Stress ở người già

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Stress ở người già


SGTT.VN - Stress thường được gắn cho những người bận rộn với công việc, học hành. Tuy nhiên, ở người cao tuổi (được xem là trên 60 tuổi), khi mà hoạt động chính không phải là làm việc, học tập thì stress vẫn xảy ra. Và, nếu không được giải toả kịp thời, stress nơi người cao tuổi vẫn có khả năng gây tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của chính các bác, các cụ và ảnh hưởng đến người thân, gia đình.

Khó phát hiện


hình chỉ mang tính minh hoạ Ảnh: Hải Thanh

Ở người cao tuổi, những biểu hiện tâm lý của stress như sự căng thẳng, buồn bực, giảm sút trí nhớ, cáu gắt… thường được cho là những đặc điểm tâm lý chung của người già. Những biểu hiện thể lý của stress như đau dạ dày, đau đầu, nhức mỏi, dị ứng, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức đề kháng… cũng thường được cho là biểu hiện của cơ thể lão hoá. Do đó, stress nơi người cao tuổi thường khó được phát hiện sớm.

Lý do nữa làm cho việc phát hiện stress nơi người già chậm hơn, đó là, về giao tiếp, người cao tuổi thường có môi trường giao tiếp hẹp, chủ yếu là giao tiếp trong gia đình, đã vậy, thời gian nói chuyện, trao đổi thường ít (do các thành viên khác trong gia đình thường bận rộn). Việc ít trao đổi cũng làm giảm những tình huống dễ phát hiện ra stress.

Về chủ quan, chính người cao tuổi cũng khó nhận ra tình trạng stress của mình, bởi đi cùng với sức khoẻ giảm sút so với giai đoạn trước đó là sự giảm sút độ bén nhạy của các giác quan, giảm khả năng cảm nhận về cơ thể.

Ở người cao tuổi, trạng thái thể lý và tinh thần liên quan mật thiết với nhau, gần giống ở trẻ em (vậy nên mới có ý kiến cho rằng “tuổi già là sự quay lại làm trẻ con lần nữa”). Mọi dấu hiệu của bệnh tật đều làm gia tăng sự lo lắng dẫn đến căng thẳng. Ngược lại, trạng thái tinh thần buồn bã, ức chế, bất an đều có khả năng làm cho các triệu chứng bệnh lý thể chất trở nên tăng nặng hoặc kéo dài khó điều trị.

Nguyên nhân gây stress và cách chăm sóc

Có nhiều nguyên nhân đưa đến stress nơi người cao tuổi. Nguyên nhân chính trực tiếp là sự lão hoá sinh học, trong đó đáng kể là sự lão hoá của hệ thần kinh, kéo theo sự suy giảm trí nhớ và giảm khả năng ngôn ngữ. Khi không diễn đạt được trôi chảy ý nghĩ bằng lời nói, sự lo âu tăng lên do cảm thấy người khác không hiểu mình. Trí nhớ giảm làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt, nhạy bén của tư duy. Về phương diện tâm lý, khi không tiếp tục làm việc, ngoài việc môi trường giao tiếp bị thu hẹp, phải kể đến cảm giác hụt hẫng do cảm thấy bị mất mát thu nhập, địa vị, quyền lực. Trong gia đình, cảm giác cô đơn gia tăng rõ hơn do con cái hầu hết đã có cuộc sống riêng. Nguyên nhân quan trọng nữa phải kể đến là cảm giác bất lực trong việc làm chủ cuộc sống của bản thân, bất lực ngay cả trong chuyện tưởng chừng như hiển nhiên là vận động, cảm thấy mình lệ thuộc, làm phiền, trở thành gánh nặng cho con cháu. Một yếu tố tâm lý sâu xa khó chấp nhận đó là khi chứng kiến thời gian trôi đi, cũng là lúc người cao tuổi biết mình đang tiến đến gần hơn với thời khắc rời bỏ cuộc sống. Cộng lại những yếu tố như trên, áp lực đặt lên người cao tuổi là rất lớn, gây nên stress, rối loạn lo âu.

Để giúp ông bà, cha mẹ thích ứng với stress và giải toả được stress, những người làm con, làm cháu cần đặc biệt chú ý đến tâm lý muốn được quan tâm của ông bà, cha mẹ mình. Ngoài sự chăm lo về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, những hành động chăm sóc hỏi han từ người thân luôn là món quà khích lệ vô giá đối với người cao tuổi. Luôn trò chuyện, lưu tâm đến sinh hoạt của ông bà, cha mẹ là cách giúp sớm phát hiện những triệu chứng bất thường. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để ông bà, cha mẹ đến với những hoạt động cộng đồng, cũng là cách giúp ngăn ngừa stress. Cập nhật thông tin, cung cấp các loại hình văn hoá, giải trí phù hợp cũng là cách tích cực giúp người cao tuổi cảm thấy mình không bị bỏ rơi trong cuộc sống.

ĐOÀN BẮC VIỆT TRÂN
CHUYÊN VIÊN TÂM LÝ – ĐƠN VỊ TÂM LÝ – SỨC KHOẺ TÂM THẦN,
TRUNG TÂM PHÒNG CHỐNG CHẤN THƯƠNG VÀ BỆNH KHÔNG LÂY TP.HCM.

http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/147115/St...nguoi-gia.html
 
Top