Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Phát hiện sớm và xử trí đúng sốt Dengue/ sốt xuất huyết Dengue ở tuyến cơ sở


ThS. BS. Nguyễn Thanh Hùng
Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh
1. MỞ ĐẦU
Nhiễm vi rút Dengue có thể nhẹ không triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng biểu hiện sốt Dengue/ Sốt xuất huyết Dengue. Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) được đặc trưng bởi hiện tượng thất thoát huyết tương dẫn đến sốc giảm thể tích và rối loạn đông máu gây ra xuất huyết. Sốc giảm thể tích và xuất huyết là nguyên nhân chính gây tử vong trong SXH Dengue nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng. Hiện nay, ở các tỉnh phía Nam, 70% trường hợp SXH Dengue xảy ra ở trẻ em (£ 15 tuổi), trong đó trẻ nhũ nhi (1- 11 tháng tuổi) chiếm khoảng 5- 8%, còn người lớn (> 15 tuổi) chiếm khoảng 30% trường hợp. Bệnh SXH Dengue là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em. Giảm tỉ lệ tử vong do SXH Dengue là một mục tiêu quan trọng trong chương trình SXH quốc gia.
Tuyến y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực) đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm và xử trí đúng các trường hợp SXH Dengue sớm giúp giảm tỉ lệ tử vong của bệnh này. Toàn bộ nhân viên của tuyến y tế cơ sở, các y bác sĩ hành nghề y dược tư nhân ở địa phương, nhân viên sức khỏe cộng đồng phải được huấn luyện về các dấu hiệu của bệnh SXH Dengue và phác đồ xử trí SXH dành cho tuyến cơ sở. Công tác huấn luyện này do y tế tuyến trên như bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, chương trình SXH quốc gia đảm nhiệm.

2. DẤU HIỆU LÂM SÀNG CỦA SỐT DENGUE/ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
2.1. Dấu hiệu lâm sàng sốt Dengue:
Bệnh nhân sốt 2- 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau:
· Đau đầu.
· Đau sau hốc mắt.
· Đau cơ/ đau khớp
· Rash da
· Buồn nôn và nôn.
· Xuất huyết (dấu dây thắt dương tính hoặc xuất huyết tự nhiên như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh).
· Thử máu có bạch cầu giảm.
2.2. Dấu hiệu lâm sàng SXH Dengue:
· Sốt cao: đột ngột, liên tục trong 2-7 ngày.
· Xuất huyết:
- Dấu dây thắt dương tính.
- Chấm xuất huyết dưới da, vết xuất huyết, bầm chỗ chích.
- Chảy máu mũi, chảy máu nướu răng.
- Ói ra máu, tiêu ra máu.
· Gan to.
· Sốc (trụy mạch): thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, biểu hiện bởi trẻ bứt rứt, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhẹ và huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu £ 20 mm Hg) hoặc huyết áp tụt; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp.
· Thử máu bệnh nhân có cô đặc máu (Dung tích hồng cầu (Hct) tăng ³ 20% giá trị bình thường) và tiểu cầu giảm £ 100.000/mm3.

3. PHÁC ĐỒ XỬ TRÍ SỐT DENGUE/SXH DENGUE Ở TUYẾN CƠ SỞ
Phác đồ xử trí Sốt Dengue/SXH Dengue ở tuyến cơ sở được biên soạn theo chương trình xử trí lồng ghép trẻ bệnh (IMCI) của Tổ chức y tế thế giới và hướng dẫn chẩn đoán, xử trí sốt Dengue/ SXH Dengue của Bộ Y Tế.
Trẻ (1 tháng – 15 tuổi) sốt cao đột ngột, liên tục trong 2 - 7 ngày được đánh giá, phân loại và xử trí theo phác đồ sau:

Đánh giá
Phân loại
Xử trí
* Tay chân lạnh, ẩm,
* Mạch nhanh nhẹ, hoặc không bắt được; huyết áp kẹp, hoặc không đo được.



