Sống đơn giản trong đời thường

21
0
0

MeViAn

New Member
Xưa nay, trong dân gian, nhất là ở phương Đông, đã lưu truyền nhiều ý tưởng có tính chất triết lý trong cuộc sống đời thường sâu sắc và độc đáo. Dài thì viết thành sách; ngắn gọn thì đúc kết thành điều khuyên răn, còn cực ngắn thì thu lại chỉ còn một, hai chữ.

tưởng của con người thời nay về phương châm sống vẫn sâu sắc như xưa, nhưng xem ra có vẻ thiết thực và hiện đại hơn. Phải chăng, đối với cuộc sống đời thường, có thể khái quát ý tưởng đó thành 5 điều ngắn gọn: một là sức khoẻ đóng vai trò "trung tâm"; hai là "một chút thanh thản, thoáng đãng"; ba là "quên tuổi tác, bệnh tật và hận thù"; bốn là "có nhà ở, bạn đời, bạn tri âm và có của để dành"; năm là "phải vận động, hoà nhã, lịch sự, biết cười hồn hậu, biết kể chuyện" và cuối cùng là "tự coi mình là người bình thường".

Sức khoẻ luôn là trung điểm cực kỳ quan trọng. Thường thì mãi đến lúc bị ốm đau hoặc già yếu, người ta mới thấy sức khoẻ là quí giá. Khi ngoài kia trời xanh lồng lộng và nắng gió lung linh mà ta lại là người ốm yếu, không thể hoạt động được thì mới thấy hối tiếc một thời đã phung phí sức lực, làm hao tổn sức khoẻ của mình một cách dại dột. Rồi đây, chất lượng cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn, y học ngày càng hiện đại hơn, giúp cho tuổi thọ của con người còn cao hơn nữa. Sẽ đến một ngày mà "Bảy mươi tuổi vẫn chưa già, sáu mươi tuổi vẫn còn là thiếu niên". Lúc đó, thật là hạnh phúc cho những người có tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng. Và cũng thật là thiệt thòi và bất hạnh cho người nào đó bị bệnh tật, ốm đau. Vậy, xin hãy nhớ ở bất cứ lứa tuổi nào cũng phải lấy sức khoẻ làm "trung tâm".

Điều hai khuyên người ta hãy sống hồn nhiên như mình vốn có, đừng quá đạo mạo, lên gân lên cốt. Một là hãy sống "thoải mái một chút", hợp với tự nhiên, bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng căng như dây đàn. Hai là đừng tự giày vò mình mỗi khi lầm lỡ hoặc khi không thực hiện được điều mình mong muốn. Ai mà chẳng có lúc sai hoặc có lúc "lực bất tòng tâm". Lỡ có sai, thậm chí lỡ thất bại thì hãy nhìn nhận lại một cách "thoáng đãng", tức là đừng quá mặc cảm với những gì đáng tiếc đã xảy ra, phải biết bỏ qua, lượng thứ cho mình cũng như rộng lượng với người khác. Luôn luôn "thoáng" thì thật không nên, chỉ "thoáng" một chút thôi để lấy lại sự thanh thản và trầm tĩnh mà tiếp tục cuộc đời.

Điều ba là quên tuổi tác, bệnh tật và hận thù. Thật vậy, sống mãi thì phải già, đã già thì nhiều mặt sẽ suy giảm. Như có người đã nói vui "oanh mãi, tất phải đến liệt" là chuyện thường tình. Không có ai trẻ mãi không già, không có thuốc nào hoặc biện pháp nào "cải lão hoàn đồng" được. Khi đã già rồi thì phải biết "quên tuổi tác", vui sống hàng ngày bằng những công việc có ích cho chính mình và cho những người thân yêu. Già tuổi nhưng giữ cho tâm hồn ít bị già cỗi. Khi đã lỡ mang bệnh tật thì phải biết "quên bệnh tật" đi và chú ý đề phòng có thể "bệnh tại tâm". Quá lo lắng về bệnh tật chỉ làm căn bệnh nặng thêm. Cứ lạc quan yêu đời, có bệnh thì bình tĩnh chữa bệnh là cách phòng trị bệnh khôn ngoan nhất. Và trong cuộc sống riêng tư, có lẽ không ai muốn hận thù với nhau, nhưng lỡ có va chạm đi đến hận thù thì phải biết gỡ ra, không nên cố chấp thắt chặt định kiến. Hoá giải hận thù, xoá bỏ định kiến là điều rất khó, nhưng làm được sẽ lấy lại sự thanh thản trong tâm hồn.

