Sự bất lực của nhà từ thiện

10,139
24
38

ALnML

Super Moderator
Cập nhật lúc 08/04/2013, 06:55 (GMT+7)

Sự bất lực của nhà từ thiện


(GD&TĐ) - Cả xã hội mình đang có phong trào làm từ thiện. Người người, nhà nhà, cơ quan, đoàn thể làm từ thiện. Làm từ thiện từ sáng đến tối. Mà mình, vừa bán cái nhà mặt phố được thừa kế, tiền gửi ngân hàng cả lố cả bịch, số lãi giúp mình không phải làm gì vẫn ung dung, thế mà không đi làm từ thiện thì để cả xã hội nó chửi cho vỡ mẹt à! Thế là mình đi làm từ thiện. Mình nhận nuôi 5 đứa trẻ mồ côi dân tộc Giấy ở huyện Mèo Vạc. Tháng nào mình cũng gửi theo xe đò lên cho chúng nào áo quần, mỳ tôm, gạo, sách vở, thuốc cảm cúm thuốc đau bụng... Thế là tốt rồi chứ. Cẩn thận hơn, mình nhờ một anh cán bộ xã nơi chúng cư trú để mắt trông nom, vì dù là mẹ nuôi nhưng mình không thể ở với chúng nơi đèo heo hút gió ấy được, mình còn phải ở thành phố sẵn chốn ăn chơi, ngoại giao ngoại thớt cho thỏa bản tính hướng ngoại của mình chứ. Một ngày đẹp giời, anh cán bộ xã điện thoại bảo, chị lên Mèo Vạc ngay có chuyện nhớn. Mình hốt hoảng bắt xe 9h tối, trèo đèo lội suối tới nơi, thì ra con chị nhớn nhao phổng phao nhất, tưởng trông cậy được vào nó chăm sóc đàn em, thì nó tót đi lấy chồng dù mới 16 tuổi. Thằng em kế nó mới 14 tuổi đã sinh tật xấu, lén mang thùng mỳ mẹ nuôi gửi cho đi đổi rượu uống, say bí tỉ còn đánh đập các em rồi dọa đốt nhà.


Chết chửa, chúng có cái ăn mà không được giáo dục học hành thì cũng hỏng cả. Mình sắp xếp cho những đứa còn lại đến trường học. Xong xuôi đâu đấy mới yên tâm ra về thành phố.
Lại một ngày đẹp giời, anh cán bộ xã điện thoại giật mình lên vùng cao. Thì ra những đứa con nuôi xa mẹ đã bỏ học từ lâu, sách vở đem đổi thịt, rượu hết ráo! Mắng tại sao bỏ học, tại sao uống rượu, chúng cụp mắt nói học cái chữ khó quá đau đầu, buồn quá nên uống rượu. Thôi thì sắm cho chúng đôi dê giống, đàn gà, con lợn để chúng tự tăng gia sản xuất mà nuôi nhau. Sau đó mình về thành phố mà lòng chẳng mấy an tâm. 3 tháng sau, vào một ngày thật rét, rét đậm rét hại, lại điện thoại của anh cán bộ xã lôi mình lên vùng cao. Vào nhà tụi con nuôi mình mới tá hỏa: đứa bé nhất mới lên 5 tuổi, sốt cao mắt lờ đờ, hạch hai bên quai hàm sưng lệch mặt, thế mà vẫn cởi truồng nằm đấy. Quần áo mình gửi cho chúng thì vứt cả đụn trên giường, chất cả chùm trên dây. Nghe mình cằn nhằn, đứa chị mới tìm quần mặc cho em, trời thì lạnh cắt da cắt thịt! Bó tay với bọn trẻ này, chả lẽ mình phải sống 24/24 với lũ trẻ này để uốn nắn dạy bảo chúng ư? Vậy thì ai bay nhảy cho mình đây? Mình không muốn làm một con mẹ đần sống nơi hẻo lánh. Đưa con bé út đi cấp cứu, để đứa chị nó ở lại chăm nó, mình lại nhào trở về Hà Nội. Được 5 ngày, anh cán bộ xã gọi điện thông báo, đứa trẻ đã được cứu sống, giờ đã ăn được cháo, nhưng bệnh viện đòi thêm tiền, mẹ nuôi phải gấp rút gửi tiền lên. Tiền viện phí á? Cháu còn ở bệnh viện sao đã đòi viện phí. Không phải viện phí, anh cán bộ cười khùng khục, bọn trẻ quen thói đi vệ sinh không rửa nước hay dùng giấy toilet, mà cứ bẻ que tre gạt, xong vứt vào hố xí bệt làm tắc, bệnh viện phải thuê dịch vụ thông tắc, giờ thì mẹ nuôi phải trả phí dịch vụ ấy đi! Mình lăn ra sàn ngất, mãi mới tỉnh. Thôi từ rày, bắt chước xã hội, mình làm từ thiện theo công thức lên truyền hình mua đấu giá món gì đó, vừa được lên ti vi, lại được tiếng thiện tâm, khỏi nhọc đến một cọng lòng!
Cừu Thị Đan Len
 
Top