SỐC SXH

· TTM Ringer’s Lactate hoặc Normal saline.
· Chuyển gấp đến bệnh viện.
* Kích thích, bứt rứt, hoặc
* Ói nhiều, hoặc
* Gan to, đau bụng, hoặc
* Chảy máu mũi hoặc chân răng, hoặc
* Ói máu hoặc tiêu ra máu, hoặc
* Chấm xuất huyết dưới da, hoặc
* Dấu dây thắt dương tính.

SXH CÓ THỂ NẶNG
· Chuyển gấp đến bệnh viện.
* Không có các dấu hiệu trên và không có nguyên nhân nhiễm trùng khác gây sốt

SỐT DENGUE HOẶC NHIỄM SIÊU VI

KHÁC

· Cho Paracetamol nếu trẻ sốt > 38o 5C
· Hướng dẫn bà mẹ cách chăm sóc tại nhà
· Hướng dẫn dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay.
· Theo dõi đánh giá lại mỗi ngày cho đến khi hết sốt liên tục 2 ngày.

Nhân viên Trạm y tế, các thầy thuốc tư nhân, nhân viên sức khỏe cộng đồng nên sử dụng phác đồ này để đánh giá, phân loại và xử trí trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên có triệu chứng sốt cao từ 2- 7 ngày:
1. Bắt đầu với ô trên cùng của phác đồ. Đánh giá xem trẻ có dấu hiệu chân tay lạnh, ẩm và mạch nhanh nhẹ, hoặc không bắt được; huyết áp kẹp hoặc không đo được không?
1.1. Nếu trẻ các dấu hiệu này à Đánh giá trẻ này bị SỐC SXH.
Xử trí:
- Nếu tuyến y tế cơ sở có thể chích vein truyền dịch tĩnh mạch được thì truyền Lactate Ringer hoặc Normal saline (NaCl 0,9 %) với liều 15-20ml/kg/giờ và chuyển gấp bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
- Nếu tuyến y tế cơ sở không có khả năng truyền dịch thì chuyển gấp bệnh nhân đến bệnh viện để được truyền dịch chống sốc.
1.2. Nếu trẻ KHÔNG các dấu hiệu này à Xem tiếp các dấu hiệu ở ô kế tiếp bên dưới.
2. Đánh giá xem trẻ có một trong các dấu hiệu như kích thích, bứt rứt, hoặc ói nhiều, hoặc gan to, đau bụng, hoặc chảy máu mũi hoặc chân răng, hoặc ói máu hoặc tiêu ra máu, hoặc chấm xuất huyết dưới da, hoặc dấu dây thắt dương tính.
2.1. Nếu trẻ một trong các dấu hiệu này à Đánh giá trẻ này bị SXH CÓ THỂ NẶNG.
Xử trí: Chuyển gấp đến bệnh viện.
2.2. Nếu trẻ KHÔNG có một dấu hiệu nào à Xem tiếp các dấu hiệu ở ô kế tiếp bên dưới.
3. Nếu trẻ không có các triệu chứng trên và không tìm thấy nguyên nhân nhiễm trùng khác gây sốt à Đánh giá trẻ này SỐT DENGUE HOẶC NHIỄM SIÊU VI KHÁC.
Xử trí:
- Cho thuốc hạ sốt paracetamol 10 - 15mg/kg/lần, 4 - 6 lần mỗi ngày
(tối đa£60ml/kg/24 giờ).
- Dặn dò bà mẹ cách chăm sóc cho trẻ tại nhà và các dấu hiệu bệnh trở nặng (trẻ bứt rứt, kích thích; hoặc tay chân lạnh, vả mồ hôi; hoặc ói nhiều, đau bụng; hoặc có dấu hiệu xuất huyết) để đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
- Khám lại trẻ mỗi ngày cho đến khi hết sốt liên tục 2 ngày.
- Nếu sau 7 ngày trẻ vẫn còn sốt cao thường là do các nguyên nhân khác SXH, trẻ phải được chuyển đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị thích hợp.