Điều bốn cho bạn một cuộc sống rất đời thường, dung dị và thiết thực. Đó là "có nhà ở" và "có bạn đời yêu quý", tức là có một gia đình yên ấm. Đừng quên rằng dù cho thế gian này có biến đổi đến như thế nào đi chăng nữa thì gia đình vẫn là tế bào bền vững của xã hội và là nơi trú ẩn cuối cùng đáng tin cậy cho mỗi người. Nếu bạn đời đồng thời là bạn tri âm thì thật quý biết bao, nhưng tiếc rằng điều đó không phải lúc nào cũng có. Bạn tri âm, đồng cảm, chia ngọt, sẻ bùi với mình thì không phải người nào cũng có được. Không buồn gì bằng không có bạn tri âm, như "rượu ngon không có bạn hiền". Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là phải có của ăn của để ở một chừng mực nhất định, thí dụ như có "sổ tiết kiệm". Đó là sự dành dụm, lo xa, phòng khi thất lỡ cơ vận, biết đâu có thể xảy ra.

Điều năm khuyên chúng ta thực hiện một phong cách sống lành mạnh và có văn hoá. Trước hết, phải bền bỉ vận động, duy trì nếp tập thể dục thường xuyên. Tập kiểu gì cũng được, miễn là tuỳ theo sức và đều đặn hàng ngày. Đó là cách tốt nhất để giữ cho thân thể khoẻ mạnh và tinh thần sảng khoái. Còn chơi thể thao thì tuỳ theo điều kiện và sở thích. Thứ hai là phải "hoà nhã, lịch sự"- một phong cách không thể thiếu được đối với mỗi người dù ở cương vị nào. Người có văn hoá không nhất thiết phải là người có học thức cao, nhưng hoà nhã lịch sự là điều không thể thiếu. Thứ ba là "phải biết cười hồn hậu". Những người dễ cười, dễ khóc, thường là tốt bụng cũng như những người có tính hài hước thường là giầu lòng vị tha. Hơn nữa, qua nghiên cứu người ta thấy rằng mỗi lần cười thì có đến mấy chục cơ trên mặt cũng hoạt động, làm trẻ ra và tuổi thọ tăng lên. Thứ tư là "phải biết kể chuyện", tức là phải biết kể lại những điều mình biết một cách khúc chiết rõ ràng, diễn đạt ý kiến của mình một cách sáng sủa. Nói rộng ra là phải biết giao lưu tư tưởng. Người biết kể chuyện luôn là người chịu khó đọc và biết lắng nghe, bởi có như vậy mới có nội dung để kể chuyện và mới biết kể thế nào cho thích hợp đối với người nghe.

Sau cùng là nên biết coi mình là người bình thường. Người ở cương vị cao mà biết tự cho mình là người bình thường thì càng được những người xung quanh kính trọng. Người biết tự coi mình là "một người bình thường" sẽ dễ biết chọn điểm dừng.

Lâu nay, những người cao tuổi, khi thân tình, thường tặng nhau chữ "Tâm" hoặc chữ "Nhẫn" để tôn vinh hoặc để nhắc nhủ nhau. Chữ Tâm thì đã quá rõ, vì con người chỉ còn là người khi còn có lương tâm. Tâm là định hướng cho suy nghĩ và hành động của mỗi con người; là chuẩn mực phân chia ranh giới giữa cao thượng và thấp hèn, giữa văn minh và dã man, giữa có văn hoá và không có văn hoá... Bên cạnh đó, con người muốn tồn tại và phát triển không thể thiếu chữ Nhẫn. Khổng Tử từng nói: "Nhịn được cái tức một lúc - Tránh được mối lo trăm ngày/ Muốn hoà thuận trên dưới - Nhẫn nhịn đứng đầu/ Cha con nhẫn nhịn nhau - Giữ tròn đạo lý/ Vợ chồng nhẫn nhịn nhau - Con cái khỏi bơ vơ/ Anh em nhẫn nhịn nhau - Trong nhà yên ấm/ Bạn bè nhẫn nhịn nhau - Tình chẳng phai mờ/ Tự mình nhẫn nhịn - Ai ai cũng yêu mến". Chữ Nhẫn hay thật, nó nhắc người ta phải luôn luôn kiên trì học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo. Đôi lúc còn phải biết chấp nhận những khó khăn thử thách, biết chấp nhận tạm thời những thực tại khách quan chưa đúng với mong muốn của mình. Có khi phải chấp nhận cả những thực tế cay đắng phũ phàng, khi những thực tế đó không dễ gì thay đổi.Trong khi kiên nhẫn chấp nhận, người ta còn phải biết tìm cách thích nghi vì chính "thích nghi là quy luật sống của muôn loài". Thích nghi ở đây không đồng nghĩa với "cơ hội chủ nghĩa", sự đầu hàng hay thoả hiệp. Thích nghi không chỉ là cam chịu mà chính là để tiếp tục tìm cách giải quyết, thực hiện thắng lợi từng bước những hoài bão và mục đích của mình. Như vậy, nếu chữ Tâm thể hiện tính người thì chữ Nhẫn thể hiện bản lĩnh của con người.

Phạm Triệu Lập gt

Thanks & Best regards
 
40
0
0

Nấm yêu!

New Member
Ðề: Sống đơn giản trong đời thường

Người ta hay nói (PHẢI THẬT NHẪN TÂM) mới đáng sống MeVyAn nhẩy!:smiling:
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top