chồng sách chất ở đi-văng, chủ ý kiếm quyển sách của mình. Vợ ông ta ngăn lại:
“Xin chú đừng lục lọi sách của ông ấy”.

Tôi biết dù có kiếm ra sách của mình, cũng không mang khỏi nhà được. Lý do là ông ta vắng nhà.

Tôi hỏi vợ ông ta:

“Sao ông nhà không xếp sách vào kệ cho ngăn nắp?”

“Chú thừa biết đấy. Mượn sách dễ hơn mượn cái kệ sách”.

“Úi trời! Thôi, xin phép bà tôi về”.

Linh tính tôi mách rằng nếu có viết giấy gửi lại, vợ ông ta cũng không đưa cho ông ta. Mà giả dụ có đưa, ông ta cũng không dễ gì trả.

Tôi, và biết bao người nữa, có kệ sách mà chẳng còn sách, còn ông ta sách quá nhiều lại không có kệ. Thật tréo cẳng ngỗng.

Tôi thích hư cấu một cái tên tặng ông ta. Và trên đường về, tôi đã tìm ra tên ấy. Tên là “Phùng Phốc Phạt”. Ừ, Phùng là gặp, Phốc là gậy, Phạt là đánh.

Phùng Phốc Phạt là... “gặp phải lấy gậy đánh”.

http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/551007/Phung-Phoc-Phat-tpp.html


Ngô Phan Lưu
 
Top