Rung nhĩ

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
SGTT.VN - Một số bệnh nhân sau khi được đo điện tim và chẩn đoán là rung nhĩ cứ ngỡ mình đi khám tim nhưng lại phát hiện được bệnh về… tai (nhĩ). Thực ra “nhĩ” ở đây là buồng tâm nhĩ của tim (có hình dạng giống cái tai). Rung nhĩ là một tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất.

Có thể thoáng qua, có thể cả đời



Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Rung nhĩ có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết, có thể là tình trạng mãn tính. Nguyên nhân gây rung nhĩ có thể là: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim (thường gặp nhất là trong bệnh hẹp van hai lá), bệnh tim bẩm sinh, sau phẫu thuật tim… Để xác định rung nhĩ, bác sĩ đo điện tim và đôi khi sử dụng điện tâm đồ nhật ký nếu cần thiết.

Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh, khiến cho tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập. Điều này gây ra ở một số người các triệu chứng như: hồi hộp đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở… trong khi một số người khác lại không cảm nhận triệu chứng gì, cho đến khi tình cờ phát hiện rung nhĩ.

Coi chừng bị biến chứng nguy hiểm!

Bên cạnh các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh, rung nhĩ có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm và nặng nề, nhất là tai biến mạch máu não và suy tim. Trạng thái tâm nhĩ rung lên từng đợt mà không co bóp để tống máu vào tâm thất ở cuối thì tâm trương làm cho máu ứ lại và tạo nên dòng máu xoáy trong tâm nhĩ, dễ hình thành nhiều cục máu đông tại đây. Cục máu đông khi vào dòng máu có nguy cơ gây tắc mạch máu ở nhiều nơi, nếu tắc ở não gây nhồi máu não. Ngoài ra, rung nhĩ mạn tính khiến tim co bóp thiếu hiệu quả, lâu ngày đưa đến suy tim.

Điều trị bằng cách nào?

Mục tiêu điều trị bao gồm hai điểm chính: một là, đưa nhịp tim trở về nhịp xoang (nhịp tim bình thường) hoặc kiểm soát tần số tim; hai là, ngăn ngừa hình thành huyết khối. Chọn lựa phương thức điều trị rung nhĩ dựa vào thời gian mắc bệnh, biểu hiện triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, thường là dùng thuốc hoặc các phương pháp can thiệp như: điều trị qua ống thông, thủ thuật ngoại khoa Maze...

Hầu hết những bệnh nhân rung nhĩ (chưa hoặc đang điều trị) đều có nguy cơ cao hình thành huyết khối, có thể đưa đến tai biến mạch máu não. Nếu có bệnh tim mạch khác kèm theo thì nguy cơ này còn cao hơn nữa. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng đông (thường là Sintrom) kèm với thuốc điều trị rung nhĩ để phòng ngừa biến chứng do huyết khối. Khi dùng thuốc kháng đông sẽ có nguy cơ xuất huyết tại các cơ quan nên bệnh nhân cần uống thuốc đúng theo toa và nhờ bác sĩ can thiệp ngay khi thấy có dấu hiệu xuất huyết bất thường.

BS.CK1 NGÔ BẢO KHOA


Lối sống cho bệnh nhân bị rung nhĩ

Lối sống phù hợp góp phần vào hiệu quả điều trị rung nhĩ cũng như giảm thiểu các triệu chứng. Một số biện pháp cần áp dụng:

– Kiểm soát tốt huyết áp và nồng độ mỡ máu. Ăn lạt, ít muối và ít chất béo. Không uống rượu và càphê vì những chất kích thích này có thể làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Không hút thuốc lá (nicotine có trong thuốc lá là một chất kích ứng mạnh, có thể làm rung nhĩ trầm trọng hơn). Tập thể dục đều đặn

.
– Nếu có sử dụng Sintrom thì cần uống thuốc đúng theo toa của bác sĩ, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy có dấu hiệu xuất huyết bất thường (chảy máu nướu răng tự nhiên hay khi đánh răng, chảy máu mũi, nổi vết bầm dưới da, đi tiêu phân đen sệt, ói ra máu, tiểu đỏ, lượng máu hành kinh ra nhiều…)

– Không tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc thông thường vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nhịp hoặc tương tác với thuốc chống loạn nhịp, thuốc Sintrom


http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/153293/Vi-dau-con-tim-loan-nhip.html

 
Top