Me Minh "meo"
Active Member
Quà biếu Tết và chuyện tiếu lâm thời @
Tác giả: KHÁNH LINH
Vị chủ tịch trầm ngâm bao nhiêu dự án đang khát vốn, bao nhiêu quan hệ ràng buộc, ngay nhà báo èng èng như anh mà có Tết nào huyện tôi dám quên cành đào đâu..
2 tháng trước Tết cổ truyền Nhâm Thìn, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không sử dụng tiền ngân sách, công quỹ để làm quà biếu trong dịp Tết. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và rất nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng lần lượt quán triệt tinh thần tiết kiệm, làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Tuần vừa rồi nhân đi công tác ở huyện, tôi mới dò hỏi ông chủ tịch huyện. Nghe cười khà khà và nói cấp trên thì phải chỉ đạo, cấp dưới thì phải chấp hành thôi. Lại hỏi thế là năm nay nghiêm ha. Trả lời việc đó không thể không làm. Tôi vặn sao lại không thể. Vị Chủ tịch trầm ngâm bao nhiêu dự án đang khát vốn, bao nhiêu quan hệ ràng buộc, ngay nhà báo èng èng như anh mà có Tết nào huyện tôi dám quên cành đào đâu. Tôi lại vặn kho bạc họ không quyết toán cho thì ai đền. Chủ tịch nói không ai đền cả, nhà báo đi lục chứng từ làm gì có khoản chi quà Tết, chánh văn phòng phải lo chỉ đạo hoán đổi mục chi để quyết toán chứ. Tôi hỏi thế mỗi năm tốn có nhiều không. Đáp cũng tùy mục tiêu quan hệ từng năm, trước đây thì rải khắp, nay phải đầu tư tập trung hơn, nhưng thịt đắt thì lại xắt ra miếng, mỡ nó rán nó thôi chứ huyện nghèo làm gì có tiền.
Câu chuyện của huyện chỉ có thế mà lại làm tôi suy nghĩ lan man.
Người Việt vốn có truyền thống nhân ái, cũng từ đó mà mỗi khi xuân về tết đến đều có tục mừng tuổi hay như trong Nam có tục lì xì. Mừng tuổi hay lì xì thì cũng chỉ là tặng một món quà tượng trưng, qua đó chuyển những thông điệp có ý nghĩa tinh thần tốt lành như lời chúc sức khỏe, chúc may mắn, chúc tài lộc. Bây giờ câu chuyện đẹp đó cũng đang được lưu giữ và phát huy.
Chúng ta đã có rất nhiều chương trình tết dành cho người nghèo, tết dành cho đồng bào miền núi, tết dành cho trẻ em cơ nhỡ và người tàn tật. Mong ước giản đơn chỉ là có thêm tấm áo lành và bát cơm đầy cho những số phận chưa được may mắn trong cuộc đời. Rồi cứ đến gần cuối năm lãnh đạo các cấp lại ưu tiên sắp xếp thời gian, chuẩn bị quà tặng đến thăm các gia đình chính sách, thăm các cán bộ đã nghỉ hưu, xa hơn thì đi thăm và động viên lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ nơi biên cương và hải đảo.
Những món quà tết như thế làm ấm dậy cả mùa đông giá lạnh.
Thế mà, có người lại dần dà biến tướng cái văn hóa quà tết đó thành cái hối lộ và tham nhũng. Mấy năm trước tôi còn nhớ báo chí thông tin một vị lãnh đạo của Thành phố Hà Nội đem tiền được mừng tết đi nạp cho cơ quan, nếu quy đổi ra vàng thì được khoảng hơn 100 cây. Thật khủng khiếp.
Có người còn hỏi tôi thế cả nước này chỉ mỗi lãnh đạo Hà Nội được tặng quà thôi à. Tôi nói đại ý có nhiều, không được nhận quà tết thì chưa được xếp vào danh mục lãnh đạo. Họ còn truy tôi thế những người khác sao không nạp. Tôi ấm ứ bảo đi nạp thì đã vừa không được quà lại vừa bị lộ, ví như nếu ông lãnh đạo Hà Nội không khai ra thì thiên hạ làm sao biết cái quà mừng có giá ngất ngưởng đến vậy.
Thật ra thì chuyện gửi một món quà tết cho cấp trên không có gì là đáng chê trách. Hơn thế việc đó còn thể hiện đường ăn nếp ở có thủy có chung, vừa hàm ý biết ơn lại vừa muốn cậy nhờ che chở. Những năm bao cấp, ngán nhất là phải đi gửi quà tết, bởi quà chỉ là những bao cói to kềnh càng với mươi quả cam, vài ba cân lạc, có năm lại thêm ít chai nước mắm, quà thì kẻ có người không, bất tiện không tả nổi.
Bây giờ thì khác hoàn toàn, cành đào, chai rượu đến thứ sang trọng hơn đều được quy gọn trong cái bao thư. Lắm anh còn tế nhị kẹp cái bao thư vào trong tờ báo để khi sếp nhận thì đỡ phần trần tục.
Cứ thế hàng năm lại như một điệp khúc, Chính phủ và các tỉnh thành đều nói không sử dụng tiền ngân sách, công quỹ để làm quà biếu trong dịp Tết. Nhưng nghe ra câu chuyện quà tết còn đang rất hình thức, thậm chí lại đúng như ông Chủ tịch huyện nói đó là việc không thể không làm. Mà đã làm thì lại không thể không lấy từ ngân sách hay công quỹ và chắc chắn chỉ có những cán bộ đảng viên có địa vị và quyền lực mới là chủ nhân của việc đưa quà và nhận quà. Vậy nên quà tết vẫn chưa thể có hồi kết. Trộm nghĩ nếu cứ theo cách chỉ thị làm vui thế này thì quà tết vẫn vô tư qua mặt đủ loại giấy tờ để tiếp tục chảy đều đều.
Còn nhớ ngày xưa lớp nhỏ chúng tôi thường mong Tết về. Nhớ dây pháo tép nổ đì đẹt nghe vui cả tai. Nhớ cái phong bao mừng tuổi rất vui và đầy háo hức. Thế rồi lại nghĩ cái chuyện về quà tết hàng năm mà thấy giống như truyện tiếu lâm của thời @ vậy.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-04-qua-bieu-tet-va-chuyen-tieu-lam-thoi-