Hình 1. Lưu đồ truyền dịch trong bệnh nhân sốc SXH Dengue.
Theo các dấu mũi tên. Nếu trả lời “CÓ”, theo chiều ngang. Nếu trả lời “KHÔNG”, theo chiều đi xuống.

Chẩn đoán sớm, xử trí đúng bệnh SXH ở tuyến cơ sở chắc chắn sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong của bệnh SXH, tạo sự an tâm và tin tưởng cho nhân dân. Điều này giúp cho người dân càng tin tưởng vào y tế cơ sở và tham gia tích cực vào chương trình phòng chống SXH dựa vào cộng đồng do ngành y tế đề ra.
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh: Lúng túng vì nhầm tưởng cúm!
TT - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, trong đó tại Hà Nội số người mắc bệnh tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt do bệnh cũng biểu hiện sốt nên nhiều người dễ nhầm tưởng với bệnh cúm A/H1N1.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia phải nằm hai người/giường - Ảnh: cù zap Chị Nguyễn Thị Minh Huyền (Q.Đống Đa, Hà Nội) vừa trải qua 10 ngày mệt đứt hơi ở bệnh viện. Từ giữa tháng 8, con trai lớn 13 tuổi của chị sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt cũng không giảm, thỉnh thoảng có dấu hiệu co giật. Gọi 115 cấp cứu, truyền dịch tại nhà, cháu có đỡ đôi chút rồi lại sốt cao không rõ nguyên nhân. “Vào bệnh viện các bác sĩ làm xét nghiệm mới xác định được cháu mắc sốt xuất huyết. Ở bệnh viện năm ngày vừa về thì em cháu 8 tuổi lại sốt. Đưa tới phòng khám, bác sĩ nói cháu bị viêm amiđan. Lại tiếp tục vào bệnh viện mới phát hiện cháu bị sốt xuất huyết” - chị Huyền than thở.
Tăng bất thường

Phân biệt sốt do cúm và do sốt xuất huyết
TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết việc phân biệt sốt do nhiễm cúm A/H1N1 với sốt do sốt xuất huyết không khó, dù cả hai bệnh đều là do nhiễm siêu vi (hai loại siêu vi khác nhau). Dựa trên một số triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng có thể thấy rõ sự khác biệt này.
Cụ thể, bệnh nhân bị sốt do cúm luôn luôn (hơn 95%) có đi kèm với các triệu chứng ho, đau họng, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức mình mẩy, nếu bệnh nặng có thêm triệu chứng đau ngực, khó thở. Nếu xét nghiệm máu thì bạch cầu không tăng, tiểu cầu không giảm, dung tích hồng cầu bình thường.
Trong khi đó, sốt do sốt xuất huyết thì bệnh nhân chỉ có sốt cao (39-40OC) đơn thuần, không ho, chảy nước mũi..., uống thuốc hạ sốt không bớt. Sau khi sốt vài ngày, trên người xuất hiện lấm tấm các nốt xuất huyết dưới da.
L.TH.H.



Theo ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), Hà Nội là một trong những địa phương có số ca sốt xuất huyết trong tám tháng đầu năm 2009 cao bất thường nhất.
Theo ông Nga, tám tháng đầu năm Hà Nội có khoảng 2.600 người mắc sốt xuất huyết, tăng 9,8 lần so với cùng kỳ năm 2008. Số lượng tăng cao nhất từ đầu tháng 7 đến nay, với 200-400 người mắc bệnh/tuần, xuất hiện ở toàn bộ 28/28 quận huyện của Hà Nội. Ông Nga đánh giá giai đoạn 2003-2007 mỗi năm Hà Nội có 1.138 người mắc bệnh, tập trung từ tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay dịch đến sớm hơn khoảng hai tháng.
Tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, ông Nguyễn Hồng Hà - phó viện trưởng - thống kê từ đầu năm 2009 có trên 1.100 người mắc sốt xuất huyết vào viện này, chủ yếu là bệnh nhân Hà Nội.
Riêng trong chiều 29-8, có khoảng 150 bệnh nhân sốt xuất huyết nằm kín ba tầng của viện. “Chúng tôi phải dành mọi khoảng trống để kê giường, không chỉ giường nằm đôi mà cả nằm ba. Hiện ở đây không còn chế độ ra viện thường quy mà bệnh nhân nào ổn định, bác sĩ xác định là ra viện an toàn sẽ được cho ra viện để dành giường cho bệnh nhân khác” - ông Nguyễn Công Nhật, trưởng khoa chống nhiễm khuẩn của viện, thông báo.
Chiều 29-8, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết khoảng hai tuần nay bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến với trên 35 ca/tuần và đã có một trường hợp tử vong. Qua thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 500 ca sốt xuất huyết (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) làm một số bệnh viện quá tải vì bệnh nhi nhiễm sốt xuất huyết gia tăng.
Tại Sóc Trăng, bác sĩ Trương Hoài Phong - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh - cho biết từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện trên 2.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó có sáu ca tử vong đều là trẻ em. So với cùng kỳ năm trước, số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng khoảng 20%, số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng gấp ba lần.
Sẽ tử vong nếu không điều trị kịp thời
Theo ông Nguyễn Công Nhật, điểm đặc biệt của type sốt xuất huyết năm nay là tiểu cầu của người bệnh hạ nhanh, có người khi đến viện chỉ còn 4-5 tiểu cầu/ml máu, nếu không được truyền tiểu cầu ngay, họ sẽ tử vong.
Ông Nhật cho hay type virus năm nay đặc biệt, ít biểu hiện xuất huyết dưới da, cũng không rong kinh, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa nhiều nên dễ nhầm với cúm A/H1N1, cũng có biểu hiện là sốt. Vì thế nếu bệnh nhân sốt cao, đau người nên đưa ngay tới bệnh viện để được xét nghiệm máu, ngày đầu tiên biểu hiện chưa rõ, nhưng ngày thứ hai khi tiểu cầu hạ bác sĩ sẽ xác định được ngay. Trường hợp để bệnh nhân sốt xuất huyết ở nhà, uống các thuốc hạ sốt có khả năng gây chảy máu và rất nguy hiểm. Nếu chưa đến bệnh viện kịp, chỉ nên hạ sốt bằng chườm khăn lạnh.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường, tám tháng đầu năm cả nước ghi nhận 47.302 trường hợp sốt xuất huyết, 40 người tử vong. So với cùng kỳ 2008, số ca tăng 10,9%, tử vong không tăng.



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=334249&ChannelID=3
 
18
0
0

meo_uot

New Member
Ðề: Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/10/3BA1416E/

Những hiểu nhầm thường gặp khi bị sốt xuất huyết

Các bệnh viện tại Hà Nội đang quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết. Đặc biệt có nhiều người nhập viện muộn với các biến chứng: chảy máu nội tạng, sốc, trụy mạch... Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia khuyến cáo bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để tránh bệnh biến chứng nặng.

1. Không có thuốc điều trị đặc hiệu

Sốt xuất huyết là bệnh do virus, diễn biến bệnh là quá trình tự nhiên giữa cơ thể với virus. Có người nhẹ, có người nặng, nhưng không thể đoán trước được trường hợp nào sẽ diễn tiến nặng.

Việc điều trị, tác động chỉ mang tính chất hỗ trợ. Rối loạn đến đâu điều trị đến đấy để qua giai đoạn nguy hiểm, không thể chặn trước được. Diễn tiến bệnh tối đa là một tuần, có người kéo dài hơn.

2. Không thể hạ ngay cơn sốt

Tâm lý của nhiều người đang khỏe mạnh, tự dưng sốt, người mệt mỏi khi đến bác sĩ thì yêu cầu chữa hết sốt ngay. Đây là quan niệm sai lầm, đặc biệt là với bệnh sốt xuất huyết vì sốt do virus nên nhiệt độ hạ rồi quay lại ngay.

Thực tế, sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Virus gây bệnh đã kích thích cơ thể gây sốt nhưng chính những cơn sốt như thế có tác dụng khống chế virus, làm virus không phát triển.

Nhiều người vì muốn hạ sốt nên đã dùng thuốc hạ sốt nhiều lần (4-5 lần một ngày) dẫn đến lạm dụng thuốc. Hậu quả là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể yếu, hồi phục kém, thậm chí gây ảnh hưởng đến tế bào gan. Nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết đã làm tăng men gan nhưng khi uống nhiều lần thuốc hạ sốt thì càng làm suy gan nặng nề hơn.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần hạ sốt. Với những bệnh sốt cao quá, cần phải can thiệp vì có thể dẫn đến co giật. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà áp dụng cách nào. Ca nhẹ có thể chỉ cần nằm nơi thoáng mát, chườm đá, nặng hơn thì phải hạ nhiệt, dùng thuốc an thần, tránh cơn co giật.

3. Ba ngày đầu bị sốt bệnh nhân không nên truyền dịch

Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người thường nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch người bệnh hay bị sốc.

Vì thế, giải pháp tốt nhất là nếu người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước thường, nước rau, oresol.... Trường hợp không ăn uống được, nôn và muốn truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không truyền dung dịch đạm, hay có pha vitamin vì rất hay bị sốc.

Trong quá trình truyền, phải theo dõi sát khi thấy người bệnh rét run, nhiệt độ tăng thì phải bỏ truyền dịch ngay. Nếu không khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Giai đoạn này, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà.

4. Từ ngày thứ 4 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh

Bệnh nhân xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như: tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi... Vì thế khi thấy bệnh nhân nằm vật vã, sốt li bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu bất thường cần đưa đi khám bác sĩ.

Đây là giai đoạn tăng thấm, bệnh nhân dễ bị thoát dịch qua màng bụng. Các bác sĩ có thể quyết định truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể và phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời bất thường.

5. Khi bệnh đã hồi phục thì không nên truyền dịch

Ngay cả khi đã xuất viện, bệnh nhân cũng phải mất 7-10 ngày để hồi phục lại. Dù đã khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, đứng lên hoa mắt chóng mặt. Vì thế nhiều người muốn truyền dịch để mau chóng khỏe.

Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thừa nước, truyền dịch vào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp có thể tử vong.

Nói chung, khi bị sốt cao, bệnh nhân cần đi khám để biết chính xác xem có bị sốt xuất huyết không. Nếu nhẹ có thể tự điều trị ở nhà và theo dõi thêm. Đặc biệt sau 3 ngày đầu bị sốt, nếu người vẫn mệt, nằm li bì, sốt cao... thì bệnh nhân cần nhập viện cấp cứu ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.

Nam Phương
 
18
0
0

meo_uot

New Member
Ðề: Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Triệu chứng bệnh

Sốt: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt liên tục, kéo dài. Cách tính ngày bệnh trong SXH: ngày đầu tiên của sốt được tính là ngày thứ 1 của bệnh.

Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.

Xuất huyết: thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.

Xuất huyết ngoài da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.

Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu nướu, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.

Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, tiêu ra máu.

Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao, hốt hoảng.

Các triệu chứng nặng: sốc là một diễn tiến nặng của bệnh SXH. Sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 - 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những triệu chứng sau:

- Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm.

- Chảy máu mũi.

- Chảy máu nướu răng.

- Ói ra máu hoặc ra dịch màu nâu.

- Tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen.

- Tiểu ra máu.

- Hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.

- Than đau bụng ngày càng tăng.

Khi thấy một trong những triệu chứng trên xảy ra trong ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, cần cho trẻ đến khám ngay tại bệnh viện (không đi BS tư, vì có thể trẻ phải nhập viện để điều trị).

Các xét nghiệm cần làm

Hai xét nghiệm cần phải làm để chẩn đoán ban đầu và cũng để theo dõi diễn tiến của bệnh là Hct (dung tích hồng cầu) và đếm số lượng tiểu cầu trong máu. Hct và đếm số lượng tiểu cầu sẽ được thực hiện mỗi ngày trên bệnh nhân từ ngày thứ 3 của bệnh: sự tăng dần của Hct, giảm dần của số lượng tiểu cầu gợi ý bệnh đang diễn tiến nặng, bệnh cần theo dõi sát để có những can thiệp thích hợp. Các xét nghiệm khác sẽ được bác sĩ chỉ định khi cần.

Chăm sóc tại nhà

Khi trẻ không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, chăm sóc bé tại nhà. Vì vậy, lúc nào cũng phải có người thường trực để theo dõi và chăm sóc bé cả ngày lẫn đêm. Hạ sốt khi trẻ sốt > 38oC, sử dụng paracetamol với liều: 10-15mg/kg cân nặng/ mỗi 6 giờ. Nếu sốt < 38oC thì chỉ cần cho trẻ mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước. Trường hợp trẻ sốt quá cao > 39oC thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần cho trẻ lau mát bằng nước ấm để nhiệt độ thoát nhanh, tránh tình trạng sốt cao co giật.

Tránh cạo gió, cắt lể, vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết của trẻ.

Dinh dưỡng khi trẻ bị SXH

Thức ăn: trẻ bị SXH bị sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường, nhưng do tình trạng bệnh trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn, vì vậy nên chọn những thức ăn trẻ thích, nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem.

Nước uống: lượng nước cần cung cấp cho trẻ bị SXH cũng nhiều hơn lúc không bệnh (do sốt cao dẫn đến mất nước qua da, niêm mạc nhiều). Loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là nước cam, nước chanh tươi nước chanh muối, nước dừa vì những loại nước này ngoài việc bù nước cho trẻ, còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể. Cần chú ý khi làm nước trái cây cho trẻ phải bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là nước dừa: dừa phải được rửa sạch lớp vỏ bên ngoài (vì người bán thường để các trái dừa dưới đất), khi chặt dừa lấy nước cần dùng dao sạch, chọn nơi sạch, không chặt dừa dưới nền đất, hoặc nền sát đất dễ nhiễm bẩn.

Chủ động phòng bệnh SXH

Thu gọn, sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi, đặc biệt là những quần áo đang mặc dở dang.

Tổng vệ sinh thường xuyên để dọn bỏ rác phế thải, chú ý những loại rác có khả năng chứa nước mưa như: lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể, chum vại…

Đổ nước dầu hoặc muối vào bát kê chân tủ.

Thay nước thường xuyên các lọ hoa.

Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/lần.

Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước, các bể nước cần có nắp đậy.

Khi ngủ phải mắc mùng, kể cả ban ngày (đặc biệt là các trẻ nhỏ), cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay.

Phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn khi có xảy ra dịch tại địa phương.

BS. NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG

Vietbao (Theo: Sức khỏe & Đời sống)
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

ĐỜI SỐNG
Thứ bảy, 17/10/2009, 08:01 GMT+7

E-mail Bản In
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng nặng
Thấy người bị sốt, chị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua thuốc về uống nhưng sau 3 ngày vẫn không đỡ mà còn thấy đi tiểu ra máu, xuất hiện nốt mẩn đỏ dưới da. Chị phải đi cấp cứu trong tình trạng sốt cao li bì, trụy mạch.
> Sốt xuất huyết bùng nổ tại Hà Nội
Chị Thu bị sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm nhanh, có thể xuất huyết não và phải cấp cứu truyền tiểu cầu.
Bác sĩ Chu Thị Dự, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, trường hợp của chị Thu không phải là hiếm trong dịch sốt xuất huyết hiện nay. Trước đó, ngày 6/10, bệnh viện cũng tiếp nhận một ca sốt xuất huyết dạng Dangue độ 2, tiểu cầu giảm dưới 1 (đây là mực tiểu cầu rất thấp, bình thường dưới 50 đã phải truyền tiểu cầu). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị xuất huyết đường tiêu hóa, tổn thương gan, men gan tăng. Virus đã đánh thẳng vào gan, gây tổn thương gan và làm giảm tiểu cầu.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chen chúc trên các giường điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Nam Phương. Chỉ ít ngày sau đó, cơ sở này lại phải chuyển một bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Đây là một nam thanh niên 31 tuổi, sau 2 ngày bị sốt vào viện xét nghiệm đã thấy tiểu cầu giảm nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm cơ tim. Nguyên do có thể là virus tấn công thẳng vào cơ tim.
Theo bác sĩ Dự, năm nay virus sốt xuất huyết có độc lực cao, đánh thẳng vào gan hoặc các tạng khác gây viêm tụy cấp, tăng men gan, tràn dịch màng phổi. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân giảm tiều cầu nặng, sốc, trụy mạch...​
"Cũng vì có nhiều ca nặng, lại thêm số lượng bệnh nhân đông (các giường đều ghép 2-4 người) nên bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng. Có bệnh nhân đợi 1-2 ngày vẫn chưa có tiểu cầu để truyền", bác sĩ Dự cho biết.
Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, tình trạng tiểu cầu giảm rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong. Vì thế, bệnh viện phải ưu tiên truyền cho những ca nặng hơn (tiểu cầu giảm cực thấp hoặc xuất huyết). Những trường hợp nào không đợi được, phải vận động người nhà hiến máu.
Bác sĩ Trần Duyên, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cũng cho biết, nếu như trong tháng 7, bệnh viện chỉ sử dụng 17 đơn vị tiểu cầu thì đến tháng 9, bệnh viện đã truyền khoảng 55 đơn vị.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số ca nhập viện do sốt xuất huyết cũng tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Theo một bác sĩ của bệnh viện này, số ca đến khám nhiều đến mức bệnh viện chỉ đủ chỗ thu dung các bệnh nhân rất nặng, còn các bệnh nhân nhẹ (tiểu cầu giảm ít) đành phải cho về chữa ở nhà.
Tình hình tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng tương tự. Nhu cầu về tiểu cầu để điều trị sốt xuất huyết tăng 4-5 lần. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân cần được truyền máu, tiểu cầu. Bệnh viện cũng đăng kí lấy máu tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nhưng mỗi lần chỉ được lấy khoảng 4 đơn vị tiểu cầu và chỉ sử dụng cho những trường hợp bệnh quá nặng.
Giải thích về vấn đề thiếu tiểu cầu, ông Ngô Mạnh Quân, thuộc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, do dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát mạnh nên nhu cầu về tiểu cầu của các bệnh viện rất cao. Nhưng lượng người hiến máu tình nguyện ít nên không thể thu gom, phân tách được đủ lượng cần thiết (để có được một đơn vị tiểu cầu phải trộn 4 đơn vị máu, tương đương 4 người cho cùng nhóm máu).
Nam Phương
 
2,801
0
0

muathu

New Member
Ðề: Sốt xuất huyết những điều cần quan tâm

Có bài này cũng Sốt xuất huyết của BS Đỗ Hồng Ngọc post lên để các mẹ tham khảo

Không đùa với Sốt xuất huyết!

Trong mùa có dịch Sốt xuất huyết (SXH) như hiện nay, tốt nhất là phải cảnh giác. Khi có một trẻ bị sốt cao trong gia đình, phải nghĩ ngay đến SXH, theo dõi ít nhất một tuần lễ, rồi sau đó nếu không phải là SXH thì ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm được! Vì sao? Vì SXH là một thứ bệnh diễn biến rất khó lường! Cho đến nay, SXH vẫn là thứ bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc chủng ngừa. Nhờ tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi, tỷ lệ tử vong thấp, khiến ta dễ chủ quan. Thực tế, ở những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, nhiều khi còn “không rõ nguyên nhân”! Bệnh diễn biến rất bất ngờ. Mới thấy trẻ “không sao cả” bỗng rơi vào sốc, trụy tim mạch, rối lọan đông máu, co giật, lúc đó thì đã hết sức khó khăn! Tình trạng đó, bác sĩ gọi là SXH độ IV, hy vọng mong manh! Tóm lại, mùa này, một trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày liền (sốt trên 39 độ C), khó làm hạ sốt ( uống thuốc hạ sốt không ăn thua, vẫn sốt lại như thường) lại sốt suông ( không kèm ho, ỉa chảy như các lần trước…) thì … “chắc chắn” là SXH rồi, không cần phải chờ kết quả xét nghiệm gì nữa mà phải đưa ngay đến bệnh viện. Tại bệnh viện, bác sĩ cho thử máu- thậm chí thử nhiều lần- cũng chỉ là để theo dõi xem lúc nào thì cần phải can thiệp, nghĩa là phải truyền dịch, thế thôi. Bệnh nguy hiểm nhất vào ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, đó là thời điểm dễ rơi vào “sốc”, trở tay không kịp! Năm xưa, một đứa cháu của một nhà văn nổi tiếng ở miền Trung bi sốt cao ba ngày liền, đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo viêm họng, không phải sốt xuất huyết, còn thề thốt nếu cháu bị SXH thì ông sẽ … từ chức, bỏ nghề! Kết quả, đứa bé… tử vong vì SXH! Vụ đó đưa đến kiện tụng dai dẳng khá lâu, không biết rồi sau ra sao.

SXH được chia làm 4 độ. Độ I và độ II là SXH nhẹ, không cần chữa cũng khỏi, uống nước lã cũng khỏi (nên nhiều thầy “bảo đảm” chữa khỏi SXH chính là chữa dạng này!). Cũng may, lọai SXH nhẹ như vậy chiếm đến 80% các trường hợp. Chỉ có khỏang 20% trường hợp có thể chuyển sang độ III và chừng 1% chuyển sang độ IV. SXH độ III, phải đựơc chữa tại bệnh viện. Bệnh viện có chuyên khoa nhi, khoa nhiễm càng tốt. Vấn đề là làm sao biết lúc nào bệnh chuyển từ độ II sang độ III? Có một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm với điều kiện phải được theo dõi thật sát. Ai theo dõi sát? Chính là phụ huynh, ngừơi nhà của trẻ chớ không phải ai khác. Vì trong mùa dịch, các bác sĩ điều dưỡng đều tràn ngập, đầu tắt mặt tối, không thể theo dõi kỹ trên từng bệnh nhân như người nhà được! Vả lại việc theo dõi các dấu hiệu này cũng dễ, ai cũng làm được. Dấu hiệu chuyển từ độ II sang dộ III là đột nhiên trẻ kêu đau bụng (đau nhiều hơn, đau vùng hông phải), bứt rứt, lăn lộn, kêu khát nước, da đổi sắc ( bầm bầm, tím tái), tay chân lạnh, mạch nhảy nhanh và nhẹ… Chỉ chừng ấy thôi là đủ để báo động ngay cho bac sĩ. Can thiệp kịp thời sẽ có hiệu quả tốt.

Tóm lại, không đựơc chủ quan, không đùa với SXH.. Gia đình cần biết cách theo dõi chứ không nên “khoán trắng” cho nhân viên y tế đang bị quá tải. Cũng nên nhớ rằng SXH hiện nay không chỉ xảy ra ở trẻ em, mà ở cả người lớn, tuy vậy, lứa tuổi từ 3-8 vẫn là lứa tuổi có nguy cơ cao nhất. Cũng đừng quên “Không có lăng quăng thì không có SXH”! Và Y tế một mình dù ba đầu sáu tay cũng không thể làm… hết lăng quăng được!

BS Đỗ Hồng Ngọc
 
Top